TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI XTIÊNG

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Xtiêng là tộc người thiểu số, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơme, chi miền núi phía Nam, sống lâu đời ở Bình Phước. Người Xtiêng chia làm hai nhánh, nhánh Bù lơ theo chế độ phụ hệ, nhánh Bù dek theo chế độ mẫu hệ, chung sống trong một nhà dài với hình thức đại gia đình gồm nhiều thế hệ. Kinh tế truyền thống là nương rẫy, canh tác cổ truyền: phát, đốt rồi chọc lỗ bỏ hạt. Khai thác vùng đồi núi xung quanh nơi cư trú để trồng trọt, nên tri thức về bảo vệ đất, rừng và môi trường sinh thái rất được người Xtiêng chú trọng.
 

1. Vài nét về người Xtiêng

Người Xtiêng ở Việt Nam hiện nay có hơn 77.726 người (1), sống tập trung ở Bình Phước, một số ở Đồng Nai, Đắc Nông và vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
 

Người Xtiêng có những tên gọi như Sa tieng, Sa điêng, Xtiêng, Bù lơ, Bù dek, Bù biêk…

Tên tự gọi của tộc người là Xtiêng, Sa tiêng. Các tài liệu của các học giả nước ngoài, đều gọi tộc người này là Stieng. Ở đây, chúng tôi sử dụng tên gọi trong danh mục các dân tộc ở Việt Nam: Xtiêng.
Người Xtiêng ở Bình Phước phân bố chủ yếu ở các huyện Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Chơn Thành và Bù Đốp, chia làm hai nhóm địa phương với những đặc điểm cư trú và văn hóa khác nhau. Phía đông và đông bắc là nơi cư trú của bộ phận người Xtiêng vùng cao (Xtiêng Bù lơ), gồm Phước Long và Bù Đăng. Vùng Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, nơi cư trú của nhóm Xtiêng vùng thấp (Xtiêng Bù dék) nằm ven rìa các đồn điền cao su rộng lớn và trong những thung lũng nhỏ hẹp.
Người Xtiêng tin mọi vật đều có linh hồn và sự chi phối của thần linh. Họ quan niệm có hai thế giới tồn tại. Thứ nhất là cuộc sống của con người, vạn vật trên trái đất. Thứ hai là thế giới của những lực lượng siêu nhiên, ma quỷ, các vị thần…, thiêng liêng và quyết định cuộc sống loài người. Thày cúng (prăk) là cầu nối giữa con người với các đấng thần linh. Người Xtiêng có tín ngưỡng đa thần: thần lúa (yang pa), thần rừng (yang bri), thần trời (yang nar), thần đất (yang ter)…
Trong canh tác nương rẫy, người Xtiêng tiến hành 3 lễ cúng trong năm, gồm lễ chuẩn bị chọn đất làm rẫy (pôl nong), lễ cầu mùa (broh ba), lễ cúng cơm mới (pư ba khiêu). Lễ cúng thần lúa được người Xtiêng Bù lơ gọi là lớh prăk pa, người Xtiêng Bu dek gọi là nktao r’he. Trước đây, lễ cúng được tiến hành 3 lần trong năm và cứ 3 năm đảo lệ, họ lại tổ chức lễ lớn hơn các năm khác. Những năm gần đây, hầu hết người Xtiêng chỉ còn cúng một lần trong năm, vào ngày thu hoạch được gùi lúa đầu tiên.
 

2. Tri thức bản địa của người Xtiêng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái

 

Trong canh tác nương rẫy

Người Xtiêng là cư dân nông nghiệp, làm rẫy và trồng lúa là chính, vì vậy, đất (ter) là tư liệu sản xuất quan trọng. Trong tín ngưỡng của người Xtiêng có yang ter (thần đất). Họ phân biệt đất đai theo chức năng sử dụng. Đất canh tác là vùng đất đã được khai phá phục vụ canh tác cây lương thực, bao gồm rẫy (mir), ruộng (srê). Đất dự trữ là những khoảng rừng nguyên sinh cạnh khu vực cư trú, những rẫy đã bỏ hóa, đang chờ cho rừng tái sinh. Đất ở là khu vực đất cao ráo, gần sông, suối, rừng, dùng để dựng nhà, chuồng trại, kho lúa, xung quanh trồng cây thuốc lá, bông vải, cây ăn quả. Đất cấm là những vùng rừng nguyên sinh trên núi cao, là khu vực thiêng, nơi trú ngụ của thần linh (yang pri). Đây là vùng rừng đầu nguồn điều tiết hệ sinh thái và vùng đất rừng làm nghĩa địa, tuyệt đối cấm khai thác. Trong khu vực cư trú, ranh giới các loại đất rừng có sự phân biệt, nhưng không được chặt chẽ.
Lối canh tác của người Xtiêng là du canh du cư, nhưng du cư ít, chủ yếu du canh, theo vòng tròn xung quanh nơi ở, bán kính khoảng 3km. Khi rẫy cũ hết màu mỡ, họ bỏ đi khai thác vùng đất lân cận. Chu kỳ canh tác, bỏ hóa để cho đất nghỉ thường từ 8 đến 12 năm, chờ rừng tái sinh, rồi canh tác trở lại. Việc dòng họ, buôn làng bỏ nơi ở cũ ra đi là rất hiếm, nếu nơi đó không bị chiến tranh hay dịch bệnh. Vấn đề bỏ làng ra đi tìm khu đất ở mới phải được các ông chủ gia đình (tom yau) cùng trưởng làng (tom poh) họp và quyết định.
Tìm chọn và quyết định đất canh tác là công việc quan trọng nhất đối với nông nghiệp nương rẫy. Quyết định chọn địa bàn canh tác là của người đứng đầu làng (tom poh) hay đứng đầu gia đình lớn (mpoh). Hàng năm, vào cuối tháng 12 âm lịch, người Xtiêng bắt đầu tìm và chọn đất canh tác ở vùng rừng có đất dẻo, bằng phẳng, không có cây to, thường là rừng tre nứa (lồ ô), bụi cây nhỏ, đốt sẽ cho nhiều tro, ở gần nguồn nước sông, suối và họ gọi vùng đất rừng này là bri cuông hoặc bri kram (rừng lớn, rừng cứng). Theo kinh nghiệm, đất ở khu vực đó là loại đất màu mỡ, ít cỏ và thuận lợi cho việc tưới tiêu. Người Xtiêng không bao giờ chọn đất canh tác nơi có rừng già nhiều cây cổ thụ. Họ gọi đó là rừng bri prá, rừng của tổ tiên ông bà hay rừng thiêng, nếu ai chặt gỗ, phá rẫy sẽ bị luật tục của làng trừng phạt.
Trước khi đi chọn đất, họ chuẩn bị lễ vật gồm một bát cơm, một con gà nhỏ và một chai rượu. Trong quá trình chọn đất canh tác, người Xtiêng không chỉ tin vào kinh nghiệm bản thân mà còn kỳ vọng rất nhiều ở các thế lực siêu nhiên, đặc biệt là sự linh nghiệm của giấc mơ. Khi chọn được khu vực đất vừa ý, người chủ làng hoặc chủ gia đình chặt một khoảnh đất nhỏ, đặt các lễ vật xuống và cúng, khấn cầu thần rừng, thần rẫy báo mộng. Đêm hôm đó, họ ngủ ngay trên mảnh đất đã chọn. Nếu không mơ thấy điều gì, hoặc mơ thấy sông, suối, núi là điềm tốt, có nghĩa là thần linh đồng ý cho canh tác nơi đây. Nếu mơ thấy điềm gở như bệnh tật, trâu, bò, trăn chết, rắn độc, cá có ngạnh, lửa, chà gạc… là phải đi tìm mảnh đất khác để canh tác. Khi tìm được khoảng rừng thích hợp, họ sẽ đánh dấu để khẳng định quyền sử dụng bằng cách chẻ đôi cây lồ ô, kẹp một ít lá tươi lên, hoặc chặt một số cây xung quanh khu vực định canh tác, người nào đến sau thấy vậy thì đi tìm mảnh đất khác.
Người Xtiêng có một số kiêng kỵ trong quá trình đi chọn đất. Nếu gặp rắn chết nằm ngang đường, chim sa xuống trước mặt, tiếng nai kêu phía bên trái đường đi… là những điềm gở, họ tin rằng đó là sự không đồng ý của thần linh, nếu tiếp tục đi thì tai họa sẽ giáng xuống gia đình và dòng họ. Họ phải quay về, hoặc đi tìm đất ở hướng khác.
Rẫy, thường chỉ canh tác 3 đến 4 năm thì bỏ. Khoảng 8 đến 10 năm sau, chờ rừng tái sinh, họ quay trở lại khai thác. Rừng lồ ô (tre nứa) khoảng 8 năm là khôi phục lại như ban đầu. Người Xtiêng gọi rẫy mới canh tác vụ đầu là rơ nhe hoặc mơ ây, rẫy canh tác vụ sau là rơ poh hoặc rơ đam. Rẫy làm năm đầu, nhờ có lớp tro đốt khi phát rẫy nên cho năng suất cao nhất và giảm dần vào các năm sau. Năng suất lúa rẫy phát lần đầu, cứ gieo một gùi lúa có thể thu hoạch được 40 gùi (khoảng 14-15 tạ/ha), canh tác vụ sau còn khoảng 12-13 tạ/ha. Rẫy làm năm đầu thường chỉ chọc lỗ tra hạt, rẫy sử dụng từ năm thứ hai trở đi, nếu tiếp tục trồng trọt thì phải cuốc xới nhiều cho đất tơi, xốp (2).
Phát, dọn và đốt rẫy được thực hiện vào cuối tháng 3, công việc khá vất vả, nhất là đối với những loại rẫy mới phát lần đầu. Với các loại cây lớn, phải dùng rìu, chà gạc to để chặt, sau đó sẽ chặt các cây nhỏ, cây bụi và chặt rời các cây lớn… sao cho ngả về một phía nhất định, chờ cho khô nỏ rồi đốt. Những cây gỗ quý, lớn thì họ để chừa lại trên rẫy, tạo bóng mát lúc nghỉ trưa. Người Xtiêng thường đốt rẫy vào lúc mặt trời đứng bóng, ngược chiều gió. Việc đốt rẫy cần những người có kinh nghiệm, điều chỉnh hướng lửa sao cho cháy đều, cháy hết, không còn một cành cây nào, không để lửa cháy lan sang cánh rừng lân cận. Đối với cánh rừng mới phát lần đầu, phải đốt rẫy 2 lần. Lần đầu, đốt các cành cây nhỏ và vừa, vài hôm sau, đốt các cây lớn và những nơi lửa chưa cháy đến. Người Xtiêng quan niệm, nếu đốt rẫy, lửa cháy đều, cháy hết, là điềm lành, canh tác sẽ thuận lợi. Nếu đốt rẫy lửa tắt nửa chừng, hoặc cháy nham nhở là điềm báo trước sẽ mất mùa.
Quá trình phát dọn rẫy, họ cũng có một số kiêng kỵ: trong khi chặt cây, nếu rìu, chà gạc bị gãy, thì phải bỏ rẫy đó, qua khu đất khác khai phá, mặc dầu có khi đã chặt, dọn gần hết. Khi đốt rẫy xong, nếu phát hiện có trăn chết, thì rẫy đó cũng không canh tác được; nếu tiếp tục canh tác sẽ không đạt kết quả tốt, gia đình, dòng họ sẽ gặp chuyện không lành.
Sau khi đốt và dọn rẫy, vào cuối tháng 3 âm lịch, người Xtiêng trỉa bắp, lúa (giống ngắn ngày) và các loại bầu, bí, cà…, một tháng sau, họ mới trỉa các giống lúa dài ngày. Trên một đám rẫy, họ thường trồng cả 3 loại lúa sớm, lúa lỡ, lúa mẹ. Đối với mỗi loại lúa, họ tỉa một hoặc vài ba loại giống theo từng khoảng riêng biệt để tiện thu hoạch trước sau tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống. Rẫy của người Xtiêng mang nặng tính đa canh, bao giờ cũng được trồng nhiều giống lúa và hoa màu khác nhau.
Khi gieo bắp, tỉa lúa, đàn ông đi trước, hai tay cầm 2 cây gậy đầu bịt sắt, đàn bà đi sau với gùi lúa trên lưng và giỏ đựng đeo bên hông. Họ trỉa bắp, lúa từ chân lên đến đỉnh đồi. Mỗi bước đi, đàn ông chọc lỗ sâu khoảng 3-4cm, đàn bà tra hạt vào lỗ và lấy chân lấp lại. Một người chọc lỗ có thể phải 2 người tra hạt. Thông thường, tỉa bắp, mỗi lỗ họ bỏ 2 đến 4 hạt, lúa từ 10 đến 30 hạt. Người Xtiêng kiêng số lẻ, nhất là 3 và 13. Nếu heo, chó đẻ 3 con, gà ấp nở 3 con hoặc 13 con họ phải giết hết, nếu không gia đình, dòng họ và làng sẽ gặp chuyện không may, đau ốm, chết…
Sau khi trỉa lúa, họ gieo trồng các loại đậu, khoai, rau, những loại cây sẽ cho thu hoạch trước khi lúa trổ bông. Khoảng một tháng sau khi trỉa lúa, họ tiến hành làm cỏ và dọn cây bụi với chiếc cuốc nhỏ (kau) và cúng rẫy cầu cho mùa màng được tươi tốt. Họ dựng ở ngay trước cửa rẫy một bàn thờ bằng tre, cao chừng 1,2m, rộng chừng 1m. Lễ vật cúng thường là gà. Họ lấy tre, vót nhọn, xâu gan gà, tim gà (mỗi loại cắt làm 7 miếng), bôi máu gà lên bàn thờ, cây tre và vẩy xung quanh, sau đó ngồi xuống cầu xin các thần linh giúp cho mùa màng bội thu. Người Xtiêng có tục cúng lúa chửa, sau khi lúa trổ đòng, lễ vật có thể nhiều hơn, có khi cúng cả heo, tùy theo sự sung túc của gia đình.
Khi lúa trổ bông cũng là lúc thu hoạch nông sản phụ và lúa ngắn ngày. Họ dựng một chòi nhỏ, mang theo đồ dùng cần thiết ra chòi ở để chăm sóc, thu hoạch và canh giữ thú rừng. Có nhiều hộ làm chòi lớn hơn nhà, mang con cái, gia súc, gia cầm ra rẫy ở. Đây là thời gian họ du cư, việc học hành, y tế của con cái bị gián đoạn, việc sinh hoạt trong ấp họ không quan tâm.
Đến mùa thu hoạch lúa (vào khoảng tháng 11 âm lịch), mỗi gia đình tự thu hoạch nông sản của mình. Họ dùng tay tuốt lúa hoặc dùng cặp (giống cái lược) để tuốt. Sau này, họ dùng loại hái nhỏ (khơ niel) để tuốt lúa, vận chuyển sản phẩm bằng gùi (sah). Do thu hoạch đại trà theo mùa, không thể nhờ vả các hộ khác, nên công việc thu hoạch lúa không thể tiến hành nhanh gọn. Theo quan niệm cổ truyền, họ không tuốt hết, phải để rơi vãi hoặc chừa lại một ít. Đây là sự lãng phí, tuy nhiên, người no, chim thú cũng phải no là cách nhìn nhân bản của đồng bào, và họ cho rằng đó cũng là quy luật của cuộc sống…
Thu hoạch lúa xong, họ phơi khô, làm sạch ngay tại rẫy, rồi vận chuyển về cất vào kho. Người Xtiêng Bù lơ thường để kho gần bếp, nhờ có khói nên lúa ít bị sâu mọt, bảo quản tốt lúa giống vụ sau. Người Xtiêng Bù dek thường làm kho ở cạnh nhà. Họ quan niệm lúa là cây lương thực chính, có thần, không để chung với người vì sợ ô uế thần lúa. Kho được làm lớn hoặc nhỏ tùy theo lượng sản phẩm thu hoạch và số khẩu trong gia đình.
Người Xtiêng Bù lơ, do sống ở vùng cao nên thường canh tác lúa rẫy, rất ít canh tác lúa nước. Tuy nhiên, người Xtiêng Bù dek đã biết đến kỹ thuật canh tác lúa nước từ rất sớm (3). Họ trồng lúa ở thung lũng, hoặc dải đất hẹp nằm giữa trảng cỏ, ngọn đồi…, những nơi vào mùa mưa sẽ ngập nước. Họ đắp bờ thành những khoảng ruộng nhỏ để ngăn nước, tiện cho việc chăm sóc. Người Xtiêng làm ruộng mỗi năm một vụ, chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Thời gian gieo trồng từ đầu mùa mưa (giữa tháng 4 âm lịch) đến hết mùa mưa (tháng 11 âm lịch). Khi những cơn mưa đầu mùa đã cung cấp nước xâm xấp mặt ruộng, họ bắt tay vào việc canh tác ruộng nước, dọn dẹp, cày, bừa bằng sức kéo của trâu. Họ cày cho lật đất, rồi xả nước ngâm vài ngày cho cỏ chết, đất thấm nước. 10-15 ngày sau, họ bừa (trục) đất cho mịn và phẳng rồi cấy lúa. Song song với việc dọn ruộng, họ gieo mạ ở gần khu vực cư trú. Khi mạ lên cao, cũng là lúc cày bừa xong, họ cấy lúa theo cách tương tự như người Việt. Ngày nay, người dân chủ yếu trồng lúa nước theo hình thức sạ, một số nơi vẫn gieo mạ cấy.
Trước 1975, người Xtiêng chưa biết đến kỹ thuật làm phân bón cho lúa. Khi đã trồng lúa (sạ hoặc cấy), họ ít chăm sóc, không nhổ cỏ hay bón phân, chủ yếu là trông nhờ vào tự nhiên. Do điều kiện kỹ thuật, thủy lợi, phân bón không tốt nên năng suất lúa thấp, thường khoảng từ 15-20 tạ/ha. Khi lúa chín, họ dùng liềm gặt, ủ lúa 1-2 ngày cho dễ rụng, dùng bồ đập lúa tại ruộng, rồi mang về phơi khô và cất vào kho…
 

Trong khai thác nguồn lợi tự nhiên

Người Xtiêng chú trọng đến việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ những cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái phong phú đa dạng, thú rừng nhiều chủng loại, lâm thổ sản phong phú, thông qua hái lượm, săn bắn, đánh bắt cá, lấy mật ong, lấy dầu chai… Mặc dù chỉ là các hoạt động bổ trợ, nhưng các công việc này giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người Xtiêng.
Hoạt động hái lượm đứng vị trí số một. Chỉ vào rừng với các công cụ đơn giản như dao, chà gạc, cây lồ ô, cây thuổng nhỏ…, họ đã thu về nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng, cung cấp đủ lương thực cho những ngày đói kém. Người Xtiêng thường nhờ vào thiên nhiên để duy trì cuộc sống thường ngày. Họ lấy các sản vật có từ rừng như: nấm, rau, hạt, quả rừng… về phục vụ cho bữa ăn gia đình.
Hoạt động săn bắt thường theo mùa, nhưng hái lượm là công việc thường nhật, nhất là vào lúc nông nhàn, giáp hạt, khi lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín. Vai trò người phụ nữ trở nên quan trọng trong việc hái lượm. Đàn ông tham gia đào các loại củ có nhiều tinh bột để bổ sung cho gạo và ngô. Củ mài (củ chụp), củ nần, khoai lang cho sản lượng thu hoạch cao, là sản phẩm bổ dưỡng, có thể đủ ăn cho nhiều gia đình trong thời gian dài. Các loại rau thực phẩm và gia vị cũng phổ biến. Sản phẩm ở nhóm này có các loại nấm (hương, mối, mèo, le…), măng, đọt mây, bắp chuối rừng; các loại rau quả rừng: lá bồn bồn, chà là, bầu, bí, mướp rừng, quả vả, quả cây gùi, bứa, xoài rau nhiếp, rau tàu bay, rau ngót… Rau nhiếp, hay còn gọi là lá bép là loại rau có vị ngọt, nướng lên ăn ngay, hoặc nấu canh thụt – loại canh phổ biến (bỏ ếch, nhái hoặc nòng nọc vào ống lồ ô rồi thục nát, thêm nước cùng một số loại rau rừng, nướng trên lửa đến khi ống lồ ô bung đầu, có mùi đặc trưng là được). Ngoài ra, rau nhiếp phơi khô, dùng để thay thế bột ngọt khi chế biến thức ăn.
Nghề săn bắn của người Xtiêng rất phát triển, có vị trí quan trọng trong đời sống. Kỹ thuật săn bắt chim thú và hệ thống bẫy, tên, ná của họ đạt đến trình độ cao, độc đáo khiến nhiều người kinh ngạc như chế tác ná (aq), tên, bẫy, thuốc độc…
Săn bắn thú vừa là nguồn tiêu khiển, vừa để bảo vệ rẫy và cung cấp thực phẩm cho gia đình, dân làng. Dụng cụ săn bắn chính là ná, thân bằng gỗ sơn mây, cánh bằng gỗ rỏi, loại gỗ lõi, không có mắt, dây làm bằng vỏ dây gắm được ve lại cho dày và phết sáp ong. Trên thân ná trang trí hoa văn, đầu mũi gắn hạt cẩm tròn đỏ, hoặc sơn màu đỏ, tượng trưng cho cây ná sát thú, thu được nhiều thành phẩm. Toàn cây ná thường được bôi dầu chai và sáp ong để tạo màu đen và độ bóng. Họ dùng tên tẩm thuốc độc để săn bắn thú lớn. Thuốc được chế từ các loại nhựa cây. Phương pháp chế tạo thuốc độc là bí truyền của dòng họ, gia đình người Xtiêng. Sau khi chế biến và tẩm vào đầu mũi tên, các loại thuốc này có độ độc mạnh nhẹ tùy theo cách chế biến và tùy theo các loại thú lớn nhỏ khác nhau.
Người Xtiêng có kinh nghiệm trong việc nắm đặc điểm, quy luật sinh sống của từng loài thú và có cách bẫy, bắt, bắn… khác nhau. Các loại bẫy của họ rất tinh vi, hiệu quả, phổ biến nhất là bẫy bằng ống lồ ô đối với các con thú nhỏ như chuột, chồn, sóc, chim…, và bẫy hố đối với các con thú lớn như hươu, nai, lợn rừng. Họ có cách làm bẫy rất độc đáo. Thú nhỏ, dùng một ống lồ ô to, khoét lỗ, trong kẹp một thanh sắt để khi thú chạy qua thì bị kẹp chân, đặt ngoài ruộng, trên rẫy hoặc bìa rừng, nơi có nhiều hang hay dấu chân thú. Thú to, đào hố rộng, dưới hố dùng dây rừng thắt lại làm bẫy thòng lọng để thú rơi xuống thì dây kéo cột lại không lên được, trên miệng hố dùng một số cây mục gác ngang dọc, phủ trên bằng lá khô rừng, đào nơi có nhiều bụi rậm hoặc dấu chân thú, bẫy tránh người bằng cách khắc dấu trên cây, tạo tín hiệu chung.
Những ngày nông nhàn, vào lúc chiều và tối, họ bắt đầu săn, bắt, bẫy thú. Họ thường làm các tum nhỏ náu mình, đặt bên cạnh rẫy và ngồi chờ thú đến. Bắt đầu vào mùa khô, toàn poh, cả già trẻ, thanh niên, phụ nữ kéo nhau vào rừng, nơi có nhiều thú. Họ bố trí các bẫy, hầm…, rào ngăn đường đi của thú, sau đó đánh mõ, đốt lửa đuổi thú hướng vào những cạm bẫy, hầm đã chờ sẵn. Những chuyến đi săn không thể thiếu chó săn, đôi khi họ chỉ cần đánh mõ, kêu la, bầy chó săn sẽ đuổi thú hướng về phía bẫy.
Người Xtiêng dạy con trai biết săn bắn, bẫy thú từ nhỏ, nên mỗi thanh niên là một tay thiện xạ. Họ còn có kỹ thuật bắn chuyển tên cho nhau. Khi một người bị hết tên ở xa, họ tiếp tế bằng cách bắn vào búi tóc hoặc cành cây, sao cho người đó có thể lấy tên sử dụng dễ dàng. Ngoài việc săn, bẫy thú, họ còn bỏ thuốc cho thú bị say rồi bắn. Vào cuối mùa khô, khi hồ, suối sắp cạn, còn một số vũng nước nhỏ, họ bỏ thuốc vào đó, thú uống vào sẽ bị say và nằm ngủ ngay gần đó. Họ chỉ bắt lấy những con đực hoặc con cái không có mang. Những con còn nhỏ hoặc có mang, họ không bắt, sau vài tiếng chúng sẽ tỉnh lại. Người Xtiêng có ý thức bảo vệ và duy trì nguồn thú. Họ không ăn những con thú đang chửa, đang nuôi con nhỏ, không phá hang, ổ của chúng.
Người Xtiêng có tục cúng thần rừng trước khi săn và cúng tạ ơn sau khi săn. Khi chọn được ngày tốt, tại khu vực đã định sẵn, họ làm lễ cúng để cầu xin thần rừng cho một số con vật để họ có thêm thức ăn nuôi sống gia đình. Lễ vật gồm: 1-2 chai rượu, một con gà, cơm tẻ hoặc cơm nếp (2 đĩa). Người đứng đầu nhóm săn (già làng, hoặc người đứng đầu gia đình lớn có kinh nghiệm săn bắn) khấn cầu, xin phép thần rừng, mọi người vái lạy theo, xong họ mới bắt đầu cuộc săn.
Trước khi chia nhau sản phẩm săn bắt được như heo rừng, nai, mễn, voọc, nhím, cheo,… họ cúng tạ ơn. Nếu chiến lợi phẩm là những con thú nhỏ, họ chỉ cúng bát cơm trắng, vái lạy tạ ơn, rồi chia phần. Khi săn được bò rừng, trâu rừng và thú lớn, họ thường tổ chức cúng thần rừng. Lễ vật gồm cơm lam, cơm nếp, hoa trái, con vật to nhất chọn mũi, đuôi, má tai, cắt riêng, rửa sạch làm đồ cúng, kèm rượu để cám ơn thần đã cho lương thực và mời mọi người trong dòng tộc, dân làng cùng ăn thịt thú. Mọi người ăn uống, ca hát vui vẻ, thể hiện tính cộng đồng, chia sẻ cùng nhau. Khi săn tập thể được nhiều thú, họ xẻ thịt thành từng miếng, phơi khô, treo gác bếp để dự trữ.
Mỗi khi ăn thịt thú săn được, người ta thường treo xương hàm thành dãy trên xà nhà để kỷ niệm và cũng là để chứng tỏ thành tích. Khi đến nhà nhau, nếu muốn biết chủ nhà có giỏi săn bắn thì họ nhìn lên mái nhà. Khi người đi săn qua đời, người nhà thường mang tất cả xương thú của người đi săn đó vào rừng đốt bỏ.
Người Xtiêng có tục kiêng con mễn (con mang, giống như con bò con) không săn, nếu săn lỡ trúng thì họ thả hoặc bỏ đi, không mang về ăn.
Vùng cư trú của người Xtiêng có nhiều ao hồ, sông suối, cung cấp nguồn cá vô tận. Họ đánh bắt quanh năm với các loại công cụ như nơm, lợp, lờ, cần câu… Thông thường, có 2 mùa đánh bắt cá trong năm. Vào giữa mùa mưa, khi các loài cá đã sinh nở, họ tổ chức đánh bắt. Và cuối mùa khô, khi ao, hồ, suối cạn, cá tập trung vào những nơi còn nước, họ dùng lao, đầu bịt sắt nhọn để đâm, dùng chà gạc để chém. Người Xtiêng còn có cách thuốc cá. Họ lấy lá, quả và vỏ cây rừng giã nhỏ thả vào suối cạn hoặc những vũng nước nhỏ. Cá bị nóng, cay mắt, say thuốc sẽ nổi lên mặt nước, người dân chờ sẵn để bắt.
Người Xtiêng còn khai thác nhiều đặc sản từ rừng. Nghề khai thác mật ong rừng đã được hình thành từ rất sớm. Đến mùa hoa rừng nở, chờ cho ong vừa chín mật, họ bắt đầu khai thác. Các khoảng rừng có rất nhiều ong, nhiều tổ lớn, chứa hàng chục lít mật. Mật ong rừng vừa làm gia vị thay đường, vừa là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả; sáp ong được chế biến thành những cây đèn sáp phục vụ cho những ngày lễ và thắp sáng trong gia đình. Mật và sáp ong là mặt hàng được ưa chuộng để trao đổi lấy nhu yếu phẩm như muối, gạo, nông cụ và cả salun, chiêng…
Khai thác dầu chai cũng là một nghề mang lại nguồn thu nhập cao. Những cánh rừng có nhiều loại cây dầu, cung cấp nguồn nhựa phong phú. Sản phẩm này dùng trao đổi với người Việt để quét bóng nón lá, chét ghe thuyền. Khi nghề đánh cá của các dân tộc vùng sông biển phát triển, nhu cầu làm ghe, xuồng nhiều, các dân tộc ở vùng biển thường đi lên vùng người Thượng sinh sống để thu mua dầu chai. Loại dầu này trộn với sơ gai chét ghe xuồng rất bền.
Việc khai thác nguồn lợi tự nhiên bị thu hẹp dần cùng với quá trình thu hẹp vốn rừng và sự mở rộng của kinh tế hàng hóa. Song, việc thu hái lâm thổ sản vẫn còn có vị trí quan trọng của đồng bào, hỗ trợ thêm cho kinh tế nông nghiệp và góp phần cải thiện đời sống hàng ngày.
Những năm gần đây, do cơ cấu sản xuất thay đổi từ du canh du cư chuyển sang định canh định cư, lối canh tác truyền thống dần chuyển sang phương thức sản xuất hiện đại. Cuộc sống xen cư với các dân tộc Việt, Hoa, Khơme… phần nào làm cho văn hóa Xtiêng bị mờ nhạt đi. Bên cạnh đó, đa số người dân Xtiêng đã chuyển sang theo đạo Tin lành, nhiều nơi không còn tập tục cúng thần lúa và thần rừng. Ngày nay, người Xtiêng không còn đốt rừng làm rẫy, hầu hết đất đai đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Họ gieo trồng và định cư trên mảnh đất của mình, rẫy cũ chuyển thành ruộng, vườn để trồng điều, cao su, lúa, chuyên canh ngô, khoai mì và các loại cây lương thực khác, canh tác dựa vào thời tiết hai mùa trong năm.

_______________
1. Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước năm 2008, tr.17.
            2, 3. Phan An, Hệ thống xã hội tộc người của người Xtiêng ở Việt Nam, Luận án PTS Khoa học lịch sử, 1992, tr.58.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011

Tác giả : Trần Văn Ánh – Lâm Nhân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *