Người Thái là dân tộc ít người, có dân số lớn thứ ba trong cộng đồng 54 tộc người ở Việt Nam với 1.845.492 người, cư trú tập trung ở các tỉnh Tây Bắc và miền Tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An năm 2015, toàn tỉnh có 303.822 người Thái cư trú tập trung ở các huyện trung du và miền núi, được phân bố thành hai khu vực. Khu vực đường quốc lộ 7A bao gồm các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và một phần thuộc huyện Anh Sơn. Khu vực đường 48 gồm các huyện: Quỳ Châu, Qùy Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và một bộ phận ở huyện Quỳnh Lưu. Với số dân đông, chiếm đa số, người Thái đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thay đổi bộ mặt của miền Tây Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay.
Trong cuộc sống thường ngày, người Thái rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, tìm cách bảo vệ sức khỏe và xem đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hạnh phúc, sự thịnh vượng của mỗi gia đình. Mỗi khi trong nhà có người ốm đau, họ tìm đến các hình thức chữa bệnh khác nhau mong người bệnh mau khỏi. Vốn sống giữa mênh mông núi rừng, trước sự huyền bí của tự nhiên, đã hình thành ở họ nguồn tri thức phong phú trong ứng xử với bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Bởi vậy, nghiên cứu về tri thức dân gian trong chẩn đoán và chữa bệnh của người Thái góp phần trong định hướng chăm sóc sức khỏe người dân, cộng đồng cũng như thấy được giá trị về nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người và sự am hiểu của họ về môi trường sống…
Quan niệm tâm linh của người Thái gắn với sức khỏe con người
Trong quan niệm dân gian của người Thái: con người sống được là nhờ có linh hồn (khoăn/ văn) và vía (ngau) ngụ trong thể xác. Cơ thể con người gồm nhiều vía, mỗi vía tương ứng với một bộ phận trên cơ thể. Khi bộ phận nào đó trên cơ thể bị đau yếu, tức là vía của bộ phận đó bị đánh cắp, bị đánh mất, bị lấy mất hoặc tự ý đi theo cái gì đó và cần phải đưa vía quay lại cơ thể. Trong cách diễn giải của người Thái, vía có thể dùng chỉ chung hoặc tương đồng với linh hồn (vắn) của cơ thể của con người. Khi chết, vía con người chia thành ba, một vía ở lại mộ; một vía về với ông bà tổ tiên và dòng tộc trên trời; một vía về ở trên bàn thờ gia tiên đặt trong nhà.
Vía mang tính biểu trưng, gắn với sức khỏe của mỗi người, liên quan mật thiết với sự thịnh vượng của mỗi gia đình nên mặc nhiên trở thành trục chính trong quan niệm tâm linh của người Thái. Hầu hết các lễ cúng trong một năm và trong chu kỳ một đời người đều có mục đích trước hết là vía của người được làm lễ và của cả gia đình được khỏe mạnh.
Ngoài ra, người Thái quan niệm về tính thiêng của các sự vật cũng vô cùng phong phú. Với họ, mọi sự vật đều có linh hồn và càng những cây lâu năm, những hòn đá có hình dáng dị thường… thì linh hồn càng mạnh mẽ hơn. Các sự vật và những hiện tượng thiên nhiên như sấm, sét… đều có thể tác động đến vía con người…
Trong thế giới tâm linh, các thày mo được xem là những người đại diện cho “con nhà trời” làm việc kết nối giữa con người trong cuộc sống đời thường với thế giới thần linh và tổ tiên. Người Thái ở huyện Quế Phong kể rằng, ông trời sinh ra ba người con và cử xuống trần gian để coi sóc sức khỏe của con người. Chị cả được gọi là mo một, chuyên làm lễ cầu vía, xin vía trở lại với cơ thể con người và làm lễ giải hạn bằng những lời khấn nhẹ nhàng, kể lể và hành động mang tính thuyết phục. Anh trai thứ hai được gọi là mo tang nhao/Mo xống phi, có nhiệm vụ tiễn đưa người chết về với gia tiên, dòng tộc trên trời. Em trai út là mo môn, cũng có nhiệm vụ làm lễ cầu vía trở lại với cơ thể con người và làm lễ giải hạn như mo một, nhưng lời khấn và hành động quyết đoán, mạnh mẽ hơn, đôi khi là dọa nạt. Thày mo và mo môn bên cạnh chữa bệnh bằng tâm linh, còn biết các bài thuốc chữa bệnh bằng thảo dược.
Ngoài ra, còn có một số thày mo khác, như mo nhượng/mo mở chỉ làm thày bói; mo xơ làm thày cúng… Theo tác giả Vi Văn An, thuật ngữ mo không chỉ là những người thực hành tâm linh, mà còn dùng để chỉ những người giỏi giang, nổi trội về một nghề, lĩnh vực nào đó, như người hát giỏi được gọi là mo khắp, người săn giỏi gọi là mo phan, người dạy giỏi gọi là mo khu…
Khi bị đau ốm mà không có bệnh lý rõ ràng hoặc chữa bằng thảo dược, tây y lâu ngày không khỏi, một số người đã tìm đến các thày mo như một giải pháp tâm lý.
Thày mo sẽ làm lễ cúng vía vô cùng phong phú, phù hợp với nhiều lý do mà người bệnh có thể bị mất vía… Lễ được làm vào các ngày tính theo âm lịch như: ngày 2, 10, 12, 22 (tháng 1); ngày 1, 9, 17, 25 (tháng 2 và 3); ngày 8, 16, 24 (tháng 4); ngày 15, 23 (tháng 5 và 6); ngày 10, 14 (tháng 7); ngày 1, 9, 17, 25 (tháng 8 và 9); ngày 5, 8, 12, 16 (tháng 10); ngày 3, 11, 27 (tháng 11 và 12).
Trong các lễ kể trên, thày mo thường biểu hiện nhiều trạng thái, lúc thì kể lể, lúc thì cầu xin và có khi dọa nạt… Mỗi tình huống ứng với một giai đoạn trong hành trình tâm linh của thày và được biểu hiện hết sức đời thường.
Mỗi nghi lễ phản ánh sâu sắc quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Ở đó, không chỉ là sự hiện diện của thế giới tâm linh, mà còn ẩn chứa lịch sử phát triển tộc người và cả những băn khoăn trong cuộc sống cũng như những mưu cầu hạnh phúc của người Thái hiện nay. Nghi lễ đồng thời là không gian bảo lưu nhiều giá trị truyền thống văn hóa nhất, nơi các thày cúng sử dụng ngôn ngữ tộc người để giao tiếp với thế giới thần linh, ông bà tổ tiên; những bộ trang phục truyền thống được mặc, hay những mảnh vải thủ công được dùng nay không còn sử dụng trong đời sống hằng ngày…
Sau mỗi lễ cúng, thày mo được trả công theo một nguyên tắc nhất định, khoảng 1/3 số lượng thịt được bày trên mâm cúng. Nếu là các lễ cúng lớn, mổ lợn, sau lễ cúng, thày mo sẽ có thịt mang về nhà. Với lễ cúng nhỏ, chỉ mổ một con gà thì sau lễ cúng, thày mo không có gì mang về, ngoài một bữa cơm dùng chung với gia đình làm lễ.
Chữa bệnh bằng thảo dược
Người Thái sống gần rừng, qua nhiều thế hệ tích lũy kiến thức từ cây cỏ, họ đã có được nhiều bài thuốc thảo dược dùng để chữa nhiều bệnh. Có thể nói, cho đến trước năm 1975, thảo dược là phương thuốc duy nhất bên cạnh hình thức chữa bằng tâm linh. Sau năm 1975, các cơ sở chữa bệnh bằng y học hiện đại đã được lập tại các vùng dân tộc thiểu số, nhưng còn nghèo nàn và phải chờ tới sau những năm 1990, nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới, người dân mới được tiếp cận đầy đủ hơn phương thức chữa bệnh bằng y học hiện đại. Dẫu vậy, cho tới thời gian gần đây, việc dùng thảo dược dù có giảm so với trước nhưng vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thông dụng do có chi phí thấp, trong khi cơ sở vật chất của trạm y tế xã còn thiếu thốn; bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh ở xa các bản, việc đi lại khó khăn, kinh tế của người dân eo hẹp, không đủ tiền trang trải việc đi lại xa…
Dân bản ở lứa tuổi từ thanh niên tới người già đều biết ít nhất một vài bài thuốc chữa bệnh bằng thảo dược. Đặc biệt, trong mỗi bản, thường có một vài người giỏi chữa bệnh bằng thảo dược. Họ thường là thày mo, có thể là thày mo môn, mo một hoặc mo mặc hạy (thày lang, thày thuốc – chuyên bốc thuốc) kết hợp chữa bệnh bằng tâm linh với thảo dược. Theo truyền thống, những người này chỉ trao truyền tri thức của mình cho con cháu và hạn chế chỉ bảo cho người ngoài vì lo giữ nghề, dù rằng trong thói quen ứng xử, mọi người cần tương trợ nhau những lúc khó khăn nên việc hái thuốc chữa bệnh là bổn phận của người biết bài thuốc, không nhằm mục đích để kiếm tiền.
Mỗi thày thuốc thường chỉ giỏi chữa một số bệnh và có uy tín về lĩnh vực đó, ví dụ chuyên chữa các bệnh liên quan đến đại tràng, đau bụng hoặc các bệnh về xương khớp hoặc khi bị rắn cắn… Trong nhà, các thày luôn sẵn có các loại thảo dược để chế thành các thang thuốc, phòng khi có người đến xin thuốc. Khi thuốc sắp hết, họ sẽ vào rừng để tìm, thường sáng đi, chiều về.
Khi bệnh được chữa khỏi, người bệnh sẽ mang một chút đồ lễ đến tạ ơn thày thuốc, thường là 1 con gà, rượu và tấm vải trắng, trầu cau và một ít tiền. Trong những năm gần đây, nhờ giỏi bốc thuốc, danh tiếng một số thày thuốc vươn xa khỏi cộng đồng người Thái, tới tộc người khác trong tỉnh. Nhiều người ở xa gọi điện về đặt mua và gửi tiền mua thuốc qua bưu điện hoặc người quen.
Những thay đổi nhận thức về bệnh tật và sức khỏe
Hiện nay, trạm xá được xây dựng khang trang hơn với trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ, đảm bảo chữa được những bệnh thông thường và sơ cứu ban đầu nếu bệnh nặng. Chính quyền địa phương và các cán bộ y tế xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhất là với phụ nữ mang thai và trẻ em, các bệnh thường gặp, nguy cơ lây nhiễm và cách thức phòng tránh. Cùng với kết quả khám chữa bệnh tích cực bằng y học hiện đại, người dân từng bước thay đổi nhận thức về nguyên nhân gây bệnh.
Hầu hết dân bản khi có bệnh đều chủ động đến khám tại trạm xá. Theo ước tính của cán bộ y tế tại các xã trong huyện, có khoảng trên 70% người bệnh dùng thuốc Tây, 20-25% số người dùng thảo dược và khoảng 5% chỉ chữa bằng hình thức cúng.
Chữa bệnh bằng hình thức tâm linh đa số là người cao tuổi, thường có bệnh nền và khó chữa khỏi, việc cúng được xem như một liệu pháp tâm lý. Người dùng thảo dược phần nhiều mắc bệnh nặng, do không đủ khả năng kinh tế tiếp tục khám chữa tại bệnh viện huyện hoặc tỉnh nên chọn dùng thảo dược với chi phí thấp hơn rất nhiều và không phải đi xa nhà.
Người Thái hiện nay ngày càng quan tâm tới sức khỏe, môi trường sống, nguồn nước và thực phẩm. Gia súc, gia cầm không còn nuôi dưới gầm các ngôi nhà sàn, nhà và không gia quanh nhà luôn được quét dọn sạch sẽ để tránh côn trùng và chuột. Nguồn nước dân bản sử dụng được dẫn từ nguồn nước suối trên núi về tới nhà hoặc bể nước công cộng của bản. Họ không dùng nước suối bởi cho rằng bị ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình và các phân bón hóa học, thuốc trừa sâu… Người Thái phần nhiều tự cung tự cấp về thực phẩm. Nguồn thực phẩm tương đối đa dạng, phong phú từ sản vật của núi rừng như măng rừng, rau rừng, chuột rừng, sóc… Các gia đình đều nuôi gà, vịt, lợn và chăn thả tự nhiên, phần nhiều thả rông, không nhốt trong chuồng. Việc bổ sung cám công nghiệp, thóc gạo làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không nhiều. Dân bản nhận thức rõ về giá trị nguồn thực phẩm mà họ đang sử dụng hằng ngày. Họ tự hào rằng họ đang thưởng thức mỗi ngày những “thực phẩm sạch” mà người ở vùng đồng bằng khó có thể tìm mua được. Những sản phẩm này chắc chắn sẽ đem lại cho họ sức khỏe tốt hơn và tránh được những bệnh mà thực phẩm chứa nhiều chất hóa học mang lại.
Kết luận
Người Thái ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có niềm tin vào khả năng tác động của thế giới tâm linh đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người. Niềm tin đó cùng với các nghi lễ dân gian phần nào phản ánh những nét văn hóa truyền thống. Mặt khác, niềm tin vào thế giới tâm linh trở thành rào cản trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân, cộng đồng. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục có những hình thức tuyên truyền, giáo dục về kiến thức y học như nguyên nhân của các loại bệnh và cách phòng tránh; loại bỏ những biến tướng, mê tín trong thực hành tín ngưỡng dân gian.
Bên cạnh đó, cần trang bị tốt hơn cho các trạm y tế xã cả về nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế. Nhiều trạm y tế chưa có máy siêu âm, bình thở ô xy… Tạo điều kiện tốt hơn để những người dân nghèo tại các bản yên tâm khám, chữa tại các bệnh viện huyện, tỉnh khi không may mắc bệnh nặng. Tri thức của người Thái trong việc sử dụng cây thuốc vô cùng quý, rất cần được nghiên cứu, tìm hiểu, trước hết để bảo vệ các giống cây quý, sau nhằm phát huy các giá trị tri thức phục vụ cho đời sống của cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 04 năm 2019, Nxb Thống kê, 2019, tr.160.
2. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb Thế giới, 2017.
3. Lê Hải Đăng (Chủ biên), Tín ngưỡng, phong tục Thái Thanh – Nghệ, Nxb Khoa học xã hội, 2019.
4. Quán Vi Miên, Văn hóa Thái Nghệ An, Nxb Lao động, 2011.
5. Sigmund Freud, Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kỵ), Nxb Đại học Quốc gia, 2001.
6. Chu Thái Sơn (Chủ biên), Người Thái, Nxb Trẻ, 2005.
Tác giả: Lê Anh Hòa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%