Trường lũy dài 200 km ở Quảng Ngãi


Công trình này không chỉ được xây dựng với mục đích phòng vệ, mà còn là con đường giao thương giữa đồng bằng và miền núi.

Trường lũy ở triền núi Nứa, thuộc thôn Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông) có đoạn cao tới 3m, chân rộng 4m, mặt trên rộng 2 m với những tảng đá vừa, đều rêu phong cổ kính. Bên trong Trường Lũy vẫn còn dấu tích của tất cả các mảnh vườn, giếng nước, bình vôi, dây trầu không quấn quanh những thân cây cổ thụ. Các mảnh vườn trong làng được chia thành những ô nhỏ vuông vắn, mỗi ô rộng chừng 300m2, ngăn cách nhau cũng bằng những dãy tường đá ( làm bờ rào) được xếp thấp hơn nhiều so với lũy thành, giữa hai bờ kè đá là đường đi rộng khoảng 1m.
Trường lũy có chiều dài 200km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng kéo dài qua 7 huyện của Quảng Ngãi và vắt qua huyện Hoài Nhơn và An Lão của Bình Định. Trường lũy đi qua nhiều địa hình khác nhau nên việc xây dựng “lũy đá” của người xưa cũng rất đa dạng: ở địa hình bằng phẳng, lũy đơn giản chỉ được đắp bằng đất; nơi sườn núi có độ dốc vừa phải, lũy được đắp cốt đất ở trong, bên ngoài ốp đá; những địa hình có độ dốc lớn, hoặc trên đỉnh những ngọn núi cao thì được xây hoàn toàn bằng đá. Kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, khiến cho lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi.
Các nhà nghiên cứu đã tìm được dấu tích của 50 bảo (đồn binh) dọc theo lũy. Đa số các bảo đóng ở những vị trí quan trọng, nơi có các dòng sông lớn chảy qua.
Khai quật khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều đồ gốm có niên đại sớm nhất là nửa sau TK XVII, có nguồn gốc đa dạng từ Trung Quốc, miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Điều này chứng tỏ, đã có sự buôn bán, trao đổi qua lũy vào khoảng nửa đầu TK XVII đến nửa sau TK XVIII…
Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về các mặt lịch sử, quân sự, văn hóa và kinh tế dưới triều Nguyễn, có thể trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia, mở ra cho ngành du lịch cơ hội đưa du khách tham quan, tạo điều kiện cho người dân trong vùng hưởng lợi thông qua việc đảm nhận bảo vệ di tích hay mở những dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách tham quan, du lịch.
 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010

Tác giả : Quốc Phong

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *