Thích tìm kiếm những giá trị ẩn tàng dưới những gương mặt, những chân dung, mà ở đó bản chất con người được bộc lộ ra, Đinh Ý Nhi khá bền bỉ với cách vẽ của mình ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Tranh của chị mang vẻ giản dị, trầm lắng, đàn bà, hiện thực và cả một thái độ hậu hiện đại.
Đinh Ý Nhi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa, bố là họa sĩ và nhà giáo uy tín, thày Đinh Trọng Khang, chị gái và em trai cũng đều là những người gắn bó với mỹ thuật, hoặc là vẽ, hoặc giảng dạy. Chị tốt nghiệp khoa sơn dầu – Đại học mỹ thuật Hà Nội (nay là ĐHMT Việt Nam). Ngay từ khi trình làng triển lãm đầu tiên tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật (Hà Nội) năm 1995, Đinh Ý Nhi đã được xem như một hiện tượng lạ của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, bởi lối sử dụng thuần hai sắc đen trắng và những hình vẽ ít nhiều mang tính ngây ngô kiểu con trẻ. Ban đầu có thể xuất phát từ một hình thức lạ, nhưng cho đến nay, sau chặng đường dài 15 năm, chị thực sự là người bền bỉ với con đường sáng tạo của mình. Và cho dù đã có những thay đổi về chủ đề, cách khai thác, cảm nhận, nhưng trên những tác phẩm sau này của chị, người xem vẫn dễ dàng hình dung được chặng đường dài phía sau đó với một lối tư duy về nghệ thuật và cuộc đời “rất đàn bà”.
Đằng sau gương mặt trẻ thơ và những con số
Trong thập kỷ 90, TK XX, tiếp theo thành công về nghệ thuật và sau đó là thương mại của thế hệ họa sĩ Đổi mới, là sự xuất hiện của một thế hệ mới, được tiếp nhận trực tiếp những ảnh hưởng nghệ thuật thế giới và nhanh chóng tạo dựng cho cá nhân một nền tảng tri thức và thế giới quan rành mạch, riêng biệt, tiệm cận với ngôn ngữ tạo hình đương đại của thế giới nghệ thuật nói chung. Điểm chung đáng kể nhất của thế hệ này là họ không quá chú trọng vào con người, thân phận cá nhân đến mức biến cái cá nhân thành cái cá biệt và bé mọn, tự khu biệt với thế giới nhân loại rộng lớn bên ngoài; với thế hệ này, cái cá nhân vừa như là trung tâm của vũ trụ vừa chỉ như một xuất phát điểm để họ thuận tiện trong việc thể hiện quan điểm nhân sinh. Những tên tuổi đáng kể đến là, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, và thêm ít nhất hai nhân vật nữ: Đinh Thắm Poong và Đinh Ý Nhi
Trên những tác phẩm sơn dầu sau khi ra trường của Đinh Ý Nhi, từ hình ảnh những đứa trẻ bay với gam xanh trầm vẽ theo kiểu rất truyền thống của mỹ thuật Yết Kiêu, chị đột ngột chuyển hẳn sang vẽ những tác phẩm bột màu đen trắng. Có lẽ những bức tranh này chỉ có cùng chủ đề với nhau, nhưng về cơ bản loạt tranh đen trắng đã đi sang một lối khác. Cái khác này được nhìn nhận trên hai phương diện. Thứ nhất là cách thể hiện: bỏ qua hoàn toàn những biểu hiện được coi là truyền thống với bài bản đào tạo trong trường mỹ thuật. Thứ hai là lối tư duy: chị bắt đầu hướng theo tư duy thẩm mỹ của của nghệ thuật khái niệm (conceptual art). Dường như mục đích của các tác phẩm mới này là không quan tâm đến ngoại giới, Đinh Ý Nhi hướng cái nhìn vào thế giới nội tâm phức tạp. Trên hai sắc đen trắng, những khuôn mặt con trẻ hồn nhiên, thơ dại, phi giới tính, khi được khắc họa theo kiểu chân dung với con mắt mở to, ngơ ngác và hoảng hốt. Nhưng đôi khi, tính chất chân dung đó cũng không có nữa, chúng bị xóa nhòa chỉ còn lại những con số mang tính chất đại diện. Ở đó, những tự vấn về con người, hàm chứa nhiều mâu thuẫn và nghịch lý, khốc liệt mà cũng rất mơ hồ, được đặt ra.
Có lẽ do mục đích muốn thử nghiệm với những cách thức biểu đạt mới, nên Đinh Ý Nhi lúc này đã bỏ qua sơn dầu để dùng bột màu, một chất liệu kém bền vững hơn và kinh tế hơn. Bột màu cũng có ưu điểm là có thể truyền tải khá nhanh những ý tưởng, theo kiểu những phác thảo liên tục, hàng loạt. Và cũng xuất phát từ mục đích này, mặc nhiên ngay từ đầu, cái đẹp theo lối truyền thống không được lựa chọn. Trên những bức vẽ bột màu ấy, người ta cũng dễ dàng nhận ra một số định đề rõ nghĩa cho sự lựa chọn: yes – no (có – không). Nó thể hiện rõ tâm trạng băn khoăn của chính tác giả. Tương đồng với thái độ đó là hai sắc tương phản đen – trắng và đi sau đó là cộng (+) – nhân (x) một hình thức ký hiệu khá phổ biến trong các dạng nghệ thuật khái niệm để tăng thêm cấp số cho hình ảnh. Những mũi tên cũng được sử dụng như dấu hiệu ám thị, cho điều cần được nhấn mạnh hay chỉ rõ, theo lối tối giản hóa ngôn ngữ. Không đơn thuần là sự diễn tả các hình ảnh biệt lập nữa, ngôn ngữ ký hiệu đã tham gia vào sáng tác hội họa của chị để gợi mở những hướng cảm nhận mới về nghệ thuật hội họa, về chức năng thẩm mỹ và chức năng đánh thức nhân sinh quan của nó. Có thể xem đối với Đinh Ý Nhi, đây là những khởi đầu tốt đẹp. Chị đã viết một câu chuyện lý thú của nghệ thuật hiện đại bắt đầu từ việc tạo ra một hình thức được xem là lạ.
Câu chuyện châu Á và thái độ hậu hiện đại
Sự vận động đổi dòng trong tranh của Đinh Ý Nhi sau năm 2003 có lẽ có nhiều lý do. Trước tiên phải nói một trong đó là sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh xã hội Việt Nam. Về bình diện chung, nghệ thuật khái niệm đã được hiểu rõ ràng hơn, nghệ thuật trừu tượng cũng trở nên phổ biến. Các hình thức mới như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn không còn xa lạ với phần đông người làm nghề và ít nhiều đã có sự phổ quát xã hội. Kiểu tranh luận nghệ thuật như “cái lạ có đồng nghĩa với cái hiện đại”… xem ra cũng không được nhắc đến nữa. Người ta cũng không phản ứng kịch liệt trước những hiện tượng mới trên cả tranh giá vẽ lẫn nghệ thuật không gian. Còn với riêng Đinh Ý Nhi, chất liệu bột màu đã ít bộc lộ hạn chế của nó. Cung cách tạo dựng ý tưởng nhanh thành một serie theo lối thử nghiệm trước đây đã trở thành một lối tư duy căn bản trong việc ứng xử với nghệ thuật của chị. Đồng thời, chị cũng cộng nhập thêm những kiến thức mới thông qua những chuyến xuất ngoại triển lãm, để mở cho mình những tầm nhìn khác. Đinh Ý Nhi đã đặt ra những “chuẩn thức” cao hơn với bản thân và tìm một hướng đi dài hơn. Việc chuyển từ bột màu sang sơn dầu cũng là cách làm hợp lẽ của chị. Và từ đen trắng chuyển sang có màu, mặc dầu rất kiệm sắc, như đỏ, cam, trên cái chất tố đen trắng đã thuần thục, có thể được xem một dấu hiệu thôi thúc tự bản thân nghệ sĩ. Triển lãm tại Art Vietnam Gallery năm 2003 đã đánh dấu một trang mới trong các sáng tác của Đinh Ý Nhi. Cuộc triển lãm này, không chỉ đối với chị, mà đối với phần đông những người theo dõi sự phát triển nghệ thuật, đã đánh giá chị ở một cấp độ khác. Bởi lẽ, việc làm mới mình của những họa sĩ bước đầu thành danh quả là điều không dễ.
Không phải do màu sắc đen hay trắng; thêm đỏ, thêm cam, mà tạo nên sự khác biệt trong tranh của Đinh Ý Nhi. Nếu có chăng, đó chỉ là hình thức. Cái quan trọng hơn là sự ảnh hưởng của nghệ thuật hậu hiện đại đến các tác phẩm của chị. Sự thay đổi trong thái độ sáng tác đã quyết định một phần sự thay đổi trong hình thức biểu hiện. Nếu trên những tranh bột màu đen trắng trước đây, cái thái độ đó mang tính chất thử nghiệm về hình thức diễn đạt ý tưởng, về một thế giới nội tâm gắn liền với tuổi thơ, thì ở những tác phẩm mới này, cái thế giới ấy còn phải đối diện với xã hội theo cái nghĩa rộng hơn; rộng hơn trên cả đường biên giới lẫn văn hóa. Tác phẩm vẫn là sự lặp lại liên tục những hình người gần như là giống nhau, khi hai, khi ba, có khi chỉ là một, và có khi được nhấn một dấu cộng ở hai đầu tranh để biểu thị là còn có sự tiếp nối. Cũng đã ít hơn những hình ảnh trẻ thơ. Chị vẽ những người đàn bà có cùng một thế ngồi, một trạng thái. Họ nhìn thoáng qua như thể vô hồn, vẩn vơ về một điều gì đó không rõ ràng, trong khi cuộc sống cứ vẫn tiếp diễn, vẫn lướt qua. Họ “chẳng làm gì cả, cũng giống như mình nhiều khi chẳng làm gì cả, ngồi đờ đẫn, và không nhất thiết là lúc nào cũng phải làm một cái gì đó” – chị nói. Ngồi như vậy hàng giờ để suy ngẫm, cảm nhận và kể cả không cảm nhận gì, đôi khi họ cũng trừng mắt bất bình hay biểu thị một thái độ nào đó. Nhưng hiếm khi bộc lộ ra một điều cụ thể.
Nếu chỉ là một người đàn bà ngồi trong một tư thế lơ lửng này, thì có lẽ không có gì nhiều để nói. Nhưng trên tranh của chị, hàng lô những con người như thế. Sự bàng quan, sự lững lờ này có thể được xem như một thái độ hậu hiện đại rất điển hình. Nó như thể một sự bất lực trước dòng chảy ào ạt của cuộc sống. Vẫn là những con chữ như cheked security (đã được kiểm tra an ninh), hay 30% polyester, càng như nhấn mạnh thêm cho cái thái độ mà họ biểu thị ra. “Đã được kiểm tra an toàn rồi đấy, cứ vô tư đi” – Đinh Ý Nhi nói. Điều này khiến cho người ta liên tưởng nhiều hơn đến khía cạnh phi người của những nhân vật. Hoặc giả họ giống như một loài đã được đã được kiểm dịch xuất chuồng hàng loạt ra thị trường.
Khi nói về serie Câu chuyện châu Á, Đinh Ý Nhi thường không thích đề cập trực tiếp đến tranh, mà nói nhiều hơn về sự trải nghiệm cuộc sống của mình. Kinh nghiệm của những lần qua hải quan cùng tờ giấy chứng thực cheked security có lẽ đã ít người để ý đến, nhưng đối với chị nó lại là cái đáng để suy nghĩ về khía cạnh con người trong bối cảnh xã hội đương đại. Ở đó, không chỉ hàng hóa mà con người cũng được đưa vào qui trình kiểm tra kiểm soát theo đúng nghĩa của nó. Việc kiểm soát này cũng có thể rất bình thường, nhưng nếu nhìn chúng dưới góc độ văn hóa truyền thống và tâm lý châu Á thì lại khác. Việc kiểm tra an ninh này sẽ bộc ra cái nghĩa ngược lại là sự bất an trên mức độ toàn cầu. Bởi ở đâu không có an ninh thì người ta càng phải kiểm tra an ninh một cách chặt chẽ nhất. Và phải chăng “để an ninh” trên những tác phẩm của mình, Đinh Ý Nhi đã để cho nhân vật không vận bất cứ thứ gì trên người, kể cả đồ lót, với nghĩa ngầm về sự an ninh tuyệt đối (?) Kiểu thức xử lý ý tưởng này, một dạng đồng thuận trá hình, cũng có thể xem như một thái độ hậu hiện đại. Mặt khác, có hay không sự an ninh như sự chứng thực của những con chữ lại còn phụ thuộc vào người xem.
Những “câu chuyện châu Á” được chị kể ra ở đây chỉ là câu chuyện của hình ảnh, còn cốt truyện sẽ được đọc ra theo kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Điều này dẫn đến sự đa nghĩa của tác phẩm, và có khi cũng chẳng có một ý nghĩa nào hết.
Về mặt nghệ thuật, tính hình thức đối với các tác phẩm này cũng được xem như một vấn đề cần được tính đến. Nếu sự nguệch ngoạc trước đây trên những tác phẩm bột màu được xem như là cách làm phác thảo cho ý tưởng, thì ở những tác phẩm này lại là sự chăm chút. Mặc dầu giá trị đẹp ở khía cạnh thông thường ngay từ đầu đã không tồn tại trên tranh của Đinh Ý Nhi. Đa phần các tác phẩm này của chị không hướng người xem đến cái đẹp hình thể, mà sự hoàn thiện và thẩm mỹ nằm trong chính sự hoàn thiện về kỹ thuật sơn dầu, và độ no của những lớp chồng màu. Và đối lập với nó, vẫn là các nét nguệch ngoạc như cố tình được phác ra trên bề mặt tranh. Sự trần trụi dưới lớp màu nhẫy nhụa của những con người khô khan, những đàn bà bụng to vú dài là một hiện thực của đa phần những người phụ nữ đã qua cái tuổi thanh xuân. Nhưng hình ảnh này với chị là thực tế thông thường, hơn là một vẻ đẹp lý tưởng nào đó. Họ cũng như chị, những người đã bắt đầu bước vào nửa kia của cuộc đời, nên có những tâm tư và suy nghĩ già dặn hơn trước cuộc sống.
Cách xử lý hình ảnh này của Nhi, khiến người ta liên tưởng đến serie tác phẩm “người đàn bà xấu xí” ra đời vào thập kỷ 50, TK XX, của bậc thầy hội họa William De Kooning. Với những nét bút dữ dằn và kiểu cắn xé hình ảnh, De Kooning đã cho thấy cái tính nhục dục toát lên khiến những người đàn bà này trở nên xấu xí và thú dữ. Cách thức làm xấu tác phẩm nghệ thuật để diễn tả trạng thái nội tâm của ông lúc bấy giờ đã tạo nên một cú sốc lớn. Nhưng sau này, các tác phẩm nói trên của De Kooning được xem như vẽ ra được những nét rất điển hình cho tâm trạng và hình ảnh người đàn bà phương Tây vào giai đoạn xã hội đã có những chuyển biến rất quan trọng. Giai đoạn mà nghệ thuật thế giới cũng bắt đầu đổi dòng từ hiện đại sang hậu hiện đại. Phải chăng đã có sự ảnh hưởng trên cách thức mặc dầu trong thực chất nội hàm các tác phẩm Đinh Ý Nhi hướng nhiều hơn đến ý nghĩa diệt dục.
Chủ đề về châu Á và sự vận động của nó trong đời sống toàn cầu hóa hiện nay, có lẽ còn được kể ra nhiều hơn một câu chuyện với checked security… Tuy nhiên, bên trong cuộc sống của những bức tranh, là cuộc sống của một cá nhân. Và bên trong cái hình thức hậu hiện đại được nhìn nhận, thì sự khai thác về giới của chị có lẽ còn vẫn chưa đủ mạnh để kể ra những khía cạnh khác của người đàn bà trong bối cảnh đương đại phức tạp.
Tuy vậy, cũng có thể nói đã có những sự vận động nhất định trong hình thức cũng như ý nghĩa các tác phẩm của Đinh Ý Nhi qua mỗi giai đoạn khác nhau. Chúng đồng thời phản ánh và ăn nhập với sự phát triển thay đổi trong bối cảnh chung của xã hội Việt Nam. Giai đoạn khởi điểm 1994 – 2003 những tác phẩm bột màu đen trắng, là những khuôn mặt – không khuôn mặt, trẻ con – không trẻ con, được xem như những trải nghiệm suy tư về thế giới nội tâm và ký ức tuổi thơ. Giai đoạn này là lúc nghệ thuật Việt Nam tìm những gương mặt và lối cách mới, với những sắc tố rất rực rỡ trên đa phần các tác phẩm của các họa sĩ, thì Đinh Ý Nhi lại chỉ chọn riêng hai sắc đen trắng. Mặc dầu không có quá nhiều ý nghĩa, nhưng có một con đường đã được mở. Sau 2003, việc quan tâm hơn đến những sắc thái, thái độ sống đương đại khiến tranh chị đã ít nhiều có được những giá trị mới. Giá trị ở cái nhìn mở, mang tính xã hội nhiều hơn, chứ không còn gói gọn vào một con người cá nhân. Mặc dầu quá trình vận động này là chậm chạp trong những nhận thức trải nghiệm xã hội, nhưng thái độ hậu hiện đại cũng có thể xem như một giá trị mà Đinh Ý Nhi đã tạo ra được trên các tác phẩm hiện tại của mình.
Thông tin thêm về họa sĩ Đinh Ý Nhi:
1967: sinh ở Hà Nội.
1989: tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
1995: triển lãm cá nhân đầu tiên tại Nhà triển lãm Hội MTVN, Hà Nội.
2000: triển lãm cá nhân tại Viện Goethe Hà Nội.
2003: Triển lãm cá nhân Thế giới bên trong của Đinh Ý Nhi, gallery Art Việt Nam, Hà Nội.
2005: Triển lãm cá nhân tại Gallery 55 ở Bangkok và Thượng Hải.
2006: Triển lãm cá nhân tại Mumbai, Ấn Độ.
2008: triển lãm cá nhân tại gallery LaLuna, Chiềng Mai, Thái Lan.
Là nữ họa sĩ Việt Nam có tranh tham gia rất nhiều triển lãm lớn về mỹ thuật Việt Nam do các tổ chức và cá nhân quan tâm thực hiện, gần đây nhất là tour triển lãm lớn tiêu đề Changing Identity (Đổi thay bản diện), năm 2007, tại Mỹ, giới thiệu mỹ thuật của các nữ nghệ sĩ Việt Nam, đi qua một số đại học và gallery lớn của nước này, như Đại học tổng hợp Minnesota, bảo tàng nghệ thuật Frederick R. Weisman, bảo tàng mỹ thuật Utah, gallery Stedman,…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009
Tác giả : Trang Thanh Hiền
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày