Vai trò của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Ngày 15-1-1960, Đảng đoàn bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định số 106 QĐ-VH, thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trải qua gần 60 năm hoạt động và không ngừng phát triển, với những vị trí và vai trò đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã, đang được coi là một trong những thiết chế văn hóa đặc biệt của ngành bảo tồn bảo tàng Việt Nam. 

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong những bảo tàng đầu tiên, cùng với một số bảo tàng mang tính quốc gia như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, được thành lập trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là bảo tàng chuyên đề nhằm lưu niệm những sự kiện lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bảo tàng là nơi tập trung trí tuệ, tình cảm và công sức của nhiều cán bộ cách mạng lão thành, những nhân chứng sống vô cùng quý báu của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò lưu giữ, trưng bày và giới thiệu về toàn bộ tiến trình của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trong những năm qua, các thế hệ cán bộ bảo tàng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, học hỏi kinh nghiệm và thực hiện nhiều giải pháp thu hút khách tham quan và bạn bè quốc tế.

1. Đổi mới hoạt động phục vụ khách tham quan

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn chú trọng xây dựng nguồn lực con người, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ có nhiệt huyết, vững chuyên môn, có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, thuyết minh viên giỏi về chuyên môn, có kiến thức chuyên sâu, có thể thuyết minh được nhiều ngoại ngữ như: tiếng Anh, Pháp, Nga,… sẵn sàng phục vụ khách quốc tế; tham dự các hội thảo quốc tế nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, qua đó quảng bá hình ảnh bảo tàng đến với bạn bè quốc tế.

Được sự quan tâm của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, bảo tàng đã được đầu tư về nhiều mặt, như bổ sung nội, ngoại thất, trang thiết bị chuyên dụng, để nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, năm 2017, bảo tàng đã đầu tư hoàn thiện công trình nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh, khắc tên gần 2.000 liệt sĩ trên nền bia đá nguyên khối, nhằm phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa các anh hùng có công với nước, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.         

Trong khuôn viên bảo tàng còn có đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh, công trình được khởi công xây dựng ngày 30-6-2004 và cắt băng khánh thành nhân dịp kỷ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2005). Đài tưởng niệm được đặt ở một phần vị trí của nhà lao Vinh trước đây, nơi tôn vinh tinh thần đấu tranh oanh liệt của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh.

Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh được chăm bón, cắt tỉa rất cẩn thận, tạo không gian thư giãn, trong lành cho du khách khi về thăm bảo tàng. Đặc biệt, bảo tàng có vuờn cây quý do các lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, khi về thăm bảo tàng, đã trồng lưu niệm như: cây hoa đại của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cây đa của Tổng Bí thư Trường Chinh…

Trong những năm vừa qua, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã từng bước nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về công nghệ. Năm 2011, bảo tàng cho ra mắt website http://btxvnt.org.vn, trang fanpage Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh đó, bảo tàng đã chủ động liên kết với các trang thông tin điện tử của nhiều bảo tàng trong và ngoài nước nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng tiến hành đăng ký địa chỉ trên Google Maps và Google Local Guides… để du khách và bạn bè quốc tế có thể tìm hiểu thêm về bảo tàng…

Năm 2019, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ tương tác hiện đại, được tích hợp giữa không gian 3D của từng phòng trưng bày (hiện vật hoặc hình ảnh trưng bày) và màn hình chiếu phim khổ lớn công nghệ led, nhằm đa dạng công tác thuyết minh, tạo sự hấp dẫn cho du khách.

Bảo tàng cũng từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào các phòng trưng bày thường xuyên để hiện đại hóa công tác tuyên truyền, thuyết minh. Về cơ bản, hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng đã thể hiện khái quát, sinh động lịch sử phong trào cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, đặc biệt là phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh – cuộc tổng diễn tập đầu tiên của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Khu trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Ngoài hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại trụ sở bảo tàng và hàng trăm cuộc triển lãm lưu động ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

2. Đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử địa phương

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn đặt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, lên trên hết. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, bảo tàng đã xây dựng và đưa các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa xứ Nghệ…, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để học sinh dễ học, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tháng 12-2005, Sở Văn hóa – Thông tin, nay là Sở VHTTDL, cùng Sở Giáo dục Đào tạo Nghệ An đã thống nhất chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Ngày 6-7-2007, Sở Giáo dục Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 1341/SVHTT- SGDĐT về giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trong suốt 10 năm (2007-2017) thực hiện kế hoạch giáo dục, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã triển khai thực hiện biên soạn 2 bài giảng ngoại khóa về Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh lớp 9 và lớp 12; tổ chức các buổi tham quan ngoại khóa cho học sinh tại bảo tàng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử; tổ chức nhiều buổi học lịch sử ngay tại bảo tàng do các cô trò thực hiện; thành lập câu lạc bộ Em yêu lịch sử. Bắt đầu từ năm 2019, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Phòng Giáo dục thành phố Vinh tổ chức cuộc thi Thuyết minh viên nhí để giúp các em tìm hiểu sâu hơn về lịch sử quê hương, đất nước.

3. Tăng cường quảng bá thu hút du khách

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan trung ương, báo chí, đài phát thanh truyền hình. Nhiều phóng sự, phim tài liệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được chỉ đạo thực hiện nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Trong những năm gần đây, bảo tàng đã phối hợp với các công ty truyền thông thực hiện nhiều bộ phim giới thiệu quảng bá du lịch, bên cạnh đó bảo tàng cũng cho xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa như sách nghiên cứu, sách ảnh, tờ gấp giới thiệu về bảo tàng và được các công ty du lịch, sân bay, khách sạn hỗ trợ giới thiệu với du khách.

Từ năm 2015, ban lãnh đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ với các công ty lữ hành du lịch uy tín như Viet travel, Sao Việt, cũng như Hiệp hội Lữ hành Du Lịch Nghệ An về khảo sát điểm du lịch, được đánh giá rất cao. Năm 2017, bảo tàng vinh dự là 1 trong 6 địa điểm được Nghệ An công nhận là điểm du lịch địa phương đợt dầu.

Có thể nói, sau gần 60 năm hoạt động và trưởng thành, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã và đang đóng vai trò như một trong những trung tâm nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục về lịch sử cách mạng Việt Nam, đặc biệt là truyền thống cách mạng, những đóng góp to lớn của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hàng triệu lượt người từ khắp mọi miền đất nước đã được phục vụ tại hệ thống trưng bày thường xuyên hoặc thông qua các cuộc trưng bày lưu động.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Bích – Phan Thị Bích Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *