Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình, tranh lụa thường được nhắc đến ở một số nước ở phương Đông có nghề trồng dâu nuôi tằm như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Với đặc tính thoáng, nhiều ô trống, sợi dai nhưng mềm và mịn, lụa có độ thấm hút tốt, khó phai và chấp nhận được màu bôi lên nó mà vẫn đem lại cảm giác mềm mại, trong và sâu.
Vẻ đẹp của chất liệu có trong lụa khác hẳn với các chất liệu có trong sơn mài, sơn dầu nên trong lĩnh vực hội họa, duy nhất tranh lụa được gọi tên theo đặc tính của chất liệu làm nền tranh chứ không theo chất liệu vẽ lên trên nền đó. Có thể nói, nền lụa là một trong những chất liệu hội họa đặc thù và độc đáo.
Chất liệu và kỹ thuật
Lụa dùng để vẽ ở Việt Nam thường sử dụng lụa tơ tằm, có loại sợi mướt, nhỏ mịn, có loại thô mộc tạo nên những thớ khỏe khoắn, sù sì. Mỗi loại lụa sẽ mang lại một hiệu quả khác nhau khi vẽ do độ ken dày mỏng của thớ lụa. Trước kia, nhiều vùng nông thôn dệt vải thủ công để phục vụ sinh hoạt, trong đó có một loại gọi là vải sồi, dệt bằng tơ tằm thô, khổ hẹp dùng để may áo, làm bao ruột tượng. Sồi cũng được một số họa sĩ thử nghiệm vẽ, có một số nét mới lạ.
Hiện nay, loại lụa mà các họa sĩ thường dùng để vẽ là lụa của làng Quan Phố, được dệt hoàn toàn bằng tơ tằm nên độ bền chắc và thấm màu rất tốt. Trước kia, họa sĩ thường dùng lụa Trung Quốc, một loại lụa có kết cấu sợi ngang dọc như nhau, do vậy khi vẽ, màu hòa với nước có thể tạo sự mờ ảo, loang nhòe dễ dàng nhưng cảm giác về sắc nhị của màu bị mỏng và nông. Mặt khác khi vẽ thường phải để lụa ẩm, nếu vẽ lúc nền lụa khô thì gây cảm giác đanh cứng, đục và cặn vì mặt lụa quá mỏng manh, độ hút nước, thấm màu có hạn. Do vậy, lụa Trung Quốc chỉ phù hợp với cách vẽ chấm phá quốc họa nhiều hơn, không thể cọ rửa và nhuộm màu nhiều lần được.
Lụa Quan Phố được dệt bằng tơ tằm, làm theo phương pháp thủ công, kết cấu sợi đa tuyến, do vậy chịu được sự cọ rửa nhiều lần. Người vẽ cũng có thể thể hiện trên loại lụa này mọi kỹ xảo của bút pháp, từ nét bút đanh cứng đến mờ ảo, từ mảng màu đậm chắc đến loang nhòe, từ độ đậm nhạt, thanh nhẹ đến đằm sâu, tạo được muôn vàn hòa sắc rực rỡ, thắm sâu, biến ảo. Chất liệu lụa này cũng đem lại cho họa sĩ nhiều lợi thế trong việc biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc thẩm mỹ. Nó cũng góp phần giải tỏa những quan niệm cũ bó hẹp, trì trệ cho rằng nền lụa chỉ phù hợp với hòa sắc trầm, tối, mờ ảo (1).
Màu vẽ để vẽ lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực nho. Theo dân gian, màu vẽ trên lụa được chế từ những sản phẩm thiên nhiên, có sẵn và dễ kiếm, như màu đen từ tro than lá tre, màu xanh từ lá chàm, màu vàng từ nước hoa hòe (giã nhỏ hoa và lọc lấy nước cốt) hoặc từ cây gỗ vang, trắng từ điệp tán nhỏ. Những màu từ thiên nhiên này rất bền, sắc độ đằm chín tự nhiên nhưng kém phần tươi tắn so với màu nước hiện đại. Ngày nay, nhiều họa sĩ còn dùng những họa phẩm đục, dày hơn như tempera, màu bột, phấn màu,… để thử sức với lụa.
Nghệ thuật đặt màu lên lụa cũng hết sức tinh tế và chủ động vì khi lụa đã ngấm màu thì không thể nào làm cho chúng sáng lại được nữa, khác hẳn với sơn dầu hay bột màu, có thể dùng màu nọ chồng lấp lên màu kia. Nhưng ưu thế lớn nhất của tranh lụa chính là sự mềm mại, nhuần nhị, êm ả và sâu lắng. Để tạo được hiệu quả như vậy, các họa sĩ thường phải vẽ nhiều lần cho một mảng màu để màu thấm vào từng thớ lụa. Nếu như trong kỹ thuật sơn mài có phần việc mài sơn cũng được coi là vẽ thì trong kỹ thuật tranh lụa, việc rửa lụa cũng cần phải tính toán kỹ.
Công đoạn đầu tiên khi vẽ lụa là căng lụa lên khung sao cho thật đều tuy có thể để lụa khô hoặc ẩm. Sau đó, họa sĩ hồ lụa bằng nước bột gạo có pha một chút phèn để khi vẽ, màu bám không bị loang. Có người bỏ qua công đoạn hồ lụa, họ thích khai thác những nét nhòe, loang, tạo sự mơ màng của tác phẩm. Khi thể hiện màu, họa sĩ có thể can hình lên bằng nét chì thật mảnh qua giấy can hoặc đặt bút vẽ thẳng lên lụa để cảm xúc được tuôn trào qua nét bút. Vẻ đẹp của tác phẩm tùy theo cách sử dụng ngọn bút của tác giả, của sự hòa quyện giữa màu, nét, bố cục, mảng màu. Một nét riêng của kỹ thuật vẽ lụa là họa sĩ có thể dùng nước rửa lụa. Cách vẽ lụa truyền thống yêu cầu họa sĩ phải kiên trì: màu được pha loãng, sau đó nhuộm từng sợi vải, lớp màu nọ chồng lên lớp màu kia sao cho màu ngấm, thẩm thấu kỹ vào từng thớ lụa. Sau khi bức tranh hoàn thành, người vẽ có thể biểu lên giấy hoặc ghim lên giấy không bồi (2).
Khi vẽ lụa, người ta thường vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa, tạo nên vẻ đẹp của chất lụa. Vẽ chồng lên nhau bằng các màu khác nhau cũng là một cách pha màu. Thỉnh thoảng, khi màu đã khô, họa sĩ phải rửa nhẹ cho sạch những chất bẩn nổi lên mặt lụa và để cho màu ngấm vào từng thớ lụa.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thường vẽ nhiều lớp màu trên một mảng hình. Mảng màu nâu được ông vẽ lần lượt các màu đỏ, xanh, nâu như là pha màu thẳng lên lụa rồi mang ra xối nước làm trôi đi các cặn màu. Khi tinh chất của màu đã thấm sâu vào thớ lụa thì nước chỉ còn tác dụng làm trôi đi cặn bẩn mà thôi. Như vậy trên nền lụa, mực nho hay thuốc nước là những chất liệu khá phù hợp khi kết hợp với nhau chi phối kỹ năng vẽ lụa. Chúng đều dễ hòa tan trong nước, tùy theo mức độ nước mà trở thành những mảng đậm nhạt khác nhau trên nền lụa và có độ loang thấm sang nhau rất duyên, rất riêng mà mềm mại. Những mảng để sáng của lụa thường nổi rõ các thớ lụa tạo độ sâu, độ chín cho những mảng màu bên cạnh và tạo cho tranh lụa vẻ trong trẻo, làm tăng thêm hiệu quả chất lượng của tranh. Đã có họa sĩ dùng trắng điệp trong tranh dân gian làng Hồ để thay trắng của màu nước. Chất điệp óng ánh và xốp, tạo sự tương phản với nền lụa mịn màng. Như vậy dù đậm hay nhạt, màu sắc không bao giờ che phủ hay đọng trên mặt lụa mà ngấm vào từng thớ sợi để lan tỏa, biểu hiện vẻ óng ả của nền lụa.
Giá trị biểu đạt của tranh lụa
Việc vẽ tranh lụa hiển nhiên cũng phải tuân theo những quy luật bố cục đã được đúc kết. Tuy nhiên mỗi chất liệu lại có đặc tính riêng và mỗi họa sĩ lại có cảm xúc và cách nhìn riêng, tạo ra những cách bố cục đặc trưng. Ở tranh lụa, bản thân chất lụa đã rất mong manh, mịn màng. Thông thường các họa sĩ ít dùng những khối nổi không gian của tự nhiên, ít sử dụng đến ánh sáng như cách vẽ của sơn dầu. Người họa sĩ sáng tạo theo một không gian của mình, có khi không nhờ đến một phối cảnh nào, hoặc chỉ gợi lên bằng cách sử dụng những bộ phận của phối cảnh. Trong tương quan giữa người và phối cảnh, có khi họa sĩ dùng sắc độ mạnh để nhấn vào người, còn cảnh vẫn để ở sắc độ trung bình hoặc làm nhẹ đi để tôn các nhân vật nhưng vẫn tạo ra sự thống nhất. Có khi vật ở tiền cảnh được thể hiện mờ đi để tôn vật ở xa hơn mà vẫn không gây xáo trộn về không gian. Sự vẽ rõ nét hoặc làm mờ nhòe đi trong tranh lụa được xử lý theo chủ ý của họa sĩ bằng một tương quan hợp lý mà họa sĩ đặt ra, khiến người xem có thể xem gần hay xa cũng được.
Phải khẳng định một điều rằng, không gian trong tranh lụa phần nhiều được tạo nên từ các mảng lụa trống. Điểm sáng tạo này chúng ta thấy nhiều ở các bố cục của Việt Nam xưa như trong tranh dân gian, tranh thờ và cả phù điêu cổ, mà ngày nay các họa sĩ Việt Nam đã khai thác và phát triển trong nhu cầu muốn cô đọng và tập trung vào chủ đề. Trong trường hợp họa sĩ không dùng phối cảnh, các mảng trống trong tranh trở thành một phần của bố cục. Họa sĩ phải làm cho những mảng hình và mảng trống ăn ý, hòa hợp với nhau. Vai trò của các mảng trống là làm tôn ý chính của toàn bộ bức tranh, tạo nên nhịp điệu cho bố cục. Bên cạnh đó, bố cục còn là tương quan của các mảng đậm, mảng sáng và trung gian, có tranh dùng những mảng đậm làm điểm nhấn nhưng có tranh lại nhấn vào những điểm thật sáng trên một hòa sắc đậm. Bố cục còn là sự sắp xếp các mảng màu tạo ra một hòa sắc chung, trong đó, tạo điểm nhấn bằng sắc màu ngược lại. Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, trong tranh Ngày mùa, đã tạo ra một hòa sắc nóng đỏ, cả trời và đất đều màu đỏ, chỉ một vài thửa ruộng chưa gặt là có màu vàng của lúa. Ở đây, sắc vàng đã trở thành màu lạnh trong một tổng thể màu nóng là trời và đất. Các nhân vật được nhấn bằng độ đậm và sáng lạnh. Toàn bộ tranh là một không khí nhộn nhịp hối hả của ngày mùa.
Như đã đề cập, lụa là một chất liệu nhẹ, mỏng manh nên các họa sĩ hầu như không dùng khối nổi của không gian tự nhiên, ít sử dụng đến ánh sáng và bóng tối. Họ sáng tạo ra một không gian của mình, có khi không nhờ đến một phối cảnh nào, như cách mà danh họa Nguyễn Phan Chánh đã làm trong tranh Chơi ô ăn quan, chỉ tập trung diễn tả bốn bé gái và những ô ăn quan, hoặc với Rửa rau cầu ao, chỉ có cô gái với rổ rau, một chậu nước và chiếc cầu ao. Có họa sĩ lại sử dụng những đường nét, mảng màu để gợi phối cảnh. Trong tranh Mưa của Nguyễn Thụ, ngoài ba nhân vật chính, họa sĩ chỉ gợi lên vài cái cây, có cây xa mờ trong tương quan giữa người và phối cảnh. Ông dùng sắc độ mạnh để nhấn vào người, còn với cảnh, vẫn để ở sắc độ trung bình hoặc làm nhẹ đi để cảnh tôn vật chính mà vẫn tạo ra sự thống nhất. Ở tranh Mùa đông, Nguyễn Thụ đã nhấn đậm vào các mảng khăn và áo của những em gái, đặc biệt là em bên trái, nhưng để màu rất nhẹ trên hàng cây phía sau. Có khi vật ở tiền cảnh được thể hiện nhẹ đi để tôn vật ở xa mà không gây xáo trộn về không gian. Việc vẽ rõ nét hoặc nhòe mờ trong tranh lụa được xử lý theo một tương quan hợp lý mà tác giả đặt ra, như vậy tranh lụa xem gần hay xa đều được chính là ở chỗ đó.
Từ bố cục đến xây dựng hình cho tranh lụa đã là một sự gạn lọc cô đọng thì màu sắc cũng vậy. Các tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh trước năm 1945 gần như chỉ dùng một hòa sắc nâu đen. Những mảng màu đen, nâu chín đến độ nhìn không biết chán mắt. Khi nhìn kỹ những màu nâu của Nguyễn Phan Chánh, ta thấy nó sâu, óng ánh có cả lục, vàng, đỏ. Bức tranh có nhịp điệu sinh động, cho cảm giác như có sáng tối, do sắc độ của các sự vật mà thành chứ không phải do ánh sáng ở đâu chiếu vào từng sự vật. Không diễn tả trực tiếp ánh sáng, nhưng màu sắc của toàn bộ bức tranh đã cho cảm giác về ánh sáng. Đó là một đặc điểm của tranh lụa. Sự trong trẻo và mềm mại của mặt lụa đã cho cảm giác dễ chịu. Có khi toàn bộ bức tranh sáng sủa cũng cho cảm giác đầy ánh sáng. Việc sử dụng chất nước trong khi pha màu làm cho ranh giới màu sắc nhuyễn với nhau, khiến ta không phân biệt sự sắc cạnh của từng mảng màu. Nhờ vẽ màu pha nước mà sự chuyển từ đậm đến nhạt, từ tối đến sáng vẫn êm dịu hoặc ngược lại. Đó là đặc tính chung của nghệ thuật vẽ lụa, nhưng qua phong cách của từng họa sĩ, tùy theo tình cảm của mỗi người mà cách sáng tạo không giống nhau. Việc tìm tòi cho tranh lụa rất rộng và khả năng của lụa cũng rất lớn, sẵn sàng chờ đợi những sáng tạo mới của họa sĩ. Quá trình người họa sĩ tìm tòi sáng tạo là quá trình họ đi tìm chính mình.
Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một bảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.
Yếu tố trang trí là đặc điểm được thể hiện trên hầu hết các thể loại. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật bắt nguồn từ quan niệm, cách nghĩ và cách nhìn sâu sắc đối với hiện thực. Yếu tố trang trí là những yếu tố có sẵn trong tự nhiên, được người nghệ sĩ phát hiện và sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật trong tranh biểu tượng cho ý tưởng, tuyên ngôn nghệ thuật, cá tính của họa sĩ. Nhiều họa sĩ trong khi sáng tác còn suy nghĩ chưa đầy đủ, cho rằng cứ đưa một hình thể có nghiên cứu nghiêm túc về hình và dáng vào tranh thì đó là hình tượng nghệ thuật. Điều này làm cho nhiều tranh chưa đủ tính sâu sắc về ý tưởng nghệ thuật mà mới chỉ là phát hiện ra vẻ đẹp hình thể. Khi có ý niệm cộng với sự cách điệu hình thể, thế dáng, màu sắc sẽ trở thành hình tượng nghệ thuật. Trong tranh lụa thì tính trang trí được thể hiện phần nào ở nền lụa.
Cũng như sơn mài, lụa hạn chế trong việc diễn tả ánh sáng, tả chất, vờn khối, không gian và thậm chí cả màu sắc. Tranh lụa thường sử dụng mảng và nét để thể hiện thế giới khách quan. Sự thay đổi phong phú đa dạng các mảng hình trong tranh lụa chỉ đơn thuần là các mảng phẳng thì sẽ rất đơn điệu, vì vậy các họa sĩ đã tìm tòi đưa các chi tiết, họa tiết vào trong các mảng hình ấy để tạo sự sinh động, hấp dẫn và cuốn hút người xem. Việc sử dụng mảng và nét như vậy đã mang đậm tính trang trí của tranh lụa. Ở góc độ hội họa, tính trang trí được hiểu là dùng để chỉ đặc điểm hay phẩm chất của tranh, khiến người xem liên tưởng đến nghệ thuật trang trí. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức: khai thác họa tiết, cách điệu hình thể, giản lược màu sắc. Bất cứ chất liệu nghệ thuật nào cũng có thể biểu hiện tính trang trí và sự hấp dẫn của tác phẩm phụ thuộc vào chính hình thức của nó. Do vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc mô tả, tái hiện, diễn đạt, biểu cảm thì chưa đủ mà phải quan tâm đến việc biểu hiện cái đẹp. Một bức tranh đẹp, hấp dẫn sẽ thu hút con mắt nhìn và có thể qua đó đi vào lòng người. Sáng tạo không dừng lại ở việc chọn đề tài thể hiện mà còn phụ thuộc vào việc chọn thủ pháp hữu hiệu nhất để mang tới khả năng biểu đạt có hiệu quả nhất.
Tranh lụa giàu chất trang trí ước lệ hơn tạo hình, tả thực. Khả năng diễn tả chất, khối của lụa không mạnh như sơn dầu. Điều này đòi hỏi cách vẽ lụa phải khác với cách vẽ sơn dầu chứ không phải vì lụa bị hạn chế trong khả năng biểu đạt. Mỗi chất liệu có một ưu thế riêng, vẻ đẹp riêng và tựu chung lại là sự phong phú, đa dạng của chất liệu vẽ tranh.
_______________
1. Theo Phạm Thanh Liêm, Nói về chất liệu: Nền lụa vẽ Quan Phố, Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, số 6, tr.5-8, 2007.
2. Theo Nguyễn Thụ, Kỹ thuật tranh lụa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hà Nội, 1995.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Hoàng Minh Đức
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày