Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ

Thể loại tượng chân dung rất hiếm gặp trong không gian quần thể lăng mộ thời Lê – Trịnh ở Bắc Bộ. Thông thường, trong khu thờ của lăng mộ, chỉ có các bài vị, ngai, lư hương và một số đồ thờ khác mang tính tượng trưng, ít thấy có sự xuất hiện của thể loại tượng chân dung. Tuy nhiên, thể loại tượng này lại giải mã nhiều vấn đề thú vị về văn hóa, xã hội hàm chứa trong đó cũng như phong cách tạo hình của điêu khắc chân dung TK XVII, XVIII.

Xét trong lịch sử phát triển các hình thức lăng mộ vua chúa, quan lại Việt Nam thời phong kiến, có lẽ duy nhất ở giai đoạn TK XVII, XVIII xuất hiện dạng lăng mộ kết hợp với kiến trúc sinh từ, dinh, từ đường, am, đền, chùa… tạo thành một quần thể lăng mộ. Hầu hết các quần thể lăng mộ này không còn nguyên như ban đầu, do nhiều nguyên nhân. Vì thế, hiện tại, các quần thể lăng mộ này tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau, như dinh, lăng, đền, sinh từ, am, từ đường, từ vũ… tùy theo cách gọi truyền miệng của dân địa phương cũng như ghi chép trong một số văn bản tài liệu của các gia tộc (1).

Sự nở rộ loại hình kiến trúc quần thể lăng mộ với sinh từ, dạng kết hợp đền – lăng, có lẽ bắt nguồn từ sự nới lỏng trong việc ban phong chức tước và hậu đãi tầng lớp quan lại trong thời Lê – Trịnh. Đặc biệt là ở quê hương các danh tướng triều Lê -Trịnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, hệ thống quần thể lăng mộ của các tầng lớp quan lại được xây dựng to lớn và đẹp đẽ cùng với hệ thống điêu khắc dày đặc.

Mặc dù triều Lê – Trịnh đã đặt ra nhiều quy chế nghiêm ngặt trong việc xây cất lăng mộ, nhưng sự tiếm quyền, dương oai của các vị công thần đã làm nảy sinh nhiều lăng mộ đồ sộ cả về quy mô kiến trúc và điêu khắc. Sự bất lực, không thể kiểm soát của triều đình ngay đối với tầng lớp quan lại thể hiện rõ qua việc triều đình phải thường xuyên đặt ra những quy định về tượng hầu, tượng thú, về chuẩn mực của diện tích lăng mộ, cách bài trí, thứ bậc của hương án, đẳng thờ… Thực tế khảo sát các quần thể lăng mộ còn lại ở Bắc Bộ cho thấy, một số di tích có ít tượng, một số khác có số lượng tượng vượt trội, nhiều nhất là tượng quan hầu, tượng thú. Bên cạnh đó, tượng chân dung của chủ nhân những lăng mộ này cùng người thân cũng là một thể loại tượng đặc biệt và không phải di tích nào cũng lưu giữ được. Những tượng này hiện tại được đặt ở một số công trình khác nhau trong quần thể lăng mộ, có thể trong sinh từ, đền, lăng hoặc trong ngôi chùa mà chủ nhân đã đầu tư xây dựng. Tiêu biểu là ba di tích có niên đại TK XVII là sinh từ Nguyễn Ngọc Trì (Phúc Thọ, Hà Nội), đền – lăng Nguyễn Công Triều (Hoài Đức, Hà Nội) và đền thờ Đào Quang Nhiêu (Thanh Oai, Hà Nội). Và hiện còn một tượng chân dung thuộc lăng Ninh Quận công Thân Văn Quang (Việt Yên, Bắc Giang).

Ở sinh từ Nguyễn Ngọc Trì có ba pho tượng tạc hình cha, mẹ và vợ của Quận công. Cụm di tích Nguyễn Công Triều có tượng chân dung của Quận công này, hiện được thờ ở đền thờ cạnh chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội), thuộc quần thể di tích thờ phụng ông (2), có vị trí gần với lăng. Hai tượng chân dung ở sinh từ Nguyễn Ngọc Trì và đền thờ Nguyễn Công Triều đều được tạc bằng đá, riêng ở đền thờ Đào Quang Nhiêu, tượng hai vợ chồng ông được làm bằng gỗ và đặt ở chùa An Khoai, gần đền thờ do chính ông đầu tư xây dựng cho làng. Tượng chân dung thuộc lăng Ninh Quận công Thân Văn Quang được làm bằng gỗ, hiện thờ tại tư gia của lớp hậu sinh của Quận công, không đặt tại lăng.

Mặc dù hầu hết chủ nhân lăng mộ đá thời Lê -Trịnh là quan thái giám (3), nhưng trong chạm khắc ở văn bia của lăng, ghi chép ở gia phả dòng họ, bên cạnh các quan thái giám, thường được gọi là Quận công (4), luôn có sự hiện diện của những bà vợ, như Quận công Nguyễn Đình Diễn, chủ nhân lăng Hồng Vân (Bắc Ninh) có phu nhân là Nguyễn Thị Diệu; Lãng phương hầu Nguyễn Danh Thưởng được phối thờ với phu nhân họ Kim, hiệu Từ Nhân, ở đền – lăng Phú Đa (Vĩnh Phúc); quan Thái bảo Giáp Trinh Tường có vợ là Trịnh Thị Thịnh; vợ Quận công Đỗ Nguyên Thụy là Nguyễn Thị Lộc, chủ nhân lăng họ Đỗ (Bắc Ninh)… Ở sinh từ dòng họ Nguyễn Ngọc, trong ghi chép của văn bia, Quận công Nguyễn Ngọc Trì có hai vợ: chính phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Vượng và thứ phu nhân Nông Thị Minh. Bà Nông Thị Minh hiện tại được thờ ở Kinh Bắc, nơi Quận công làm việc xưa kia, còn được gọi là lăng quận Chờ (Bắc Ninh). Trong sinh từ Nguyễn Ngọc Trì, quê hương của Quận công, nhân vật được thờ và tạc tượng chân dung là chính phu nhân, bà Nguyễn Thị Ngọc Vượng, tước vị Quận công tịnh thế Quận phu nhân, tượng bà được đặt ở bàn thờ bên phải của hậu điện, bên cạnh bia đá.

Trong số đó, có lẽ, được gìn giữ nguyên bản nhất là ba tượng chân dung ở sinh từ Nguyễn Ngọc Trì. Sinh từ Quận công Nguyễn Ngọc Trì được xây dựng năm 1631. Các pho tượng đá trong sinh từ gồm cả tượng quan hầu và tượng chân dung, có niên đại thuộc đầu TK XVII nhưng chủ yếu được làm theo phong cách điêu khắc đá TK XVI. So với tượng ở lăng mộ phía Bắc Ninh, Bắc Giang cùng thời, những tượng này mang tính khái quát nhiều hơn tính mô tả chi tiết, kỹ thuật chế tác thô sơ. Tượng ở sinh từ Nguyễn Ngọc Trì được đục một cách chân thực, hồn nhiên, mang tính dân gian như tượng dòng điêu khắc TK XV – XVI, rơi rớt sang TK XVII. Một phong cách có xu hướng dân gian, rất hồn hậu, thô mộc mặc dù tạc những nhân vật có địa vị trong xã hội, mang tước hầu, bá… Tượng thường nằm trong một cấu trúc thô mộc, không khai thác những đường lượn mà toàn thân được tạc thành một khối lớn, chắc chắn, không thêm chi tiết rườm rà, biểu hiện thẩm mỹ dân gian chân chất, mộc mạc nhưng sống động. Đặc biệt, ba tượng chân dung có sự phân biệt qua cách thức tạo tác và trang phục. Quần áo của phụ thân, phụ mẫu và bà vợ quyền quý của Quận công có sự phân biệt rất rõ với quần áo đơn sơ của những nương chầu. Các tượng này đều có xiêm y nhiều lớp và vành đơn choàng vai được tạo màu trên đá bằng chất liệu sơn son thếp vàng, phủ bên ngoài.

Hai ngôi tượng phụ thân và phụ mẫu của Quận công Nguyễn Ngọc Trì được tạc theo kiểu tọa thiền như tượng phật, có dung mạo gần người thực, mộc mạc, ít kiểu cách so với tượng vợ chồng Đào Quang Nhiêu. Tượng được chạm khắc sơn son, thếp vàng ở mũ và áo, trên mũ có chạm hình hoa sen. Tượng vị thân phụ được làm cao hơn hẳn, đặc biệt phần cổ có vẻ dài quá mức so với tỷ lệ thông thường, trang phục giản dị hơn so với vợ ông, chỉ nhấn một chút trang trí ở phần cổ và ngực áo. Tượng vị thân mẫu được thể hiện với hai lớp áo, áo bên trong được chạm cầu kỳ phần cổ và đai thắt lưng, áo choàng bên ngoài được nhấn bằng hai đường nẹp chạy suốt từ phần cổ cho đến hết tà áo. Riêng tượng Quận phu nhân được tạo tác cầu kỳ hơn về nhân dạng cũng như trang phục, với dáng ngồi thẳng, nghiêm cẩn và trang phục kiểu cách, khuôn mặt thuôn dài thanh tú, tay đặt lên đầu gối, các nếp y phục chạy đều trên bề mặt rồi tràn xuống bệ. Mũ của Quận phu nhân cũng được chạm hình hoa sen nhưng kiểu mũ được tạo dáng cầu kỳ hơn, áo vàng son trang trọng, bó sát cơ thể thanh mảnh. Điểm nhấn trang trí được tập trung ở cổ áo, ngực áo và phần đai thắt eo. Bề mặt trang phục cũng được gợi vài đường cong, tạo cảm giác mềm mại hơn, khiến dáng ngồi bớt khô cứng.

Các tượng hai vợ chồng Đào Quang Nhiêu và tượng Nguyễn Công Triều đều được thể hiện ở dạng tượng thờ toàn thân, đang trong thế ngồi thiền theo kiểu tượng hậu phật, xuất hiện dày đặc trong các ngôi chùa TK XVI, XVII. Qua thời gian những pho tượng chân dung này có nhiều sự thay đổi về diện mạo, màu sắc do mỗi lần trùng tu, tôn tạo, nhân dân và con cháu đã phủ thêm nhiều lớp sơn lên (5). Với tượng Nguyễn Công Triều, lớp sơn hiện đã có những vết rạn và bị bong tróc một số mảng miếng. Tượng Đào Quang Nhiêu và phu nhân có lớp sơn mài bền vững, tuy nhiên cũng mất nhiều đường nét do bị những lớp sơn phủ khá dày. Những gì còn lại cho ta thấy được tượng chân dung của họ khá mộc mạc, có đặc điểm riêng rõ nét, trang phục đượm vẻ cầu kỳ, sang trọng.


 Tượng chân dung Quận công Nguyễn Công Triều (Hoài Đức, Hà Nội)  

Đền thờ Nguyễn Công Triều được đặt phía sau chùa Đại Bi, dựng năm Chính Hòa thứ hai (1681), mới được sửa chữa năm 1932. Tại đền, có tượng chân dung Nguyễn Công Triều bằng đá phủ sơn mài, được tạo tác khi ông còn sống. Nguyễn Công Triều (1614 -1690) là con một gia đình nông dân nghèo ở làng Đông Lao, nay thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sau khi cha mẹ qua đời, ông nương nhờ chùa Đại Bi. Năm 18 tuổi, ông ra kinh đô Thăng Long, làm lính dạy voi, rồi làm hoạn quan, thăng tiến đến chức Tổng Thái giám. Từ một người lính huấn luyện voi chiến, có tài dùng tượng binh, ông trở thành một vị tướng lập được nhiều công trong việc đánh giặc ở phương Bắc, dẹp các cuộc nổi loạn ở Tuyên Quang, được cử giữ chức Đô đốc, Thiếu bảo, tước Kiên quận công. Ông không chỉ có công với triều đình mà còn có công với làng xóm. Ông bỏ tiền để dựng đình, lập chợ, sửa sang, xây mới các đền chùa, vận động dân làng và các làng bên đào con ngòi tiêu nước cho cả vùng, định ra các tục lệ giản tiện… Sau khi qua đời, ông được triều đình ban cho bốn đạo sắc phong, tôn là Đại vương (6). Dân làng Đông Lao coi ông là ân nhân, tôn làm thành hoàng làng.

Tượng Quận công Nguyễn Công Triều được tạc từ một khối đá tảng lớn, bao gồm cả thân và bệ tượng, đây có lẽ là bức tượng chân dung đá có tỷ lệ lớn nhất của giai đoạn này. Tổng thể pho tượng cao 1,8m, tính cả bệ tượng, riêng phần thân tượng cao 1,3m. Bệ dưới cùng là một phiến đá lớn lớn hình chữ nhật, có chiều cao 0,35m, chiều ngang 1,2m x 1,2m, được chạm khắc trang trí hoa văn hình mây và sóng nước. Phía trên là bệ đá hoa sen với 2 tầng có chạm hình sen, phần bệ này được phủ sơn mài giống như phần thân tượng. Trên cùng là bức tượng trong dáng ngồi tọa thiền, lưng hơi cong. Tượng được tạc với đặc điểm của tướng võ, có gò má, trán và thái dương gồ cao, khuôn mặt góc cạnh. Mũi và tai được tạo khối cơ bản kiểu dạng tượng phạt mảng. Toàn bộ nhân dạng toát lên thần thái dân võ, mộc mạc, không kiểu cách. Trang phục tạo hình đơn giản ở phần chạm khắc trên đá nhưng công phu ở phần vẽ hình trên lớp áo phủ sơn mài. Tượng được tạo hình mặc hai lớp áo, áo trong cổ tròn, áo ngoài tà vắt chéo, mũ và nẹp áo thếp vàng, phần còn lại được sơn son và vẽ họa tiết rồng mây bằng chất liệu vàng. Nếu hệ thống tượng chân dung ở sinh từ Nguyễn Ngọc Trì như bị nén, ép trong một khối đá dẹt, đặt trong không gian nhỏ hẹp ở ban thờ, thì tượng chân dung Nguyễn Công Triều cho người xem cảm giác nghệ nhân dân gian có một không gian rộng lớn giữa ngôi đền và sở hữu một tảng đá lớn để có thể thoải mái thể hiện tay nghề, tạc lên chân dung của một viên tướng hào sảng đầy dũng khí.

So với tượng đá, cách tạo tác tượng chân dung bằng gỗ trong sinh từ, lăng mộ thời kỳ này mang tính chất khác biệt rõ nét. Chất liệu gỗ mềm và linh hoạt hơn đá nên, nghệ nhân dễ dàng thể hiện những chi tiết sắc nét và tạo tác những đường cong mềm mại. Điều này có thể thấy rất rõ ở tượng chân dung vợ chồng Đào Quang Nhiêu và đặc biệt tượng Ninh Quận công Thân Văn Quang, pho tượng có lẽ phản ánh rõ nét nhất về giới tính của các quan thái giám. Tác phẩm thể hiện tượng một người đàn ông nhưng hình dáng mang nét mềm mại, căng tròn của một phụ nữ, choàng một lớp áo ngoài phủ kín toàn thân nhưng để hở khoảng cổ, ngực và bụng khá lớn. Chân dung thể hiện khá rõ nét mắt, mũi, miệng, diễn tả kỹ và sâu, đúng với hiện thực giải phẫu cơ thể, không còn mang tính chất thiên về khối cơ bản hay kỷ hà như tượng trong sinh từ Nguyễn Ngọc Trì và tượng Nguyễn Công Triều. Chân được giấu trong nếp áo choàng nhưng đôi tay thì hở ra với kỹ thuật thể hiện khá cao, diễn tả từng ngón tay, móng tay cho đến các nếp gấp. Phần cầu kỳ và mỹ miều nhất thuộc về trang phục. Nếp áo, khăn được tạo hình uốn lượn như những lớp sóng mềm mại, trải đều toàn bộ thân tượng từ vai cho đến bụng, thắt lưng và đuôi áo. Mũ được trang trí khá cầu kỳ với hình mặt trời và mây lửa ở chính giữa, hai bên là họa tiết hoa thị cách điệu. Họa tiết này còn được lặp lại kéo dài xuống hai bên cổ áo. Trên trang phục toàn thân được phủ kín họa tiết hoa thị và mây. Tổng thể toàn bộ pho tượng toát lên thần thái một người hiền lành, phúc hậu, thường thấy ở những tượng hậu phật trong các ngôi chùa giai đoạn này.

Nếu như để thống kê phân loại, có lẽ dạng tượng chân dung của các Quận công cùng người thân trong gia đình khó có thể phân loại và chia theo phong cách nhất. Dạng tượng này cùng với việc thể hiện chân dung các vị quan, những người có chức tước còn hàm chứa màu sắc dân gian khá rõ nét, đa dạng trong cách thể hiện, tùy theo sở thích của nhân vật cũng như tay nghề của nghệ nhân. Kể cả về trang phục, nếu như ở trang phục hoàng triều, có thể dễ dàng chia theo họa tiết trang trí, theo mũ, khăn… thì trang phục tượng chân dung trong sinh từ, lăng mộ vô cùng phong phú và không theo một quy luật nào.

Trong kiến trúc quần thể lăng mộ thời Lê -Trịnh, nghệ thuật điêu khắc có vai trò vô cùng quan trọng, thường trực, hiện diện ở khắp nơi, làm tăng giá trị thẩm mỹ, phong phú và sinh động không gian lăng mộ đồng thời chuyển tải nội dung tư tưởng, ý thức sáng tạo, tâm tư, tình cảm mà chủ nhân lăng mộ và nghệ nhân xưa muốn gửi gắm. Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời Lê – Trịnh đã góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho điêu khắc thời Lê -Trịnh đồng thời giải mã nhiều điều về đặc điểm nhân dạng chủ nhân cùng người thân của họ. Tuy số lượng những bức tượng này không nhiều nhưng giá trị lịch sử và xã hội chứa đựng trong đó rất đáng được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.

_______________

1. Đây là kết quả quá trình điền dã các quần thể lăng mộ quan lại thời Lê -Trịnh, từ năm 2007 đến năm 2017, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, do tôi và cộng sự thực hiện.

2. Quần thể di tích Nguyễn Công Triều (Hà Nội) là một trong những quần thể lăng mộ lưu giữ được nhiều hạng mục công trình nhất: đình Đông Lao thờ Nguyễn Công Triều cùng hai vị Thiên thần và Địa thần; Linh Quang từ (dân làng gọi là am Đại vương) gồm khu thờ và tháp mộ đá; từ đường (nhà thờ họ Nguyễn Công Triều) được xây dựng cùng thời điểm 1677-1678 và mới được sửa chữa năm 1899. Tại đây còn lưu giữ hai tư liệu quý là sách đồng, gồm 18 tờ (36 trang), khổ 13x 20cm, có niên đại 1681.

3. Trong số khoảng 60 di tích lăng mộ thời Lê – Trịnh ở Bắc Bộ và Thanh Hóa mà chúng tôi khảo sát, những lăng hiện tại còn lưu giữ được văn bia hoặc gia phả dòng họ, hoặc một số tài liệu lưu giữ trong lăng thì tất cả đều chỉ ra rằng, chủ nhân các di tích đó là quan thái giám trong triều Lê – Trịnh. Trong tài liệu lịch sử hoặc dã sử về các nhân vật này, đều cho hay họ là quan thái giám do chúa Trịnh điều hành việc tuyển dụng và phong chức, phẩm hàm để phục vụ cho quyền lợi của họ trong phủ trong cung.

4. Các quan thái giám thời Lê -Trịnh, ngoài các chức quan được thăng tiến dần từ Thị nội đến Tổng thái giám, song hành với việc lên chức và lập công trạng, họ thường được phong tước cao lên dần theo năm tháng và công trạng của họ, tước cao nhất là tước Quận công.

5. Theo quan niệm dân gian, mỗi dịp năm mới về, việc quét màu vôi mới cho chùa, sơn mới cho tượng là một hoạt động thể hiện sự quan tâm, tấm lòng nghĩa tình của người dân đối với các vị quan, với chùa làng, đền, miếu.

6. Về tước Đại vương: tước vương là tước thường được phong cho những người trong hoàng tộc khi còn sống. Ngoài ra, đối với các phúc thần trong đình làng cũng thường được phong tước này, đây là tước cao nhất được phong dành cho các quận công có công lao đặc biệt và chỉ phong tước này sau khi chết. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : QUÁCH THỊ NGỌC AN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *