Dương Tự Minh, được gọi là Đức Thánh Đuổm hay Cao Sơn Quý Minh, là vị thủ lĩnh tài ba của phủ Phú Lương xưa. Sự nghiệp, công trạng của ông đã được chính sử ghi chép lại. Ông được người dân tôn sùng, ngưỡng vọng vì những cống hiến cho mảnh đất sinh thành và non sông Đại Việt. Dân chúng phủ Phú Lương xưa, bằng tấm lòng ngưỡng mộ, sức sáng tạo bay bổng đã thêu dệt xung quanh vị thủ lĩnh Dương Tự Minh những huyền thoại đẹp, truyền từ đời này qua đời khác, gọt dũa thành những truyền thuyết nổi tiếng.
Danh nhân Dương Tự Minh là vị thủ lĩnh dân tộc Tày, quê ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay là phường Quan Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Bố đẻ là Dương Tự Thông, dân tộc Tày, làng Phú Lương, mẹ là Lưu Thị Sam, dân tộc Sán Dìu, làng Quan Triều. Ông Thông chuyên làm nghề xuôi bè gỗ, lá, nâu, vỏ trên sông Cầu. Mãi năm ông bà ở tuổi 70 mới sinh cậu con trai. Lúc bà sinh con, bỗng thấy từ túp lều bừng lên ánh sáng rực rỡ, lấp lánh như ánh hào quang, tỏa ra từ đứa con trai. Do đó, ông bà đặt tên con là Tự Minh (tự mình sáng lên). Gia đình ở trên đất làng Quan Triều được mấy năm sau thì ông Thông mất. Nhờ có sự cưu mang của bà con xóm làng, bà Sam mới nuôi dưỡng được con. Dương Tự Minh chịu cực khổ từ nhỏ, chín, mười tuổi đã phải đi kiếm sống. Mẹ lên rừng chặt củi về bán, con câu cá, thả ống lươn ở sông Cầu, hai mẹ con lần hồi nuôi nhau. Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, bọn phỉ tặc trong vùng hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh, hàng trăm trai tráng nô nức gia nhập. Đội dân binh do Dương Tự Minh chỉ huy đã ngăn chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình.
Do có sức khỏe, trí thông minh và phẩm cách hơn người nên ông được các thổ quan, tù trưởng vùng sơn cước suy tôn làm thủ lĩnh phủ Phú Lương. Giàu tài năng và đức độ, lại gặp đúng thời nhà Lý thực hiện chính sách nhu viễn, Dương Tự Minh trở thành thổ tù Phú Lương dưới 3 đời vua Lý: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). Phủ Phú Lương khi ấy là một trong bốn phủ, 14 châu, 3 trại của đất Đại Việt. Đây là miền đất rộng lớn bao gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, một phần tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc và Hà Nội ngày nay. Dương Tự Minh được triều đình nhà Lý giao làm thủ lĩnh cai quản một vùng đất rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, là địa điểm chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước. Dương Tự Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc đoàn kết các dân tộc đánh đuổi quân Tống xâm lược, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết của các dân tộc vùng Việt Bắc. Dương Tự Minh là danh nhân duy nhất trong lịch sử dân tộc, hai lần được phong làm phò mã. Vào năm Đinh Mùi (1127), ông được vua Lý Nhân Tông gả con gái xinh đẹp là công chúa Diên Bình. Vào năm Giáp Tý (1144), ông lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung, sau đó phong làm Phò mã lang (Phò mã Đô úy). Tin cậy và ghi nhận công lao của Dương Tự Minh, triều Lý đã hai lần phong ông làm Phò mã lang. Sau khi ông mất, triều Lý đã phong sắc là: Uy viễn đôn tĩnh Cao Sơn quảng độ chi thần. Các triều đại về sau đều có sắc, truy phong ông là Cao Sơn Quý Minh thượng đẳng thần.
Trong lịch sử nhân loại, có những con người luôn bất tử trong lòng nhân dân. Họ đi từ đời sống bình dị vào huyền thoại, hóa thân từ anh hùng lịch sử để trở thành anh hùng văn hóa. Vị Phò mã Đô úy Dương Tự Minh là một trong số ít người như thế. Sự nghiệp, công trạng của ông đã được chính sử ghi chép nhưng không đầy đủ và chi tiết. Nhưng hình ảnh ông lại lung linh, sáng ngời trong truyền thuyết dân gian. Đó là cách bày tỏ sự yêu mến, kính phục người anh hùng của nhân dân. Hệ thống truyền thuyết về Dương Tự Minh phổ biến ở nhiều nơi trong vùng Việt Bắc như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Cuộc đời cũng như sự nghiệp của Dương Tự Minh được tái hiện sinh động trong truyền thuyết qua trí tưởng tượng kỳ diệu và lòng yêu mến thiết tha của nhân dân như: Chiếc áo tàng hình, Câu chuyện về giếng Dội, Sự tích ao Chuông Lăn, Tại sao gọi là sông Giang Tiên, Thánh Đuổm trị tà thần, Sự tích hang Sữa, Quan Triều… Đây là những di sản văn hóa phi vật thể vô giá mà nhân dân các dân tộc phía Bắc truyền lại cho hậu thế. Những câu truyện được thần thoại hóa, ca ngợi tài năng, tấm lòng hết mình thương yêu, cứu giúp dân chúng chống lại bọn quan lại ức hiếp dân lành của Dương Tự Minh và hai người vợ của ông. Các truyền thuyết này được nhân dân hư cấu bằng trí tưởng tượng phóng khoáng, nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên quanh vùng núi Đuổm. Đồng thời tô đẹp thêm những phẩm chất cao quý của Dương Tự Minh và công chúa Diên Bình, công chúa Thiều Dung.
Nếu như trong chính sử, Dương Tự Minh là một vị tướng tài thì trong tâm thức dân gian, ông được nhân dân tôn vinh như một vị thánh theo lối tư duy sinh vi tướng, tử vi thần. Dương Tự Minh sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Hàng ngày, ông câu cá kiếm sống nuôi mẹ. Dân gian đã thêu dệt vào tiểu sử của ông câu chuyện Chiếc áo tàng hình mang đậm màu sắc hoang đường, kì ảo. Trong truyện Chiếc áo tàng hình, Dương Tự Minh lên núi Cái, gặp vị tiên đang đánh cờ, do mách nước giúp vị tiên gỡ được ván cờ thua nên Tự Minh được ban thưởng một chiếc áo tàng hình. Trong Sự tích đền Thượng núi Đuổm, Dương Tự Minh lên núi lại gặp bảy nàng tiên và nàng tiên út đem lòng yêu mến ông. Khi nghe ông kể muốn cứu dân, cứu nước, nàng bèn cởi chiếc áo đang mặc trên mình tặng cho Tự Minh – đó cũng là chiếc áo tàng hình. Môtíp này cũng bắt gặp trong truyện Quan Triều. Nhân dân gom góp bộ xương của một vị tướng tài chết trận, đưa bỏ vào chum chôn, linh hồn vị tướng đã trả ơn Quan Triều bằng cách tặng một chiếc áo giáp thần kỳ, hễ mặc vào là có khả năng tàng hình. Chiếc áo tàng hình đã trở thành vật trợ thủ cho Dương Tự Minh trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Trong truyện Sự tích đền Thượng núi Đuổm, Dương Tự Minh giết được con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người trên núi Cấm, trừ họa cho nhân dân trong vùng. Xây dựng chi tiết Dương Tự Minh diệt hổ, nhân dân muốn gửi gắm vào đó khát vọng về người anh hùng, chiến thắng mọi lực lượng thù địch, cho dù đó là con người hay tự nhiên để bảo vệ cuộc sống bình yên.
Truyền thuyết về Dương Tự Minh sử dụng môtíp kết hôn và lên ngôi khá phổ biến trong truyện cổ tích. Dương Tự Minh được nhà vua “gả công chúa, phong chức trọng và cho chàng cai quản một vùng rộng lớn…”(1). Truyền thuyết dân gian đã bám sát lịch sử. Theo sử sách, Dương Tự Minh được vua Lý hai lần gả công chúa và còn được tin tưởng giao cho trọng trách, làm thủ lĩnh phủ Phú Lương. Kế thừa các thành quả của thời Đinh – Tiền Lê trong quản lý quốc gia, các vua thời Lý đã có những chính sách đối với các vùng biên viễn, rừng núi xa xôi. Ngoài việc tiếp tục giao quyền tự quản cho các tù trưởng, thủ lĩnh vùng như các triều đại trước, triều Lý tăng cường thắt chặt mối quan hệ liên kết, bên cạnh việc trao chức tước, quyền hạn dùng quan hệ hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng. Vai trò của các tù trưởng địa phương là tập hợp cư dân thành một khối xung quanh nhà nước trung ương tập quyền. Chính sách đó gọi là nhu viễn.
Từ lịch sử, Dương Tự Minh đi vào truyền thuyết theo cách nhìn và quan điểm của nhân dân. Với xu hướng địa phương hóa, truyền thuyết đã gắn vào cuộc đời của Dương Tự Minh những câu chuyện giải thích nguồn gốc của một số địa danh. Với xu hướng lịch sử hóa, một số tên gọi địa lý được lý giải bằng những câu chuyện có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vị thủ lĩnh này. Điều đó tạo nên sức mạnh và sự trường tồn của hệ thống truyền thuyết Dương Tự Minh. Truyện Sự tích đền Thượng núi Đuổm đã giải thích vì sao thờ Dương Tự Minh trên núi Đuổm lại gọi là đền Thượng. Sau khi ông mất, dân trong vùng tưởng nhớ mà lập đền thờ trên núi Đuổm. Trong khi dựng đền, người ta xẻ một cây mít làm đôi, đem một nửa cây thả xuống dòng sông Cầu. Tấm gỗ mít trôi đến vùng Hà Châu thuộc huyện Tư Nông tức Phú Bình bây giờ thì không trôi đi nữa. Ở Hà Châu, nhân dân biết chuyện cũng lập đền thờ, gọi là đền Hạ để phân biệt với đền Thượng núi Đuổm. Người xưa còn có câu “Thượng Đu Đuổm, Hạ lục đầu giang”. Cái tên đền Thượng, đền Hạ ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.
Truyện Tại sao gọi là sông Giang Tiên lại lý giải về tên gọi dòng sông nhỏ bắt nguồn từ đất Phú Lương chảy nhập vào sông Cầu. Từ một dòng sông hung dữ trở thành một dòng sông hiền hòa. Tên dòng sông đã được truyền thuyết hóa gắn với nhân vật Dương Tự Minh. Nhân dân giải thích sự biến đổi của dòng sông là do Dương Tự Minh đã xuống sông tắm. Dương Tự Minh đã được nhân dân thần thánh hóa thành vị tiên và vị tiên ấy đã làm thay đổi một con sông.
Tương truyền về giếng Dội là truyện kể về nguồn gốc của giếng Dội. Dương Tự Minh thật hạnh phúc vì có người vợ thủy chung, tri kỷ như công chúa Thiều Dung. Nàng đã tự nguyện hóa thành dòng nước mát để vùng đất nơi chồng yên nghỉ luôn xanh tươi sự sống của cỏ cây, hoa lá, mang lại ân tình to lớn cho nhân dân nơi đây. Sự tích ao chuông lăn và Sự tích hang Sữa cũng giải thích tên những địa danh gắn với Dương Tự Minh và vợ của ông.
Hình ảnh Dương Tự Minh kỳ vĩ, lớn lao với những chiến công lẫy lừng khi sống thì sự ra đi của ông cũng trở nên bất tử với thời gian trong lòng người dân. Trong truyện Tại sao gọi là sông Giang Tiên đã đề cập đến cái chết phi thường của ông: “Sau khi đã làm tròn bổn phận với dân, với nước, Người đã xuống dòng sông tắm rửa rồi lặng lẽ cùng ngựa trắng bay về cõi tiên trên trời…” (2). Sau khi Dương Tự Minh mất, nhân dân đã lập đền thờ tại núi Đuổm. Nhưng với bản tính nhân ái, giàu lòng thương dân, mặc dù ông đã về cõi bất tử nhưng ông vẫn hiển linh phù trợ, giúp dân, giúp nước. Câu chuyện Thánh Đuổm trị tà thần vẫn lưu truyền trong dân gian đã nói lên điều đó.
Trong tâm thức dân gian, Dương Tự Minh trở thành vị thánh hết sức linh thiêng, có năng lực vô hạn, ban phước lành, phù hộ cho muôn dân, trăm họ. Trong quan niệm của cư dân trồng trọt, ông được coi như một vị thần nông, luôn điều khiển các vị thần mưa và thần nắng cho mưa thuận gió hòa, chăm lo mùa màng bội thu.
Truyền thuyết dân gian về Dương Tự Minh mãi được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình ảnh về người anh hùng chống giặc ngoại xâm và chăm lo đời sống của nhân dân sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm thức của mỗi người dân. Từ lịch sử, Dương Tự Minh đi vào truyền thuyết dân gian trong vầng hào quang lung linh của niềm ngưỡng mộ chân thành. Nhân dân đã thêu dệt những yếu tố thần kỳ lấp lánh xung quanh cuộc đời và sự nghiệp người anh hùng đã hết lòng vì dân vì nước với mục đích tôn vinh, ngợi ca. Khắc họa Dương Tự Minh trong truyền thuyết cũng là một cách để nhân dân bày tỏ lòng yêu mến, sự thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn đối với những gì mà vị thủ lĩnh này cống hiến cho quê hương, đất nước.
_______________
1, 2. Núi Đuổm và Dương Tự Minh, Sở VHTT Bắc Thái, 1985, tr.29, 35.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Đỗ Quang Đại
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ