Trương tân và con đường nghệ thuật


          Trương Tân là một nghệ sĩ mỹ thuật đương đại có một vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật Việt Nam. Hình ảnh của anh gắn liền với sự dũng cảm của một cá nhân sống thành thực với giới tính và cá tính của mình. Sự thành thực đó được thể hiện mãnh liệt trong nghệ thuật của anh, từ các sáng tác hội họa đến những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn về sau này. Sự thành thực đó tiếp sức cho anh trên hành trình kiếm tìm tự do trong chính bản thể mình và thể hiện trọn vẹn sự tìm kiếm cũng như thành quả của sự kiếm tìm ấy thông qua nghệ thuật. 

Để lại ảnh hưởng thực sự tới nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi hơn và thuộc các thế hệ khác nhau, đó là minh chứng đơn giản cho vị thế của Trương Tân trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Điều đó phân biệt anh với khá nhiều nghệ sĩ tài năng khác. Uy tín đó cũng là một cơ sở quan trọng trong toàn bộ khảo sát và đánh giá có hệ thống về một trong số các nghệ sĩ lớn ở Việt Nam.

Cho đến những ngày tháng cuối của năm 2008, Trương Tân vẫn xuất hiện ở một số chương trình nghệ thuật rất đáng đề cập tới. Tham gia Singarpore Biennale tiếp đó là một serie performance art trong chuyến đi cùng các cộng sự tới Berlin. Quay về Hà Nội với tư cách chuyên gia trong workshop Open Acadermy do Quỹ Đông Sơn Ngày Nay (Hà Nội) tổ chức. Rồi tháng 12 với tác phẩm sắp đặt trong dịp kỷ niệm 10 năm nhà sàn Đức (không gian nghệ thuật thực nghiệm). Những liệt kê không thể đầy đủ này bắt đầu cho một loạt nét phác họa về chân dung nghệ sĩ Trương Tân.

Thứ nghệ thuật của anh cùng với những thành công đó và cả một vị trí rất quan trọng trong giới mỹ thuật nói chung, nó được tạo nên bởi những gì? Quả thật là khó giải đáp, e rằng ngay cả với anh cũng khó trả lời chính xác câu hỏi đó? Nhưng dễ nhận thấy một điều, với không ít người thì toàn bộ vấn đề trên có thể được họ quy về vấn đề đồng tính của bản thân tác giả. Nó đúng một phần, chính Trương Tân không bao giờ né tránh vấn đề hết sức con người đó. Hình như nó là tình yêu thì phải? Tình yêu lớn, điều kiện của nó cũng phải là một bầu không khí rộng lớn để người ta có thể hiểu nó đến đâu. Ở trường hợp hết sức cá nhân này, đồng tính như một yếu tố bản năng quy định tư duy nghệ thuật và sự yêu thương trong đó.

Ở những bức tranh mới của anh vẫn không ngừng trỗi dậy những ẩn ức kỳ bí của không gian có những thằng người từ lâu lắm rồi đã trở nên một môtíp cực kỳ biểu cảm và cũng cực kỳ kiên cố. Không gian đó thay đổi, nó cho ta có cảm giác về một khu rừng lạ, một thiên đường, có khi là một cái lồng vô hình… Sự tồn tại của những nhân vật trên cũng quái gở, có thể gọi chúng là những hình thù thậm chí là những ký hiệu cũng được. Anh vứt chúng ở những đâu trên bề mặt tranh? Ở khắp mọi nơi có thể, một đống người ngổn ngang, hay một hình lớn chiếm hầu hết diện tích gây cảm giác kích mắt, hoặc một lũ rúm ró ở góc. Khái niệm bố cục hợp lý, rồi quan hệ giữa nhóm chính nhóm phụ hay những khoảng hở và nền tạo nên sự cân đối, tất cả những nguyên tắc đó không tồn tại ở đây. Hay đúng hơn, nó phải tồn tại theo một dạng khác, phải phục tùng sự “điên rồ” của tác giả, phải nghe những đòi hỏi của chính hình thể trên mặt phẳng kia nữa?

Là một sinh viên xuất sắc của trường Đại học mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), năm 1989, anh tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên khoa Hội họa. Thuở ban đầu của Trương Tân, nghệ thuật cũng là những gì đẹp đẽ, trong sáng như anh được học trong trường. Nhưng, những trải nghiệm không thể lừa dối cho anh hiểu về cuộc sống này rất khác so với đa số biểu hiện trong nghệ thuật xung quanh mình. Nếu quả thật như vậy thì ngoài những điều đẹp đẽ ra, còn có những gì? Cuộc sống này có những gì cho chúng ta? Đó là phản đề đầu tiên cho một nỗi hoài nghi dần một quyết liệt hơn theo anh trên hành trình đi vào thế giới nghệ thuật. Trương Tân bắt đầu đưa những thực nghiệm mới mẻ và sáng tạo vào việc giảng dạy và truyền đạt tới các sinh viên. Diễn biến đó rõ ràng mang tính đột phá, tính thuyết phục của nó phần nào đó được các sinh viên háo hức và ủng hộ. Điều này không hề dễ dàng được chấp nhận từ phía hệ thống đào tạo. Có thể xem đó là những xung đột đầu tiên. Cá tính sáng tạo của nghệ sĩ này ngày càng bộc lộ một cách cực đoan hơn. Nó như là sự “châm chọc” vào toàn bộ tồn tại người mà trong đó quyền con người và tự do giới tính là hạt nhân trong hầu hết biểu hiện nghệ thuật của anh.

Giữa thập niên 90, Trương Tân dành nhiều thời gian hơn cho nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn. Nhất là khi đó, anh cũng tìm được sự cộng tác nhất định với một số nghệ sĩ tâm huyết. Những con người sẵn sàng tìm đến thử thách góc cạnh hơn so với bối cảnh chung của mỹ thuật lúc đương thời.

Cuối thập niên 90, thành công trong nghệ thuật và uy tín của anh ngày càng lớn. Trương Tân được được coi là một nghệ sĩ xuất chúng không chỉ trong lòng rất nhiều nghệ sĩ tài năng khác mà còn nhận được sự quan tâm của giới nghệ thuật quốc tế. Anh cùng một vài nghệ sĩ khác đã trở thành đối tác nghệ thuật quen thuộc trong những sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ ở bên ngoài quốc gia. Năm 1998, không ít sinh viên và những người yêu nghệ thuật cảm thấy hụt hẫng khi anh quyết định thôi giảng dạy để sang Pháp sinh sống và làm việc.

Sự phức tạp trong con người và nghệ thuật của anh, tâm thế đó nay lại tha hương. Những chuyến đi đi về về gây một cảm giác lưng chừng của sự vừa mệt mỏi vừa mong đợi…? Nó đầy ắp trong một căn phòng trưng bày tác phẩm Cánh chim di cư của Trương Tân khi anh tham gia triển lãm Xanh – Đỏ – Vàng tại viện Goethe Hà Nội (tháng 10-2003), triển lãm khai mở văn phòng Viện Goethe mới tại 56-58 Nguyễn Thái Học. Một căn phòng lạnh lẽo đầy ắp những hình thù nhân vật quen thuộc trong những bức tranh của tác giả. Nhưng nó lại gây cảm giác cô đơn ghê gớm và cả sự rung động đến gai người. Không gian của tác phẩm sắp đặt hình như có chủ động tính đến việc tái hiện một bức tranh. Nói cách khác, nó muốn tổ chức lại về mặt không gian từ hai chiều sang không gian thực (không gian người xem có thể đi vào được cùng những vật thể được trình bày trong đó). Sự tinh tế trọn vẹn trong tạo hình và dàn dựng khiến cho tác phẩm đẹp lạ lùng. Với Cánh chim di cư, những đòi hỏi ngoan cố lúc đó về mặt thẩm mỹ đối với một tác phẩm nghệ thuật đã không còn cơ hội nào. Mặc dù, dường như khi ấy thật khó để gọi anh bằng từ họa sĩ. Nhưng với mọi thực hành nghệ thuật từ những năm trước đó, Trương Tân đã trở thành nghệ sĩ thị giác từ lâu rồi.

Trước triển lãm trên, năm 2002, tại không gian nhà sàn Đức, anh trưng bày một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình: Váy cưới. Thoạt tiên, nó không có gì ghê gớm như chính tên gọi giản đơn kia. Và Trương Tân cũng gây cho mọi người cảm giác rằng anh đang trình bày một câu chuyện từ chính ruột gan mình. Những chuỗi xích bằng sắt được anh bện thành thân váy cho ngày cưới. Và nó, cái váy cưới với bộ dạng như thế nằm ngoài kinh nghiệm thị giác của chúng ta, nó gây cho ta sự sửng sốt và những cảm giác hỗn loạn. Mặc dù tất cả mọi người đều quá quen thuộc với môtíp xiềng xích được hình ảnh hóa trong văn học, nhưng ở đây, về mặt cảm giác, không thể giải thích nổi, nó thuộc về những gì trực cảm và lay động đến nơi hẻo lánh nhất trong tâm hồn. Quá con người! Bởi vậy đứng trước tác phẩm đó, hình như chúng ta cũng không có nhu cầu phải liên hệ nó với một phạm vi xã hội trực tiếp nào? Sự cô độc của con người ư, sự chia cắt về giới tính ư,… cũng bằng thừa, vì nó ở ngay kia và có thể không cần đi tìm những kiến giải đó nữa.

Cũng mang một tinh thần tựa như vậy, tác phẩm Đàn lông được trưng bày tại gallery Mai (số 3B Phan Huy Chú, Hà Nội). Bàn tay khéo léo và tinh vi của Trương Tân đã chế tác lên một cây đàn quái gở. Có phải anh đã ngẫu hứng “bịa” ra hình ảnh về một nhạc cụ vô cùng thú vị? Ở chính giữa thân đàn được gắn một cái phễu bọc lông hồng rất tỉ mỉ. Cây đàn toát lên một vẻ đỏng đảnh và sexy vô cùng.

Năm 2005, tuyệt tác Vũ công được giới thiệu tại không gian nghệ thuật phi lợi nhuận Ryllega (số 1A Tràng Tiền, Hà Nội). Nó một lần nữa “đóng đinh” đẳng cấp của Trương Tân. Vũ công được anh làm từ những bó dây chun tựa như những sợi gân của nghệ sĩ . Nó được kéo dài chéo theo từ đầu phòng triển lãm đến cuối phòng. Như một sự dẻo dai vừa hữu hình vừa vô hình gắn liền với sự co thắt đau đớn. Về mặt thao tác, có thể nói rằng hầu như trong mọi tác phẩm của Trương Tân, tính tạo hình luôn gây kịch tính một cách rất đa dạng và kỳ thú. Các tác phẩm luôn được thực hiện tỉ mỉ và nắn nót. Những tác phẩm của anh có thể ẩn chứa những nỗi tủi hổ, ghẻ lạnh hay đau đớn gay gắt đến đâu nhưng chúng không giấu được sự lưu tâm của tác giả đến vấn đề thẩm mỹ. Cái đẹp luôn được chủ động hiện diện bởi sự gia công trong đó. Có thể là một lý giải vui vẻ, nhưng quả thật, Trương Tân rất cừ khôi trong kỹ năng may vá thêu thùa; ở Pháp, anh cũng là một thợ may thứ thiệt.

Một năm trước đó, năm 2004, cũng tại Ryllega, nghệ sĩ này trưng bày tác phẩm sắp đặt Vô đề. Chúng được tạo bởi các bộ phận hỏng từ chiếc xe đạp. Ở góc độ nào đó, ta một hình dung chúng như một bức tranh lập thể, hình hài của chiếc xe đạp tựa như một sự phân rã với những khu vực và chi tiết không đầu không cuối. Thoáng thấy bóng dáng chiếc xe đạp nhưng vừa như có giấc mơ điên rồ đi qua nó… để lại những bộ phận và chi tiết ngổn ngang; ghi đông, cổ phốt, xích, líp, nan hoa… Sự đổ vỡ tan tành một cách khéo léo dưới bàn tay của Trương Tân cho người xem có cảm giác đang xem một vụ tai nạn thơ mộng chưa từng thấy…

Trong hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ tiên phong làm sắp đặt tại Việt Nam, không ít trường hợp trong một thời gian dài có vẻ như bị sa lầy vào sự dàn trải và bài trí không gian hơn là tổ chức không gian. Những nghệ sĩ có nghề luôn giải quyết rất tốt mối quan hệ giữa không gian thực và những vật thể sống trong đó. Chính ở đây, nghệ thuật của Trương Tân đã làm sáng tỏ phần nào đó cho những nghệ sĩ trẻ thấy được kỹ năng cần phải có trong thực hành nghệ thuật. Trương Tân với một số tác phẩm nêu trên đã cho thấy, ở góc độ nghề nghiệp, anh có nhãn quan tinh tế trong vấn đề xử lý chi tiết nằm trong tổng thể. Khi nhìn vào đó, người xem cảm giác có một đại lộ để đi vào cảm nhận tác phẩm mà không bị vấp lại bởi những điều thừa thãi trật khấc.

Năm 2007, có một sự kiện gây ồn ào. Anh được mời tham gia triển lãm đương đại quốc tế Come in tại Hà Nội (do Viện Goethe Hà Nội tổ chức, giới thiệu nghệ thuật đương đại Đức và Việt Nam). Tác phẩm của Trương Tân là khối vải khổng lồ hình cái bỉm với tên gọi Vẻ đẹp ngầm. Theo tác giả, tác phẩm muốn nói lên sự thiếu minh bạch và là một sự phê phán đối với một khẩu hiệu của ngành du lịch. Đây là một tác phẩm đặt vấn đề xã hội trực tiếp và gai góc nhất đồng thời nó cũng là lựa chọn có tính chất hài hước nhất của Trương Tân. Sự thẳng thắn trong quan điểm cũng như trong việc bộc lộ ý tưởng đã gây cho tác giả những khón khăn nhất định. Và không ai khác, chính anh, khi công bố tác phẩm cũng ý thức rất rõ việc tự chịu trách nhiệm này.

Tài năng bộc lộ ở hầu hết những gì mà Trương Tân tham gia. Đối với performance art cũng không là ngoại lệ. Còn nhớ vào năm 2003, khi mà nghệ thuật trình diễn có nhiều cơ hội được “đưa ra ánh sáng” hơn sau chuỗi ngày tồn tại chủ yếu dưới dạng underground (ngầm), Trương Tân cùng nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng với tác phẩm Cuộc gặp gỡ như đánh thức rất nhiều người vốn có quan niệm một chiều đối với hình thức nghệ thuật này. Nó hiện lên đúng như một cuộc gặp gỡ giữa người với người. Có chào hỏi, tay bắt mặt mừng… và bắt đầu những chuỗi hành vi khiến khán giả xung quanh thích thú cười phá lên để rồi sau đó phải suy nghĩ về những gì đã diễn ra. Hai nghệ sĩ trên mặc những chiếc áo được viết lên những câu từ xã giao quen thuộc mà người ta vẫn thường dành cho nhau, hoặc các tính từ để đánh giá, moi móc nhau trong xã hội này. Cứ thế, người nọ đọc áo của người kia để dành cho nhau những từ đẹp đẽ, nịnh nọt, hợm hĩnh. Cứ thế, người nọ vạch áo của người kia để moi móc xỉ vả nhau bằng những câu từ mạt sát đầy thô tục. Trước mắt khán giả, người ta chỉ thấy hai gã gàn dở lột quần lột áo nhau, bổ nhào vào nhau với một đống ngôn từ thượng vàng hạ cám… Kết thúc với những tràng pháo tay không ngớt. Hình như, ít ra người ta cũng hiểu một cách nôm na rằng, cái gọi là nghệ thuật trình diễn lâu nay vẫn được nói đến không phải là một thứ sân khấu mới, nó cũng không hẳn như một thứ kịch nghệ hoặc múa đặc biệt nào, “tổ tiên” của nó cũng không phải là hình thức lên đồng trong lễ hội như một số vị đã gán cho nó… Nó đơn giản là thứ anh với tôi vừa được xem, và có thể ngày mai lại là những kinh nghiệm mới để chúng ta biết về nó.

Đối với nghệ thuật trình diễn, anh và Trần Lương thực sự là những nhân vật tiên phong có vai trò hết sức quan trọng khởi hành con tàu nhỏ bé của nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam. Một thời gian dài họ là những nghệ sĩ thực thụ, nhưng sự hiện diện đó cũng gần giống một chuyên gia trong quá trình khai mở nó với cộng đồng nghệ sĩ. Với những bước chạy đà nền tảng đó, một số nhân vật trẻ xuất sắc trong thời gian sau, như Lê Vũ, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Huy An, đã gieo một niềm tin nhất định cho sự phát triển của nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam.

Trên bình diện rộng, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt nghệ sĩ tài năng và ghi dấu ấn nhất định trong sự phát triển của nó. Nhưng nếu xét trong phạm vi hẹp, đẳng cấp tự nó sẽ đòi hỏi về tầm ảnh hưởng và cống hiến ở cả tính nhà nghề lẫn khả năng phổ quát trong xã hội. Có lẽ, Trương Tân là một trong không nhiều nhân vật đẳng cấp như vậy. Và anh vẫn đang và sẽ tiếp tục làm được điều đó cho đất nước mình.

_______________

Thông tin về Trương Tân:

Năm sinh: 1963

1989: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khoa Hội họa

1989-1998: Giảng viên khoa Hội họa- Đại học Mỹ thuật Hà Nội

1998 – nay: Nghệ sĩ độc lập

Triển lãm cá nhân:

1995: Collision Culturelle (Sự va chạm văn hóa), gallery Sông Hồng, Hà Nội; 1997: Interieur (Bên trong), Nhà văn hóa Bielefeld, Đức; 1998: AIDS – Trái tim, gallery 4A, Sidney, Australia; 1999: Nước, lửa, gỗ, Xưởng nghệ thuật châu Á, Berlin, Đức; 2002: Váy cưới, Nhà sàn Đức, Hà Nội; 2005: Vũ công, gallery Ryllega, Hà Nội.

Triển lãm nhóm – sự kiện nghệ thuật:

1995: 6 nghệ sĩ đương đại Việt Nam, gallery Portside, Yokohama, Nhật Bản; 1997: Hội họa Việt Nam mới, The Siam Society, Bangkok, Thái Lan; 1999: Gặp Việt Nam, Nhà văn hóa Thế giới, Berlin, Đức; 2004: Gặp Hà Nội, với các nghệ sĩ Na Uy, Viện Goethe Hà Nội; 2007: Come In, với các nghệ sĩ Đức, Viện Goethe Hà Nội; 2008: Triển lãm toàn cầu đặc biệt của Âu – Á (Special Globe Exhibition of EurAsian), Cologne, Đức; 2008: Singapore Biennale 2008.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Vũ Đức Toàn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *