Truyền thông với sự phát triển của văn hóa đại chúng

Thế giới đang vận động mạnh mẽ trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông. Nó làm cho quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh và quyết liệt ở mọi không gian, thời gian. Toàn cầu hóa mang đến sự giao lưu, giao thoa, trao đổi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Bên cạnh văn hóa truyền thống, văn hóa đại chúng (VHĐC) ngày càng phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. “VHĐC đề cập những hệ thống và những sản phẩm văn hóa mà phần đông nhân loại chia sẻ và biết đến” (1). VHĐC đảm nhận những chức năng xã hội quan trọng và ngày càng trở nên phổ biến. Bài viết này đề cập ảnh hưởng của truyền thông đến sự phát triển của VHĐC

1. Truyền thông và truyền thông đại chúng

Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu của con người. Xã hội loài người sẽ không thể phát triển nếu không có sự trao đổi thông tin. Như vậy, truyền thông có từ thuở sơ khai của loài người: “Truyền thông là sự trao đổi thông điệp giữa các thành viên hay các nhóm người trong xã hội nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau” (2). Với sự phát triển nhanh về quy mô dân số, con người cần đến sự trợ giúp của phương tiện thông tin để quá trình truyền thông nhanh và hiệu quả hơn. Hay chính các phương tiện truyền thông đại chúng điều khiển các quá trình giao tiếp mang tính xã hội rộng rãi: “Truyền thông đại chúng là hoạt động giao tiếp xã hội rộng rãi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng” (3). Truyền thông đại chúng ra đời đã đáp ứng, làm thỏa mãn các nhu cầu giao tiếp mang tính phổ biến và tạo hiệu quả ở quy mô toàn cầu. Truyền thông đại chúng gắn liền với sự phát triển của xã hội con người và bị chi phối trực tiếp bởi hai yếu tố là nhu cầu thông tin giao tiếp và kỹ thuật công nghệ thông tin. Các loại hình truyền thông đại chúng bao gồm: sách, báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, internet, băng, đĩa hình và âm thanh… Hoạt động truyền thông đại chúng được coi là một phần của đời sống văn hóa xã hội hiện đại. Nó vừa là sản phẩm của văn hóa (giá trị), lại vừa có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ hiểu biết chung, khẳng định, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, trong đó công nghệ truyền thông chính là sự biểu hiện khả năng mở rộng của con người. Trình độ cao – thấp của phương tiện sẽ quyết định trình độ ý thức phát triển của con người. Phạm vi mở rộng phương tiện truyền thông trở thành toàn bộ năng lực cảm thụ, trình độ ý thức sáng tạo mới của công chúng. Sự thay đổi của các phương tiện truyền thông từng ngày đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống con người. Có thể coi sự phát triển của truyền thông chính là trình độ tiến bộ của loài người.

Thực tế, toàn bộ những thông tin, dữ liệu được lưu chuyển qua các phương tiện thông tin đại chúng đang dần trở thành nguồn tài sản chung của cả nhân loại. Điều đó không có nghĩa hiểu văn hóa là đại trà, mà chính nhờ công nghệ truyền thông, nhiều giá trị văn hóa tinh hoa trở nên gần gũi và đi vào đời sống dễ dàng hơn. Nhiều gia đình có thể tiếp nhận các chương trình truyền hình, phát thanh của các quốc gia khác nhau nhờ thiết bị thu tín hiệu qua vệ tinh. Hệ thống thông tin đại chúng toàn cầu trở thành hàn thử biểu cho thời tiết chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nó có vai trò như một phương tiện cung cấp dữ liệu thông tin phong phú, đa dạng, được xem như một cơ sở, một điều kiện cho việc hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển của từng quốc gia, trong đó nhiều nước coi văn hóa là sức mạnh mềm để lan tỏa sự ảnh hưởng của mình ra bên ngoài. Trong các phương tiện truyền thông, internet đạt được hiệu quả cao nhất và có bước phát triển nhanh nhất. Internet giúp con người và các tổ chức của con người thực hiện quyền tự do biểu đạt, thậm chí cả quyền tự do hội tụ hoặc tự do liên kết. Nó đã trở thành phương tiện phát triển nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người. Nếu năm 2006, cả thế giới có 1,076 tỉ người sử dụng internet thì đến năm 2016 con số này đã lên đến hơn 3,4 tỉ người (4). Hiện nay, toàn thế giới có hơn 1 tỉ website, hơn 1,6 tỉ người dùng Facebook, 305 triệu tài khoản Twitter. Mỗi ngày, có hơn 172 tỉ email được gửi đi, gần 4 tỉ lượt tìm kiếm trên Google, hơn 8 tỉ lượt xem trên Youtube, 145 triệu cuộc gọi qua Skype, hơn 5,2 triệu smartphone được bán ra, hơn 2,4 tỉ gb lưu lượng truy cập internet… Tại Việt Nam, theo báo cáo của NetCitizens, các khu vực thành thị có khoảng 50% dân số truy cập internet. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hơn một nửa trong số này sử dụng internet mỗi ngày, với gần 50 giờ trên internet mỗi tháng. Người sử dụng internet nằm trong độ tuổi khá trẻ, tỉ lệ nam giới cao hơn 40% người dùng là giới nhân viên văn phòng. Theo sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông 2014 do Bộ TTTT phát hành thì Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ, mạng internet, mạng viễn thông đi đầu trong khu vực. Với sự phát triển đó, Việt Nam hiện có 138 triệu thuê bao di động. Trong đó hơn 17 triệu thuê bao di động có kết nối internet băng thông rộng 3G; có trên 33 triệu người sử dụng internet và công nghệ GPS/IP được tích hợp vào hầu hết các thiết bị di động thông minh. Các mạng xã hội phổ biến đều phát triển phiên bản dành riêng cho điện thoại di động. Điều này không chỉ giúp người dùng mạng có thể truy cập thông tin mọi lúc mọi nơi từ thiết bị di động cầm tay mà giúp công chúng có thể viết bài, chia sẻ hình ảnh, video ngay từ điện thoại di động của mình. Thế hệ điện thoại di động mới đang dần được biến thành những cơ sở đa truyền thông. Chúng trở thành những cái lưu trữ dữ liệu ở trung tâm của ngành công nghiệp giải trí. Các cuộc gọi điện thoại, tải video, ảnh, trò chơi, âm nhạc và kết nối internet đang được tích hợp vào điện thoại. Người ta cho rằng điện thoại di động sẽ trở thành điểm tựa mà không gian công cộng kỹ thuật số xoay tròn xung quanh nó. Người dùng internet ở Việt Nam ở độ tuổi dân số vàng cũng là một yếu tố tích cực cho việc ứng dụng và phổ biến mạng xã hội.

Việc có trong tay những thiết bị điện tử thông minh sẽ khiến tất cả chúng ta trở thành những người sản xuất văn hóa hay ít nhất cũng không phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ. Ví dụ, Youtube cho phép bất cứ ai tạo ra một đoạn video và tải nó lên mạng. Nhiều tài năng nghệ thuật, nhiều tác phẩm giá trị nhờ công nghệ được cả thế giới biết đến chỉ sau một đêm. Truyền thông đại chúng đã giúp cho giấc mơ của con người được thỏa mãn hơn bất kỳ phương tiện vật chất nào.


  Ảnh  Hải Yến

2. Vai trò của truyền thông đại chúng với sự phát triển VHĐC

VHĐC với sự trợ giúp của truyền thông có thể giúp công chúng tùy theo sở thích, tâm lý mà lựa chọn thời gian, địa điểm để tiếp nhận, không bị bó buộc trong hình thức thưởng thức như nghệ thuật tinh hoa. Thực tế, VHĐC là một sản phẩm tất yếu của lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu của một xã hội phát triển. Tiền đề của VHĐC là tính hiện đại hóa truyền thông. Nó là biểu hiện của lực lượng sản xuất mới cũng như biểu hiện tiến bộ xã hội khi đã cải biến nghệ thuật tinh hoa thành hình thức nghệ thuật thông tục. VHĐC gắn với các phương thức truyền thông hiện đại đã đóng góp tiềm năng lớn cho sự phát triển nhân loại, đem đến một thế giới hoàn toàn khác, giải phóng các giác quan của con người như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Đó là tiền đề giải phóng sự cảm thụ một chiều.

Với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông, ranh giới giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa bình dân ngày càng mờ hóa, thậm chí có lúc lẫn vào nhau và không thể phân biệt được. Một buổi hòa nhạc thính phòng trong nhà hát lớn được truyền hình trực tiếp thì đối tượng thụ hưởng không chỉ là những người ngồi trong khán phòng mà là hàng triệu triệu người khắp nơi trên thế giới, không kể không gian, thời gian, điều kiện, năng lực. Âm nhạc tinh hoa như nhạc giao hưởng, opera giờ đây cũng đã từ tháp ngà bước ra đường phố để hòa vào với đông đảo quần chúng. Rất nhiều chương trình của những ngôi sao hàng đầu thế giới được truyền hình trực tiếp, đưa lên mạng xã hội, in thành đĩa, sách, báo, được quảng bá rộng rãi kèm theo các sản phẩm thương mại khác… Sở dĩ nó có độ phổ rộng và sâu như thế bởi sự hỗ trợ của truyền thông, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa. Văn hóa giờ đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm thụ hưởng mà nó còn là hàng hóa. Nhu cầu giải trí của con người ngày càng nhiều, sản phẩm văn hóa càng có giá trị. Muốn bán được sản phẩm thì phải quảng cáo. Có nhiều kênh để quảng cáo, nhưng có lẽ hiệu quả nhất vẫn là thông qua internet. Quảng cáo đang đổ bộ vào internet không chỉ như một nguồn lợi nhuận mà còn như một nền văn hóa. Thế giới kỹ thuật số đang nhanh chóng trở thành mũi nhọn của nền văn hóa tiêu dùng. Quảng cáo nhấn mạnh việc bán không chỉ các mặt hàng mà còn bán cách nhìn ra thế giới. Công việc của quảng cáo là tạo ra một bản sắc cho sản phẩm giữa những trận bom các hình ảnh cạnh tranh bằng cách kết nối thương hiệu với những giá trị đáng mong ước của con người. Mua một thương hiệu không chỉ mua một sản phẩm. Nó còn là việc đi vào các phong cách sống và giá trị.

Thế giới hiện đại đang có một sự dịch chuyển lớn từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe nhìn, từ văn hóa tinh hoa sang văn hóa tiêu dùng, từ văn hóa bút mực sang văn hóa mạng với xu hướng hàng hóa hóa nghệ thuật và nghệ thuật hóa hàng hóa. Các xu hướng và các dòng chảy văn hóa vẫn liên tục chuyển động và những chuyển động này ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng, đa chiều hơn cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí mang tính cách mạng của các loại phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu như trước đây, khi phân tích về sự hình thành và phát triển của VHĐC, người ta không thể bỏ qua vai trò quan trọng của tivi và radio, đặc biệt là trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm văn hóa đại chúng như phim ảnh hay các album nhạc, thì nay, bên cạnh tivi và radio, người ta không thể bỏ qua vai trò của mạng internet toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hội tụ truyền thông hiện nay.

Môi trường thể hiện rõ đặc trưng tương tác nhất của các phương tiện truyền thông chính là mạng xã hội. Hầu hết các mạng xã hội với những tiện ích mạng và miễn phí như chia sẻ bài viết, hình ảnh, video, thực hiện các cuộc thăm dò, chiến dịch xin chữ ký… đang trở thành công cụ đắc lực cho những cá nhân biết tận dụng sức mạnh của thế giới phẳng trong việc đưa VHĐC đến với cộng đồng. Thay vì xây dựng một website với chi phí đầu tư lớn, một cá nhân có thể dễ dàng xây dựng trang web miễn phí với wordpress, ứng dụng những tính năng chia sẻ âm thanh, hình ảnh, video, file dữ liệu dựa vào các ứng dụng điện toán đám mây và tìm cách lan tỏa thông tin từ trang web miễn phí trên các mạng xã hội. Công nghệ kỹ thuật số tổ chức thông tin theo điện tử thành các bytes, hay những chùm thông tin riêng rẽ. Điều này cho phép nhiều thông tin được lưu trữ, xử lý ở tốc độ lớn hơn so với bất cứ phương tiện nào khác trong lịch sử loài người. Thông tin này có thể được nén trong quá trình truyền đi và giải nén khi nhận được, cho phép dữ liệu di chuyển với tốc độ lớn hơn, qua những khoảng cách lớn hơn. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng cho phép những thể hiện văn hóa được tái tạo lại vô tận và rẻ mà không mất đi chất lượng. Truyền thông chắp cánh được cho VHĐC bởi:

Thứ nhất, VHĐC phản ánh và tạo hình cách nghĩ, cách sống của đại chúng. Thông qua truyền thông đại chúng, VHĐC có thể kiến tạo hình tượng/biểu tượng. Hiện tượng siêu sao điện ảnh, thời trang, âm nhạc, thậm chí người nổi tiếng đơn giản chỉ vì họ được nhiều người biết đến qua phương tiện truyền thông chứ không phải vì tài năng… đang dần thay đổi những quan niệm về giá trị. Sau một đêm trở thành người nổi tiếng không còn là giấc mơ.

Thứ hai, VHĐC có thể tạo ra những không gian văn hóa, diễn đàn văn hóa. Các trang mạng xã hội có những góc dành cho văn hóa, điều VHĐC thu hút được mọi người tham gia là bởi ai cũng có thể tạo dấu ấn, tạo thương hiệu, giá trị riêng và nhận được sự phản biện tức thì. Nó làm cho không gian văn hóa trở nên sôi động, cập nhật. Việc thụ hưởng văn hóa không còn là đặc ân dành cho người có điều kiện và năng lực, mà dành cho tất cả mọi đối tượng.

Phim ảnh, âm nhạc, truyền hình cũng là những phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò ngày càng quan trọng trong việc nhân lên sức mạnh và ảnh hưởng của VHĐC. Trào lưu nhạc Kpop, phim Hollywood, nhạc Âu Mỹ đang làm mưa làm gió trên toàn cầu. Điện ảnh đại chúng luôn luôn có chủ ý trưng bày một quang cảnh tuyệt vời trước một số lượng khán giả đáng kể. Thành công của Hollywood chính là dựa vào việc tạo ra các hiệu ứng đặc biệt bằng các kỹ xảo điện ảnh do tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại. Các bộ phim bom tấn được đầu tư lớn với dàn diễn viên nổi tiếng, phim nhiều đại cảnh và kỹ xảo đặc biệt lại được quảng cáo rộng rãi nhằm thu hút nhiều khán giả. Các trailer về phim bom tấn liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngay cả khi phim chưa hoàn thành gây kích thích cho người xem. Với góc nhìn khác, điện ảnh là một loại hình thông tin đại chúng. Qua những bộ phim, người xem tiếp nhận những hiểu biết, tình cảm, mong muốn, kinh nghiệm sống, thái độ chính trị – xã hội, giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa tinh thần… được mã hóa bằng ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời thực hiện quá trình xã hội hóa thông tin để đạt đến hiểu biết chung của xã hội.

Bên cạnh đó, truyền hình bắt đầu phát triển mạnh ở Hoa Kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II và dần dần khẳng định vị trí bá quyền của mình trên lĩnh vực này. Hiệp hội các nhà phân phối truyền hình ước tính Hoa Kỳ kiểm soát trên 60% sản phẩm xuất khẩu truyền hình trên thế giới, chiếm khoảng 40 tỷ doanh thu. Sự phát triển nhanh chóng của truyền hình trong nửa cuối TK XX đã tác động lớn đến quang cảnh nghe, nhìn của toàn thế giới. Các kênh truyền hình như CNN, BBC, HBO, Disney, Star Movies, Cenima… đang thống trị cách nghĩ, cách cảm của nhân loại.

Có thể nói, nhờ truyền thông đại chúng mà nhân loại có khả năng hưởng thụ giá trị văn hóa do chính mình tạo ra trên khắp thế giới, con người gần gũi nhau hơn trong tư duy, trong hoạt động và những khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ. Truyền thông đại chúng góp phần đưa các sản phẩm văn hóa đơn chiếc thành sản phẩm hàng loạt. Thông qua phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, internet, các sản phẩm văn hóa được xuất hiện với tần suất dày đặc và có mặt ở khắp nơi. Truyền thông đại chúng cũng góp phần đưa VHĐC trở nên phổ biến, truyền bá tới mọi đối tượng, lĩnh vực hoạt động xã hội, đồng thời góp phần xây dựng các chuẩn mực văn hóa, hoàn thiện nhân cách văn hóa toàn cầu.

______________

1. Barry Brummett, Rhetoric in popular culture, New York: St. Martin’s Press, 1994.

2, 3. Tạ Ngọc Tấn, Truyền thông đại chúng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

4. internetlivestats.com

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : ĐẶNG THỊ TUYẾT

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *