Tri thức bản địa liên quan đến nước của người Mường ở Hòa Bình


     Tri thức bản địa về nước của người Mường ở Hòa Bình được bộc lộ tản mạn trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội. Các chương trình phát triển nông thôn, chương trình hỗ trợ phát triển của các tổ chức quốc tế đã từng có giai đoạn không coi trọng kinh nghiệm và hiểu biết truyền thống của cộng đồng sở tại. Để có thể tồn tại được tới ngày nay, các tri thức bản địa về nước của người Mường đã được cộng đồng nỗ lực gìn giữ dưới nền tảng của niềm tin và tín ngưỡng bản địa. Chỉ có một nền văn hóa đủ sâu sắc và mạnh mẽ mới có thể giữ được những tri thức này tồn tại qua những thăng trầm như vậy.

Lễ hội của người Mường – Ảnh: Phạm Lự

     1. Các tri thức bản địa liên quan đến nguồn nước sử dụng

     Trong sinh hoạt hát sắc bùa ngày Tết của người Mường, khi phường sắc bùa tiến vào sân nhà của gia chủ, câu đầu tiên của bài Phát rác (mở nước) là “Phát rác nhá ôông” (cầu cho mở nước nhà ông). Đây được coi là lời chúc quan trọng nhất đối với chủ nhà bởi đối với một gia đình trồng lúa, không thể không nhắc tới vai trò của nước (1).

     Khi chọn đất lập làng, mở mang diện tích sinh sống và cấy cày, việc đầu tiên người Mường phải tìm hiểu là nguồn nước. Đúng như câu nói phổ biến trong các cộng đồng Mường: “làm cơm phải có pó, làm lọ phải có đác” (nấu cơm phải có nước, cấy lúa phải có nước). Nước là yếu tố cốt lõi đảm bảo sinh kế của người dân. Vì thế, nơi nào có nguồn nước dồi dào, nơi đó con người có thể có được đời sống sung túc bởi mùa màng tốt tươi.

     Cũng như các cộng đồng Mường khác trên cả nước, người Mường ở Hòa Bình rất coi trọng vai trò của nguồn nước ngầm bởi đây là nguồn nước tinh khiết nhất. Nước ở các mạch nước ngầm, bên cạnh dùng cho sinh hoạt ăn uống hằng ngày, còn là nguồn nước có thể sử dụng trong việc thực hiện các nghi lễ cúng tế của cộng đồng. Nơi mạch nước ngầm phát lộ, người Mường khoanh vùng lại và gọi nơi đó là vó nước (hoặc mó nước). Vào ngày Tết, các thành viên trong gia đình Mường thường ra hứng dòng nước mới tại vó nước để rửa mặt và cầu khẩn, rũ sạch rủi ro năm cũ, cầu một năm mới sức khỏe tốt, ăn nên làm ra (2).

     Để lấy được nước ở vó, trước kia người Mường dùng ống bương, còn giờ, một số gia đình dùng xô hoặc cắt đôi ống bương, ống nhựa để dẫn nước về nhà. Một số nơi còn làm bể cạnh vó nước để làm nơi tắm công cộng cho người dân. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng nước tăng, đồng thời phong trào đào giếng phát triển nên vó nước đã dần biến mất.

     Sống ở khu vực thung lũng chân núi, người Mường có nguồn nước dồi dào từ các con suối, dùng để tắm giặt hoặc tưới tiêu. Nước mưa có nhiều từ tháng 5 đến tháng 9, cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với lúa nương.

     Ngoài nguồn nước có sẵn trong tự nhiên, người Mường còn đào giếng để lấy nước sạch sinh hoạt. Người dân thường đào ở những nơi có mạch đá vỉa bởi nước ở đó trong, mát, sạch hơn so với các vị trí khác. Giếng được đào cách xa chuồng trại chăn nuôi, xa nguồn nước thải và nhà vệ sinh của các gia đình. Họ thường đào giếng vào mùa khô, vì lúc này mực nước ngầm hạ xuống thấp nhất, nếu tìm được mạch nước thì đảm bảo cả năm giếng có nước. Hơn nữa, vào mùa khô, đất không bị vỡ nát, tiết kiệm thời gian và công sức cho người đào. Khi tìm được mạch nước, họ sẽ đổ cát xuống đáy giếng để lọc nước trong 3-4 ngày rồi mới dùng (3).

     2. Các tri thức bản địa liên quan đến bảo vệ nguồn nước

     Người Mường luôn có ý thức bảo vệ và giữ gìn các nguồn nước. Mức độ bảo vệ mạnh hay yếu của mỗi cộng đồng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phản ánh mức độ nhận thức, sự hiểu biết và kinh nghiệm của người dân đối với nguồn tài nguyên đó. Việc bảo vệ nguồn nước được người Mường quy định rất chặt chẽ qua luật tục, qua thời gian hình thành nên tính tự giác của cộng đồng.

     Xưa kia, người Mường quản lý nguồn nước theo xóm. Mỗi xóm phải trực tiếp coi sóc khúc sông, đoạn suối, vó nước thuộc địa phận xóm mình, việc này do thổ lang trực tiếp cai quản. Trong cuộc họp đầu năm ở nhà lang cun, vấn đề thủy lợi luôn được mang ra thảo luận (4). Bên cạnh đó, mỗi xóm đều đặt ra các quy định chung để bảo vệ các nguồn nước sản xuất. Mọi xóm đều quy định cấm người dân không được phá hoại mương phai, không được tự ý tháo nước ở ruộng trên khi chưa có sự cho phép của chủ ruộng (5). Sau năm 1954, việc trông coi chung nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu thường do các hợp tác xã nông nghiệp phụ trách. Các hợp tác xã thường huy động người dân để củng cố và xây dựng các đập nước, ao hồ lớn để đảm bảo duy trì nguồn nước tưới ổn định cho người dân.

     Đối với nguồn nước đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, người Mường cũng có những quy định rất nghiêm khắc. Trước đây, sông, suối thuộc địa phận của mường sẽ được lang cun quản lý, phân bổ thành các khoang theo trách nhiệm của từng xóm và theo đó, nguồn lợi thủy sản cũng sẽ thuộc phần của xóm đó. Một số khoang đặc biệt sẽ được lang cun trực tiếp quản lý, vào các dịp đặc biệt như Tết, giỗ chạp của nhà lang, lang cun sẽ cho phép dân làng đánh bắt cá tập thể ở khoang đó để lấy cá tôm làm lễ. Người dân thường tuân thủ các quy định đặt ra này rất nghiêm túc, bởi ngoài việc đó là do quy định của lang, người dân còn tin rằng ở những khoang đặc biệt đó là nơi các thần thủy tộc như rồng, thuồng luồng, vua khú trú ngụ; việc đánh bắt bừa bãi ở những khoang đó sẽ làm kinh động các thần.

     Để giữ gìn tốt nguồn nước sinh hoạt chung của cả xóm (đặc biệt là nguồn nước ngầm), người Mường đặt ra nhiều quy định chặt chẽ để mọi người tuân theo nhằm bảo vệ sự tồn tại của các vó nước, cụ thể bao gồm: Không cho gia súc, gia cầm xâm phạm các điểm lấy nước; Không được cho trâu, bò tắm hoặc uống nước ở đầu nguồn suối; Không được giết mổ gia súc, gia cầm hay vứt động vật chết tại nguồn nước; Không được dùng các loại lá độc, thuốc hóa học, nổ mìn diệt cá; Không được đem các loại dụng cụ bằng đồng vào hứng nước, lấy nước; Không được giặt tã lót trẻ em ở nguồn nước trong; Không được chôn người chết gần nguồn nước; Giữ và trồng rừng đầu nguồn; Không được đào bới bên trên và bên trong nguồn nước chung.

     Cứ đến dịp năm mới, các gia đình cử một người ra các vó nước để phát quang bụi rậm hoặc khơi dòng chảy, đắp bờ, làm hàng rào, sửa chữa hệ thống dẫn nước chung của cả xóm, cả làng. Dân làng còn đi dọc theo các con suối để nhặt sạch rác bẩn hai bên bờ suối. Ai làm bẩn nguồn nước sẽ bị phạt, xưa phạt 20kg thóc (6) hoặc biện lễ (gồm gà mái tơ, trứng gà, rượu) đem đến nơi đầu nguồn nước cúng tạ tội với thần nước. Có nơi còn bắt gia đình người làm bẩn nguồn nước phải khao cả dân làng, hoặc nặng hơn là đuổi người vi phạm ra khỏi cộng đồng (7).

     Quy định giữ và trồng rừng đầu nguồn là quy định cần đặc biệt lưu ý bởi quy định này phản ánh rõ mức độ hiểu biết của người dân về việc bảo vệ một cách bền vững các nguồn nước cho cộng đồng. Luật Mường có quy định: “Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước. Dùng nước phải biết tránh luồng nước. Dùng lửa hãy giữ gìn nạn cháy” (8).

     3. Nước trong canh tác ruộng nước và ruộng nương của người Mường

     Người Mường chủ yếu sống ở thung lũng, nên bao đời nay họ làm cả ruộng nước lẫn ruộng nương nhằm khai thác tối đa địa hình cư trú. Người Mường gọi các loại ruộng trồng lúa nước là . Nà cũng có thể hiểu là khoảnh đất có mặt bằng, xung quanh có bờ ngăn giữ nước, trên đó, người ta thực hiện các khâu thao tác như tưới nước, cày bừa, bón phân, gieo trồng và thu hoạch (9). Ngoài ruộng nước, người Mường còn làm ruộng nương trên các sườn đồi và núi. Nương trong tiếng Mường được gọi là hoọng, nằm trên sườn núi, đồi nên không bằng phẳng, không có bờ giữ nước. Người Mường làm đường cản nước (một rãnh ngang trên đầu mảnh nương và một rãnh dọc theo sườn núi) để khi mưa xuống, nước sẽ thoát theo các rãnh đó và không xói lở đất làm hỏng ruộng (10).

     Trải qua nhiều thế hệ sinh sống, người Mường đã hình thành nên một hệ thống thủy lợi phù hợp với đặc điểm tự nhiên vùng cư trú, có hiệu quả với hoạt động canh tác nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc điểm địa hình của nơi cư trú quyết định cách thức người Mường dẫn nước về các mảnh ruộng bằng hệ thống mương dẫn thủy kết hợp với hệ thống guồng nước. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng guồng nước quay bằng sức nước. Một guồng có thể tưới nước cho 1-2 mẫu ruộng. Thường người dân phải dựng một con đập ở phía trên guồng để điều hòa lượng nước. Khi đặt guồng nước thường chọn những con sông ăn sâu vào núi để tránh khỏi bị tỏa ra thành khúc sông rộng khi có lũ (11).

     Hệ thống thủy lợi dẫn nước theo mương này hiệu quả trong việc phân bổ nước đều cho các mảnh ruộng, cả ruộng nương lẫn ruộng nước, như Jeanne Cuisinier đã từng nhận xét: Các phương pháp dẫn nước tưới ruộng của người Mường, nếu như không phải là những phương pháp rất cải tiến, thì cũng đáp ứng những đòi hỏi của ngành trồng trọt ở địa phương và thiếu sót của những phương pháp đó đã được bổ khuyết một phần do những điều kiện địa lý và khí hậu của xứ này (12).

     Ngày nay, do nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng lớn nên nguồn nước từ hệ thống thủy lợi truyền thống là không đủ. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ về vốn, vật tư và kỹ thuật để đắp đập, xây dựng hồ thủy lợi chứa nước ở rừng đầu nguồn và hệ thống kè, cống kiên cố hơn để khắc phục nhược điểm dễ bị hư hại của hệ thống dẫn nước truyền thống (13).

     Hệ thống thủy lợi ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị về kinh nghiệm, tri thức được tích lũy qua nhiều năm sinh sống. Tuy nhiên, trước thực trạng rừng bị phá hủy, đất đai bị thu hẹp hoặc xói mòn, các vó nước bị san lấp… hệ thống thủy lợi truyền thống không thể vận hành hiệu quả như trước đây.

     4. Nước với nguồn lợi thủy sản

     Cá, tôm, cua, ốc… ở sông suối cũng là một nguồn lợi thuỷ sản rất quan trọng của người Mường. Để khai thác được nguồn lợi từ nước, người Mường có hai hình thức đánh bắt: cá nhân và tập thể. Đánh bắt cá tập thể được thực hiện nhiều vào thời kỳ trước, dưới sự tổ chức của nhà lang. Ngày nay, hình thức đánh bắt này không còn mà chủ yếu là đánh bắt cá nhân với các dụng cụ như vợt, ngọ hầu, xoong và ngọ đánh dài. Các công cụ đánh bắt cá của người Mường đã từng được Jeanne Cuisinier khen rằng: “Tài đánh bắt cá khéo léo của họ, sáng kiến của họ trong việc chế tạo dụng cụ đánh bắt cá không bị mai một”(14). Để tạo ra các kiểu dụng cụ này đòi hỏi người dân phải hiểu biết được loại cá, mùa cá, dòng chảy của nước và đặc điểm của các khúc sông, đoạn suối… Người Mường ở xóm Sủi (Tân Vinh, Lương Sơn, Hòa Bình) còn lưu truyền kinh nghiệm về việc sử dụng hạt cây mát để làm thuốc cho cá say mà nổi lên khỏi mặt nước nhưng lại không gây độc cho người khi ăn.

     5. Kết luận

     Người Mường ở Hòa Bình hiện nay cũng đang phải đối mặt với sự đổi thay nhanh chóng của đời sống xã hội. Bối cảnh đời sống vật chất thay đổi khiến đời sống tinh thần cũng thay đổi theo. Tri thức và sự hiểu biết truyền thống về nước không còn môi trường để tiếp tục phát huy tác dụng. Các phong tục và nghi lễ liên quan tới nước của người Mường cũng đang dần biến mất. Việc khôi phục, giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại là một trong những biện pháp hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó nhà nước phải quan tâm đúng mức đến mối liên hệ giữa tri thức bản địa, phong tục, nghi lễ về môi trường của các tộc người với hệ tư tưởng bản địa ẩn sâu trong đó và phải coi đây là những thực hành văn hóa sinh thái mang tính bền vững. Vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nước của người Mường, chúng ta phải luôn đặt chúng trong mối liên hệ với thế giới quan vạn vật hữu linh của tộc người này.

     Cách tiếp cận này đã được các nhà nghiên cứu về văn hóa sinh thái trên thế giới ủng hộ. Họ đều nhất trí rằng: Sự tôn kính tự nhiên của các tộc người trong lịch sử, sự cân bằng mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên là những giá trị tích cực trong việc bảo vệ môi trường nước. Các tộc người biểu đạt sự tôn kính tự nhiên bằng nghi thức cúng tế, thông qua biểu đạt sự tôn kính tự nhiên để người ta có thể truyền lại thế hệ sau những quy phạm hành vi. Điều đó không nên bị đồng nhất với những hoạt động mê tín dị đoan, không nên bị bài xích, ngược lại việc cúng tế tự nhiên, sống hòa đồng, tương tác với tự nhiên có tác dụng tích cực để con người tôn kính nước, yêu quý nước, bảo vệ môi trường nước.

_____________

     1. Tô Ngọc Thanh, Lễ nghi nông nghiệp của Sắc bùa, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 1984, tr.10.

     2. Phùng Quỳnh, Tết của người Mường, Tạp chí Văn hóa các dân tộc, số 1+2, 2001, tr.5.

     3, 6. Vũ Thanh Hiền, Tri thức địa phương của người Mường trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, Khóa luận tốt nghiệp, chuyên ngành Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, 2004, tr.70, 72.

     4. Nguyễn Từ Chi, Người Mường ở Hòa Bình cũ, trong Người Mường và văn hóa cổ truyền Mường Bi, UBND huyện Tân Lạc và Sở VHTT tỉnh Hà Sơn Bình, 1998, tr.361.

     5, 7, 10. Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Hồng Thu, Tri thức địa phương của người Mường trong sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.177, 175, 25.

     8. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.446.

     9, 13. Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Ngọc Thanh, Người Mường ở Tân Lạc tỉnh Hòa Bình, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003, tr.18, 21.

     11, 12, 14. Cuisinier, J., Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội học, Nxb Lao động, Hà Nội, 1995, tr.178, 180, 212.

 

Tác giả: Lê Thanh Hòa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *