Trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là vấn đề khách quan, phổ biến. Việc ứng xử hài hòa giữa con người với môi trường hướng đến phát triển bền vững chính là quá trình chuyển từ nhận thức, thái độ trách nhiệm đến hành vi ứng xử nhân văn của con người đối với môi trường sống. Lối ứng xử đó không chỉ khẳng định vai trò của con người với tự nhiên, mà còn khẳng định mối quan hệ, sự đồng tiến giữa con người và tự nhiên trong tiến trình phát triển.
Cách đây hơn 100 năm, trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã xác định thái độ ứng xử phù hợp với tự nhiên trên tinh thần khoa học: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta, nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác” (1). Theo đó, trong mọi giai đoạn phát triển của lịch sử, việc con người nhận thức, điều chỉnh nhận thức, thái độ trách nhiệm và hành vi của mình đối với môi trường tự nhiên rất quan trọng. Nó khẳng định năng lực làm chủ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên vào quá trình hoạt động thực tiễn xã hội, mà quan trọng nhất là vào lĩnh vực sản xuất vật chất. Sự tàn phá, thiếu tôn trọng quy luật, ứng xử thiếu văn hóa với tự nhiên đều khiến con người phải nhận lấy những hậu quả khôn lường.
Thực tiễn sự phát triển khoa học tự nhiên đã đưa ra những bằng chứng về sự hình thành của con người và giới tự nhiên. Con người không đối lập với giới tự nhiên, mà là một bộ phận hữu cơ của giới tự nhiên, thường xuyên giao tiếp với tự nhiên để tồn tại. Mối quan hệ biện chứng giữa giới tự nhiên và con người biểu hiện: một mặt, giới tự nhiên tác động đến sự tồn tại của con người và xã hội loài người; mặt khác, con người cũng tác động vào giới tự nhiên, thực hiện sự trao đổi chất với giới tự nhiên. Tự nhiên với vai trò là môi trường sống, nơi cung cấp năng lượng cho sự tồn tại và phát triển của con người, khi tự nhiên bị xâm hại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của con người.
Chúng ta đều biết rằng, sản xuất vật chất là nền tảng của xã hội, là phương thức tồn tại của con người. Trong quá trình sản xuất, thông qua quá trình lao động của mình, con người tác động vào tự nhiên, sáng tạo nên những sản phẩm vật chất và tinh thần để thỏa mãn nhu cầu tồn tại, phát triển. Cầu nối trong quan hệ giữa người và giới tự nhiên chính là lao động, con người tác động vào tự nhiên để tìm kiếm và thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Trong quá trình đó, chẳng những tự nhiên biến đổi mà bản thân con người cũng biến đổi theo. Như Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “Chính việc người ta biến đổi giới tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên” (2).
Trong quá trình cải biến tự nhiên, chúng ta không được tuyệt đối hóa vai trò, sự tác động của con người đối với tự nhiên và coi con người là chúa tể của muôn loài, có thể mặc sức, tự do tác động lên tự nhiên một cách tùy tiện. Đây là điểm triết lý cơ bản xác lập quan hệ ứng xử hài hòa giữa con người và môi trường tự nhiên. Thừa nhận khả năng to lớn của con người trước tự nhiên, song chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên. Con người sẽ phải trả giá khi quá lạm dụng những thắng lợi của mình khi cải tạo tự nhiên. Mỗi kết quả mà con người gọi là kỳ tích chinh phục tự nhiên, đến một lúc nào đó, có thể gây những tác dụng hoàn toàn khác. Thời gian qua, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, thiên tai, sóng thần, các chu kỳ vận động của tự nhiên đang có sự chuyển dịch thay đổi bất thường… đã cảnh báo cho loài người điều đó.
Đối với Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ: “Phát triển bền vững là phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” (3). Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Đảng ta đã đề ra 5 quan điểm phát triển, trong đó có vấn đề: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược” và “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Phát triển kinh tế – xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” (4).
Quan điểm về phát triển bền vững của Đảng là sự thống nhất, phát triển hài hòa giữa tự nhiên, xã hội, con người, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, việc giải quyết mối quan hệ ứng xử với môi trường tự nhiên ở nước ta vẫn có mặt còn hạn chế và để lại nhiều hậu quả. Việc khai thác tài nguyên môi trường được mở rộng về mọi phía đồng nghĩa với việc môi trường tự nhiên bị thu hẹp dần. Những tình trạng như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống đã và đang trở thành vấn đề nóng. Việc kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái… được bàn luận trên khắp các diễn đàn trong và ngoài nước. Để giải quyết mối quan hệ ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên. Sự cân bằng giữa các yếu tố, giữa các tiểu hệ thống là một đặc trưng tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững của thế giới. Chính sự liên hệ, gắn bó chặt chẽ giữa các yếu tố cấu thành đã quy định tính chất phản ứng dây chuyền của môi trường tự nhiên, khi có sự tác động vào yếu tố nào đó trong hệ thống lớn hơn giới hạn chịu đựng của tự nhiên. Hiện nay, những hiện tượng mà chúng ta gọi là vấn đề môi trường toàn cầu chính là biểu hiện “sự trả thù” của tự nhiên, là cái giá con người phải trả khi ứng xử không văn hóa với tự nhiên. Con người dù vĩ đại bao nhiêu, nhưng vẫn nhỏ bé trước tự nhiên; còn tự nhiên vốn dĩ hiền hòa và rộng mở với con người là vậy, song nó cũng có thể nổi giận bất cứ lúc nào nếu con người không dành cho nó một sự tôn trọng, bảo vệ cả trong nhận thức và hành động.
Cần xác lập quan hệ ứng xử hài hòa, đồng tiến giữa con người và tự nhiên. Con người phải thay đổi nhận thức của mình về vai trò của tự nhiên mà thiếu nó, sẽ không có sự tồn tại, phát triển của con người, cũng như không có lịch sử xã hội. Con người cần có những hành động khoa học phù hợp với quy luật vận động, phát triển khách quan của tự nhiên, phải tính toán đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Từ nâng cao nhận thức về môi trường tự nhiên, con người sẽ có phương thức khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả hơn. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, nhất là những vấn đề sẽ đưa đến hậu quả môi trường ở mọi cấp độ để từ đó chủ động ứng phó, điều chỉnh hành động, giải quyết hài hòa giữa khai thác, chinh phục với bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình phát triển.
Hai là, đổi mới các hình thức giáo dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của con người đối với các vấn đề về môi trường. Con người có thể hiểu được bản chất của môi trường tự nhiên, nhân tạo, cũng như sự tương tác của các mặt sinh học, vật lý, hóa học, xã hội, kinh tế, văn hóa. Nhờ đó có được tri thức, thái độ, kỹ năng thực tế để tham gia có hiệu quả và trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Cũng như mọi hình thức giáo dục khác, giáo ý thức bảo vệ môi trường sinh thái là một quá trình giáo dục về nhận thức khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị trong lĩnh vực sinh thái, cùng với những hình thức và biện pháp giáo dục thích hợp nhằm trang bị cho mỗi con người khả năng chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường tự nhiên. Để có kết quả tốt thì hình thức giáo dục, tuyên truyền cần được đổi mới và tiến hành trên mọi phương diện, từ ý thức đến thực tiễn bảo vệ, xác lập quan hệ hài hòa giữa con người với môi trường, chủ yếu là quan hệ lợi ích và hành vi hiện thực của con người.
Giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường phải hướng tới mục tiêu tạo ra mối quan hệ ứng xử văn hóa giữa con người, xã hội và tự nhiên. Thông qua các hình thức tập huấn, đào tạo, hội thảo, truyền thông, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng con người nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân. Bên cạnh đó, cần đưa các chương trình giáo dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường vào các bậc học, xây dựng mô hình xanh hóa trường học, công sở, khu dân cư.
Ba là, đẩy mạnh phát triển nền sản xuất thân thiện với môi trường. Quan hệ giữa con người với môi trường được biểu hiện ra ở quan hệ lợi ích, lợi ích của cả chủ thể (con người) và khách thể (giới tự nhiên). Con người cần phải ý thức được một cách đúng đắn về mối quan hệ với tự nhiên, cần giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa con người và giới tự nhiên bằng phát triển nền sản xuất vật chất thân thiện với môi trường.
Trước đây, trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH có lúc chúng ta chỉ chú ý đến quản lý sản xuất và xã hội sao cho đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, mà chưa chú trọng đến công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Đã có lúc chúng ta lầm tưởng rằng, để tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa xã hội tất yếu phải hy sinh môi trường sinh thái. Đầu tư phát triển nền sản xuất với các loại công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được xem là hướng phát triển có tính bền vững, mang lại lợi ích không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai, không chỉ cho một vùng, ngành mà cho toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Nó là cơ sở đảm bảo cho quá trình CNH, HĐH đất nước ta vững chắc, có hiệu quả hơn.
Nền sản xuất thân thiện môi trường biểu hiện trong quá trình sử dụng vật liệu, phương tiện sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo sự bền vững của môi trường sinh thái cần phải tận dụng, tái tạo các nguồn tài nguyên có thể tái sinh; cần khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, tránh khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm đến mức tối thiểu về ô nhiễm môi trường. Bền vững về mặt xã hội là phải vừa đạt được tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo được những vấn đề xã hội, xây dựng được một cuộc sống lành mạnh, giữ vững được ổn định xã hội. Thời gian tới, chúng ta cần chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp, giảm dần việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng sạch.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm túc pháp luật môi trường hiện có. Hành vi bảo vệ môi trường sinh thái được điều chỉnh bởi một hệ thống các quy phạm pháp luật, chuẩn mực giá trị đạo đức sinh thái. Việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về môi trường thể hiện sự thống nhất giữa tính tự giác và bắt buộc của mọi công dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường nhằm điều chỉnh hành vi bảo vệ môi trường của cá nhân và tổ chức. Pháp luật về môi trường giúp mỗi chủ thể hoạt động sản xuất nhận thức được yêu cầu khách quan của xã hội về bảo vệ môi trường sinh thái, với hoạt động tự giác, tích cực trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm trong cách ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên, từ kiểu thống trị tự nhiên sang vì mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo cùng phát triển của con người, xã hội và giới tự nhiên. Như công ước quốc tế đã khẳng định: “Nếu chúng ta có đầy đủ kiến thức hơn và hành động khôn ngoan hơn, chúng ta có thể giành được cho chính bản thân chúng ta và con cháu chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn trong một môi trường đáp ứng nhiều hơn mọi nhu cầu và hy vọng của con người” (5). Trong quan hệ với môi trường tự nhiên hiện nay, chúng ta cần có cách ứng xử văn hóa hơn, tìm ra biện pháp, cách thức thích hợp, chung sống hài hoà với tự nhiên.
_______________
1, 2. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.654-655, 720.
3. Luật Bảo vệ môi trường, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.9.
4. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30, 98-99.
5. Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường (Việt – Anh), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.18.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018
Tác giả : MAI THỊ MINH NGHĨA
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai