Tranh in độc bản và đào tạo thiết kế đồ họa

Từ những năm đầu TK XXI đến nay, nghệ thuật tranh in độc bản ở Việt Nam đã có những thay đổi, đa dạng, phong phú hơn ở nhiều khía cạnh: phạm vi đề tài, kích thước, chất liệu, kỹ thuật… góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Việc ứng dụng kỹ thuật và nghệ thuật tranh in độc bản vào giảng dạy trong ngành Thiết kế đồ họa (Graphic Design) như một minh chứng cho việc cập nhật nhận thức nghệ thuật mới, cùng những thay đổi trong công tác đào tạo và sáng tác nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.

Một số ưu điểm của kỹ thuật tranh in độc bản

Tranh in độc bản (Monoprint hoặc Monotype) là phương pháp sáng tác đồ họa chỉ cho ra một tranh, hay tác phẩm in duy nhất. Dựa trên đặc điểm của kỹ thuật in này, ta có thể hiểu: in độc bản là phương pháp sáng tạo tranh in bằng cách bôi, dập, chải, ấn, vẽ màu/mực in trên một mặt phẳng không thấm nước như kính, mica, kim loại, nhựa, cao su… bằng các kỹ thuật chồng lớp hình ảnh rồi in lên bề mặt giấy, vải, tạo ra tác phẩm tranh. Trong nguyên tắc tạo hình đồ họa in độc bản, người sáng tác sử dụng thủ pháp, kỹ thuật và nguyên tắc vẽ tranh (hội họa), để tạo nên chế bản in, nhưng về bản chất, bộ môn này vẫn thuộc lĩnh vực đồ họa, do phương pháp tạo hình cốt lõi của nó vẫn phải nhờ qua kỹ thuật in ấn với công cụ và vật liệu phù hợp.

Trong những năm gần đây, tranh in độc bản của Việt Nam luôn có sự thay đổi từ nội dung, chất liệu, kỹ thuật và nhiều phương pháp in khác nhau. Có thể khẳng định, xu hướng tiếp nối, đổi mới, cách tân trên nền tảng nghệ thuật truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong sáng tác nghệ thuật. Đặc biệt, trong sáng tác tranh in độc bản, nhờ thế mạnh về hiệu quả tạo hình cũng như khả năng phong phú về phương pháp in mà nó được nhiều họa sĩ yêu thích, được giảng viên vận dụng vào đào tạo ngành thiết kế đồ họa.

Ngày nay, chất liệu dành cho tranh in độc bản không còn khuôn sáo ở mực in, giấy hoặc bản khắc gỗ, kẽm… thông thường. Các họa sĩ đồ họa có thể  dùng bột màu phổ thông, mực in chuyên dụng, sơn dầu hoặc màu nước, acrylic, màu tự nhiên chiết xuất từ thực vật, khoáng sản… Chế bản in là các mặt phẳng không thấm nước: kính hay mica (phổ biến nhất và thích hợp nhất với in thủ công), nilon, kim loại, nhựa, cao su, lưới căng phẳng… Tất cả đều có thể được sử dụng tùy theo cách in âm bản hay dương bản và những thể nghiệm của họa sĩ.

Kỹ thuật in tranh độc bản cũng vô cùng sáng tạo, có thể tận dụng mọi cách thức và vật dụng để in tranh như: chấm vạch để tạo hình, có thể xóa trên chế bản in đã lăn qua mực. Cũng có thể tạo được những hiệu ứng đặc biệt khi vẩy, chấm nhẹ các loại dung môi hòa tan mực, tạo ra dấu loang đẹp. Người sáng tác dùng các lớp màu chồng lớp mặt chế bản, dùng dao để cạo, cọ và bút lông vẽ theo kiểu thông thường, hay dùng các vật liệu in như vải, lá cây, bọt biển,… tùy vào hiệu ứng mà họa sĩ mong muốn. Tuy vậy, về cơ bản, có hai phương pháp chính là kỹ thuật thêm màu và kỹ thuật lau màu. Kỹ thuật lau màu có thể được diễn giải như sau: phủ một lớp mỏng mực in lên chế bản in, hình ảnh sẽ được tạo ra bằng cách loại bỏ những phần mực không cần thiết (dùng bàn chải, giẻ lau, que gậy hoặc bất kỳ công cụ nào khác). Cũng có thể kết hợp cả hai phương pháp trong một tranh in. Cũng có thể in trực tiếp để mong đạt những hiệu ứng ngẫu nhiên hoặc theo sự phán đoán của họa sĩ thông qua các vật dụng thật. Đây cũng chính là phương  pháp in khá hữu dụng trong thiết kế đồ họa ứng dụng, để in những sản phẩm trong thiết kế bao bì, tạo bề mặt các lớp không gian.

Cách chế bản trong in phẳng và in gián tiếp cũng cần đến các vật dụng và vật liệu khá đơn giản như: mika, rulo, mực in gốc dầu, dầu… Với phương pháp chuyển hình, một phần có sự áp dụng công nghệ máy in tham gia, tất cả những vật dụng/vật liệu liên quan đều dễ tìm và thay thế. Khác với những thể loại tranh khác, tranh in độc bản được sử dụng phương pháp in nhanh, đơn giản, bản in được làm sạch, cắt gọt theo kích thước in, giấy được ngâm để làm ẩm, đối tượng in là bản photocopy hay in laser đen trắng. Trong quá trình in phẳng, trình tự các bước nếu được thực hiện một cách thứ tự: từ làm ướt bề mặt giấy, sử dụng gôm arabic (1) lên bản in, lăn mực, loại bỏ mực đặt giấy và tiến hành in; quá trình in thủ công này sẽ đem tới kết quả sản phẩm in ra khá chính xác với phác thảo. Ngược lại với in phẳng, in gián tiếp cho ta nhiều thú vị bất ngờ. Phương pháp này tạo ra hình ảnh ngẫu nhiên ngoài dự kiến của người in bởi nó phụ thuộc vào rulo, lượng mực in… Người sáng tác dùng rulo lăn mực trên những đối tượng in, chuyển hình ảnh từ đối tượng in sang bề mặt rulo mềm, dùng rulo in trực tiếp lên giấy. Nhìn chung, đây là hai phương pháp in độc bản đơn giản, dễ thực hành và cũng tạo ra được nhiều tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố tự nhiên, giá trị thẩm mỹ vượt ngoài dự định của tác giả.

Đối với ngành Thiết kế đồ họa ứng dụng, đây là hai phương pháp đưa những đối tượng sản phẩm vào thiết kế nhanh nhất, chân thực nhất mà không mất đi yếu tố nghệ thuật cũng như thẩm mỹ. Bên cạnh tiến bộ kỹ thuật, các họa sĩ thể hiện nhiều đề tài mới, khó như để lý giải và tìm câu trả lời cho những vấn đề của xã hội, nhân sinh, góp phần đẩy lùi cái xấu, thấp hèn, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Xu hướng cách tân về nội dung song song với hình thức ngày càng được các tác giả (trong đó có nhiều người trẻ tuổi) tìm tòi, thể nghiệm, thể hiện sự nhạy bén với cái mới, tìm những phương thức biểu đạt mới như là đòi hỏi tất yếu của sáng tạo trong xã hội hiện đại.

Vài nét về nghệ thuật tranh in độc bản ở Việt Nam hiện nay

Một trong những người đã bỏ nhiều công sức trải nghiệm và nghiên cứu kỹ thuật in độc bản, là họa sĩ truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ tới thế hệ tiếp nối theo đuổi dòng tranh này là họa sĩ Lê Huy Tiếp (2). Nhiều tác phẩm đồ họa đạt giải cao của ông tại các kỳ triển lãm Mỹ thuật khu vực và toàn quốc mang đến cho công chúng sự thú vị, bởi cách thể hiện rất mới của riêng ông. Mặc dù ông nổi tiếng trong hoạt động mỹ thuật hiện đại Việt Nam với thể loại tranh sơn dầu khổ lớn nhưng không thể không nhắc đến các tác phẩm tranh in độc bản của ông.

Lê Huy Tiếp, Bảy con mực khô in độc bản, 60×90 cm, 2003

Ảnh do họa sĩ cung cấp

Những tìm tòi, sáng tạo trong thể nghiệm vừa hiện thực lãng mạn vừa giàu tính triết lý như bức Bảy con mực khô (in độc bản, 60×90 cm, 2003) cho người xem cảm nhận rõ tài năng của họa sĩ khi sử dụng hình ảnh con mực, thông qua kỹ thuật in độc bản như một sự tái hiện cuộc sống hết sức chân thực, làm cho tác phẩm sống động và độc đáo. Thông qua các kỹ thuật in độc bản, họa sĩ đã sử dụng hình ảnh con mực khô để tạo nên tác phẩm mỹ thuật có nhịp điệu, màu sắc, đường nét, không gian duy mỹ và hàm chứa nhiều suy tưởng về cuộc đời, phận người. Cách xử lý màu trong tranh khá ấn tượng với nền tranh màu đỏ, những con mực trở nên nổi bật, được đặc tả hình hài rõ ràng, mỗi con một dáng vẻ riêng biệt. Có lẽ, họa sĩ Lê Huy Tiếp muốn thể hiện sự độc đáo trong kỹ thuật in từ những trải nghiệm đơn giản, phức tạp, khi in nền nhiều lần rồi in tạo độ xốp. Cũng có khi họa sĩ sử dụng cách in bảy con mực là bảy lần in độc lập, trực tiếp lên giấy, để đạt hiệu quả tả thực giàu cảm xúc bằng phương pháp thủ công cầu kỳ.

Thường thì họa sĩ Lê Huy Tiếp sáng tác tranh in theo bộ với nhiều thông điệp và nội dung gắn với đời sống tự nhiên và xã hội. Họa sĩ vận dụng những ưu điểm của kỹ thuật in độc bản và tính thẩm mỹ ở giữa hội họa và đồ họa. Sự hấp dẫn trong tranh ông chính là kỹ thuật xử lý màu in trên giấy, tạo các sắc độ khác nhau, đem tới cái đẹp ngẫu hứng của nét, của màu, như vô tình làm nên nét duyên và tính thẩm mỹ của bức tranh.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều họa sĩ dành tình yêu và sự đam mê sáng tác, thể nghiệm với tranh in độc bản. Một số họa sĩ thường xuyên sáng tác tranh in độc bản, gặt hái thành công, được giới chuyên môn ghi nhận, như Hoàng Thị Bích Liên, Nguyễn Duy Ninh, Nguyễn Nghĩa Phương, Nguyễn Mỹ Ngọc, Lê Thị Thanh, Vũ Mai Thơ, Lê Thị Thu Dung… Hằng năm, để cổ vũ, khuyến khích dòng sáng tác này, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức cho chuyên ngành đồ họa nhiều hoạt động nghề nghiệp, như triển lãm chuyên ngành hoặc trại sáng tác về tranh in. Nhiều họa sĩ đã chủ động thử nghiệm, sử dụng phối hợp nhiều kỹ thuật và đưa vào tranh đa dạng lớp màu để tạo nên chiều sâu, sự phong phú về không gian và màu sắc. Nhiều cách tiếp cận sáng tạo với nghệ thuật in độc bản của họa sĩ đã góp phần đem tới thành công cho loại hình nghệ thuật này.

Ứng dụng nghệ thuật tranh in độc bản vào đào tạo thiết kế đồ họa

Từ nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên cả nước đã áp dụng phương pháp kỹ thuật tranh in độc bản vào chương trình giảng dạy hoặc xem đây như một lĩnh vực bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho sinh viên. Có thể kể đến các trường Đại học: Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Công nghiệp, Sư phạm  Nghệ thuật T.Ư, Nghệ thuật Huế, Mỹ thuật TP.HCM…

Về cơ bản, sinh viên theo ngành đồ họa hoặc thiết kế đồ họa đều được tìm hiểu nghệ thuật tranh in thông qua lý thuyết và thực hành. Nhiều sinh viên đã yêu thích và lựa chọn tranh in độc bản để nghiên cứu, khám phá, sáng tác những tác phẩm mỹ thuật của riêng mình. Thông qua kỹ thuật thực hành tranh in độc bản, sinh viên có điều kiện tiếp cận với ưu điểm của thể loại độc đáo này, đồng thời giúp các em hình thành tư duy thẩm mỹ theo năng lực thông qua quá trình xử lý màu, nét, chất liệu và kỹ thuật… Quá trình nghiên cứu và cảm nhận màu sắc đã giúp sinh viên tự tin vào sự ngẫu hứng đầy thú vị của loại tranh này. Nhiều sinh viên có khả năng tốt trong tư duy tạo hình và cảm nhận màu sắc, có năng lực kết hợp tốt những quy chuẩn kỹ thuật thể hiện tranh in và tính ngẫu hứng trong lao động nghệ thuật, tạo ra những bố cục có chất lượng thẩm mỹ khá cao, xét trong phạm vi yêu cầu của một bài học (3).

Có thể nói, ngành Thiết kế đồ họa ứng dụng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư là một điển hình trong việc nhanh nhạy áp dụng kỹ thuật in độc bản vào quá trình đào tạo. Mặc dù mới mở mã ngành thiết kế đồ họa và đi vào giảng dạy từ năm 2010, nhưng nhà trường đã quan tâm đến đào tạo nghệ thuật tranh in thông qua các cuộc thảo luận, nghiên cứu, tổng hợp, giúp phần lớn sinh viên nắm được các vấn đề cốt yếu của kỹ thuật in độc bản.

Trong các học kỳ đầu của chương trình đào tạo Thiết kế đồ họa, giảng viên đã nghiên cứu ứng dụng in độc bản vào các bài học: chấm – mảng – nét; nét cách điệu; khắc gỗ; khắc thạch cao; thiết kế minh họa truyện tranh, chữ mỹ thuật… Trong những học phần nâng cao của chương trình đồ họa, ứng dụng in độc bản là nội dung cần tiếp tục bổ sung nghiên cứu sâu theo từng chuyên đề. Một số ứng dụng của in độc bản trong các môn học là cơ sở nền móng quan trọng để phát triển các thiết kế trong thời kỳ mới. Được xây dựng từ sự đa dạng của chuyên ngành đồ họa, các bài học sáng tác thiết kế được sắp xếp theo trình tự từ dạng cơ bản, đơn giản đến dạng phối hợp phức tạp có tính tư duy mỹ thuật cao.

Để đề cao kỹ năng diễn cảm, sinh viên phải tạo ra một bố cục sao cho có kết cấu, lớp lang và chứa đựng rung cảm. Trong nhiều bài học, các em đã ghi nhận được nhiều phương pháp, kỹ thuật tổ chức hình, nét. Sinh viên hình thành được năng lực nhìn nhận bố cục bằng cái nhìn bao quát, quy nạp được nhiều cách biểu hiện hình thể. Những bài in độc bản này là kỹ năng sẽ được áp dụng vào các bài Thiết kế tem, Thiết kế lịch, bao bì… trong những năm học tiếp sau. Để vận dụng in độc bản vào bài học, giảng viên và sinh viên phải nắm được các kỹ thuật in, chủ động trong bố cục, sắp đặt các lớp hình để tạo không gian.

Vận dụng trong thiết kế bao bì sản phẩm

Để tạo ra những hình ảnh đưa vào thiết kế bao bì, việc áp dụng in trực tiếp sản phẩm, in gián tiếp và in phẳng là cần thiết. Yếu tố đặc trưng của thiết kế đồ họa ứng dụng là khai thác chấm, mảng, nét bằng những hình ảnh cô đọng. Việc áp dụng in trực tiếp từ sản phẩm cho người dùng, khách hàng có sự chú ý thông qua mảng nét và giá trị thẩm mỹ. Phương pháp này có nhược điểm nhất định là sản phẩm in không quá lớn và sản phẩm có hình góc cạnh. Để giải quyết vấn đề sản phẩm bao bì có thiết kế phức tạp, kỹ thuật in phẳng có thể được lựa chọn: Đây là phương pháp chuyển hình ảnh cũng như những phác thảo có kích thước lớn một cách chân thực nhất để đưa vào bề mặt của bao bì. In gián tiếp cũng là một phương pháp khá hữu dụng trong thiết kế bao bì bởi cách in này dễ đạt hiệu quả cao về tốc độ in và mức độ ấn tượng của hình ảnh trên sản phẩm.

Vận dụng trong thiết kế lịch

Đối với thiết kế lịch, ngoài việc người thiết kế sử dụng những hình ảnh, hình vẽ… làm tư liệu thiết kế, việc áp dụng in gián tiếp và in phẳng là giải pháp khả thi. In phẳng giúp người thiết kế chủ động chuyển đổi hình ảnh, thay đổi bố cục, làm mới ý tưởng. Bên cạnh đó, các cách in trực tiếp, gián tiếp và in phẳng còn có thế mạnh là chồng lớp: các lớp in chồng lấn lên nhau tạo ra không gian như in hoa lá, trời, mây… Như vậy, việc áp dụng in độc bản trong thiết kế ứng dụng, đặc biệt thiết kế lịch, cho ta nhiều yếu tố mới, mở ra cho họa sĩ thiết kế nhiều phương án thực hiện.

Thay lời kết

Mặc dù thuộc lĩnh vực nghệ thuật đồ họa nhưng tranh in độc bản lại chứa đựng nhiều tính ngẫu hứng, khuyến khích sự thử nghiệm của họa sĩ. Có thể phối hợp kỹ thuật in truyền thống với kỹ thuật và phương pháp mới để tạo ra tiếng nói tạo hình mới mẻ cho tranh in độc bản, phù hợp với đời sống nghệ thuật đương đại.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có những chuyên đề, thảo luận, trại sáng tác hay triển lãm cá nhân, tập thể về tranh in độc bản, cho thấy là sự cần thiết tạo nên những giá trị về ứng dụng thẩm mỹ và đưa nó đến với công chúng. Điều này khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của in độc bản với quá trình đổi mới, phát triển nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng. Qua đó tạo ra những xu hướng thiết kế phù hợp với cơ chế thị trường.

Việc đưa tranh in độc bản vào trong các bài học ở ngành Thiết kế đồ họa ứng dụng tại các trường mỹ thuật có đào tạo mỹ thuật ứng dụng là điều cần thiết. Tranh in độc bản góp phần quan trọng trong việc xây dựng một tác phẩm nghệ thuật, thiết kế một sản phẩm đồ họa ứng dụng. Hy vọng rằng, tranh in độc bản sẽ luôn và sẽ được vận dụng tích cực trong đào tạo và sáng tác mỹ thuật, làm giàu thêm bản sắc văn hóa nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh toàn cầu hóa.

____________________

1. Hay còn được gọi là kẹo cao su Ả Rập, có nguồn gốc tự nhiên, được chiết từ thân và cành của một loài cây họ đậu, có hoa, có tên là Senegalia Senegal.

2. Họa sĩ Lê Huy Tiếp hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Matxcova, năm 1975, ông về nước và có nhiều năm giảng dạy tại khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

3. Nguyễn Nghĩa Phương, Tranh in độc bản: sáng tác và đào tạo ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 1, 2014, tr.78.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Nghĩa Phương, Tranh in độc bản – Những vấn đề lý thuyết và thực hành, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2021.

2. Nguyễn Nghĩa Phương, Sự chuyển biến về nội dung chủ đề trong nghệ thuật tranh in Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 2, 2016, tr.68.

3. Hoàng Minh Phúc, Đồ họa in khắc gỗ hiện đại Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015.

Tác giả: Ths Nguyễn Quang Huy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *