Tổng quan nghệ thuật công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh

Nghệ thuật công cộng (NTCC) là cụm từ được sử dụng để chỉ tất cả các tác phẩm nghệ thuật, được làm bằng mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác, được xây dựng, sắp đặt ở những địa điểm công cộng nhằm phục vụ mọi người dân trong các cộng đồng xã hội.

Hiện nay, có nhiều khái niệm về nghệ thuật cộng cộng, nhưng qua nghiên cứu, theo tác giả, NTCC là các tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tranh… được các nhà kiến trúc sư, họa sĩ và nhà thiết kế (degsiner) sáng tác, được đặt để xây dựng trong không gian đô thị bằng đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ tạo hình, bao gồm hình, khối, đường nét, màu sắc…, biểu đạt nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội, nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa và cuộc sống con người, nhằm kiến tạo không gian, môi trường thẩm mỹ đô thị. Như vậy, NTCC ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là những công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tranh được bày đặt, xây dựng trong không gian công cộng, nhằm hướng tới giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí cho mọi đối tượng trong xã hội.

Nghệ thuật kiến trúc

Nghệ thuật kiến trúc TP.HCM có thể được chia làm bốn loại chính: kiến trúc truyền thống; kiến trúc phong cách Đông Dương; kiến trúc giai đoạn 1960-1973; kiến trúc hiện đại.

Trong đó, nghệ thuật kiến trúc Đông Dương nổi trội hơn cả về quy mô và giá trị thẩm mỹ, như: khách sạn Continental, được khởi xây vào năm 1878. Ngày nay, khách sạn là một trong những tòa nhà lâu đời bậc nhất ở thành phố. Nhưng nét kiến trúc xưa với mái ngói đỏ, bức tường gạch, trần nhà cao và phòng khách rộng rãi vẫn được giữ nguyên, một vẻ đẹp của sự kết hợp thẩm mỹ Đông – Tây. Tòa nhà Bưu điện Thành phố, tọa lạc tại Quận 1, được người Pháp xây dựng trong khoảng 1886-1891. Kiến trúc của tòa nhà cũng mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông. Bến Nhà Rồng, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, được xây dựng từ năm 1862 với nhiệm vụ ban đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Hầu như toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng vẫn còn nguyên vẹn cho đến hiện tại, là một dấu ấn, di sản kiến trúc, trở thành điểm đến của du khách trong ngoài nước, điểm tham quan nổi tiếng. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM được xây theo lối kiến trúc Đông Dương cách tân, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, khởi xây vào năm 1926, là một minh chứng điển hình cho vẻ đẹp của kiến trúc mang phong cách Đông Dương tại Sài Gòn: sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa của Việt Nam và phong cách Tân cổ điển Pháp. Ngoài ra còn nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương khác có giá trị thẩm mỹ như tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Nhà hát Thành phố, tòa nhà UBND TP…

Về kiến trúc trong giai đoạn 1960-1973, tiêu biểu là tòa dinh Độc Lập, được xây dựng lại từ năm 1962, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Mặt trước được trang trí bằng các tấm bê tông thẳng đứng, vừa để che chắn tòa nhà khỏi sự quan sát bên ngoài và để bảo vệ bên trong. Hai mặt của tòa nhà được trang trí với thiết kế mặt hổ. Ngoài ra, hiện nay ở thành phố còn có một vài công trình kiến trúc thời kỳ như trụ ​​sở của Công ty Điện lực Thành phố, được xây dựng trong khoảng năm 1965-1973, cư xá Thanh Đa… Kết cấu của phần ngoài những tòa nhà này thường gồm thanh bê tông đặc trưng, thẳng đứng trên ban công, với trục hành lang là hệ thống nan che nắng, điều hòa không khí cho công trình.

Kiến trúc hiện đại ngày nay có nhiều công trình cao tầng, nhưng nghệ thuật kiến trúc công cộng không nhiều. Có một số công trình tiêu biểu như Nhà hát Hòa Bình (Quận 10, khánh thành năm 1985), Nhà hát Quân đội (quận Tân Bình, năm 2009)…

Nghệ thuật điêu khắc

Tượng đài, điêu khắc hoành tráng

Nghệ thuật điêu khắc công cộng ở TP.HCM có hai dạng chính: điêu khắc phỏng theo đề tài, hình thức nghệ thuật truyền thống và điêu khắc hiện đại, phản ánh sự kiện, nhân vật đương thời…

Điêu khắc hoành tráng, đặc biệt là lĩnh vực tượng đài tại TP.HCM đã và đang là những vấn đề bức xúc, tốn phí nhiều giấy mực đối với dư luận xã hội và giới chuyên môn đánh giá về chất lượng nghệ thuật, điểm đặt, môi trường cảnh quan… Nghệ thuật điêu khắc công cộng ở thành phố có thể được chia làm hai giai đoạn: trước và sau năm 1975.

Một số công trình điêu khắc công cộng xây dựng trước năm 1975 ở các trung tâm Sài Gòn – Chợ Lớn hiện còn như: Tượng Trần Hưng Đạo (Bến Bạch Đằng, Q.1) cao 4m, đặt trên bệ tượng cao 12m, chất liệu xi măng cốt sắt; tượng Trần Nguyên Hãn (chợ Bến Thành, Q.1) cao 3m, đặt trên bệ cao 7m, chất liệu xi măng cốt sắt; tượng Thánh Gióng, cao 6m (gồm cả bục bệ, ngã sáu Phù Đổng, Q.1), chất liệu xi măng cốt sắt; tượng An Dương Vương, cao 12m (gồm cả bục bệ, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, Q.10); tượng Phan Đình Phùng (phía trước tòa nhà Bưu điện Q. 5), cao 2m, đặt trên bệ cao 2,5m, chất liệu xi măng cốt sắt; tượng Quang Trung, cao 7m (gồm cả bục bệ, cổng chợ Nguyễn Tri Phương, Q.10), chất liệu xi măng cốt sắt; tượng Lê Lợi, cao 5,5m gồm cả bục bệ, chất liệu xi măng cốt sắt, ban đầu được đặt ở giao lộ Hùng Vương – Ba Tháng Hai, nay đã được di dời về công viên Phú Lâm; tượng đài Đức Bà Hòa Bình (quảng trường nhà thờ Đức Bà, Q.1) cao 5m, đặt trên bệ tròn cao 3,2m, chất liệu đá cẩm thạch Ý; tượng Khổng Tử có tổng chiều cao 5m, chất liệu đá cẩm thạch trắng, xây dựng tại đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5; biểu tượng Hồ Con Rùa có tổng chiều cao khoảng 15m, chất liệu bê tông cốt thép, xây dựng tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Tần, Q.3… cùng một số tượng ca ngợi, hoặc có hình tượng các chiến binh quân đội cũ, đã bị quân dân ta kéo sập và đập bỏ khi tiếp quản thành phố.

Nghệ thuật điêu khắc công cộng ở TP.HCM
đã có những bước phát triển – Ảnh: Văn Dương

Kể từ sau ngày thống nhất đất nước cho đến nay, TP.HCM đã xây dựng được 40 công trình và phân bố đều khắp tại các quận, huyện.

Quận 1 có các công trình tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, cao 3,5m, theo mẫu của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, được đúc bằng chất liệu đồng, xây dựng năm 1993 tại quảng trường trước UBND thành phố; tượng đài Trần Văn Ơn cao 3,5m, tác giả mẫu thiết kế là Lâm Quang Nới, chất liệu đúc đồng, xây dựng năm 2006 tại công viên Pasteur; tượng đài Đuốc sống cao 8m, theo mẫu của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, chất liệu bê tông cốt thép, xây dựng năm 1985 tại công viên Lê Văn Tám; tượng đài Bưu điện thời kỳ kháng chiếnBưu điện thời kỳ hiện đại cao 0,5m của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, thực hiện bằng chất liệu đồng đỏ, xây dựng năm 2000 tại công viên phía trước tòa nhà Bưu điện trung tâm thành phố; tượng chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cao 4m, mẫu của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong, thực hiện bằng chất liệu đồng, xây dựng năm 2000 tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng; tượng đài Chiến thắng, cao 7m, mẫu của nhà điêu khắc Đinh Quang An, thực hiện bằng chất liệu bê tông giả đá, năm 2006, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Quận 3 có các công trình phù điêu Nguyễn Văn Trỗi, diện tích 10m2, của tác giả Nguyễn Văn Rol, chất liệu bê tông cốt thép giả đồng, xây dựng năm 2005 tại công viên ở ngang đầu cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi); tượng đài Bà má miền Nam, cao 5m, theo mẫu của tác giả Nguyễn Thanh Bình, chất liệu đúc đồng, xây dựng năm 1990 trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; tượng đài Thích Quảng Đức cao 4m và chung quanh có 90m2 phù điêu của hai nhà điêu khắc Võ Công Chiến và Võ Công Thắng, chất liệu đồng đỏ, xây dựng năm 2010 tại công viên góc đường Cách mạng tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu.

Quận 4 có công trình tượng đài Nguyễn Tất Thành, cao 5m, mẫu của nhà điêu khắc Phạm Mười, chất liệu đồng đúc, xây dựng năm 2003 tại khuôn viên trước Bảo tàng Hồ Chí Minh (bến Nhà Rồng). Quận 5 có công trình tượng đài Đoàn kết các dân tộc, cao 5m, mẫu của hai nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Thành Thi, chất liệu đá granite, xây dựng năm 1999 tại vườn hoa Văn Lang. Quận 6 có công trình bia tưởng niệm và phù điêu Truyền thống Quận 6, diện tích 25m2, của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, được thực hiện bằng chất liệu bê tông giả đồng, xây dựng năm 1995 tại công viên nhỏ nằm trên đường Hậu Giang. Quận 7 có công trình tượng chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cao 6m, mẫu của nhà điêu khắc Ngô Liêm, chất liệu đồng và đá, xây dựng năm 2010 tại công viên phía trước Đại học Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Hữu Thọ.

Quận 9 có các công trình tượng đài Bà mẹ, mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, tổng thể tượng cao 25m, được thực hiện bằng đá Phú Yên và mảng phù điêu bằng đồng, diện tích khoảng 100m2, cùng với ba nhóm tượng nhỏ, được xây dựng năm 1990 tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố; tượng đài Chiến thắng Nam Thủ Đức, cao 11m, mẫu của Lâm Quang Nới, chất liệu xi măng cốt thép, xây dựng năm 1993 tại vùng căn cứ cách mạng Vùng Bưng 6 xã. Quận 10 có các công trình tượng đài Công nhân đấu tranh, cao 9m, mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, chất liệu đá Phú Yên, xây dựng năm 1988 tại bùng binh ngã sáu Lê Hồng Phong; bia, phù điêu Truyền thống Vườn Lài, diện tích 30m2, của Nguyễn Xuân Tiên, chất liệu bê tông giả đồng, xây dựng năm 1996 tại góc đường Ngô Gia Tự – Vĩnh Viễn; phù điêu Chân dung đồng chí Trần Phú, diện tích 40m2, theo mẫu của hai tác giả Võ Công chiến và Nguyễn Trung Tín, chất liệu đá granite, xây dựng năm 2005 tại công viên Lê Thị Riêng. Quận 12 có công trình phù điêu Tưởng niệm Chiến khu An Phú Đông, tổng diện tích 75m2, theo mẫu của nhà điêu khắc Trần Thanh Nam, chất liệu bê tông giả đồng, xây dựng năm 2006 tại An Phú Đông.

Quận Thủ Đức có các công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cao 3,6m, theo mẫu của Lâm Quang Nới, chất liệu bê tông và đá mài, xây dựng năm 1997 tại khuôn viên Nhà truyền thống quận Thủ Đức; tượng đài Chiến thắng Bắc Thủ Đức, cao 8m và 16m2 phù điêu của Lâm Quang Nới, chất liệu bê tông giả đá, xây dựng năm 1995 tại địa điểm phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968; tượng đài Lý Tự Trọng, cao 4,5m, theo mẫu của Trần Thanh Nam, chất liệu bê tông giả đồng, xây dựng năm 2005 tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng; tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cao 7m, theo mẫu của Nguyễn Xuân Tiên, thực hiện bằng chất liệu đá granite, xây dựng năm 2010 tại khuôn viên Trường Đại học An ninh nhân dân.

Quận Bình Thạnh có tượng đài Hải Quân anh hùng, cao 6m, theo mẫu của Lâm Quang Nới, chất liệu bê tông cốt thép sơn giả đồng, xây dựng năm 2000 trước Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 – Hải Quân – Đơn vị đường Hồ Chí Minh (tại Tân Cảng); biểu tượng Chiến công cầu Thị Nghè năm 1945, cao 7m, tác giả Nguyễn Xuân Tiên, chất liệu đá granite Vũng Tàu, xây dựng năm 2014 tại đường Trường Sa.

Quận Tân Bình có công trình tượng đài Trận đánh kho bom Phú Thọ Hòa, cao 18m, mẫu của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, được thực hiện bằng đá granite, xây dựng năm 2001 tại trung tâm di tích Kho bom Phú Thọ Hòa trên đường Nguyễn Thị Nhỏ. Quận Gò Vấp có công trình tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, cao 4m, mẫu của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, chất liệu đá trắng Đà Nẵng, xây dựng năm 2005 tại khuôn viên Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Gò Vấp. Quận Tân Phú có công trình tượng đài Chiến sĩ Mậu Thân, cao 8m, chất liệu bê tông cốt thép, đá rửa màu nâu nhạt, xây dựng năm 1982 tại nơi diễn ra trận đánh.

Huyện Bình Chánh có các công trình tượng đài Láng Le – Bàu Cò, cao 8m, mẫu của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, chất liệu bê tông cốt sắt, đá mài màu xám, xây dựng năm 1986 tại Trung tâm khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò, nơi căn cứ địa cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tượng đài Dân công hỏa tuyến cao 5,5m, mẫu của Nguyễn Xuân Tiên, chất liệu đồng đỏ, xây dựng năm 2007 tại khu di tích lịch sử Vĩnh Lộc A – Bình Chánh. Huyện Hóc Môn có các công trình tượng đài Các chiến sĩ cách mạng cao 4,5m, mẫu của tác giả Nguyễn Thái Bình, chất liệu bê tông cốt sắt, xây dựng năm 1984 tại khu di tích Cầu Xáng – Hóc Môn; tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa, cao 5,5m, mẫu của Lâm Quang Nới, chất liệu bê tông cốt sắt, xây dựng năm 1990 tại trước Nhà truyền thống quận Hóc Môn; quần thể tượng đài, phù điêu Ngã Ba Giồng, mẫu của nhóm tác giả Bùi Hải Sơn, Nguyễn Thành Thi và Lâm Quang Nới, chất liệu đá granite, xây dựng năm 2010 tại Khu di tích lịch sử Xuân Thới Thượng – Hóc Môn.

Huyện Củ Chi có các công trình phù điêu ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi, diện tích 50m2, mẫu của Nguyễn Thanh Bình, thực hiện bằng bê tông cốt sắt sơn giả đồng, năm 1996; ở nghĩa trang này, năm 2010, có xây dựng một tượng đài, cao 4m, mẫu của tác giả Nguyễn Văn Rol, chất liệu bê tông cốt sắt; biểu tượng Hồn thiêng đất nước, cao 16m, mẫu của Phan Gia Hương, chất liệu đá granite, xây dựng năm 2003 tại đền Bến Dược – Củ Chi; tượng đài Củ Chi đất thép thành đồng, cao tổng thể 12m, mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng, chất liệu đá granite, xây dựng năm 2005 tại thị trấn Củ Chi. Huyện Cần Giờ có tượng đài Đặc công rừng Sác, cao 4m, mẫu của nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh, chất liệu composite, xây dựng năm 2000 tại căn cứ Rừng Sác thuộc lâm viên Cần Giờ, một di tích lịch sử cách mạng của Đoàn 20 Đặc công Rừng Sác thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tượng đài Chiến sĩ đặc công Rừng Sác Cần Giờ, cao 4m do một số quần chúng nhân dân phối hợp thực hiện, đắp trực tiếp bằng chất liệu xi măng cốt sắt, tại trung tâm thị trấn Cần Giờ.

Các công trình điêu khắc hoành tráng trong không gian đô thị TP.HCM sau năm 1975, đặc biệt từ 1986 đến nay, đã được thực hiện theo một quy trình đúng bài bản, khoa học nên có chất lượng nghệ thuật tương đối tốt. Một số công trình thực sự đã là niềm tự hào cho địa phương và khu vực; là nơi giới thiệu về lịch sử, đất nước, con người, những chiến công hào hùng của dân tộc, của quê hương cho thế hệ sau và mọi du khách gần xa, góp phần làm rạng danh quê hương.

Tuy vậy, hầu hết các công trình chỉ có một phong cách thể hiện duy nhất là tân cổ điển, tạo hình theo cách tả chân, có cách điệu đôi chút về hình khối. Nhiều công trình vẫn giống nhau về bố cục và cách thể hiện nên chưa khẳng định được phong cách riêng của từng tác giả, đồng thời vẫn còn nhiều bất cập về cách tiếp cận không gian, điểm đặt, chất liệu, nội dung.

Qua khảo sát và nghiên cứu hiện trạng hệ thống điêu khắc hoành tráng trên địa bàn 24 quận, huyện trong thành phố của tác giả, có một thống kê khái quát như sau:

– 17 công trình thể hiện về nhân vật lịch sử, chiếm 34%;

– 21 công trình thể hiện về đề tài lịch sử, chiếm 42%;

– 1 công trình thể hiện về danh nhân văn hóa, chiếm 2%;

– 1 công trình thể hiện về đề tài tôn giáo, chiếm 2%;

– 10 công trình thể hiện đề tài mang tính biểu tượng, chiếm 20%.

Nếu xét về khía cạnh thể hiện chất liệu, có:

– 26 công trình thể hiện bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt, chiếm 52%;

– 13 công trình thể hiện bằng chất liệu đá (cẩm thạch, granít), chiếm 26%;

– 10 công trình thể hiện bằng chất liệu đồng, chiếm 20%;

– 1 công trình thể hiện bằng chất liệu nhựa tổng hợp (composite), chiếm 2%.

Các công trình điêu khắc hoành tráng của thành phố thể hiện về đề tài nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử đang đóng vai trò chủ đạo chiếm tỷ lệ 76%, và hiện còn một số công trình đã triển khai dở dang hay chuẩn bị triển khai, như tượng đài Nam Bộ kháng chiến, Thống nhất… Đa số các công trình hoành tráng này từ phù điêu đến tượng đài đều được thể hiện theo cùng một phương pháp tả chân, để đảm bảo trung thành với tính lịch sử và đặc điểm các nhân vật. Do đó, hiện nay, thành phố còn thiếu vắng nhiều các công trình điêu khắc hoành tráng mang tính biểu tượng, kết hợp giữa hình khối kiến trúc và điêu khắc, thể hiện những đề tài về văn hóa vùng miền, nét đẹp thẩm mỹ đặc trưng của thành phố.

Đa số các công trình điêu khắc hoành tráng (tượng đài, phù điêu, biểu tượng) của thành phố được thực hiện bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt, chiếm tỷ lệ 52%; các công trình được thực hiện bằng đồng chỉ chiếm 20% và bằng đá 26%. Mặt khác, một số công trình có vị trí và chất lượng nghệ thuật không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu phát triển của thành phố, cần có những biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt là những công trình tượng đài xây dựng trước năm 1975 và những công trình tượng đài, phù điêu xây dựng sau 1975 bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt hay nhựa tổng hợp…

Các dạng công trình khác

Nghệ thuật điêu khắc trang trí trong công viên, vườn hoa ở TP.HCM tương đối phong phú. Có hàng trăm tượng về chân dung các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, thiếu nữ, con vật… nhưng ở dạng mô phỏng, ít giá trị nghệ thuật. Ở công viên văn hóa Đầm Sen, công viên Tao Đàn, công viên Đầm Sen, nghệ thuật kiến trúc kết hợp với nghệ thuật điêu khắc, lồng ghép các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Vua Hùng, Sự tích trăm trứng, Sơn Tinh – Thủy Tinh, chín tầng địa ngục, Tứ linh hội tụ Long – Lân – Quy – Phượng… Ngôn ngữ tạo hình cũng được lồng ghép giữa nghệ thuật điêu khắc truyền thống và hiện đại. Các tác phẩm điêu khắc trang trí phong phú hơn về chủng loại và hình thức nghệ thuật, nhưng mặt trái của nó tạo nên sự dàn trải, hỗn dung mang tính cưỡng ép.

Nghệ thuật tranh đường phố, nhất là tranh quảng cáo đa dạng sắc màu nhưng chưa có các tiêu chí để tạo tính hệ thống và thẩm mỹ đô thị. Các tranh graffiti có thể được xem là nghệ thuật khi người vẽ mượn mảng tường của cơ quan hay nhà máy để chia sẻ một thông điệp cuộc sống. Loại hình này mang tính tự phát, do vậy thiếu sự quản lý của các cơ quan liên quan. Nội dung hình thức thể loại này thường theo cảm tính, chủ quan của người vẽ. Trong khi đó, có không ít người phá hoại khi sử dụng không gian công cộng để bôi bẩn lên đó những dòng chữ vô nghĩa hoặc những bức tranh nguệch ngoạc, lem nhem.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp lý nào về quản lý tranh đường phố, các cá nhân, đơn vị, công ty có thể thuê hoặc tự vẽ trên các đường phố, tường của đơn vị mình. Do vậy, tranh đường phố ở TP.HCM vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, và hiệu quả thẩm mỹ chưa cao. Tuy vậy, cũng có một số bức tường trên đường Nguyễn Khoái, Quận 4, tạo ra một không gian sống động, góp phần làm đẹp không gian sống cho cộng đồng dân cư. Dải tường bao trước cổng Trường mầm non Sa Pa, Q.1, cũng trở nên sống động với tranh bích họa mang hình ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc, Tháp Rùa Hà Nội, tòa nhà Bitexco, bãi cát Phan Thiết… Loạt tranh vẽ về cảnh đẹp ba miền Tổ quốc, với những ruộng bậc thang hùng vĩ, em bé Sa Pa mím chặt môi vì giá lạnh cho đến những cánh rừng ngập mặn ở nơi cuối cùng đất nước đã hướng tới giá trị giáo dục và thẩm mỹ cho cộng đông dân cư đô thị.

Thay lời kết

Nhìn chung, nghệ thuật kiến trúc truyền thống, nghệ thuật kiến trúc công cộng mang phong cách Đông Dương ở TP. HCM và tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng Bác Hồ, tượng Trần Nguyên Hãn, Trần Hưng Đạo… và một số tượng trong công viên Suối Tiên, công viên Đầm Sen đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa đô thị cho thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, còn nhiều tượng trang trí trong công viên, vườn hoa được bày biện lộn xộn không mang hiệu quả thẩm mỹ; tranh đường phố chưa thực sự được phát huy hiệu quả và giá trị nghệ thuật mà mới chỉ dừng lại ở chỗ “tùy nghi biện lễ”, lấp không gian trống. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố cần quy hoạch định hướng xây dựng và quản lý nghệ thuật công cộng cho đồng bộ, khoa học và thẩm mỹ, hơn nữa cần phát huy nội lực, xã hội hóa trong vấn đề sáng tác, xây dựng nghệ thuật công cộng Bên cạnh đó, cần có chính sách duy tu, bảo dưỡng và chế tài quản lý nghệ thuật công cộng để loại hình nghệ thuật này phát triển và phát huy giá trị đích thực của nó, góp phần xây dựng hình ảnh đô thị TP.HCM văn minh, hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Dương, Mỹ thuật môi trường Thăng Long-Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 2012.

2. Nguyen Van Duong, Architecture and Environmental Art in Southern Provinces (Kiến trúc và nghệ thuật môi trường ở các tỉnh miền Nam), Vnufa, Studies on Vietnamese Fine Arts Scienific information Buletin, 2008.

3. Nguyễn Xuân Tiên, Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị Nam Bộ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (Bộ VHTTDL), 2014.

Tác giả: Nguyễn Văn Dương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *