Lê Thánh Tông là người uyên thâm nho học, là nhà vua thông minh và tài giỏi. Ông là người sùng Nho, với tư tưởng tất cả đều từ cái mũ của nhà nho, ông đã đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn, hệ tư tưởng thống trị độc tôn của nhà nước phong kiến. Tư tưởng và đường lối cai trị mà ông đưa ra ảnh hưởng đậm nét Nho giáo. Do vậy, dưới thời Lê Thánh Tông trị vì, Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, kiểm soát và có vai trò to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị, pháp luật, giáo dục – khoa cử.
Có thể khẳng định, Lê Thánh Tông là nhà vua đưa ra nhiều chiếu, dụ, lệnh, huấn điều trong thời gian trị vì so với các vị vua khác. Là người tổ chức biên soạn bộ Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức), người sáng lập và đứng đầu Hội Tao Đàn, có công lao to lớn trong việc phát triển nền giáo dục – khoa cử nho học, trong việc xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền hùng mạnh.
Lê Thánh Tông chịu ảnh hưởng sâu sắc nhiều yếu tố của Nho giáo Khổng – Mạnh thể hiện rõ ràng nhất là trong tư tưởng của ông về dân.
Trước hết trong tư tưởng về dân, Lê Thánh Tông nhìn nhận chủ yếu với tư cách là mặt đối lập với nhà vua và tầng lớp thống trị. Khác với tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi và nhiều nhà nho, tư tưởng về dân của Lê Thánh Tông đề cập nhiều đến vai trò của dân, từ đó xác định nghĩa vụ của họ đối với nhà vua, cũng như thái độ trách nhiệm của nhà vua, người cầm quyền đối với dân.
Lê Thánh Tông luôn mơ ước xã hội phong kiến mà ông đứng đầu đạt tới đỉnh cao của sự thịnh trị như thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Trong xã hội ấy, theo ông, có bốn đặc trưng cơ bản: đất nước hòa bình, dân no ấm, lễ giáo phát triển và quyền thống trị thuộc nhà Lê (1). Cũng như Nho giáo tiên Tần, như nhiều nhà nho Việt Nam, tư tưởng về dân của Lê Thánh Tông dân no đủ vẫn là tư tưởng cơ bản, quán xuyến mục đích của đường lối cai trị. Ngoài ra, tư tưởng này còn là cơ sở để hình thành và chỉ đạo thực hiện nhiều huấn điều trong cả bộ Quốc triều hình luật. Như trong Nhị thập tứ điều (24 điều giáo hóa) do Lê Thánh Tông ban hành chủ yếu là đôn nhân luân, hậu phong tục, có nội dung quy định các quan sở tại phải chăm lo đời sống vật chất của dân. Hoặc trong Quốc triều hình luật, có nhiều điều quy định, nhà vua, nhà nước phải quan tâm đến đời sống vật chất của người dân, phải làm cho dân có tài sản bền vững, coi nghề nông là gốc. Trong bộ luật này, để cho dân no đủ, yên ổn với nghề nông, có nhiều điều quy định trừng trị các tội bán ruộng đất, trâu bò, mắm muối cho người nước ngoài, hay trừng trị quan lại lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt ruộng đất, của cải của dân, sai khiến dân trái thời vụ…
Trong tư tưởng về dân của Lê Thánh Tông, việc chỉ đạo thực hiện đường lối cai trị, ông luôn yêu cầu mình và đội ngũ quan lại phải quan tâm đến dân, coi việc dưỡng dân, giáo dục dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Do nhận thức được vai trò của dân là lực lượng sáng tạo ra của cải vật chất, nền tảng của chế độ chính trị, lực lượng bảo vệ nhà vua… Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, đạo đức và nhiều quyền lợi thiết thân của người dân. Vì vậy, trong nhiều tác phẩm, chiếu, dụ, lệnh, huấn điều mà ông ban hành và thực thi, cho thấy rõ tinh thần thân dân, ái dân, trọng dân.
Từ việc nhận thức được cái cốt lõi và thực chất quyền con người của dân là quyền được sống, chăm sóc, bảo vệ và những quyền đó chỉ có ý nghĩa khi được tôn trọng, được thực thi trong thực tế. Trong Quốc triều hình luật có nhiều điều luật hướng dẫn việc thực hiện các quyền này, cụ thể: có nhiều điều quy định người dân phải có đời sống vật chất khá đầy đủ, được sống trong môi trường văn hóa lành mạnh; quy định nhà vua, đội ngũ quan lại phải quan tâm đảm bảo đời sống vật chất của người dân; những hành động tự tiện chiếm ruộng đất, của cải, tiền bạc, tự tiện thu thuế và thu thuế của dân trái quy định bị trừng trị rất nặng (các điều 181, 185, 186, 206, 300…). Điều 325 của bộ luật còn quy định rõ, việc thu thuế của dân phải công bằng, phải phân biệt người giàu, người nghèo, người khỏe, người yếu mà thu thuế nhiều hay ít, trước hay sau; bộ luật này còn đưa ra nhiều điều trừng phạt nặng các tội tự tiện giết, bán súc vật, trâu ngựa, phá hoại hoa màu, đê điều, cầu cống… ảnh hưởng đến công việc nhà nông và đời sống của dân (các điều 573, 575, 578…); yêu cầu quan lại sở tại phải chăm lo sửa sang đường xá, cầu cống để phục vụ nghề nông và đời sống của dân (các điều 633, 635)…
Cũng trong bộ luật này, Lê Thánh Tông yêu cầu người cầm quyền phải có trách nhiệm không chỉ bảo vệ tài sản của dân mà quan trọng hơn phải bảo vệ tính mạng cho họ, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt, khốn khó (quan, quả, cô, độc). Với những đối tượng này, bộ luật quy định, quan sở tại phải thu nuôi mà không được bỏ rơi. Nhiều điều luật ngăn cấm và trừng trị các tội liên quan đến tính mạng nhân phẩm của người dân như: cấm con cháu chửi mắng ông bà, cha mẹ, đánh đập, làm nhục nhau (từ điều 473 đến điều 476); các hành vi tố cáo nhau, vu khống không đúng sự thật (điều 501, 505); tự tiện bắt bớ, giam cầm người có tội (điều 636); vô cớ đánh đập tù nhân (điều 707); không chăm sóc tù nhân (điều 663); quan lại lợi dụng quyền thế ức hiếp lương dân (điều 336); tự tiện quấy nhiễu, ức hiếp dân (điều 164)…
Trong tư tưởng về dân, ngoài biện pháp dưỡng dân, Lê Thánh Tông còn đưa ra nhiều yêu cầu nhà vua, người cầm quyền phải quan tâm đến việc giáo dân. Chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo dân của Nho giáo tiên Tần và từ nhận thức vai trò to lớn của đời sống kinh tế đối với đời sống đạo đức, cũng như vai trò của đạo đức đối với việc đào tạo ra những con người cần có và phù hợp với yêu cầu của nhà vua, của chế độ phong kiến, Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức không chỉ cho nhà vua, đội ngũ quan lại mà cho cả dân.
Nhìn chung, nội dung giáo dân trong tư tưởng Lê Thánh Tông là những chuẩn mực, quy phạm đạo đức trong tam cương, ngũ thường của Nho giáo. Bởi vậy, tất cả hành vi vi phạm đạo đức theo tinh thần Nho giáo đều coi là phạm tội, vi phạm pháp luật và đều bị nghiêm trị. Nhưng để người dân suy nghĩ và hành động có đạo đức, theo Lê Thánh Tông cần có các điều kiện, nhân tố:
Một là, nhà vua, người cầm quyền phải có đạo đức, luôn là tấm gương trong việc tu dưỡng đạo đức, phải thi hành đạo đức đối với dân, trong quan hệ với dân.
Hai là, người dân phải học, tu dưỡng đạo đức, phải quan hệ, đối xử với nhau có đạo đức. Nhà vua, người cầm quyền có trách nhiệm giáo dân để dân có đạo đức. Lê Thánh Tông đưa ra các quy định cụ thể về tiêu chuẩn (chủ yếu là tiêu chuẩn đạo đức) của người đi học, đi thi, đỗ đạt và đưa ra nhiều quy định khuyến khích những tấm gương đạo đức và trừng trị hành động phi đạo đức theo tinh thần Nho giáo.
Ba là, phải quan tâm đến đời sống vật chất và làm cho dân no đủ, đúng như tư tưởng của Mạnh Tử: dân có hằng sản mới có hằng tâm, vì dân mà lo chết đói còn chưa đủ, còn thì giờ đâu mà học lễ nghĩa.
Như vậy, tư tưởng về dân của Lê Thánh Tông chịu ảnh hưởng tư tưởng về dân trong Nho giáo tiên Tần là khá rõ nét. Bên cạnh đó, còn chịu ảnh hưởng truyền thống nhân ái của dân tộc, đặc biệt là từ việc nhận thức đúng vai trò của dân trong việc thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn xây dựng, phát triển chế độ phong kiến và quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
____________
1. Nguyễn Tài Thư, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.301.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : TRƯƠNG THỊ THẢO NGUYÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ