Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời,từ thời Bắc thuộc, ông cha ta vừa kiên trì chống đô hộ phương Bắc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa Trung Hoa, làm giàu thêm bản sắc của mình, thậm chí còn sáng tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ Hán của kẻ thống trị. Đến thời nhà Lý, ý thức được giá trị của tri thức, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc Tử Giám, nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Từ đó về sau, nền giáo dục ngày càng được kiện toàn và phát triển. Trước những biến động của đất nước, chiến tranh xâm lược, khủng hoảng kinh tế chính trị, chuyện học hành thi cử bị xem nhẹ. Tuy nhiên,dù trong hoàn cảnh nào, người có chữ nghĩa vẫn luôn được ngưỡng vọng, trọng dụng.
Bắc Ninh nổi danh là đất khoa bảng, trâm anh thế phiệt với một giỏ ông đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn. Đông Ngàn xưa (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay) là một mảnh đất văn hiến, văn vật của vùng văn hóa Kinh Bắc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong đó có truyền thống hiếu học. Những dấu tích còn lại như văn miếu, văn chỉ, văn bia đã thể hiện rõ truyền thống đó.
Người Đông Ngàn xưa được biết đến với nhiều câu ca ngợi ca truyền thống khoa cử. Đến nay, Từ Sơn vẫn được xem là mảnh đất khoa bảng nổi tiếng ở Bắc Ninh với nhiều trạng nguyên, tiến sĩ, đồng thời còn lưu giữ các di tích như văn miếu, văn chỉ – hương hiền từ, từ chỉ, văn bia ghi nhận về truyền thống hiếu học của ông cha.
1. Người Đông Ngàn và truyền thống hiếu học
Vào TK XIX, Đông Ngàn vốn là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đông Ngàn khi đó là một huyện rộng lớn bao gồm cả thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du ngày nay và một phần huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Đến nay, Đông Ngàn là tên gọi của đơn vị hành chính cấp phường, thuộc thị xã Từ Sơn, gồm làng Phù Lưu và Đình Bảng xưa, thuộc tổng Phù Lưu.
Phan Huy Chú có nhận xét: “Về khoa giáp thì phủ Từ Sơn đứng đầu cả nước“ (phủ Từ Sơn có 283 vị đăng khoa, nhiều hơn cả các phủ thuộc 4 thừa tuyên); cả 5 huyện đều thịnh đạt mà Đông Ngàn thịnh phát hơn hết (Võ Giàng có 33 vị đăng khoa, Quế Dương 29, Tiên Du 12, Yên Phong 40, riêng Đông Ngàn có 130 vị đăng khoa) (1). Đến nay, khi nói về Đông Ngàn, người ta có câu: “Dốt Đông Ngàn còn hơn người ngoan thiên hạ”.
2. Văn miếu, văn chỉ – dấu ấn của truyền thống khoa cử Việt Nam
Văn chỉ là nơi lập ra để thờ tiên thánh, có văn chỉ hàng tỉnh (gọi là văn miếu), hàng huyện, hàng tổng, hàng xã, hàng thôn. Văn chỉ hàng thôn thờ tiên thánh, tiên hiền và những người trong hội tư văn. Bên cạnh cử nhân, tú tài, quan lại, những người không đỗ đạt mà có nhiều tiền cũng được vọng nhập hội tư văn trong thôn để tế lễ ở văn chỉ. Có hiện tượng bán vọng tư văn là do thôn cần tiền để tu bổ, sửa chữa văn chỉ.
Văn chỉ thường được dựng ở nơi có phong cảnh đẹp nhất thôn, lựa chọn kỹ càng, là nơi cát địa, xây bệ gạch lộ thiên để thờ tiên thánh, tiên hiền. Người dân cho rằng, phải ở ngoài trời các bậc thánh mới giáng xuống văn chỉ. Ở những làng giàu, phía trước văn chỉ thường dựng một tòa đại bái. Vào các dịp lễ, người dân đứng trong nhà này để thực hiện nghi lễ tránh mưa nắng. Văn chỉ thường được xây thành 3 gian, gian giữa thờ tiên thánh, gian bên phải thờ thập triết (mười vị hiền triết thời cổ) và tứ phối (Khổng Tử và bốn vị học trò của ngài). Gian bên trái thờ các vị quan lại đã quá cố trong làng (2).
Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh Tố Văn
Ở Bắc Ninh, văn miếu hàng tỉnh được đặt ở trung tâm chính trị của tỉnh lỵ. Hiện ở đây còn lưu lại 14 tấm bia đá, trong đó có 11 bia Kim bảng lưu phương, 2 bia trùng tu và 1 bia Bắc Ninh tỉnh quan viên cung tiến. 11 tấm bia Kim bảng lưu phương có ghi chép khoa thi, họ tên, quê quán, học vị, chức tước và một vài đặc điểm của các vị tiến sĩ đất Kinh Bắc. Theo thống kê, số người đỗ đạt thuộc Đông Ngàn, phủ Từ Sơn chiếm số lượng lớn nhất tỉnh. Tính từ khoa thi năm 1075 – 1901, những người đỗ đạt trong tổng Phù Lưu là 16 người có 14 tiến sĩ, 1 thám hoa, 1 phó bảng. Trong đó, làng Phù Lưu có 4 người đỗ tiến sĩ (3).
Ngoài văn miếu tỉnh Bắc Ninh, truyền thống hiếu học ấy còn được lưu lại trong các văn từ, văn chỉ của các làng với ý nghĩa vinh danh những người đỗ đạt đồng thời giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu đời sau. Văn chỉ làng Phù Lưu hiện nay là văn chỉ hiếm hoi còn tồn tại khá nguyên vẹn. Đây là minh chứng cho truyền thống khoa cử, hiếu học của làng, là dấu tích để con cháu muôn đời nhìn vào và noi theo.
3. Văn chỉ huyện Đông Ngàn một minh chứng phản ánh truyền thống hiếu học
Văn chỉ làng Phù Lưu
Phù Lưu vừa là điểm giao thương buôn bán, vừa nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc hưng thịnh về khoa bảng. Phụ nữ ở Phù Lưu, nổi tiếng khắp vùng về việc buôn bán giao tế, người đàn ông chỉ cần chăm chỉ dùi mài kinh sử để lên kinh ứng thí. Có thể kinh tế đủ đầy cũng là một lý do quan trọng để các ông đồ xứ Bắc yên tâm lo chuyện bút nghiên, làm rạng danh tiên tổ. Cổng làng Phù Lưu bây giờ vẫn còn 2 câu đối Dĩ nhân tâm vi bản/ Đạt tri thức do văn. Đó như lời nhắc nhở con cháu nơi đây phải chăm chỉ rèn đức, luyện tài vươn lên trong cuộc sống.
Văn chỉ làng Phù Lưu là một văn chỉ hàng thôn khá điển hình. Theo niên đại dựng bia (1931), có thể văn chỉ được xây dựng trong khoảng cuối TK XIX, đầu TK XX. Người Phù Lưu cho xây dựng văn chỉ/ hương hiền từ để thể hiện tinh thần khuyến học, khuyến tài. Nếu văn miếu là nơi thờ tự, thể hiện lòng sùng kính của những nho sĩ với thánh hiền ở kinh đô hay tại các tỉnh thì văn chỉ/ hương hiền từ là nét đặc trưng về giáo dục nho học cấp xã, thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, vốn là nơi có truyền thống hiếu học, khoa bảng của cả nước. Tồn tại độc lập với hệ thống văn miếu cấp huyện, tỉnh vốn do nhà nước lập ra, văn chỉ làng Phù Lưu thể hiện việc coi trọng người tài, người đỗ đạt, có công với làng và không nằm ngoài mục đích khuyến khích nhân tài.
Văn chỉ/ hương hiền từ Phù Lưu được xây dựng trên một địa thế đẹp, gần chùa Pháp Quang, nhìn ra Loa Hồ/ đền Đầm tạo nên cụm di tích đền – đình – chùa – văn chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khuôn viên hương hiền từ khá rộng rãi, khang trang. Ở giữa sân hương hiền từ có tấm bia Hương hiền từ bi minh do tuần phủ, hội trưởng hội tư văn Hoàng Thụy Chi soạn. Bia được dựng năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại thứ 8 (1931). Tạ Ngọc Hoàng Thụy Chi đã nêu được mối quan hệ giữa địa linh nhân kiệt làng Phù Lưu. Đất thiêng có Tượng Lĩnh Loa Hồ, có nhiều người hiển đạt, khoa danh. Có người như võ tướng công có công dựng đình, Nguyễn Thái Bảo (Nguyễn Kiên Điều) có công mở chợ, phó bảng Nguyễn Đức Lân, tiến sĩ Hoàng Văn Hòe… Người đỗ đại khoa, trung khoa, tiểu khoa đời sau nối tiếp đời trước, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều có công giúp dân làng và làm rạng danh quê hương, dòng họ.
Hiện nay bia đã mờ, mất nhiều chữ, căn cứ vào thông tin còn lại trên bia, kết hợp với việc tra cứu các sách khoa bảng, tên tự tên hiệu, chúng tôi đã khái quát được nội dung bia như sau:
Phần đầu là Hữu công ư dân giả liệt vị (Kê các vị có công với dân) trong đó ghi về 3 người: thứ nhất, Tiền triều lão thần võ tướng công, chưa rõ họ tên là người có công dựng đình; thứ hai, Nguyễn Kiên Điều, được thăng Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô đốc phủ Đô đốc công, gia tặng Thiếu Bảo, người có công mở chợ; thứ ba: Hoàng Văn Định, thụy Ôn Tĩnh, hiệu Tư Hiên tiên sinh, được tặng Trung nghị Đại phu Quang lộc Tự khanh.
Phần hai là Đại khoa liệt vị (Kê các vị đỗ đại khoa), gồm 4 người: thứ nhất, Đệ nhị giáp tiến sĩ Nguyễn Công, khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức triều Lê (1490); thứ hai, Chu Tam Dị, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Sửu triều Mạc (1529); thứ ba, Hoàng Văn Hòe, hiệu Cổ Lâm, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1880), làm quan đến chức Tri phủ; thứ tư, Nguyễn Đức Lân, khoa Nhâm Dần triều Nguyễn (1842) làm quan đến chức Hình bộ chủ sự (4).
Có thể thấy, văn chỉ làng Phù Lưu vừa là nơi thờ người có công với làng, vừa là nơi thờ người đỗ khoa trường, tức đối tượng thờ tự ở đây được mở rộng hơn so với nơi khác chứ không chỉ bó hẹp vào một đối tượng là người đỗ khoa mục.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, sau Cách mạng tháng Tám nhiều thế hệ người Phù Lưu đã thành đạt trên các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, sử học, kinh tế, chính trị… Năm 1995, Ban Khuyến học thôn được thành lập với 6 thành viên do thày giáo Lê Đức Thiện làm trưởng ban. Năm 2000, Ban khuyến học đổi thành Chi hội Khuyến học Phù Lưu với nòng cốt là lực lượng cựu giáo chức. Đến nay, Chi hội khuyến học có 136 hội viên, 19 dòng họ khuyến học và 180 gia đình hiếu học. Hàng năm tổ chức hội nghị bình chọn, khen thưởng các gia đình có con học giỏi, đỗ đại học, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Phù Lưu ngày càng phát triển có chiều sâu.
Theo thống kê, hiện nay, Phù Lưu có 5 giáo sư, 4 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, hơn 100 thạc sĩ và hàng nghìn cử nhân, kĩ sư, bác sĩ (5). Người làng Phù Lưu vẫn một năm 2 kỳ dâng hương tại văn chỉ của làng bày tỏ sự tri ân đối với các bậc tiên thánh, tiên hiền và tiền nhân khi trước để truyền thống khoa bảng của làng mãi được duy trì.
Văn chỉ/từ chỉ làng Trang Liệt
Làng Trang Liệt là làng kết nghĩa, kết chạ với làng Phù Lưu, cũng thuộc tổng Phù Lưu. Văn chỉ làng đã bị phá hoại trong chiến tranh, đến nay chỉ còn lưu lại những văn bản, minh chứng cho truyền thống hiếu học. Văn chỉ làng Trang Liệt có từ thời Lê, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 3 (1472). Đây là nơi thờ đức Khổng Tử, các vị hiền triết và 8 vị đỗ đại khoa của làng. Tháng 6 năm Bính Tuất, đời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), vào ngày tốt đã khắc bia đá Tiến triết bi ký, do trường Quốc Tử Giám Viên tế tửu Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), quê làng Đan Loan, Hải Dương soạn. Cùng năm đó, hội tư văn của làng họp bàn việc tu sửa từ chỉ để thờ các vị hiền triết làm gương cho thế hệ sau noi theo. Hàng năm, hội tư văn tổ chức lễ tiết xuân thu nhị kỳ vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch.
Ngoài ra, truyền thống hiếu học còn được thể hiện qua tư liệu văn bia hay được ghi chép trong gia phả các dòng họ. Tấm bia Tam Sơn xã đăng khoa bi ký ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn soạn cách ngày nay đã hơn 100 năm. Tấm bia phản ánh khá đầy đủ thành tựu khoa bảng của làng Tam Sơn. Trong khoảng hơn 6 thế kỷ (1246 – 1898), Tam Sơn có 17 người đỗ đại khoa (tính cả phó bảng Nguyễn Thiện Kế, người soạn văn bia trên). Chỉ tính riêng hàng đại khoa có 17 người với những thông tin đầy đủ về tên, năm đỗ đạt, chức tước được phong, là làng có số lượng người đỗ đại khoa cao thứ 4 cả nước. Gia phả của họ Nguyễn Vĩnh Kiều ghi: “Họ Nguyễn tức họ Lý Vĩnh Kiều vốn là một dòng họ trâm anh thế phiệt nổi tiếng ở đất Đông Ngàn thuộc trấn Kinh Bắc xưa, là một trong những gia tộc thuộc hàng Tứ gia vọng tộc ở trấn này, đã đóng góp cho quốc gia 10 vị tiến sĩ và 2 võ quan, 30 vị cử nhân, tú tài” (6).
Đối với các làng ở Kinh Bắc xưa, việc xây dựng văn miếu, văn chỉ, từ chỉ, dựng bia là một việc làm ý nghĩa vừa để ghi dấu những người đỗ đạt vừa là để giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu ngàn đời. Ngày nay, mỗi năm ở các làng đều có ngày vinh danh học sinh học giỏi, những người đỗ đạt thành tài của làng. Trang Liệt là một trong những làng xây dựng được bộ quy ước làng văn hóa từ rất sớm, được công nhận là làng văn hóa cấp quốc gia và truyền thống hiếu học chính là một nét đẹp văn hóa được làng duy trì, phát triển.
Những tấm gương học sinh hiếu học, gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học qua các giai đoạn ở nơi đây khó có thể kể hết. Điều đáng quan tâm là các thế hệ trưởng thành, công tác ở mọi ngành nghề trên cả nước luôn hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực. Họ là tấm gương cho thế hệ trẻ tiếp bước và góp sức xây dựng quê hương.
______________
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.244.
2. Nguyễn Xuân Lộc, Nhân danh tập chí, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015.
3. Nguyễn Quang Khải, Văn miếu Bắc Ninh, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
4. Lê Thị Thu Hương, Bia hương hiền từ và truyền thống hiếu học của người Phù Lưu, Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5. Thống kê của phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
6. Lê Viết Nga, Tư liệu Hán Nôm về 10 tiến sĩ họ Nguyễn, làng Vĩnh Kiều, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Thông báo Hán Nôm học năm 2001, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ HUỆ
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai