Tư duy là một thuộc tính cố hữu của con người, là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực hoạt động nhận thức và thực tiễn của các chủ thể. Tuy nhiên, tư duy không phải là cái có sẵn, mà là sản phẩm của sự kết hợp nhiều yếu tố trong quá trình hình thành, phát triển của con người, qua sự tác động trực tiếp, gián tiếp từ môi trường và điều kiện sống của chính họ… Với tư cách là hoạt động tâm lý người ở cấp độ ý thức, sự phản ánh của tư duy đối với tồn tại xã hội là sự phản ánh đặc thù, bởi một mặt thể hiện tính năng động của ý thức, mặt khác, thể hiện sự bảo thủ trì trệ của những thói quen, phong tục tập quán truyền thống. Do vậy, tư duy có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của xã hội nói chung.
1. Đặc điểm tư duy truyền thống của người Việt
Tính linh hoạt, mềm dẻo
Đó là kiểu tư duy linh hoạt, luôn biến đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể như: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”, “nhập gia tùy tục”, “thiên biến vạn hóa”… Nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu manh mún, thường xuyên phải đối phó với thiên tai địch họa đã tạo nên kiểu tư duy này của con người Việt. Linh hoạt, mềm dẻo giúp phần lớn người Việt Nam đều có khả năng xử lý những tình huống mới một cách năng động, khá hiệu quả, đáp ứng được những công việc mang tính cấp thiết, tức thời trong ứng phó với những hoàn cảnh bất trắc.
Tuy nhiên, tính linh hoạt mềm dẻo của tư duy người Việt chủ yếu hình thành do trực quan, không gắn kết với các phương pháp chặt chẽ, chính xác của khoa học chuyên ngành nên không phát triển thành tư duy biện chứng khoa học. Đó là kiểu tư duy dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nhưng chủ yếu là lối tư duy hình tượng, chưa đạt đến trình độ tư duy lôgic cao hay tư duy bằng các khái niệm, phạm trù. Tư duy truyền thống bộc lộ những hạn chế nhất định. Có thể dễ dàng nhận thấy một hiện tượng khá phổ biến đối với người Việt Nam là sự định hướng giải quyết vấn đề tương đối tốt, song hiệu quả giải quyết thường ở mức chấp nhận được, chưa thực sự đạt được hiệu quả tối đa. Lối tư duy này mang tính ứng phó trong những tình huống cụ thể nhằm đạt được các lợi ích nhất định trước mắt. Trong nhiều trường hợp, thụ động trước thực tiễn chưa đạt đến tầm chiến lược, kế sách lâu dài.
Thiên về kinh nghiệm
Với đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp, tư duy truyền thống của người Việt còn đơn giản, thô sơ, chất phác. Ở đó, cấp độ tư duy kinh nghiệm là chính. Thể hiện rõ với những người lao động, hoạt động sản xuất trực tiếp. Mặc dù tư duy kinh nghiệm có những ưu điểm, song hạn chế là khi đụng chạm đến những vấn đề có tính chiến lược hay khoa học chuyên ngành, dễ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm, đơn giản hóa lý luận học và áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm của người khác.
Tư duy ở trình độ kinh nghiệm và tiền khoa học dễ dẫn đến phiến diện, chủ quan, dập khuôn máy móc. Người ta thường dùng những khái niệm như: tư duy nông nghiệp, tư duy tiểu nông, tư duy làng xã để chỉ tư duy truyền thống Việt Nam. Những cách gọi này cũng khái quát đặc trưng kinh nghiệm chủ nghĩa xuyên suốt lịch sử phát triển của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Chủ nghĩa kinh nghiệm tiền khoa học đã hiện hữu trong tư duy của người Việt. Cho đến nay, đây vẫn là phương thức tư duy chiếm ưu thế. Sự nổi trội của yếu tố kinh nghiệm, sự non yếu của yếu tố lý luận là thiếu hụt đáng kể trong kết cấu tư duy của người Việt truyền thống. Tư duy kinh nghiệm truyền thống chỉ có thể giúp người ta nhận thức được chân lý với đặc điểm là những lẽ phải thông thường trong phạm vi hiểu biết của những trải nghiệm. Vượt ra ngoài giới hạn đó, tư duy kinh nghiệm không thể giúp chúng ta nắm bắt được chân lý khoa học. Đây là những hạn chế cần được khắc phục, để nâng cao trình độ và năng lực tư duy cho mọi người từ tầm tư duy kinh nghiệm lên tầm cao lý luận khoa học.
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Điều này đòi hỏi phải phát triển khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. Cách nghĩ truyền thống của người Việt chưa chú ý tìm hiểu đầy đủ giới tự nhiên, mới dừng ở yêu thiên nhiên và nhận thức nó bằng trực quan cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa, chưa chú ý nâng nhận thức đó lên tầm tư duy lý luận khoa học. Đó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến trình độ khoa học kỹ thuật của nước ta còn thấp, chưa tiến kịp trình độ của thế giới ngày nay.
Thiên về tổng hợp
Phân tích và tổng hợp là những thao tác cơ bản, chủ yếu của tư duy, song không phải mọi hoạt động của tư duy đều thao tác như nhau và đều thực hiện một cách biện chứng cả hai thao tác phân tích, tổng hợp. Do hoàn cảnh sống khác nhau mà có những hoạt động tư duy chú trọng về phân tích hoặc có những hoạt động tư duy sử dụng thao tác tổng hợp nhiều hơn. Tác giả Christine Hayes, Trường đại học Yale, Mỹ cho rằng, ở các nước có nền văn hóa du mục thì tư duy của họ chủ yếu thiên về thao tác phân tích, còn với những nước văn hóa nông nghiệp xuất phát từ những hoạt động sản xuất nông nghiệp với lối sống định cư dọc các con sông lớn thuận tiện cho việc trồng trọt thì tư duy sử dụng thao tác tổng hợp nhiều hơn. Tư duy tổng hợp tập hợp các đối tượng cùng loại, cùng mối quan hệ cùng tính chất, xác định đối tượng xuất hiện nhiều lần tại các địa điểm khác nhau nhằm tìm kiếm mối liên hệ giữa các đối tượng và sự tương tác lẫn nhau của chúng. Hạn chế của tư duy thiên về tổng hợp là tính cảm tính, chủ quan, phụ thuộc vào kinh nghiệm, không thể hiện sự rõ ràng, chính xác và sâu sắc về một đối tượng. Tuy nhiên tư duy thiên về tổng hợp cũng có ưu điểm lớn là chú trọng đến các mối quan hệ của đối tượng.
Thiên về tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp
Đây là kiểu tư duy đặc trưng của khối cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Nam Á. Một thế giới thống nhất giữa trên cạn và dưới nước, giữa động và tĩnh, đực và cái, sáng và tối, lửa và nước, cao và thấp… đã được diễn tả hài hòa bằng các nét hoa văn trên mặt trống đồng. Phương thức tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp này về sau vẫn là phương thức tư duy phổ biến trong dân gian, thể hiện qua ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích. Triết lý dân gian là loại hình tư tưởng đặc sắc của Việt Nam, khác biệt với các tư tưởng triết học hàn lâm sau này chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa hay Ấn Độ. Cách thức tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp là một phong cách tư duy, thực tế đã trở thành nhân tố quan trọng quy định thế ứng xử, lối sống, nhân sinh quan của cư dân Việt cổ cũng như người Việt ngày nay. Đó là lối sống hài hòa, dung hợp, chấp nhận các yếu tố trái ngược nhau trên nguyên tắc cùng tồn tại, không bài trừ nhau.
Đặc điểm này của tư duy giúp chúng ta hội nhập với thế giới một cách dễ dàng hơn, tự nhiên hơn, ít trăn trở, giằng co, đấu tranh không cần thiết. Với nhân sinh quan giản dị, hòa hợp cùng tự nhiên, tư duy mộc mạc yêu chuộng hòa bình, phần lớn người Việt phê phán và không chấp nhận những hành vi loại bỏ lẫn nhau, giết hại lẫn nhau. Lối nghĩ ấy nhiều khi còn được áp dụng cho cả những quan hệ thù địch. Lịch sử đã chứng kiến bao lần người Việt Nam ứng xử khoan dung, nhân đạo với kẻ thù. Ngày nay với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới”, đất nước ta vẫn đang kế tục xứng đáng truyền thống trọng nghĩa tình của cha ông.
2. Những nhân tố tác động đến sự hình thành tư duy truyền thống người Việt
Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng tỏ rằng, quan hệ đầu tiên của con người, loài người với thế giới bên ngoài không phải là quan hệ lý luận, mà là quan hệ thực tiễn. Chính trong thực tiễn và thông qua thực tiễn mà con người hình thành, phát triển tư duy của mình.
Việc hình thành, phát triển tư duy là một quá trình lâu dài, được quy định bởi những điều kiện, nhân tố nhất định. Trước hết là hoàn cảnh địa lý tự nhiên (đất đai, sông ngòi, biển cả, thời tiết, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên…), hoàn cảnh xã hội (phương thức sản xuất, chế độ chính trị, xã hội…) và nền văn hóa (tư tưởng, khoa học, văn học, nghệ thuật, tôn giáo…). Trong đó thực tiễn xã hội, lịch sử ở vị trí trung tâm và giữ vai trò quyết định đến việc hình thành, phát triển tư duy. Ph.Ăngghen nhận xét: “Từ trước tới nay, khoa học tự nhiên cũng như triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tư duy của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác chỉ biết có tư tưởng…” (1). Với chỉ dẫn này, chúng ta có thể khái quát những nhân tố tác động đến quá trình hình thành, phát triển tư duy của con người Việt Nam như sau:
Môi trường tự nhiên và điều kiện địa lý
Theo tác giả Vũ Minh Giang, trong muôn vàn những yếu tố địa lý tác động đến cuộc sống hàng ngày, môi trường sông nước phải được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng, có tác động không nhỏ tới việc hình thành truyền thống của người Việt. Dấu vết của môi trường sông nước đã in đậm lên cách tư duy của người Việt. Có thể thấy rất nhiều từ, hình ảnh về nước hoặc liên quan đến nước được sử dụng trong tiếng Việt để khái quát cho những tình huống, trạng thái hoặc những ứng xử phổ biến. Chẳng hạn người Việt có thể khái quát cho tất cả những hiện tượng không biết lo xa, chuẩn bị trước, đến khi tình huống xảy đến thì phải xử lý một cách gấp gáp, vội vàng bằng một thành ngữ quen thuộc “nước đến chân mới nhảy”, hay tình huống “còn nước còn tát”… Người Việt có một truyền thống văn hóa sông nước và quen với sông nước, thạo nghề sông nước, nên có tư duy của cư dân sông nước.
Tác động của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước
Việt Nam là một xứ sở có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp. Vì vậy, người Việt đã lựa chọn nông nghiệp làm nghề sống chính suốt mấy nghìn năm, đã từng tạo dựng nên một văn minh nông nghiệp có thời tỏa sáng khắp khu vực Đông Nam Á. Có tác giả cho rằng cho đến nay, có ba chỉ số quan trọng để nhận diện con người Việt Nam đó là: kinh tế nông nghiệp, cư dân nông nghiệp và xã hội nông thôn.
Nền sản xuất tiểu nông của Việt Nam, mà nhiều nhà nghiên cứu đồng tình với cách gọi của C.Mác là phương thức sản xuất châu Á, các công xã nông thôn tồn tại suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc. Đó là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo nên truyền thống tư duy của dân tộc. Đó là đề cao kinh nghiệm trong lao động sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ và chu kỳ. Đây là loại tư duy tôn sùng kinh nghiệm, kinh nghiệm là chuẩn mực, mà kinh nghiệm có nhiều ở những người lớn tuổi. Những câu tục ngữ như “trứng khôn hơn vịt”, “ngựa non háu đá” là cách nói coi thường, chê bai, nhắc nhở, phê phán những người trẻ tuổi không an phận, muốn tìm tòi sáng tạo, đổi mới. Khi đã coi tư duy của các thế hệ cha anh làm chuẩn mực sẽ hạn chế và cản trở năng lực tư duy sáng tạo của các thế hệ trẻ.
Tác động lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc
Trong khoảng 22 thế kỷ qua, Việt Nam đã tiến hành gần 20 cuộc chiến tranh giữ nước và khoảng 100 cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Thời gian chống giặc ngoại xâm lên tới khoảng 12 thế kỷ. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Việt Nam đã đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, bành trướng các thế lực phong kiến tàn bạo thời cổ đại, trung đại và những cường quốc đế quốc chủ nghĩa thời cận đại, hiện đại. Như vậy, nói đến lịch sử Việt Nam là nói đến lịch sử chống giặc ngoại xâm. Quá trình dựng nước, đắp đê, ngăn sông, lấn biển, trị thủy luôn được tiến hành song song với quá trình giữ nước, bảo vệ nước. Đây là những yếu tố quan trọng tạo dựng nên truyền thống yêu nước, tính cố kết cộng đồng của con người Việt Nam. Đặc điểm ấy cũng là nhân tố quan trọng hình thành và củng cố phong cách tư duy của con người Việt Nam.
Tác động của môi trường văn hóa khu vực
Việt Nam là một quốc gia có vị trí nằm ở khu vực ngã ba Đông Nam Á. Từ đây có thể mở rộng giao lưu với nhiều nơi trong khu vực và quốc tế. Trong tiến trình phát triển của tư duy dân tộc, Việt Nam đã nhiều lần tiếp nhận các học thuyết triết học, chính trị và tôn giáo từ bên ngoài vào. Trong lịch sử đã diễn ra ba cuộc giao lưu văn hóa lớn giữa văn hóa Việt với văn hóa phương Đông (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), văn hóa phương Tây (văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ), đặc biệt trong đó có tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong các cuộc giao lưu văn hóa đó, văn hóa Việt đã sớm chịu ảnh hưởng và tiếp thu được giá trị “từ, bi, hỷ, xả”, “cứu nhân độ thế” của Phật giáo, phẩm chất “nhân – trí – dũng” và phong cách quân tử của Nho giáo, lối sống vô vi, hòa hiếu và hòa hợp với thiên nhiên của Đạo giáo, tinh thần dân chủ, bình đẳng của văn hóa Pháp và tính tự do, thực tế, thực dụng của văn hóa Mỹ. Vào đầu những năm 20 TK XX, chủ nghĩa Mác – Lênin với tư cách là học thuyết khoa học, cách mạng và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã được truyền bá ở Việt Nam. Từ đó, thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật đã trở thành cơ sở khoa học cho tư duy, lý luận cho cuộc cách mạng mới.
Như vậy, chính nền văn hóa Việt Nam được làm giàu thêm bằng các giá trị văn hóa Đông- Tây trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nhân tố tích cực tác động đến tư duy người Việt.
Hiện nay, nước ta đang trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thì việc kế thừa giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có tư duy truyền thống nhằm đạt mục tiêu có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một vấn đề bức thiết. Tư duy truyền thống của người Việt được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Tư duy truyền thống có mặt tích cực làm cho dân tộc ta không những đứng vững, mà còn phát triển, hòa vào dòng chảy chung của văn minh nhân loại. Chính nhờ có những ưu điểm về tư duy đó mà dân tộc ta mới tồn tại, không ngừng phát triển trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh gian khổ dựng nước và giữ nước. Nhưng bên cạnh đó, trong tư duy người Việt Nam cũng còn nhiều nhược điểm mà chúng ta cần khắc phục để phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
_______________
1. C.Mác và Ph.Anghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr.720.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : VŨ THỊ THU HƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai