Tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu (còn gọi là Mã Châu, Thiên Phi…) xuất phát từ Phúc Kiến, Trung Quốc, theo bước chân di trú của những người Hoa Nam đã lan tỏa đi nhiều nơi, trong đó có Nam Bộ nước ta. Trên con đường mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà đã giúp họ vượt qua được mọi trở ngại để an cư lạc nghiệp. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự phù trợ đó, họ đã kiến tạo nên các ngôi miếu thờ phụng bà.
1. Các cơ sở thờ tự Nhìn chung, ở các tỉnh thành duyên hải Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Hội An, Nước Mặn, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… đều có miếu thờ riêng hoặc phối thờ bà Thiên Hậu. Tại Đà Nẵng có Thiên Hậu Cung, hay còn gọi là chùa Bà hoặc chùa Ngũ Bang, do người Hoa các bang Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam và Hẹ cùng quyên góp xây dựng vào những năm 60 TK XX. Tại thương cảng Hội An cũng có hai cơ sở chính thờ tự bà Thiên Hậu là hội quán Trung Hoa xây dựng vào năm 1741, hội quán Phúc Kiến có từ 1697, Phúc Kiến. Ngoài ra, ở Hội An thời trước còn có hội quán Quảng Đông được Hoa Kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885 để thờ Thiên Hậu thánh mẫu và đức Khổng Tử. Từ sau năm 1911, hội quán chuyển sang thờ Quan Công và các vị tiền hiền của bang (1). Vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nếu như Hội An đã là thương cảng lớn của xứ Đàng Trong thì chợ Vạn, Tam Kỳ, Quảng Nam đến đầu TK XVIII mới phát triển thành một trạm trung chuyển hàng hóa quan trọng ở phía nam Hội An. Đây là nơi hội tụ sản vật hàng hóa của ngõ nguồn Chiên Đàn hợp cùng sông biển của xứ Hà Đông xưa. Hiện nay, ở đây có một kiến trúc cổ là đình Thất phái Tứ Bàn tiền hiền tự sở (còn gọi là chùa Tam Bảo), có thờ Quan Thánh đế quân và Thiên Hậu thánh mẫu. Xuôi theo những cánh buồm trên biển, người Hoa cũng đã đặt chân đến vùng đất Quảng Ngãi, quê hương của mía đường vào khoảng cuối TK XVII. Trong đó, địa điểm quy tụ nhiều người Hoa nhất là làng Tiên Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Bên cạnh đó là cảng thị nước mặn ở Bình Định từng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Đàng Trong TK XVI- XVII và của triều Nguyễn sau đó. Từ nhiều thế kỷ trước đây, những người Hoa Minh Hương định cư đầu tiên ở Nước Mặn đã xây dựng nên các cơ sở tín ngưỡng phục vụ nhu cầu hoạt động tâm linh của cộng đồng như Thiên Hậu Cung (chùa Bà), miếu Quán Thánh (chùa Ông). Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chùa được tạo lập vào đầu TK XVII (2). Tỉnh Phú Yên với vị trí địa lý thuận lợi, địa hình tự nhiên đa dạng đã thu hút rất nhiều di dân người Hoa đến sinh sống làm ăn. Người Hoa đến Vũng Lấm tụ cư và thành lập nên một làng Minh Hương vào khoảng cuối TK XVIII, nay là xã Xuân Thọ 2 ở huyện Sông Cầu. Bước sang TK XX, hoạt động kinh tế thương mại của người Hoa có sự nổi trội hơn người Minh Hương. Trong đó, người Hải Nam là những Hoa thương để lại nhiều dấu ấn hoạt động nổi bật ở Phú Yên. Năm 1862, họ đã xây dựng một miếu thờ Thiên Hậu thánh mẫu ở Vũng Lấm, Sông Cầu. Bên cạnh đó, người Hoa Phúc Kiến cũng xây dựng một miếu thờ Thiên Hậu thánh mẫu ở thị trấn Sông Cầu, còn gọi là chùa Bà, không rõ được xây dựng vào năm nào. Sau chiến tranh, công trình bị hư hỏng nặng nên đã bị giải tỏa. Ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cũng có một ngôi chùa Thiên Hậu nằm ở Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp. Đây là một ngôi miếu cổ thờ thánh mẫu do Hoa kiều thuộc bang Phước Triều, Hải Nam lập nên vào năm 1875 dưới triều vua Tự Đức. Hơn trăm năm qua, chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo vào các năm 1963, 1991. Kể từ năm 1653, khi chúa Nguyễn cho lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay), cư dân từ nhiều vùng trong và ngoài nước đến đây tụ cư sinh sống ngày một đông đúc, trong đó có cộng đồng người Hoa. Khu vực tụ cư sớm nhất của người Hoa ở Khánh Hòa phải kể đến Ninh Hòa. Họ đã để lại nhiều di tích rất đặc trưng với tín ngưỡng thờ cúng riêng, độc đáo ở đây như: tự phổ Minh Hương, miếu Võ Đế, Quỳnh Phủ hội quán, Huệ Thành hội quán… Bên cạnh đó, bang Quảng Đông ở Ninh Hòa hiện cũng đang quản lý hai ngôi miếu cổ đó là: miếu Võ Đế (chùa Ông) và miếu Thiên Hậu (chùa Bà). Dựa theo các cổ vật còn lưu truyền và chiếu theo lịch nhiệm của các đời bang trưởng, có thể suy đoán chùa Bà được xây dựng vào khoảng những năm 1877 – 1886. Ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, người Minh Hương sinh sống tại Ngũ Quảng đã theo chân đoàn quân Nam tiến của các chúa Nguyễn di cư đến trấn Thuận Thành vào khoảng cuối TK XVII. Họ chủ yếu cư trú ở Phan Rang, Tuy Phong, Phan Rí, Mũi Né, Phố Hải, Phan Thiết. Người Hoa đã xây dựng các cơ sở hội quán riêng của cộng đồng để thờ phụng và cúng tế các vị thần linh, các vị tiền hiền và làm trụ sở sinh hoạt chung. Trong đó có chùa Ông và chùa Bà Thiên Hậu Đức Sanh. Ngoài ra, ở đây còn có chùa Bà Đức Sanh, nhưng trên thực tế, đối tượng thờ chính vẫn là bà Thiên Hậu. 2. Sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội chùa Bà Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu giống như tín ngưỡng thờ Thiên Yana của người Chăm, thờ Mẫu của người Việt. Trong tâm thức của người Hoa, Thiên Hậu vừa là hải thần, nữ thần trấn trị phong ba bão táp, bảo vệ cư dân trên biển, vừa là phúc thần, vị thánh mẫu từ bi khuyên răn người dân chung sống hòa thuận, đoàn kết. Nhiều tài liệu văn bia, sổ sách ở các chùa miếu, hội quán, thậm chí trong một số cuốn gia phả của người Hoa đều lưu lại khá chi tiết về lai lịch của bà. Sự tích ít nhiều có những dị biệt nhưng chủ yếu là đề cao người phụ nữ đức hạnh, có lòng nhân ái, hiếu thảo, biết hy sinh vì mọi người. Đây đều là những hằng số văn hóa có tính phổ quát, thể hiện nét tương đồng trong tâm thức người phương Đông nói chung, cộng đồng người Việt, người Hoa nói riêng. Do đó, tục thờ này khi du nhập vào Đàng Trong có sự dung hòa với tục thờ mẫu của người Việt, khiến cho cho những cơ sở thờ bà Thiên Hậu dần trở thành nơi thờ cúng, sùng bái chung của người Việt và người Hoa. Một số người còn suy tôn và đồng nhất Thiên Hậu với thánh mẫu Thiên Yana, vị mẫu thần Việt gốc Chăm. Họ gọi Thiên Hậu thánh mẫu là Thiên Y thánh mẫu đại từ tôn. Quan niệm này được xác tín bằng sự xuất hiện Kinh Địa mẫu, bộ kinh của đạo Tiên thiên thánh giáo (đạo thờ Thiên Yana) trên bàn thờ Thiên Hậu trong chùa Bà (Đà Nẵng). Cư dân địa phương gọi những người này thuộc hàng cửa thánh, tức là những người theo đạo Mẫu Việt. Khi khấn lễ, họ cũng kính cẩn gọi bà là thánh mẫu, đồng thời cũng thể theo cách thức của người Hoa, dâng bà một vòng hương (hình chóp nón, cao khoảng 1m) trên đó có gắn lời thỉnh cầu xin bà chứng độ, hộ trì cho họ. Một vòng hương như vậy cháy trong khoảng 3 tháng sau mới tắt. Nếu đạt nguyện vọng như cầu khấn, họ đến cúng tạ, còn nếu chưa được thì lại dâng hương cầu tiếp. Vì vậy, hiện chùa Bà Đà Nẵng có rất nhiều dãy hương vòng của cả người Hoa lẫn người Việt dâng cúng, trải khắp từ gian tiền điện đến gian chánh điện (3). Vào ngày vía bà 23 – 3 âm lịch, mọi người cùng tham gia vào sinh hoạt lễ mẫu và các hoạt động văn hóa khác như đấu giá gây quỹ làm từ thiện, bốc thăm trúng thưởng, biểu diễn văn nghệ, thi múa lân… Có thể thấy rằng, ngày nay chùa Bà Thiên Hậu vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của các cộng đồng cư dân Hoa cũng như người Việt tại nhiều địa phương Nam Trung Bộ. Chùa Bà có vai trò giống như đình làng của người Việt, vừa là điện thờ mẫu, vừa là nơi thờ cúng tiền hiền, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, giải trí của cộng đồng. Vào dịp lễ cúng như vào ngày vía bà, người Hoa thường tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Tại chùa Phước Triều tổ chức lễ vía bà vào tháng 3 (lễ vía bửu đản – ngày sinh thánh mẫu), tháng 9 (lễ vía thăng thiên – ngày mất của thánh mẫu). Trước đây, vào ngày rằm, mồng một, các dịp lễ tết, ngày vía bà, chùa Bà Phước Triều mới mở cửa để người dân đến cúng bái, sinh hoạt. Vào dịp này, đông đảo bà con người Hoa thuộc bang Phước Triều đang sinh sống ở khắp mọi nơi đến thắp hương và cùng trò chuyện, bàn bạc, trao đổi việc làm ăn. Hiện nay, chùa mở cửa hàng ngày để đón khách thập phương. Thời trước, người Hoa Hội An đi khấn lễ bà hầu hết các ngày trong tháng, nhưng ngày vía bà (ngày 23 – 3 âm lịch) được xem là ngày hội lớn. Vào ngày này, mọi người trong và ngoài bang hội đem lễ vật và nhang đèn đến cầu cúng rất đông. Ngay từ chiều ngày 22, trong khuôn viên của hội quán Phước Kiến và hội quán Ngũ Bang, người Hoa đã trang hoàng hàng trăm chiếc đèn lồng, cờ hiệu với nhiều kiểu dáng và màu sắc rực rỡ. Sau đó thực hiện nghi thức tắm bà, dâng lên bà những bộ trang phục, trang sức mới. Đến ngày 23, người Hoa tổ chức lễ cúng theo nghi thức cổ truyền. Một số lễ vật có nguồn gốc quê hương Hoa Nam này được bày biện để dâng cúng bà như bún xào, bánh bao Phước Kiến, cơm Dương Châu, vịt tiềm bát bửu, khoai nhục… Lúc này chiêng trống được đánh vang, chủ tế, bồi tế bước lên dâng hương, rượu, heo quay, sau đó vái lạy bà. Sau khi đọc văn tế, người ta tiến hành đốt vàng mã rồi lại hướng về điện thờ vái tạ ba lạy hoàn thành nghi lễ cúng tế. Tiếp đó, những người đến dự lễ tiến hành xin xăm, xin lộc, vay vốn bà để làm ăn, cầu tự, cầu tài… (4). Trước những ngôi nhà của đồng bào người Hoa được giăng đèn, kết hoa, đốt pháo, lập bàn hương án để nghinh đón bà rất trang trọng. Từ sau năm 1975, hình thức rước kiệu này không còn được duy trì nữa. Trải theo thời gian, tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa ở Hội An đã có những nét văn hóa mới được đưa vào trong phần hội, tạo nên sự phong phú đa dạng của lễ hội nhưng không đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người Hoa. Đó cũng chính là kết quả của sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất Hội An trong nhiều thế kỷ qua. Hiện nay, ngày vía Thiên Hậu thánh mẫu không chỉ dành riêng cho bà con người Hoa mà đã trở thành ngày hội chung, thu hút đông đảo bà con ở địa phương và các vùng lân cận cũng như du khách trong nước và quốc tế tham dự. Nhìn chung, khi đi sâu vào tìm hiểu tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa ở vùng Nam Trung Bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tâm lý văn hóa cộng đồng Hoa tộc. Họ vừa có ý thức cố kết, bảo lưu bền chặt, vừa hướng tới sự hòa nhập với văn hóa người Việt. Một số danh thần người Hoa được thờ cúng trong chùa đã được Việt hóa theo cách gọi của đạo Mẫu Việt như vị Thần Tài (Hoa) thành quan Hoàng Mười (Việt)… Hiện nay, một bộ phận người Việt theo cửa thánh ở Đà Nẵng không chỉ đi chùa lễ mẫu mà còn tạo lập điện thờ tư gia thờ mẫu, trong đó ngày vía Thiên Hậu cũng là một ngày lễ quan trọng đối với họ. Đây là một trong những biểu hiện của sự tương tác, hỗn dung văn hóa trong quá trình cộng cư, cộng sinh giữa người Hoa và người Việt (5). Cũng như các lễ hội khác trong vùng, lễ hội chùa Bà ở trung tâm cảng thị Nước Mặn từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương này qua nhiều thế kỷ. Một số nhà nghiên cứu văn hóa địa phương cho biết, lễ hội cổ truyền này có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định, khoảng năm 1626, đồng thời cũng là mốc đánh dấu thời kỳ phát triển phồn vinh của một đô thị cảng ở vùng đất biên viễn mới khai phá thuộc lãnh thổ nước ta. Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày, bắt đầu từ những ngày cuối tháng giêng đến đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội Nước Mặn, người dân thắp đèn lồng vào các ngày lễ, mọi nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như ngày tết thứ hai trong năm. Vào ban đêm, người dân đốt đèn lồng sáng rực phố phường. Các gánh hát nổi tiếng ở Quy Nhơn cũng được mời đến hát bả trạo, diễn tuồng, các nhà sư còn đưa phật tử đến múa lục cúng. Trong những ngày lễ chính, các vị thần mà người Việt, người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Cư dân phố cảng bao gồm cả cư dân người Hoa lẫn người Việt khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu bà mụ, rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. Nửa đêm ngày 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quan Thánh, bà mụ, người dân cầu xin các vị thần ban phúc lành cho làm ăn phát đạt, con cháu đông đúc, sinh đẻ tốt lành… Sự xuất hiện thần thành hoàng thể hiện sự cai quản của người bản xứ về mặt tâm linh. Hiện tượng này phản ánh sâu sắc tinh thần dung hợp văn hóa tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân Việt, Chăm, Hoa… ở nơi đây. Đồng thời cũng cho thấy xu hướng chủ đạo của văn hóa Việt trong tiếp biến văn hóa, xu hướng này góp phần tạo ra dấu ấn bản sắc Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng tại địa phương. Một trong những hoạt động chủ yếu của lễ hội là nghi thức rước kiệu, thể hiện sinh động những nét đẹp văn hóa, lịch sử của cảng thị xưa, gồm có kiệu chính rước sắc và 4 kiệu rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục. Các nhóm kiệu được cung kính rước qua các đường phố nhằm suy tôn công lao khai sáng, tạo dựng cơ nghiệp của cha ông. Các biểu tượng được rước trên kiệu thường mang đậm tính lịch sử văn hóa như kẻ đốn cây mở đường, người vỡ ruộng be bờ, kẻ bung lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… Ngoài ra còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió làm sống lại những cảnh tượng tàu thuyền bốn phương tìm tới cảng Nước Mặn buôn bán thủa trước (6). Sau phần lễ, phần hội bắt đầu bằng biểu diễn múa lân, múa đèn, biểu diễn tuồng, các trò chơi đốt cậy bông, đổ giàn có nguồn gốc từ người Hoa. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, thi nấu cơm, thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người… của người Việt và các trò chơi chịu ảnh hưởng của các thày cúng người Chăm như hát một xà leo. Cũng có năm tổ chức các hoạt động vui chơi mang tính thể thao đương đại như thi đấu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ… Sau đó, lễ hội còn được tiếp nối bởi hoạt động tổ chức lễ cầu an (từ 9 – 12 giờ ngày 26 – 2), lễ tế (từ 5 -7 giờ ngày 27 – 2). Các hoạt động của lễ hội vừa thể hiện tinh thần trọng văn, thượng võ, vừa thể hiện tinh thần hòa đồng, dung hợp văn hóa. Đến với lễ hội, con người mong muốn được thần linh chứng nhận lòng thành và phù hộ cho những ước nguyện mà họ cầu khấn. Mặt khác, cư dân địa phương và du khách được giao lưu, giao tiếp với nhau, được tham gia sinh hoạt cộng đồng từ các cuộc rước, các trò chơi dân gian, liên hoan đình đám khiến tinh thần mọi người sảng khoái, quên đi những lo toan thường nhật. Mỗi cá nhân sẽ tìm thấy cái tôi của mình trong cộng đồng và hành động vì cộng đồng. Có thể nói rằng, lễ hội đô thị Nước Mặn tiêu biểu cho các lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở vùng Nam Trung Bộ, luôn hướng tới các giá trị văn hóa nhân văn, nhân bản đồng thời góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cư dân địa phương. Nhìn chung, bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, các cơ sở thờ bà của người Hoa còn mang nhiều giá trị khác. Đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi tụ họp và giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa. Những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tập tục tín ngưỡng này đã hòa làm một với truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam, nhanh chóng hòa nhập, tiếp biến với tục thờ mẫu của người bản địa. Ngày nay, chùa Bà trở thành nơi thờ cúng, sùng bái chung của các cộng đồng cư dân địa phương, không phân biệt người Việt hay người Hoa. Đồng thời, lễ hội chùa Bà đã và đang có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương ở vùng Nam Trung Bộ, góp phần tạo nên những sắc màu cho bức tranh văn hóa thống nhất mà đa dạng của nước ta. _______________ 1. hoianworldheritage.org.vn. 2, 6. baobinhdinh.com.vn. 3, 5. Nguyễn Xuân Hương, Tín ngưỡng Thiên Hậu ở Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học Công Nghệ, Đại học Duy Tân. 4. Vũ Hoài An, Hải thần trong tín ngưỡng của người Hoa ở Hội An, Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, số 50, 2014, tr.41-46.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018
Tác giả : NHÂM THỊ LÝ
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%