Ứng xử hài hòa giữa văn hóa truyền thống và các yếu tố văn hóa mới trong lễ hội Đền 9 gian của người Thái ở Quế Phong (Nghệ An)


Đền mường được coi là biểu tượng tín ngưỡng cao nhất
của người Thái Nghệ An. Trước đây, Đền 9 gian (Tên càu
hoòng) ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong là ngôi đền nổi
tiếng nhất, bởi mỗi khi tổ chức lễ cúng mường (xên mường)
thường thu hút và quy tụ được dân của 9 mường Thái trong
vùng tham gia. Vì những lý do nhất định, trong một thời
gian, việc cúng mường không được duy trì. Tuy nhiên, nhiều
năm gần đây, cùng với việc phục dựng lại các ngôi đền
mường xưa ở vùng người Thái miền Tây Nghệ An, thì việc
cúng Đền 9 gian thường được tổ chức theo định kỳ. Bên cạnh
ý nghĩa tạ ơn Trời Đất, ghi nhớ công lao của những bậc tiền
bối, điều quan trọng nhất của lễ hội Đền 9 gian chính là sự
thể hiện của việc bảo lưu khá nguyên vẹn các yếu tố của
phong tục, tập quán truyền thống của người Thái; kết hợp
ứng xử hài hòa với các yếu tố văn hóa mới.

1. Giới thiệu chung

Theo các nguồn sử liệu và các kết quả nghiên cứu đã được công bố, người Thái có mặt ở vùng núi Nghệ An rõ rệt nhất vào thời kỳ cuối nhà Trần, đầu nhà Lê (TK XIII-XV). Sách Đại Nam Nhất thống chí có ghi: “Vào thời thuộc Minh, có Cầm Quý làm tù trưởng cai quản trong vùng, khi Khi Lợi đem quân vào Nghệ An, Cầm Quý đem toàn bộ đội dân binh gia nhập nghĩa quân” (1). Xưa kia, người Thái ở Nghệ An nói chung, vùng Quế Phong nói riêng vốn phổ biến phong tục cúng bản, cúng mường. Mỗi bản có chung một đền bản và mỗi mường có cung một đền mường. Một trong những đền mường, gắn với lễ cúng mường nổi tiếng là Đền 9 gian.

Căn cứ theo các tài liệu đã công bố, Đền 9 gian (Tên càu hoòng) ở Quế Phong hiện nay được cất dựng từ TK XIV (thời kỳ này Cầm Lạn làm Tạo mường của Mường Noọc). Lúc đầu, ngôi đền tọa lạc trên núi Pu Chà Nhàng, nên còn gọi là Tên Pom (Đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (thuộc Mường Tôn). Đền gồm 9 gian, là nơi thờ cúng Trời (Then Phạ), Nàng Xi Đa và Tạo Lò Ỳ – người có công lập bản dựng Mường đầu tiên (tức Mường Tôn) của người Thái ở Tây Bắc Nghệ An (2). Sau này, một chi của dòng họ Lò Căm tách ra, thành lập mường mới bên cạnh Mường Tôn gọi là Mường Noọc (Mường ngoài của Mường Tôn/Mường gốc). Do thế lực Mường Noọc ngày càng lớn mạnh, nên về sau Mường Noọc trở thành trung tâm châu mường, quy tụ tất cả 8 mường trong toàn vùng Phủ Quỳ, gồm: Mường Pắn (2 bản: Co Lên, bản Khoẳng, xã Châu Kim; Mường Mừn (4 bản: Na Pu, Dốn, Hăn, Cắng, xã Mường Nọc); Mường Ha Quèn (bản Mường Việc, xã Hạnh Dịch); Mường Puộc (2 bản: Mường Hin, bản Phảm, xã Tiền Phong), 2 bản: Mường Pôm, Mường Piệt (xã Thông Thụ), 2 bản: Mường Khúc, Mường Bóng, xã Đồng Văn); Mường Quáng (xã Quang Phong, xã Cắm Muộn); Mường Chừn (4 bản: Co Nòng, bản Lăm, Na Pháy, Na Nga, xã Mường Nọc); Mường Miểng (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu); Mường Choọng (xã Châu Sơn, Châu Lý, huyện Quỳ Hợp); Mường Chon (xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm, huyện Quỳ Châu).

Theo truyền thuyết, vào một năm nọ, đúng ngày mở hội tế trời, trước khi thực hành nghi thức hiến trâu, không trung bỗng tối sầm, mây đen giăng kín bầu trời khu vực đền, rồi có con Rồng lao xuống cắp con trâu trắng của Mường Tôn bay đi. Ông Mo mường biết đó là điềm xấu, bèn tâu với Tạo Mường lệnh cho mổ những con trâu đen còn lại làm lễ vật, dâng cúng Then phạ, tổ tiên để xin chuyển dời đền đi nơi khác. Tương truyền, ngay sau khi kết thúc bữa cơm của lễ tế trâu năm đó, có con quạ cổ khoang trắng bay đến gắp miếng xương trâu rồi bay đi và thả xuống một ngọn đồi gọi là Pu Căm (Núi Vàng) ở mạn phía Nam Mường Tôn, nên tục gọi là Pu Quai (núi trâu). Vì thế, cuối TK XVIII, Tạo Mường Noọc lệnh cho dân 9 mường di rời Đền từ vị trí cũ núi Pu Chà Nhàng đến vị trí mới Pu Căm, nên còn gọi là Xơ pu Quai (đồi Đền hiến trâu), thuộc bản Piêng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ngoài vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc nhà sàn 9 gian, ngôi đền còn được sửa chữa, thay thế, tu bổ thêm.

Năm 1927, đền tiếp tục được tôn tạo lại, gồm nhà sàn 9 gian bằng gỗ lim, có 4 hàng cột kê đá tảng. Từ năm 1928 cho đến sau năm 1945, việc tu sửa đền chủ yếu là thay rui mè, lợp lại mái bằng lá cọ. Trải qua thời kỳ 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cả thời bao cấp, do hoàn cảnh chiến tranh, do bị coi là mê tín, việc dâng cúng lễ vật tế Then Phạ cũng bị ngắt quãng, lãng quên dần rồi bị bỏ quên, nên ngôi đền bị hư hại nặng, chỉ còn là phế tích. Năm 2004, UBND huyện Quế Phong xây dựng dự án trình Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An xin kinh phí xây dựng lại bằng bê tông, cốt sắt, lợp ngói, gồm 9 gian kết hợp kiểu dáng kiến trúc cũ với kiến trúc mới. Bên cạnh đền chính, phần diện tích phía sau bên trái đền còn có một dãy nhà xây, trong đó dành 2 gian thờ (1 gian thờ tượng Bác Hồ và 1 gian thờ tượng Phật Bà Quan Âm). Năm 2006, lễ hội đền 9 gian được tổ chức với quy mô hoành tráng trở thành lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc vùng tây bắc xứ Nghệ. Năm 2008, đền 9 gian được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, sau đó được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13-6-2016. Tháng 12-2017, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức khánh thành Ngôi nhà sàn mới thờ tượng Bác Hồ và tượng Bà Quan Âm trong khuôn viên Đền 9 gian (tổng diện tích 79,7m2, gồm 2 gian, mỗi gian rộng 3,6m, hành lang phía trước rộng 1,25m, hành lang 2 bên, mỗi bên rộng 1,5m; có 2 cầu thang lên xuông 2 bên, mỗi bên cầu thang rộng 2,2m).

2. Lễ cúng Đền 9 gian

Ngôi đền được coi là nơi cư ngụ của vị thần đứng đầu bản hoặc mường, nên rất được tôn kính. Trông coi đền là một người do dân trong bản – mường tín nhiệm chọn ra, gọi là Pụ Đăm (ông Đăm). Đây là người chuyên phụ trách những nghi lễ của bản, mường, cầu phúc cho muôn dân trong bản – mường. Có thể nói, Pụ Đăm là một chức vị rất cao quý mà không phải ai cũng dễ dàng có được, bởi trước hết đó phải là người thuộc dòng họ nhiều đời làm Chẩu xửa (Chủ áo); phải là người hội đủ được nhiều phẩm chất tốt như thật thà, giản dị, đạo đức trong sáng; đồng thời cũng là người có những hiểu biết nhất định về văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc; cuối cùng phải là người có trách nhiệm, có tâm huyết, giàu lòng vị tha và được dân bản kính trọng.

Trước kia, việc thờ cúng, dâng lễ vật tại Đền 9 gian được tổ chức mỗi năm 2 kỳ: Kỳ tế chính vào tháng 2 âm lịch, kỳ thứ hai vào tháng Tám (bắt đầu ngày 28/8) Âm lịch. Trong 2 năm đầu, lễ cúng do Mường Tôn chủ trì, lễ vật chỉ mổ lợn, rượu cần, mỗi nóc nhà trong bản góp 1 con gà, 1 gói xôi cúng tại Đền (dân các bản thuộc 8 mường còn lại tự tổ chức cúng, vui chơi tại đền mường mình). Năm thứ 3, lễ cúng đền kỳ 2 (tháng 8 âm lịch) được tổ chức quy mô, kéo dài 7 ngày. Lễ vật chính cúng dâng Then Phạ gồm 9 con trâu của 9 mường, trong đó riêng Mường Tôn, nộp trâu Trắng (ngoài ra, lễ vật còn có gà, cá khô, rượu cần, xôi…). Ngày nay, lễ hội Đền 9 gian được tổ chức vào trung tuần tháng 2 âm lịch hằng năm (2 năm đầu chỉ mổ lợn, gà, năm thứ 3 mổ trâu).

Nghi thức cúng nộp trâu của người Thái

tại Đền 9 gian, Mường Noọc, Quế Phong, Nghệ An

Ảnh: Văn An

Đây là những nghi lễ mang tính tôn giáo, diễn ra một cách thành kính, linh thiêng và được cả cộng đồng tham dự. Trước đây (cũng như hiện nay), việc cúng bản, cúng mường là dịp sinh hoạt tín ngưỡng rất quan trọng đối với tất cả các thành viên trong bản – mường. Xưa kia, thời gian chuẩn bị trước khi diễn ra lễ cúng ít nhất là từ 1 – 2 tuần. Công việc chuẩn bị đầu tiên mà ông Đăm cùng với một số người giúp việc khác phải làm là dọn dẹp, lau rửa đền mường và vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh; chuẩn bị trang phục lễ hội và thông báo ngày giờ sẽ diễn ra lễ hội; sau đó ông Đăm giao cho các bản trong các mường mường quyên góp lễ vật dâng cúng. Hình thức quyên góp chủ yếu bằng lễ vật như gạo nếp, rượu cần, trầu cau; ngoài ra, mỗi gia đình còn phải đóng góp một ít tiền để mua trâu cúng tế (3).

Phần lễ gồm có lễ khai quang, lễ yết cáo (khay quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quai, tòn Đằm, tòn Thẻn), lễ hiến trâu (mọp quai), lễ chém trâu (phắn quai), lễ đại tế (xơ Thẻn, xơ Đằm), lễ tạ ơn-kết thúc (chả ơn – Thào quan). Vào ngày cử hành lễ hội, ông mo mường mặc bộ đồ lễ màu đen (loại áo dài, gọi là xừa Tay), đeo thắt lưng màu đỏ dẫn những người giúp việc mang theo các đồ lễ tới vùng đất trước đền mường (Đon mường). Tại đây, mo mường khai mạc lễ hội bằng nghi lễ mời gọi tất cả các thần linh trong bản – mường về dự. Sau đó, mo mường cho đưa trâu hiến tế ra trước đền mường để làm lễ tế. Theo đúng phong tục truyền thống của người Thái, ông mo cùng những người giúp việc đi vòng quanh con trâu 3 lần, vừa đi ông vừa làm động tác bổ 3 nhát rìu đầu tiên vào đầu trâu để bày tỏ sự đồng lòng của cộng đồng. Sau đó trâu tế được làm thịt ngay trước đền thờ. Thịt trâu nấu chín được bày trên mâm cúng gồm 3 cỗ thịt, xen kẽ 2 cỗ lòng (gọi là quái hà); còn thủ, chân trước và đùi để riêng thành 1 cỗ. Ngoài ra, trên mâm cúng còn có rượu, cơm nếp và trầu cau. Mỗi mường bầy mâm lễ cúng của mường mình vào vị trí theo thứ tự quy định. Theo luật tục của Mường quy định: mâm lễ của Mường Tôn (Mường gốc) mổ trâu trắng để tế (đặt chính giữa); mâm lễ của 8 mường còn lại mổ trâu đen gồm: Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Ha Quèn, Mường Miểng (đặt bên phải), Mường Chon, Mường Quang, Mường Hin, Mường Puộc (đặt bên trái).

Sau khi các mâm lễ cúng chuẩn bị xong, mo mường đọc bài cúng dâng lễ vật mời Then Phạ/Tạo Lo Ỳ và Nàng Si Đa cùng các vị tổ tiên, thần linh với những lời cảm ơn chân thành của bản – mường về những gì mà các thần linh đã phù hộ cho họ trong những năm qua, đồng thời mo mường cũng không quên cầu xin cho mưa thuận gió hoà để mùa màng được bội thu, nhà nhà được no đủ.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hình thức vui chơi mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái. Ngoài những trò chơi như tung còn, tó lẹ, kéo co, còn có thi uống rượu cần, đi cà kheo, bắn nỏ… Trong lễ hội, trai mường, gái bản tụ tập thành từng đám nhảy sạp, hát đối đáp cầu chúc cho bản -mường mọi sự tốt lành, đồng thời cũng ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên, bản mường, cuộc sống lao động và tình yêu đôi lứa (4). Ngày nay, phần hội còn được bổ sung các hoạt động hội trại giàu bản sắc như thi gói bánh chưng, thổi cơm lam, thi mâm ẩm thực của các xã thị trấn; hoạt động văn nghệ gồm thi đánh trống, đánh trống chiêng, khắc luống và hát khắp, xuối, nhuôn đối đáp, thi trang phục và người đẹp…

3. Sự kết hợp hài hòa giữa cũ và mới

 Điểm thứ nhất cần nói đến của kết hợp hài hòa giữa cũ và mới là sử dụng loại vật liệu mới, nhưng vẫn bảo lưu loại hình kiến trúc truyền thống. Như đã đề cập ở trên, trước kia, đền được cất dựng theo kiểu nhà sàn, cột chôn, có 9 gian (tượng trưng cho 9 mường Thái), được cất dựng bằng gỗ, tre, nứa, lợp lá cọ. Với các loại vật liệu như thế, cứ sau vài năm, người ta phải sửa sang, thay thế các bộ phận hư hỏng. Sau này, đền được cất dựng kiên cố hơn chủ yếu bằng gỗ, cột kê trên đá tảng. Để đảm bảo tính truyền thống, năm 2004, theo đề nghị của UBND huyện Quế Phong, ngôi đền cũng được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống, cột bê tông giả vân gỗ, vách thưng gỗ, mái lợp ngói, có 2 cầu thang lên xuống. Như vậy, tuy được xây dựng bằng loại vật liệu hoàn toàn mới, song với việc giữ nguyên loại hình kiến trúc kiểu nhà sàn truyền thống, ngôi đền hoàn toàn không làm mất đi hình ảnh quen thuộc và thị hiếu trong con mắt cũng như tiềm thức và tình cảm của người Thái nơi đây. Đây là điểm hết sức quan trọng dành được tâm tư, tình cảm và lòng mong muốn của người dân địa phương, khiến họ luôn nghĩ rằng truyền thống và các giá trị văn hóa nói chung, tín ngưỡng tấm linh của họ nói riêng trong thời kỳ kinh tế thị trường, giao lưu và hội nhập vẫn được tôn vinh, bảo tồn và phát huy. Hơn thế nữa, việc sửa chữa, tu bổ đền không phải theo định kỳ hằng năm như trước kia. Tuổi thọ của ngôi đền mới cũng chắc chắn kéo dài hơn ngôi đền cũ.

 Điểm thứ hai của kết hợp hài hòa giữa cũ và mới là bên cạnh ngôi đền thờ Then Phạ (Ngọc Hoàng), Lo Ỳ và Nàng Si Đa, người ta xây dựng bổ sung thêm một số hạng mục kiến trúc mới gồm: Tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát và Tượng Bác Hồ. Lúc đầu, hai Tượng thờ này đều đắp bằng thạch cao, hoàn thành năm 2008, mỗi tượng đặt tại một gian riêng, trong cùng một ngôi nhà trệt, dựng kề bên cạnh ngôi đền. Năm 2016, hai tượng này đã được đúc bằng đồng (thay thế 2 tượng cũ), đặt tại 2 gian trong ngôi nhà sàn mới (cao 1,5m) khang trang, bề thế, dựng cạnh ngôi đền, trong đó, tượng Bác Hồ đặt bên tại gian bên phải, tượng Quan Âm đặt tại gian bên trái (giáp ngôi đền). Phía trước sân đền chính, 9 con trâu đúc bằng bê tông trước đây cũng được thay thế bằng 9 con trâu đẽo bằng đá nguyên khối (mỗi con nặng 2,5 tấn).

Điểm thứ ba của kết hợp hài hòa giữa cũ và mới là quy trình thực hành của phần lễ vừa bảo lưu các thủ tục truyền thống, vừa đáp ứng các thủ tục mới. Như chúng ta đều biết, trong lễ hội, phần lễ bao giờ cũng là phần quan trọng, đòi hỏi phải thực hành đúng bài bản, nhất là trình tự các bước diễn ra của các nghi thức truyền thống. Như đã đề cập trên, mặc dù thời gian thực hành các nghi thức cũng như thời gian diễn ra của toàn bộ lễ cúng có thể ngắn hơn (trước kia, 7 ngày, nay chỉ 1 hoặc 2 ngày), song phần lễ vẫn đảm bảo 6 bước như trước đây, đó là: khai quang, lễ yết cáo (khay quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quai, tòn Đằm, tòn Thẻn), lễ hiến trâu (mọp quai), lễ chém trâu (phắn quai), lễ đại tế (xơ Thẻn, xơ Đằm), lễ tạ ơn-kết thúc (chả ơn – Thào quan). Cần nhấn mạnh thêm là, vào ngày chính của lễ hội đền 9 gian, người ta kết hợp thêm cả phần lễ và diễn văn khai mạc. Theo đó, ông Mo Mường thì đọc bài cúng lễ, còn đại diện của chính quyền thì đọc diễn văn khai mạc, nêu mục dích ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội trước sự có mặt của nhiều quan khách và người dân trong vùng.

Nghi thức lễ đại tế là điểm nhấn quan trọng nhất, vì đây là sự thể hiện lòng thành của người dân 9 mường bằng việc cúng dâng lễ vật, trong đó tâm điểm chính là con trâu của mường. Trong lễ đại tế, có 3 thày mo đảm nhiệm việc đọc bài cúng. Thày mo chính cúng ma mường (Then Phạ, tạo Lo Ỳ và Ngàng Si Đa) tại Đền chính, hai thày mo phụ, trong đó một mo cúng tại gian thờ Bác Hồ, còn mo kia cúng bên gian thờ Phật. Ngày nay, tuy không có 9 đầu trâu đặt trên bệ thờ của từng mường, mà chỉ có một đầu trâu chung, nhưng các mâm cúng các mường xưa cũng như gian thờ Bác Hồ và gian thờ Phật vẫn có đủ lễ vật cơ bản, cần thiết phản ánh quá trình của sự giao lưu văn hóa, tinh thần đoàn kết dân tộc, cụ thể là:

Trước kia, lễ đền 9 gian được tổ chức 2 kỳ trong năm: tháng hai và tháng yám âm lịch. Ngày nay, tuy chỉ diễn ra một lần, nhưng lễ hội vẫn được tiến hành vào đúng tháng 2 âm lịch, cứ 3 năm thì tổ chức lớn, cấp liên huyện.

 Điểm thứ tư của kết hợp hài hòa giữa cũ và mới là trong phần hội, người ta vừa duy trì các hoạt động vui chơi dân gian truyền thống, lẫn hình thức hội trại, hội thi và các trò chơi mang tính giải trí phổ biến hiện nay. Theo phong tục truyền thống, phần hội bao giờ cũng diễn ra sau phần lễ, thu hút khá nhiều người tham gia. Theo đó, nếu như xưa kia, phần hội thường chỉ có: hát đối trai gái, tung còn, kéo co, khua luống, đánh trống chiêng, múa tập thể, uống rượu cần… thì ngày nay, bên cạnh những hoạt động trên, còn có thêm các hoạt động mới như: thi nấu ăn, thi trang phục và người đẹp, đẩy gậy, thạm chí thi đấu bóng chuyền, bóng đá như là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ của lễ hội. Với cách làm này, các yếu tố văn hóa truyền thống chẳng những tiếp tục được duy trì, phát huy, mà các yếu tố văn hóa mới cũng được bổ sung và lan tỏa. Người dân chẳng những có dịp chứng kiến các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn được thụ hưởng các yếu tố văn hóa mới, trong bối cảnh vui tươi, lành mạnh.

4. Một số nhận xét

Từ sau công cuộc Đổi mới được Đảng ta khởi xướng năm 1986, nhất là hơn mươi năm trở lại đây, nhờ các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương, thuộc nhiều vùng miền, trong đó có lễ hội của người Thái Nghệ An đã và đang có xu hướng phục hồi, duy trì và thực hành trở lại.

Có thể khẳng định, việc phục dựng lại các ngôi đền mường của người Thái ở các huyện miền núi Nghệ An, trong đó có Đền 9 gian ở huyện Quế Phong là công việc phù hợp với chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, chính sách về tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số chung, bao gồm cả các giá trị văn hóa của người Thái ở Nghệ An nói riêng. Hơn thế, đây là việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng được lòng muốn của cộng đồng người Thái nơi đây về đời sống văn hóa nói chung, đời sống tâm linh nói riêng.

Việc tổ chức lễ hội hằng năm không những nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, mà còn góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua nội dung các hoạt động cụ thể, việc tổ chức lễ hội còn góp phần giới thiệu, quảng bá những sắc thái văn hóa, phong tục tập quán của người Thái nơi đây với bạn bè, du khách gần xa.

 Khách quan mà xét, so với lễ hội truyền thống của người Kinh vùng miền xuôi, thì lễ hội của người Thái nói chung, người Thái vùng miền Tây tỉnh Nghệ An nói riêng chưa phong phú. Theo lệ cũ cũng như quy định hiện nay, cứ 3 năm mới tổ chức lễ cúng to (mổ trâu), nên lễ hội thường chỉ thu hút được các tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là người địa phương tham dự.

 Có lẽ, do đề cao yếu tố dân gian truyền thống, mà trung tâm là tín ngưỡng thờ Then Phạ và các bậc tiền bối dân tộc trong phần lễ và các hoạt động vui chơi lành mạnh, nên trong lễ hội Đền 9 gian chưa bị yếu tố thương mại chi phối hay xuất hiện hiện tượng và nhiều yếu tố không lành mạnh, tiêu cực trong ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thần linh như một số nơi khác. Đây là điều hết sức vui mừng và đáng đáng trân trọng, khi mà trong lễ hội của họ vẫn bảo lưu và duy trì được những giá trị truyền thống, đích thực của lễ hội dân gian xưa kia.

Từ kinh nghiệm qua cách làm của các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Quế Phong, chúng tôi thiết nghĩ: Cần phải tăng cường việc quản lý và chỉ đạo của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đối với các hoạt động của lễ hội dân gian nói chung, trong phạm vi từng địa phương.

Giãn cách thời gian và quy mô định kỳ của việc tổ chức các lễ hội theo từng cấp. Điều quan trọng nhất là tránh tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để buôn thần, bán thánh, kiểm soát các dịch vụ ăn theo và ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, các tệ nạn xã hội tiềm ẩn khác. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để để người dân nhận thức rõ và tham gia lễ hội với tâm thế và tinh thần theo đúng ý nghĩa vốn có, đó là: thỏa mãn nhu cầu tâm linh, uống nước nhớ nguồn và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

_________________

1. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1990, tập 2, tr.132.

2, 3. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2017, tr. 284, 285.

4. Lê Hải Đăng (Chủ biên), Tín ngưỡng, phong tục Thái Thanh – Nghệ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2019, tr.120.

Tác giả: TS Vi Văn An

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *