TỤC ĐỐT LỬA CẦU MAY ĐÊM BA MƯƠI TẾT

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Làng Động Bồng thuộc xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có từ lâu đời, ngay tên làng Động Bồng, làng Hang Động, gợi nhớ nơi cư trú xưa của tổ tiên cho cháu con tìm về nguồn cội.
Động Bồng, làng quê nhấp nhô núi đá và mênh mông đồng trắng nước được ví như Hạ Long cạn của xứ Thanh. Từ bao đời nay, khi làm ruộng, lúc lên núi, đánh cá, chăn vịt ngoài đồng, người dân đều mang theo chiếc bùi nhùi giữ lửa. Lửa không rời người để sưởi ấm, hong khô quần áo, nướng nấu thức ăn…
Người Động Bồng xưa có mối quan hệ thân thiết với các làng xã lân cận và có tục kết chạ với Cầm Bối, Hà Giang cùng thờ chung Thành Hoàng, kết nghĩa anh em với một số làng của người Mường – thạch thành. Hàng năm, họ thường thăm hỏi, gặp gỡ nhau, nhất là vào dịp lễ tết, lúc công to việc lớn hoặc chia sẻ những lúc vui buồn.
Hà Trung vốn nổi tiếng là đình huyện Tống, đình nhiều và lớn. Động Bồng cũng có ngôi đình to, nổi tiếng ở trong vùng. Đình được xây dựng đời vua Gia Long thứ 10 (1812), tựa như một đóa sen khổng lồ, in bóng xuống mặt nước xanh trong, hòa với cảnh sắc núi non nhấp nhô giữa mênh mông cánh đồng cò bay mỏi cánh.
 Đình Động Bồng thờ thành hoàng Tô Hiến Thành, vị quan thời Lý có tiếng chính trực, công minh, luôn giúp đỡ người nghèo. Người được phối thờ là Tống Quốc Sư, người Trung Quốc, am tường địa lý, trị bệnh giúp dân, được mọi người yêu kính. Do cảm mến tài đức của nhau mà Tô Hiến Thành và Tống Quốc Sư đã kết nghĩa huynh đệ.
Động Bồng làng quê nhỏ bé nhưng lại có nhiều lễ tục, lễ hội đặc sắc, một trong số đó là tục đốt đình liệu vào đêm 30 tết, lễ tục này hiện nay ở tỉnh Thanh không có địa phương nào còn lưu giữ.
 Để đốt đình liệu vào thời khắc giao thừa, hàng năm vào tháng chạp dân làng cử trai tráng lên núi Ba Trạc, Bái Bò, Đầu Voi… tìm cây đóm, loại cây có dầu rất dễ bắt lửa cháy và chọn những đoạn cây vừa chắc vừa dẻo làm đòn gánh bó đóm lại đưa về. Đợi cho đóm thật khô mới thu lại để chuẩn bị cho việc kết, bó, tạo dáng đình liệu, một con rồng lớn.
Sau khi tiễn táo quân lên trời, vào ngày 25 tháng chạp, theo hướng dẫn của các bậc cao niên, trai tráng gom những cây đóm đã khô kết thành đình liệu có đường kính 65cm, chiều dài 25m, rồi đem đặt vào tòa đại đình. Những đoạn cây làm đòn gánh được đặt theo hàng ngang, đều đặn từ trong ra ngoài, sau đó đặt đình liệu lên để không bị ẩm và uế tạp. Sau ngày 25, các cụ trông coi đình không cho ai được đến gần đình liệu.
Cũng vào cuối tháng chạp, trai tráng trong làng được phân công vào núi cấm trước làng lấy củi khô đem về đình đốt lửa trong suốt mấy ngày tết. Theo quy ước, mỗi năm chỉ một lần được phép vào núi thu gom những cành cây và gốc củi khô để giữ lửa thiêng, không được chặt cây, phá cành.
Chiều 30 tết, trai làng chia số người ra hai bên đều nhau, dùng những chiếc đòn kê đều tay chuyển đình liệu từ trong đình ra giữa sân đình. Sau đó dùng đòn kê dựng đứng néo lại hướng cho cho đầu rồng vươn lên cao rồi uốn khúc hạ thấp dần về phía sau. Trong ánh chiều buông, sắp đến đêm trừ tịch nổi trên sân đình một con rồng khổng lồ vừa hiền lành, vừa oai vệ vươn lên nền trời cao, dồn sức lực, đợi chờ giờ khắc thiêng liêng đến.
Sau khi con rồng được đưa tới vị trí đã định, mọi người trở về nhà làm lễ tất niên, sau đó trở lại đình và mang theo một bó đóm nhỏ, háo hức đợi chờ giao thừa đến. Trước khi đốt đình liệu, ở sân đình, dân làng tổ chức tế lễ, kính cáo trời đất, thần linh sông núi về dự lễ, tiếp đó trong hậu cung các cụ cao niên làm lễ tâu với thành hoàng xin ngài cho phép dân làng rước lửa đốt đình liệu đón chào năm mới.
Khi lửa được rước ra từ hậu cung cũng là lúc tiếng trống cái nổi lên dóng dả trầm hùng, tiếng chiêng điểm nhịp, dàn trống con cùng lúc đổ dồn tấu lên giai điệu lễ rước lửa theo nhịp bước rộn ràng làm cho cả sân đình sôi động. Ai cũng mong được đứng gần đình liệu, được thấy rõ ngọn lửa đầu tiên từ đầu rồng bùng cháy. Rồi thời khắc giao thừa cũng đến, bùi nhùi làm râu và bờm rồng cùng với đuốc khô bén lửa cháy bùng lên. Muôn tiếng hò reo sung sướng, tiếng trống cùng lúc đổ dồn từ sân đình vọng vang, từ các làng bên vọng tới, âm thanh từ các vách đá, hang động vọng về làm cho lòng người thêm rạo rực. Đình liệu – con rồng khổng lồ bỗng chốc hóa thân thành ngọn đuốc rừng rực cháy sáng, rồi tan biến vào vũ trụ mênh mang, hóa nên mưa nhuần tưới tràn mặt đất trong tiết xuân ấm áp, khiến vạn vật sinh sôi, ấm no hạnh phúc đến với muôn người. Trong thời khắc giao hoan giữa trời và đất, con người với thần linh, ánh lửa đình liệu thiêng liêng bừng soi những nét mặt rạng ngời, hân hoan mãn nguyện. Từ trong ánh lửa rừng rực cháy họ thầm mong ước và hy vọng ánh sáng sẽ xua đi sự âm u lạnh lẽo, sự nghèo khó gian nan, họ cầu mong ánh sáng sẽ đem đến cho họ một cuộc sống đủ đầy, ấm no hạnh phúc. Ánh sáng và lửa ấm xích họ lại gần nhau hơn, để rồi cùng nhau vượt lên gian khó, nhân lên niềm vui và sức mạnh, xua đi nỗi buồn với một tinh thần lớn: cùng chung địa bàn cư trú, cùng tôn thờ các vị thần linh bảo trợ, cùng cảm thông chia ngọt sẻ bùi trong cuộc mưu sinh.
Sau khi chứng kiến lễ đốt đình liệu ở đình, mọi người châm những bó đuốc mang theo lấy lửa rước điều may mắn đem về. Tới nhà, họ long trọng thắp hương từ nguồn lửa ấy để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm và giữ lửa trong suốt những ngày tết. Từ ngọn lửa ở sân đình tỏa về các gia đình trong thôn có hàng trăm ngọn lửa nhỏ lung linh cháy sáng. Đêm giao thừa cả Động Bồng như một hội hoa đăng, mỗi ngọn đuốc như một vì tinh tú từ mặt đất rọi lên không trung, từ trời cao chiếu tràn mặt đất, làm cho cả một vùng lấp lánh ánh sáng chụm lại rồi tỏa ra, thắp lên trong lòng người, trong mỗi nhà một ánh sáng mới rạng rỡ, thiêng liêng.
Kể từ lúc giao thừa đến lễ hạ nêu (mùng 7 tết), những người trông coi đình và mỗi gia đình phải giữ ngọn lửa thiêng cẩn thận, không bị tắt. Họ tin rằng lửa có màu đỏ, đồng nghĩa với sự may mắn và sáng sủa; giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng thì người theo nghiệp khoa cử sẽ thông minh đỗ đạt, nhà nông làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh. Sau lễ đốt đình liệu, trong những ngày tết tụ họp dưới mái đình, dân làng Động Bồng tổ chức hát ru, hát đúm, hát đối đáp, và các trò chơi dân gian: chơi đu, chọi gà, bơi thuyền… thu hút đông đảo mọi người tham dự.
Đốt đình liệu là lễ tục có từ lâu đời gắn với người Việt cổ ở Động Bồng để tỏ lòng thành kính và biết ơn và sự thiêng hóa của người xưa đối với lửa đã giúp họ sưởi ấm, tìm kiếm cái ăn, xua đi bóng đêm và thú dữ. Lửa đã giúp họ nướng chín thức ăn, nhân lên sức mạnh trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đốt đình liệu ở Động Bồng có nguồn gốc xa xưa, đó chính là tín ngưỡng thờ thần mặt trời, cầu ánh sáng của cư dân trồng lúa nước, cần có đủ ánh nắng giúp cho cây trồng tươi tốt, con người và vật nuôi sinh sôi nảy nở. Cầu ánh sáng mặt trời cũng là ước vọng trị thủy nhằm hạn chế sức mạnh và sự tàn phá của lũ lụt đối với con người, làng mạc, ruộng đồng.
Đốt đình liệu là mỹ tục độc đáo: cầu may, cầu sự sinh sôi nảy nở, phản ánh nhận thức và tư duy thuần phác của cư dân Việt cổ về các hiện tượng của tự nhiên tác động tới sản xuất và đời sống. Lễ tục đặc sắc này hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, gắn bó các thành viên và cộng đồng làng xã, nhân lên sức mạnh trong mỗi người để làm cho cuộc sống ngày càng ấm no, vui tươi hạnh phúc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Hoàng Minh Tường

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *