Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Quan Âm lưu truyền
và phát triển rộng trong dân gian. Đức Quan Âm
thường được dân gian xưng tụng là “mẹ hiền Quán
Thế Âm”. Ở nhiều địa phương, chúng dân cũng thường
gọi các pho tượng Quan âm là Phật bà Quan Âm. Pho
tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được dân địa phương gọi
là Phật bà Quan Âm nhiều tay (1).
Chùa Hội Hạ và pho tượng Quan Âm
Ngôi chùa có tên chữ là Động Lâm tự, thường được gọi là chùa Hạ, tọa lạc tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn; tổng thể pho tượng cao 314 cm, nặng khoảng 3 tấn, là một trong những pho tượng Quan Âm Bồ tát bằng gỗ lớn nhất và đẹp nhất của loại hình tượng Quan Âm Diệu Thiện ở Việt Nam. Pho tượng được đặt ở vị trí cao nhất nơi Phật điện (2).
Tượng Phật bà Quan Âm chùa Hội Hạ
tỉnh Vĩnh Phúc mang phong cách nghệ thuật thời Mạc
Ảnh: BTMTVN
Quan Âm (cách gọi khác của Quan Thế Âm Bồ tát) là vị Bồ tát đại từ đại bi, có thể hiện ra được 33 hóa thân, cứu 12 loại đại nạn, tôn hiệu là “Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát”, gọi tắt là “Đại Bi” (3). Tín ngưỡng thờ Quan Âm bắt đầu từ Ấn Độ, Tây Vực, sau được truyền đến Trung Quốc, Nhật Bản… và Việt Nam. Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sinh, ngài tùy cơ hóa hiện. Ban đầu, Quan Âm được tôn tượng theo hình tướng nam giới. Sau khi đạo Phật được du nhập và phát triển ở các nước viễn Đông, Quan Âm được chuyển hóa và tôn tượng theo hình tướng nữ giới.
Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quan Âm lưu truyền ở Việt Nam, có thể thấy pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ thể hiện ứng thân của Nam Hải Quan Âm, cũng thường được biết đến với tên gọi Diệu Thiện, hay bà chúa Ba Quan Âm. Kinh truyện về đức Quan Âm Diệu Thiện có nhiều dị bản, nội dung cơ bản đều kể việc: Đức Phật bà vốn là con gái của vua Diệu Trang (Diệu Trang vương), có nhan sắc và mộ Phật. Bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý, một lòng phát nguyện từ bi cứu độ chúng sinh, vượt mọi chướng ngại để tu hành đắc đạo (4).
Những năm đầu thập niên 1960, TK XX, chùa Hội Hạ bị hư hỏng nhiều, lại không có sư trụ trì. Một số pho tượng và văn bia trong chùa, trong đó có pho tượng Quan Âm, không được quan tâm bảo quản kịp thời nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở nhiều vị trí trên pho tượng Quan Âm, gỗ đã bị tiêu tâm (mất lõi), chỉ còn lớp vỏ sơn, một số cánh tay tượng đã bị rời ra, được xếp tạm quanh tòa sen. Biết được tình trạng của chùa Hội Hạ và sự xuống cấp đáng báo động của pho tượng Quan Âm ở đây, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1922-1977), khi đó đang là Viện trưởng Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã ngay lập tức liên hệ với địa phương và thực hiện những thủ tục cần thiết, đưa pho tượng về hệ thống sưu tập ban đầu của Bảo tàng (5).
Một nhóm cán bộ phục chế của bảo tàng, gồm kỹ sư bảo quản, thợ mộc, thợ sơn giỏi, áp dụng nhiều sáng kiến phục chế trên cơ sở kết hợp phương pháp cổ truyền và hiện đại để lấp đầy những phần gỗ mục ruỗng, chống mối mọt… Để giữ nguyên được mầu sắc của pho tượng, cán bộ phục chế chỉ dán ép những mảng sơn cũ đã bị bong vênh mà không sơn thếp lại toàn bộ tượng. Công việc tu sửa phục chế kéo dài cả năm.
Nghệ thuật tạc tượng
Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được cho là mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (6). Pho tượng có kết cấu chia làm hai phần chính: Phần thân tượng và phần bệ tượng.
Phần thân tượng thể hiện hình ảnh đức Quan Âm 42 tay. Đức Quan Âm 42 tay chính là sự hiện hình thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay, nhìn mắt). Đầu đội mũ thiên quan, gương mặt đức Quan Âm tròn đầy, phúc hậu mà vẫn mang nét thanh tú. Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế liên hoa hợp chưởng, hai tay đặt dưới lòng kết thủ ấn Thượng phẩm thượng sinh (7). Mỗi bên vai có 19 cánh tay, tỏa sang hai bên, xòe mở. Những bắp tay căng tròn, những ngón tay mềm mại, mũm mĩm, duyên dáng. Các tay tượng đều cầm pháp khí hoặc kết ấn. Có thể nhận thấy một số pháp khí trên tay đức Quan Âm, như sổ châu, nguyệt tinh ma ni, ngũ sắc vân, bảo khiếp, bảo bát, cô lâu (trượng thủ), bảo kiếm,… Nhiều pháp khí đến nay không còn nhưng vẫn có thể bổ sung khi đối chiếu với Tứ thập nhị thủ nhãn đồ của chú Đại Bi (8).
Phần bệ tượng được chia làm đôi: Phía trên có Long thần đội tòa sen, Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ (9) đứng trên đài sen trồi lên từ mặt bể; phía dưới là bệ lục giác, mặt trên bệ lục giác thể hiện “biển Nam Hải”. Bệ lục giác giật cấp 3 tầng với nhiều lớp trang trí, thể hiện những hình ảnh hoa cỏ, động vật vừa có trong thế giới thực vừa như chỉ có ở thế giới nhà Phật: rồng, cá hóa rồng, kỳ lân, sư tử, chim cánh vàng (garuđa), hoa sen, mây lành… Tất cả đều được tạo tác vô cùng đẹp đẽ, sinh động. Những hình tượng chạm khắc, trang trí trên bệ tượng đều mang ý nghĩa tường thụy (biểu thị điềm lành), không chỉ là biểu tượng Phật giáo mà còn gắn liền với việc ca ngợi, làm sáng tỏ ân đức của đế vương. Tòa sen có những lớp cánh sen múp tròn, đầu cánh sen trang trí văn xoắn, tạo hình tựa bông hoa. Đây là dạng cánh sen thường gặp trong nghệ thuật tạo dáng tòa sen nửa cuối TK XVI sang đầu TK XVII. Hình tượng Thiện Tài, Long Nữ đứng trên tòa sen nổi lên từ mặt bể, sóng hàng hai bên có tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với tượng Quan Âm nhưng các đường nét trên gương mặt, trang phục được tạo tác tinh tế và tỷ lệ cơ thể hài hòa. Hai tay Long Nữ dâng ngọc, gợi lại tích truyện Long Vương dâng đức Quan Âm viên dạ minh châu (10).
Các phần tạo hình tượng Quan Âm được ghép lại từ nhiều miếng gỗ khác nhau. Về mặt cấu trúc, đầu tượng Long thần chính là thành phần chịu lực chính, đỡ toàn bộ phần thân tượng Quan Âm; đôi tay Long thần đỡ đài sen và đôi rồng nhỏ hai bên là thành phần hỗ trợ chịu lực. Khi bàn về nghệ thuật tạc tượng truyền thống của người Việt, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã đánh giá: “các cụ tạc tượng của chúng ta ngày xưa thật đã vững vàng về phương diện điều khiển kỹ thuật, và rất am hiểu thực tế”. Ông đã nhìn ra tính chất “vuông tròn” trong mô thức tạc tượng của điêu khắc cổ truyền Việt Nam. Theo ông, “những tượng của ta là do những hình khối vuông vắn và tròn trĩnh tạo thành”. Đó là những pho tượng mang vẻ đẹp chắc nịch, “ít hoạt động nhưng có duyên kín đáo, nhìn mãi không thấy chán” (11).
Những nhận định trên của Nguyễn Đỗ Cung hoàn toàn phù hợp dành cho pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ. Pho tượng có kích thước lớn, nghệ thuật tạo hình vững vàng, khối hình chắc khỏe mà đường nét vẫn hài hòa, duyên dáng. Tính chất cân xứng của tượng thể hiện trên cả trục ngang, trục dọc. Trục dọc giữa tượng là đường thẳng nối từ đầu tượng xuống đầu Long thần. Chiều cao thân tượng bằng chiều cao bệ tượng. Nhìn ở góc ngang ½ (từ hông tượng), tổng thể tượng nằm trong một bố cục hình tam giác cân, đỉnh tam giác là một góc 30o. Phần lưng dốc thẳng, gây cảm giác tượng hơi cúi người về phía trước. Ở góc chính diện, tượng nằm trong một bố cục hình chữ nhật đứng. Những cánh tay xòe ra từ hai bên vai phá vỡ sự tĩnh lặng của thế, dáng tượng Quan Âm, đồng thời lại tạo thế cân xứng về chiều ngang thân tượng và bệ tượng. Khi quy tượng về các hình cơ bản, có thể dễ dàng nhận thấy tính chất vuông tròn trong nghệ thuật tạo tượng truyền thống Việt Nam. Nếu nối đỉnh trán tượng và hai điểm đầu gối thì sẽ có một tam giác đều, cân xứng, vững chãi. Hai đầu vai tượng nối với hai điểm bên hông tượng tạo thành một hình vuông. Điểm giữa hình vuông chính là tâm của vòng tròn xoay qua đỉnh đầu tượng, đáy đài sen và chiều rộng những cánh tay tượng đang xòe mở.
Trái với nét chắc khỏe, quy về khối của phần thân tượng, bệ tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được trang trí dày đặc các họa tiết, hoa văn đặc sắc. Kỹ thuật chạm bong, kênh được sử dụng đan xen một cách nhuần nhị. Đặc biệt tinh xảo phải kể đến mảng chạm rồng trong lá đề, cách điệu trang trí ở mặt trước của bệ lục giác. Thân rồng chắc lẳn, dáng xoay người mạnh mẽ mà mềm mại, bay bổng hơn nhờ những chi tiết của râu, bờm, vảy… Những linh vật, sen báu, mây lành trên bệ tượng rất quen thuộc, thường xuất hiện trên các mảng chạm khắc trang trí bệ tượng, kiến trúc đình, chùa, đền, miếu ở miền Bắc đương thời.
Nhìn chung, hình ảnh đức Quan Âm nhiều tay, ngồi trên tòa sen, được Long thần đỡ qua “biển Nam Hải”, có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu là hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo tượng Quan Âm Nam Hải bằng gỗ, các TK XVI, XVII, XVIII ở nhiều ngôi chùa Việt. Chính sự hiện hóa vô cùng của đức Quan Thế Âm đã tạo điều kiện cho các thế hệ nghệ nhân làm tượng phật được thỏa sức sáng tạo, tạo ra nhiều mẫu hình tượng Quan Âm mà mỗi mẫu lại chứa đựng ngôn ngữ biểu đạt về sắc tướng và tạo hình rất riêng.
Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ có kích thước lớn, nghệ thuật tạo hình đặc sắc: hoành tráng trong tổng thể mà vẫn giữ được sự tinh tế, duyên dáng trong từng chi tiết. Tính chất toàn vẹn, sự thống nhất về mặt phong cách tạo tượng sớm đã làm tăng giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của pho tượng, xếp pho tượng vào hàng Bảo vật Quốc gia. Đã gần 400 năm trôi qua, pho tượng vẫn tồn tại và là minh chứng cho nền nghệ thuật Phật giáo giàu bản sắc của người Việt.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhất là những lần sơ tán trong chiến tranh, pho tượng vẫn được giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn, hiện được trưng bày thường xuyên ở khu vực giới thiệu mỹ thuật cổ, trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
________________
1. Với giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa đặc biệt, pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 2) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 2559/QĐ-TTg ngày 30-12-2013. Loạt bài về 3 bảo vật mỹ thuật có trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu lần lượt trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ số 499, tháng 1-2021.
2. Pho tượng vốn được đặt ở phía sau ba pho tam thế. Căn cứ nội dung văn bia Động Lâm tự bi, niên hiệu Đức Long 6 (năm 1634), ngôi chùa đã có từ trước nhưng đến TK XVII, được tu sửa thượng điện và làm mới một số pho tượng phật. Người cấp tiền tu sửa và làm tượng là người con của địa phương, Văn Thụy hầu Phùng Văn Minh, một trong ba thái giám từng hầu hạ và có công lớn trong việc bảo vệ chúa Trịnh Tùng (1550 – 1623) khỏi biến loạn Trịnh Xuân năm 1623. Văn bia nói trên cũng ghi rõ: tham gia công việc còn có các vị cung tần phủ chúa Trịnh. Có thể suy luận rằng, phải đến dịp tu sửa này, pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ mới được tạo tác, bởi để hoàn thiện được một pho tượng lớn như vậy, không chỉ cần đến nhiều vật lực, tài lực mà nhân lực cũng phải rất tài năng, giàu kinh nghiệm, chỉ có một số phường thợ từng làm việc trong cung đình, cũng như tài chính quyên góp từ người trong cung đình mới đáp ứng được. Trước khi được tu sửa, chùa Hội Hạ là một ngôi chùa làng thuần nhất và nhỏ bé. Dấu ấn nghệ thuật đầu TK XVII còn thể hiện rõ ở những pho tượng tam thế, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát và một số pho tượng hậu Phật hiện còn ở chùa.
3. Phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa xưng tụng công đức và lòng từ bi của Ngài. Hễ ai thờ ngài ắt được các sự phúc đức; ai cầu nguyện ngài và tưởng niệm ngài thì được che chở và cứu giúp khi gặp nguy nan. Những người một lòng hướng thiện, thọ trì danh hiệu ngài thì thân tâm sẽ trở nên thanh tịnh, an lạc và trí huệ. Xem thêm: Lao Tử – Thịnh Lê, Từ điển Nho – Phật – Đạo, Nxb Văn học, 2001.
4. Trong Phật Quang đại từ điển, có giải thích rõ về Diệu Thiện công chúa (妙善公主): Ở một kiếp xa xưa có vua Trang Nghiêm (theo truyện Nam Hải Quan Âm lưu truyền trong dân gian ở Việt Nam, nhân vật này có tên Diệu Trang, hay còn gọi là Diệu Trang vương), phu nhân tên là Bảo Ứng, sinh được ba con gái, cô lớn nhất tên Diệu Nhan (Theo truyện Nam Hải Quan Âm lưu truyền trong dân gian ở Việt Nam thì nhân vật này có tên Diệu Thanh), cô thứ hai tên Diệu Âm và cô thứ ba tên Diệu Thiện, sau Diệu Thiện đi tu và đắc đạo thành Bồ tát Quan Âm có nghìn tay nghìn mắt. Xem thêm: Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang đại từ điển, tập 1 (trọn bộ 6 tập), Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) xuất bản, 2000, tr.1.305.
5. Tháng 6 – 1965, pho tượng Phật bà Quan Âm chùa Hội Hạ được chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
6. Nhà Mạc tồn tại chính thức ở kinh thành Thăng Long từ năm 1527 đến năm 1592, tuy nhiên trong mỹ thuật, phong cách nghệ thuật thời Mạc vẫn được tiếp nối ở giai đoạn sau, kéo dài từ giữa TK XVI đến nửa đầu TK XVII.
7. Thượng phẩm thượng sinh là một loại thủ ấn thường được biết đến của đức Phật A Di Đà. Ở các tượng Quan âm 42 tay thường gặp, đôi tay ở vị trí này kết ấn Tổng nhiếp thiên tý thủ.
8. Thủ nhãn ấn pháp, theo Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, là tên gọi tắt của Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại Đại Bi tâm đà la ni. Ngài phát nguyện sinh ngàn tay ngàn mắt, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú Đại Bi. 42 tay tương ứng 42 thủ nhãn ấn pháp, thể hiện diệu dụng của chú Đại Bi. Xem chi tiết trong: Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang đại từ điển, trọn bộ 6 tập, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) xuất bản, 2000.
9. Long (龍) (Naga): loài rồng, một trong bát bộ chúng hộ trì Phật pháp. Rồng đứng đầu trong loài rồng là Long vương hay Long thần. Thông thường, rồng là loại quỷ (có thuyết cho là súc sinh), có thân hình giống rắn, có sức gọi gió kêu mưa. Trong thần thoại Ấn Độ, rồng là một thứ nửa thần có mặt người, đuôi rắn, gồm 1000 giống, do vợ của Ca-diếp-ba (Kasyapa) là Ca-đầu (Kadru) sinh ra, ở dưới đất hoặc dưới cung rồng. Thiện tài đồng tử (善財童子) (Sudhana-Sresthi-daraka): Con của một vị trưởng giả ở Phúc Thành, từ khi đầu thai đến lúc sinh ra, có rất nhiều thứ trân bảo tự nhiên xuất hiện, vì thế đặt tên là Thiện Tài (của cải tốt lành). Đồng tử Thiện Tài thường được đặt ở bên trái tượng Bồ tát Quan Thế Âm – lấy đề tài việc Đồng tử Thiện Tài được Bồ Tát Quan Thế Âm giáo hóa khi Đồng tử đến bái yết ngài trong quá trình tham vấn các bậc danh sư. Long Nữ (龍女), tức Ta-kiệt-la Long vương nữ, con gái vua Long vương Ta-kiệt-la. Cô gái 8 tuổi có trí tuệ sắc bén, có khả năng thụ trì bí tạng sâu sa của Phật. Xem chi tiết trong: Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang đại từ điển, trọn bộ 6 tập, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) xuất bản, 2000.
10. Long nữ hiến châu: Long nữ dâng viên bảo châu cúng đức Phật, biểu thị việc chứng quả viên mãn. Theo Hương sơn Quan Thế âm chân kinh tân dịch, có niên hiệu Duy Tân Kỷ Dậu (năm 1909) (tài liệu Thư viện Đại học Yale/ Yale University, Connecticut, Hoa Kỳ), Long Nữ vâng mệnh cha (Long vương) dâng tặng đức Quan Âm viên dạ minh châu để trả ơn cứu mạng.
11. Nguyễn Đỗ Cung, Tìm hiểu và phát triển vốn cũ của nghệ thuật dân tộc, Báo Văn nghệ, số 68, tháng 1 – 1963.
Tài liệu tham khảo
1. Phương Anh, Tượng Quan Âm chùa Hội Hạ, một biểu hiện tính đích thực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Mỹ thuật thời nay, số 11, tháng 7-1996.
2. Nguyễn Bích, Tượng Quan Âm chùa Hội Hạ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Mỹ thuật thời nay, số 11, tháng 7-1996).
3. Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển (tập I, II, III), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
4. Ngô Trọng Đức, Hương Bồi (dịch), Những chuyện linh ứng và mầu nhiệm của Bồ tát Quan Thế Âm: Phổ môn phẩm, Nxb Phương Đông, 2007.
5. Thích Viên Thành (biên soạn), Truyện Phật bà chùa Hương, Nxb Khoa học xã hội, 1996.
6. Trần Thức, Cổ vật đẹp, tranh tượng đẹp đã về đúng chốn, Tạp chí Mỹ thuật, số 242, tháng 2 – 2013.
7. Lê Khánh Trường (dịch), Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001.
8. Lý Lược Tam – Huỳnh Ngọc Trảng, Tượng Phật Trung Quốc, Nxb Mỹ thuật, 1996.
9. Lao Tử, Thịnh Lê, Từ điển Nho – Phật – Đạo, Nxb Văn học, 2001.
10. Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại bi tâm Đà la ni, thuvienhoasen.org.
11. Truyện bà chúa Ba (Nam Hải Quán Thế Âm): Sự tích diễn ca, Nxb Khoa học xã hội, 1990.
12. Hương sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, niên hiệu Duy Tân Kỷ Dậu – 1909, tài liệu trực tuyến của Thư viện Đại học Yale (Yale University), library.yale.edu.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn