Quan niệm và cách thức chọn tuổi xông đất đầu năm
Tết Nguyên đán có từ thời Tam Vương Ngũ Đế (Trung Hoa). Theo cổ nhân thì nhà Hạ lấy nhân (quẻ cấn) mà chọn đầu năm, tức tháng giêng (tháng Dần). Nhà Thương lấy địa (quẻ khôn) mà chọn đầu năm, tức tháng giêng (tháng Sửu). Nhà Chu lấy thiên (quẻ càn) mà chọn đầu năm, tức tháng giêng (tháng Tý). Lại lấy thuyết trời đất tương giao mà mọi vật hóa sinh. Tý là trời giao, Sửu là đất thụ, đến Dần thì sinh loài người, vì vậy mới lấy ba ngày đầu tháng Dần (ngày mùng một, hai và ba) làm ngày tết Nguyên đán. Đó cũng là theo thuyết tam tài – ba ngày tết hội tụ cả thiên – địa – nhân vậy.
Theo gốc chữ Hán Việt thì nguyên là nguồn, là bắt đầu; đán là buổi sớm. Nguyên đán là ngày đầu năm (1), tức ngày mùng 1 tháng giêng. Tháng giêng của nước ta theo lịch Tàu lấy tháng Dần, thường trùng với tiết lập xuân của mỗi năm. Đây là tháng vừa kết thúc mùa đông giá lạnh, mở đầu cho mùa xuân ấm áp, lòng người phấn chấn, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc (2). Như vậy khái niệm tết Nguyên đán mở đầu của một năm mới tươi sáng và thịnh phát. Phàm thì vạn sự khởi đầu đều thiêng liêng và luôn luôn quan trọng. Cái khởi đầu đó có thuận lợi tốt đẹp thì hy vọng sự việc tiến hành sau này mới được thành công. Vì vậy, chọn người xông đất đầu năm cũng là một phong tục được nhiều người quan tâm.
Một số nước Á Đông trong đó có Việt Nam rất coi trọng tục lệ xông đất vào đầu năm mới. Người ta cho rằng, chọn được người xông đất đầu năm mới phù hợp sẽ đem lại nhiều may mắn và thuận lợi cho cả năm đó. Phan Kế Bính có viết: “Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt buôn may” (3). Nhưng xét cụ thể về cách thức chọn tuổi xông đất và hái lộc đầu năm của nước ta lại có phần nào khác với nước láng giềng Trung Quốc. Những năm trước đây người ta quan niệm đầu năm ai bẻ được cành cây càng to thì lộc càng lớn. Lộc đầu năm thì không biết nhưng cứ sau đêm giao thừa thì cây cối xác xơ không còn sắc xuân tươi tắn nữa. Mấy năm gần đây, Nhà nước đã có biện pháp ngăn chặn, đồng thời người dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Xông đất là để mong cầu được những điều tốt lành, đó cũng là một tục lệ đẹp nhưng cũng cần phải làm thế nào để kết hợp được những nét văn hóa truyền thống với nét thanh lịch của người Tràng An.
Người Trung Quốc cũng như người Việt Nam không chỉ quan tâm đến người xông đất đầu năm, mà còn chọn tuổi người khai trương cửa hàng hay khánh thành nhà cửa. Dân ta tin rằng, người xông nhà có vía tốt sẽ đem lại tài lộc. Do đó, họ thường xem tuổi để chọn người xông nhà, xông đất, hoặc nhờ người họ hàng bạn hữu có vía tốt lành trong năm đó tới xông nhà (4). Khi chọn tuổi xông đất thường phải kết hợp so sánh các yếu tố về can – chi giữa Thái Tuế với người xông đất và gia chủ tùy theo yêu cầu cụ thể.
Chọn hàng chi, người ta thường xét theo nhị hợp hoặc tam hợp về hàng chi của Thái Tuế so với tuổi của người đến xông đất, nhưng phải tránh xung tuổi với gia chủ. Ví dụ, năm 2013 thì Thái Tuế là Quý Tỵ.
Nhị hợp, gồm có Tý hợp Sửu, Dần hợp Hợi, Mão hợp Tuất, Thìn hợp Dậu, Tỵ hợp Thân và Ngọ hợp Mùi. Chẳng hạn năm Tị thì chọn người tuổi Thân đến xông đất là hợp, nhưng chú ý là tuổi người đến xông đất không được xung với tuổi của gia chủ. Ví dụ năm Tỵ chọn người tuổi Thân đến xông đất là hợp Thái Tuế nhưng nếu gia chủ là tuổi Dần thì phải kiêng tránh.
Tam hợp, gồm có Thân – Tý – Thìn, Tỵ – Dậu – Sửu, Dần – Ngọ – Tuất và Hợi – Mão – Mùi. Năm Tỵ có thể chọn người tuổi Dậu và Sửu đến xông đất là hợp (cũng có thể chọn tuổi Tỵ nhưng mức độ đẹp kém hơn vì là khí phục vị). Tuy nhiên, gia chủ tuổi Mão thì không nên chọn người tuổi Dậu, gia chủ tuổi Mùi thì không nên chọn người tuổi Sửu. Thông thường người ta thích chọn tuổi nhị hợp hơn, vì chọn theo tam hợp cần phải có đủ ba người thì mới được coi là toàn cát.
Ngoài ra, có thể chọn theo tam hội cục thì càng đẹp vì nó chiếm toàn bộ tú khí nên lực mạnh. Cách này đẹp nhất, giống như tam hóa liên châu nhưng khó thực hiện bởi phải đảm bảo kết hợp đủ cả năm Thái Tuế cộng với tuổi gia chủ và tuổi của người xông đất để tạo thành thế tam hội thì mới được. Tam hội gồm có Hợi – Tý – Sửu, Dần – Mão – Thìn, Tỵ – Ngọ – Mùi và Thân – Dậu – Tuất. Ví dụ, năm Tỵ gia chủ tuổi Ngọ thì có thể chọn người tuổi Mùi, hoặc gia chủ tuổi Mùi có thể chọn người tuổi Ngọ đến xông đất là đẹp nhất. Như vậy là, hàng chi phải đòi hỏi hợp hội. Ở Việt Nam, một số người cầu kỳ, cẩn thận, nhất là các doanh nhân, quan chức thường chọn đủ cả bộ tam hợp.
Chọn hàng can, tùy theo nhu cầu của chủ nhà thích cái gì thì chọn theo hình thức nấy. Có thể chọn hợp quan nếu muốn thuận lợi cho công việc hay quan chức, hoặc chọn tài (phát tài), chọn hợp ấn (thuận lợi cho học hành, thi cử) hay chọn hợp phúc để giải trừ các họa bệnh tật đang có. Cụ thể như sau:
Chọn hợp quan, là cách chọn tuổi của người xông đất có hành (theo ngũ hành) tương khắc hành can của mệnh chủ, nhưng phải lấy theo âm dương hỗ hoán. Ví dụ, mệnh chủ tuổi Giáp hành mộc dương thì chọn người tuổi Tân Tỵ, Tân Dậu, Tân Sửu xông đất. Hoặc mệnh chủ tuổi Ất có thể chọn người tuổi Canh Thân xông đất. Như vậy là chọn kích hoạt phát triển quan tinh vậy. Các trường hợp khác cứ thế mà suy ra.
Chọn hợp tài, là cách chọn can của mệnh chủ tương khắc can của tuổi người xông đất. Như mệnh chủ sinh năm năm Bính Thân có thể chọn người tuổi Canh hoặc Tân đều được cả (không cần xét âm dương hỗ hoán). Ví dụ, nếu kết hợp với hàng chi thì có thể chọn các tuổi Canh Thân, Tân Tỵ, Tân Dậu, Tân Sửu. Như vậy là chọn kích hoạt phát triển cho cung tài lộc.
Chọn hợp ấn, là cách chọn người xông đất có can tuổi tương sinh cho can của mệnh chủ và cũng phải lấy theo âm dương hỗ hoán. Thường năm đó nếu nhà nào có người thi cử, làm luận án hoặc có con thi đại học thì chọn cách này. Những người làm công việc văn chương viết lách cũng hay chọn cách này. Ví dụ, chủ nhà sinh năm Giáp có thể chọn người tuổi Quý, lấy thủy âm sinh cho Giáp mộc dương. Như vậy là chọn kích hoạt phát triển cho con đường văn chương ấn tín, học hành thi cử.
Chọn hợp phúc, là cách chọn can của mệnh chủ tương sinh cho can của tuổi người xông đất và phải cùng âm dương. Ví dụ, năm Giáp mộc dương có thể chọn người tuổi Bính mà không chọn người tuổi Đinh. Vì theo quan niệm của dân gian thì Bính thuộc hỏa dương nên là thực, còn Đinh thuộc hỏa âm là thương thì không nên chọn. Nếu chọn thương, thường gây ảnh hưởng đến công việc hoặc trong năm hay gặp tai họa, nhất là cho con cái. Cũng theo quan điểm của học thuyết ngũ phúc, thì nếu nhà đang gặp nhiều sự cố như ốm đau bệnh tật, vợ chồng thường xuyên cãi vã và nhất là bị kiện tụng thì người ta hay chọn người xông đất hợp phúc để hóa giải trong năm đó.
Ngoài ra, xuất phát từ quan niệm thiên – địa – nhân hợp nhất và thuật tam mệnh thông hội, nhiều người còn cho rằng: muốn đạt hiệu quả cao hơn nữa, thì có thể kết hợp với chọn lộc – mã – quý nhân để tạo thành tam hóa liên châu là đẹp nhất. Thực ra, để đạt được mong muốn này cần nhiều yếu tố nên không dễ gì chọn được. Cụ thể như sau:
Chọn lộc theo Giáp lộc ở Dần, Ất lộc ở Mão, Mậu lộc ở Tỵ, Đinh – Kỷ lộc ở Ngọ, Canh lộc ở Thân, Nhâm lộc ở Hợi và Quý lộc ở Tý. Nếu chọn lộc của người đến xông đất mà hợp với gia chủ là tốt nhất. Gia chủ tuổi Ngọ mà năm Quý Tỵ lại được người tuổi Đinh Tỵ, Đinh Dậu, Đinh Sửu đến xông đất thì ví như chọn được thần tài đem lộc đến cho mình vậy. Hoặc chủ nhà tuổi Mậu Tý, nếu năm Quý Tỵ mà chọn được người tuổi Quý Tỵ đến xông đất thì được cả tài lộc đến nhà.
Chọn quý nhân theo nguyên tắc Giáp – Mậu quý nhân tại Sửu – Mùi, Ất – Kỷ quý nhân tại Tý – Thân, Bính – Đinh quý nhân tại Dậu – Hợi, Canh – Tân quý nhân tại Ngọ – Dần và Nhâm – Quý quý nhân tại Mão – Tỵ. Ví dụ, người tuổi Ngọ, tuổi Dần chọn người tuổi Tân Sửu xông đất thì được cả âm quý và dương quý. Trong dân gian gọi là đắc cách lưỡng quý lâm môn, rất tốt đẹp.
Lại có cách chọn mã (mong muốn cầu thuận lợi cho việc xuất ngoại hay đi xa) theo nguyên tắc Thân – Tý – Thìn mã ở Dần, Dần – Ngọ – Tuất mã ở Thân, Tỵ – Dậu – Sửu mã ở Hợi và Hợi – Mão – Mùi mã ở Tỵ. Ví dụ như gia chủ sinh năm Dần thì chọn người xông đất tuổi Thân là có mã tinh.
Chọn người xông đất
Chọn tuổi đã rất cầu kỳ và không phải dễ dàng, nhưng muốn hoàn hảo người ta còn phải chọn được người phúc hậu hay vận tốt, kỵ người đang bị vận xấu đến xông nhà (5).
Như vậy, đến xông đất phải là người nhẹ vía, thoáng tính và quan trọng hơn cả là người đó vận phải đẹp, tức là vận đang đi lên. Tránh chọn người vận xấu đang đi xuống, hay ốm đau bệnh tật hoặc có bụi (nhà có tang). Cũng thường chọn đàn ông xông đất, vì tết là tiết lập xuân, dương khí bắt đầu phát triển, nên còn yếu (thiếu dương), rất sợ âm khí tiêu diệt dương trưởng. Chính vì thế phải chọn nam giới, để dương khí của nhân sẽ bổ khuyết cho dương khí của tiên thiên vượng lên. Mặt khác, dương khí tượng trưng cho người quân tử, vì thế phải chọn nam giới để lấy khí dương vào nhà thì mọi việc mới trôi chảy. Nếu tự mình xông đất cho mình thì không hay lắm, ví như là phục vị vậy.
Cách thức xông đất
Thông thường, chủ nhà phải đến nhà người mình định nhờ xông đất từ trước tết khoảng 1, 2 tuần để mang quà biếu và đặt lịch. Người xông đất đến chúc tết, xông đất phải theo cách thức nhất định, tùy theo các cục: tài, quan, phúc, ấn… mà gia chủ đã chọn. Trước khi đến xông đất, họ thường vào chùa thắp hương và xin lộc cho gia chủ nhờ mình xông đất bằng cách bỏ một ít tiền công đức, sau đó xin một túi lộc của nhà chùa. Ở nhiều địa phương, nhà chùa thường chuẩn bị sẵn các túi có ghi lộc, quan, ấn, phúc… đã được trì chú cẩn thận. Nếu xông đất theo cục tài, thì người xông đất sau khi lễ, công đức sẽ xin một cái túi có chữ lộc (trong túi có một nhánh lộc nhỏ cùng lễ vật khác), rồi bỏ thêm một phong bao lì xì màu đỏ vào túi đó và đi đến nhà người nhờ mình xông đất. Theo quy định (bất thành văn), thì sau khi ra khỏi chùa, người đến xông đất đi ít nhất qua ba đoạn phố khác nhau rồi mới được đến nhà gia chủ xông đất. Gia chủ sau khi nhận lời chúc và lộc của người xông đất mang đến thì cũng phải có một phong bao đáp lễ lại cho người này.
Nếu xông đất theo cục quan, thì người đến xông đất mang theo một chai rượu, vào chùa xin túi có chữ quan (trong túi có một cái mũ cánh chuồn nhỏ bằng giấy) và đến chúc cho gia chủ năm nay được thăng quan tiến chức. Xông đất theo cục ấn thì người đến xông đất không cần xin lộc ở chùa, mà thường chúc bằng chữ (thư pháp hay thư họa). Nếu người xông đất biết viết chữ Hán hay thư pháp thì tự viết, còn nếu không thì mua chữ hay xin chữ rồi mang đến chúc tặng chủ nhà (người Trung Quốc thường viết chữ lên vải để chúc tặng chủ nhà). Nếu chúc phúc thì người ta thường mang đến một bức tượng thiên sứ nhỏ hoặc tượng con giống… dưới đáy tượng thường ghi Thái Tuế năm đó.
Tục xuất hành đầu năm
Tục xuất hành đầu năm trong dân gian Vệt Nam thể hiện một quan niệm về vũ trụ quan sâu sắc và chứa đậm tính triết lý thiên nhân cảm ứng. Nó bao gồm hai việc, là chọn ngày giờ đẹp xuất hành và chọn phương xuất hành để đón được cát khí trong năm mới.
Chọn thời gian xuất hành
Theo phong tục xuất hành đầu năm, thì cứ mỗi năm khi đến tiết lập xuân là lúc trời đất giao hòa, khi đó cát khí (khí huyền hiếu) sẽ bắt đầu ở một phương nào đó trong không gian. Nếu con người xuất hành vào ngày đầu năm, nhất là lại đến nơi có cát khí ngưng tụ, thì sẽ đón và hấp thụ được khí chất huyền hiếu đó. Việc hấp thụ này, có thể giúp cho con người giao hòa tốt hơn với thiên nhiên mà cầu phúc, xu cát tỵ hung (tìm cái tốt, tránh cái xấu).
Theo nguyên lý sóc vọng thì, kể từ lúc giao thừa, người ta đã bước sang năm mới (6). Sau khi mọi người trong gia đình chúc tụng nhau, người ta thường kén hướng và giờ để xuất hành, mong được may mắn cả năm. Tùy theo tuổi và tùy theo năm âm lịch, mà người ta chọn hướng xuất hành phù hợp. Tuy nhiên, thường thì sau 3 ngày tết người ta mới kén ngày tốt, giờ tốt trong tiết lập xuân và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trên các cuốn lịch đầu năm, để mong có được một năm hoàn toàn may mắn. Như vậy gọi là chọn ngày giờ xuất hành (7).
Chọn phương xuất hành
Cách chọn phương xuất hành đầu năm bao gồm các bước sau:
Bảng 12 cung địa bàn
Tỵ | Ngọ | Mùi | Thân |
Thìn | Dậu | ||
Mão | Tuất | ||
Dần | Sửu | Tý | Hợi |
Tinh đồ cung vị
Khí quản nguyệt tướng | Chi năm ẩn tại | Nguyệt tướng | Tiết, Khí | Phương vị mặt trời lúc mọc trùng với phương sao | Giờ | |
Huyền hiếu | Hư | Tý | 1 | Đại hàn | Giốc chiếm 1º28´ | Dần chính 3 khắc 12 phân |
2 | Lập xuân | Đê chiếm 1º43´ | Mão sơ 1 khắc 5 phân | |||
Châu tử | Bích | Hợi | 3 | Vú thủy | Phòng chiếm 121´ | Dần chính 3 khắc 7 phân |
4 | Kinh trập | Tâm chiếm 1º47´ | Dần chính 2 khắc 9 phân | |||
Giáng lâu | Lâu | Tuất | 5 | Xuân phân | Vĩ chiếm 1º25´ | Dần chính 1 khắc 10 phân |
6 | Thanh minh | Vĩ chiếm 2º37´ | Dần sơ 1 khắc 10 phân | |||
Đại lương | Mão | Dậu | 7 | Cốc vũ | Cơ chiếm 4º31´ | Dần sơ 2 khắc 8 phân |
8 | Lập hạ | Cơ chiếm 3º51´ | Dần sơ 0 khắc 13 phân | |||
Thực trầm | Sâm | Thân | 9 | Tiểu mãn | Đẩu chiếm 2º51´ | Sửu sơ 3 khắc 5 phân |
10 | Mang chủng | Đẩu chiếm 7º57´ | Sửu sơ 2 khắc 11 phân | |||
Thuần thủ | Quỷ | Mùi | 11 | Hạ chí | Nữ chiếm 1º58´ | Sửu sơ 1 khắc 11 phân |
12 | Tiểu thử | Nguy chiếm 3º39´ | Sửu sơ 2 khắc 3 phân | |||
Thuần hỏa | Tinh | Ngọ | 13 | Đại thử | Thất chiếm 1º42´ | Sửu chính 3 khắc 5 phân |
14 | Lập thu | Bích chiếm 0º33´ | Sửu chính 3 khắc 3 phân | |||
Thuần vĩ | Chẩn | Tỵ | 15 | Xử thử | Lâu chiếm 1º31´ | Dần sơ 2 khắc 8 phân |
16 | Bạch lộ | Vị chiếm 0º20´ | Dần sơ 1 khắc 10 phân | |||
Thọ tinh | Cang | Thìn | 17 | Thu phân | Tất chiếm 2º51´ | Dần chính 1 khắc 10 phân |
18 | Hàn lộ | Sâm chiếm 0º2´ | Dần chính 3 khắc 1 phân | |||
Đại hỏa | Phòng | Mão | 19 | Sương giáng | Tỉnh chiếm 2º2´ | Dần chính 1 khắc 9 phân |
20 | Lập đông | Quỷ chiếm 1º43´ | Mão sơ 2 khắc 10 phân | |||
Tích mộc | Cơ | Dần | 21 | Tiểu tuyết | Liễu chiếm 6º2´ | Dần chính 3 khắc 12 phân |
22 | Đại tuyết | Dực chiếm 3º9´ | Mão sơ 2 khắc 10 phân | |||
Tinh kỷ | Ngưu | Sửu | 23 | Đông chí | Dực chiếm 5º38´ | Mão sơ 0 khắc 10 phân |
24 | Tiểu hàn | Chẩn chiếm 2º20´ | Mão sơ 0 khắc 7 phân |
Can ẩn
Giáp: sao Vĩ ở vào cung độ của chi Dần trên trái đất
Ất: sao Đê ở vào cung độ của chi Mão trên trái đất.
Bính: sao Dực ở vào cung độ của chi Tỵ trên trái đất.
Đinh: sao Liễu ở vào cung độ của chi Ngọ trên trái đất.
Mậu: sao Khuê ở vào cung độ của chi Tuất trên trái đất.
Kỷ: sao Giốc ở vào cung độ của chi Thìn trên trái đất.
Canh: sao Chủy ở vào cung độ của chi Thân trên trái đất.
Tân: sao Vĩ ở vào cung độ của chi Dậu trên trái đất.
Nhâm: sao Thất ở vào cung độ của chi Hợi trên trái đất.
Quý: sao Nữ ở vào cung độ của chi Tý trên trái đất.
Bảng 28 tinh đẩu
ĐÔNG
Thanh long |
BẮC Huyền vũ |
TÂY Bạch hổ |
NAM Chu tước |
||||
1 | Giốc | 8 | Đẩu | 15 | Khuê | 22 | Tỉnh |
2 | Cang | 9 | Ngưu | 16 | Lâu | 23 | Quỷ |
3 | Đê | 10 | Nữ | 17 | Vị | 24 | Liễu |
4 | Phòng | 11 | Hư | 18 | Mão | 25 | Tinh |
5 | Tâm | 12 | Nguy | 19 | Tất | 26 | Trương |
6 | Vĩ | 13 | Thất | 20 | Chủy | 27 | Dực |
7 | Cơ | 14 | Bích | 21 | Sâm | 28 | Chẩn |
Cách tính
Bước 1: đặt nguyệt tướng của tiết khí tương ứng vào cung ẩn của can năm. Chạy thuận trên 12 cung địa bàn tới chi đồng với chi của cung ẩn can, ta được cung địa bàn tương ứng.
Bước 2: đặt sao quản tiết khí theo bảng Tinh đồ cung vị (của tiết khí cần tính) vào cung vừa tìm được ở bước 1. Chạy ngược theo bảng 28 tinh đẩu đến sao quản chi của năm Thái Tuế.
Bước 3: đặt khí quản tiết khí (lấy theo năm tiểu vận) vào cung tìm được ở bước 2. Chạy thuận theo bảng 12 cung địa bàn đến khí của tiết khí cần tìm ra cung nào thì đó là cung cát khí. Cung này thuộc phương nào thì đó là phương xuất hành.
Ví dụ, tìm phương xuất hành của tiết lập xuân năm Quý Tỵ (2013):
Can Nhâm ẩn ở Tý. Chi Tỵ ẩn tại sao Chẩn.
Bước1: Nguyệt tướng của lập xuân là Tý tướng, đặt vào cung Tý (cung ẩn của can năm) chạy thuận đến cung Tý (cung ẩn của can năm) rơi vào chính cung Tý của cung địa bàn.
Bước 2: Sao quản của tiết lập xuân là Đê. Đặt sao này vào cung Tý địa bàn chạy nghịch theo vòng 28 sao đến sao quản chi năm Tỵ (sao Chẩn) ta có sao Chẩn rơi vào cung Hợi.
Bước 3: Khí của năm Tỵ là thuần vĩ, đặt khí này vào cung Hợi chạy nghịch đến khí của tiết lập xuân là huyền hiếu. Cụ thể như sau: Hợi – thuần vĩ, Tý – thuần hỏa, Sửu – thuần thủ, Dần – thực trầm, Mão – đại lương, Thìn – giáng lâu, Tỵ – châu tử, Ngọ – huyền hiếu. Vậy huyền hiếu rơi vào cung Ngọ thuộc ly là phương chính Nam – phương xuất hành.
Như vậy, năm 2013 (Quý Tỵ) tiết khí lập xuân từ ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Thìn đến 20 giờ 15 phút ngày 9 tháng giêng năm Quý Tỵ (4-2-2013 đến 18-2-2013). Vì vậy, nếu xuất hành từ ngày mùng 1 tết đến 20 giờ ngày 9 tháng giêng thì phương xuất hành được tính theo tiết khí lập xuân là phương chính nam.
Qua những phần trình bầy trên, cho thấy, phong tục chọn tuổi xông đất và xuất hành đầu năm chứa đựng một triết lý nhân sinh cũng như vũ trụ quan sâu sắc của người Việt. Để đất nước ta phát triển, không thể không biết khai thác, tìm hiểu những tri thức trong phong tục và truyền thống dân gian, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
_______________
1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.425.
2, 4, 6. Trương Thìn, Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đền chùa, miếu phủ, Nxb Hà Nội, 2007, tr.85, 116, 114.
3. Bùi Văn Vượng, Lê Thanh Bình, Phan Kế Bính tác giả – tác phẩm, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.726.
5. Nguyễn Quang Khải, Tập tục và kiêng kỵ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.32.
7. Thượng tọa Thích Thanh Duệ (chỉnh lý), Nguyễn Bích Hằng, Lê Thị Uyên, Việt Nam phong tục và lễ nghi cổ truyền, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr.25.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013
Tác giả : Trần Mạnh Linh
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng