Vai trò của chủ thể trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở Khu tái định cư


     ​​​​​​​Người Dao đỏ ở khu tái định cư là cộng đồng có nhiều giá trị văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc. Cùng với sự hòa nhập cuộc sống với môi trường mới, nhiều giá trị văn hóa đã bị mai một và biến đổi. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Dao, cần quan tâm đến vai trò của chủ thể, trong đó có những người hành nghề tâm linh. Nhu cầu thực tiễn cho thấy, cần nhìn nhận và phát huy tốt vai trò của chủ thể đối với sự phát triển của người Dao đỏ ở Khu tái định cư xã Hoàng Khai, Yên Sơn, Tuyên Quang (khu tái định cư) nói riêng và các khu tái định cư nói chung.

 

     Khu tái định cư là khu vực tiếp giáp với nhiều khu kinh tế của tỉnh, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tổng dân số của khu tái định cư hơn 1000 người, gồm 3 dân tộc Kinh, Tày, Dao, trong đó dân tộc Dao có gần 500 người, phân bố tại điểm tái định cư thôn Tân Quang.

     Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn văn hóa của các tộc người, đặc biệt là các đề án của Chính phủ, Bộ VHTTDL nhằm phục dựng, phát huy văn hóa các tộc người; công bố danh mục 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong đó có lễ cấp sắc, hát páo dung người Dao ở Tuyên Quang… Vốn văn hóa của người Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng đang được quan tâm và phục dựng. Một trong những giải pháp được quan tâm trong vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống là phát huy vai trò của các chủ thể trong bảo tồn, phát huy văn hóa. Thầy cúng là một chủ thể đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, phát huy vai trò của họ là góp phần phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

     1. Thực trạng giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở khu tái định cư

     Sau khi thực hiện dự án xây dựng thủy điện Tuyên Quang, sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư, sự phát triển kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã làm biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống.

     Văn hóa vật chất là yếu tố biến đổi nhanh và rõ rệt. Nhà ở người Dao đỏ ở khu tái định cư trước đây chủ yếu là nhà trệt làm bằng gỗ; hiện nay, nhà gỗ được thay thế bằng các loại nhà xây bê tông cốt thép. Trong số 64 hộ dân, đã có 30 hộ làm nhà xây bê tông cốt thép.

     Hiện nay, ở khu tái định cư, người Dao đỏ hoàn toàn không mặc trang phục truyền thống. Họ chỉ mặc trong các trường hợp bắt buộc để phục vụ cưới hỏi, nghi lễ và các sự kiện của địa phương. Người biết thêu, may trang phục truyền thống còn rất ít, gần 20 người, từ 40 tuổi trở lên, còn những người dưới 40, đặc biệt thế hệ 8X, 9X không còn biết thêu, may, thậm chí không biết mặc trang phục truyền thống. Hiện nay, chỉ trang phục nữ giới còn được bảo tồn ở khu tái định cư; trang phục nam giới, cô dâu, trẻ em không còn. Phương thức mưu sinh, các phương tiện vận chuyển, ẩm thực truyền thống cũng gần như biến đổi hoàn toàn để thích ứng với điều kiện mới.

     Hiện nay, người Dao đỏ ở khu tái định cư còn bảo tồn được không ít giá trị văn hóa như ngôn ngữ giao tiếp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nghi lễ trong gia đình. Trong đó, ngôn ngữ nói là ngôn ngữ Dao hoặc song ngữ Dao, Kinh. Niềm tin tín ngưỡng có nhiều biến đổi, ngoài việc thờ cúng tổ tiên và thực hiện nghi lễ, tín ngưỡng tộc người thì họ đã tiếp cận với văn hóa Việt như cầu khấn, đi lễ đình, chùa, xem bói, hầu đồng, cầu cúng theo thày bói người Kinh. Các loại hình văn học nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ hầu như chỉ còn ở một số người hành nghề tâm linh và phụ nữ cao tuổi. Các nghi lễ cũng có nhiều biến đổi, mai một, một số nghi lễ quan trọng của gia đình cũng giảm bớt và gọn nhẹ hơn như lễ cưới, cúng tổ tiên vào các dịp lễ, tết, ma chay, giải hạn.

     Người Dao là tộc người có tính cộng đồng cao, có quan hệ làng bản thân tộc rất mật thiết và chặt chẽ. Họ quan niệm những người cùng dân tộc đều là anh em, đặc biệt cùng nhóm Dao. Vì vậy, tính cộng đồng làng bản, dòng họ, thân tộc vẫn bền chặt.

     Để cầu mong sự che chở, giúp đỡ, phù hộ của tổ tiên, bảo vệ con người khỏi tai ương, trắc trở, ốm đau… người Dao đỏ thực hiện nhiều nghi lễ cúng trong gia đình. Những người thực hiện công việc liên quan đến tâm linh được gọi là “chấu miên miền”, “chấu sai miền”… Họ chủ yếu thực hiện các công việc, nghi lễ trong cộng đồng như: xem ngày lành tháng tốt để thực hiện công việc quan trọng của cá nhân, gia đình, làng bản; thực hiện các nghi lễ giải hạn, cúng tổ tiên trong các dịp lễ, Tết; lễ cấp sắc, chấu đàng, ma chay; các nghi lễ của làng bản như cúng cầu mùa, thần song, thần rừng, thần lúa…; truyền dạy chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ; tham gia giải quyết các vấn đề của làng bản, gia đình, dòng họ…

     2. Vai trò của thầy cúng trong cộng đồng người Dao đỏ ở khu tái định cư

     Trong đời sống tâm linh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

     Để chữa lành bệnh, người Dao đỏ ở khu tái định cư luôn sử dụng song song 2 phương pháp, vừa đi khám chữa bệnh tại các trạm y tế, bệnh viện, lại vừa bói cúng xem họ có phạm phải cấm kỵ hay bị vị thần, ma xấu nào trừng phạt, rồi thực hiện các nghi lễ. Ngoài việc cúng chữa bệnh chăm sóc phần hồn của con người, thầy còn giúp họ thực hiện các nghi lễ cúng trong gia đình như: cúng giải hạn, cúng tổ tiên, thổ công, thổ địa, các loại thần linh hay các lễ cúng trong các nghi lễ như cưới, ma chay, cấp sắc… bằng cách liên hệ với thế giới thần linh để cúng tế và xin sự phù hộ của họ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng.

     Trong đời sống xã hội

     Đóng vai trò quan trọng góp phần gìn giữ đạo đức truyền thống, giáo dục nhân cách, bản thân thày phải là những người có đạo đức tốt, nhân cách tốt, được mọi người yêu mến. Có nhiều người do cha truyền con nối nhưng có nhiều người phải tự lực học tập và có sư phụ truyền dạy mới trở thành thày cúng. Để có thể hành nghề và được sự tin tưởng, tín nhiệm, thày phải có uy tín, gương mẫu trong cộng đồng. Điều này góp phần giáo dục nhân cách, phẩm hạnh, ứng xử của một lớp người trong cộng đồng về ứng xử với bản thân, gia đình, cộng đồng.

     Lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa

     Thứ nhất, họ là người giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. Là người sử dụng nhiều từ ngữ cổ, âm cổ người Dao đỏ trong giao tiếp với người cùng nghề, người cùng thế hệ; trong việc cúng, giao tiếp với thế giới thần linh, nên họ còn lưu giữ nhiều từ ngữ cổ xưa của dân tộc. Ngoài ra, họ là người có thể viết, đọc chữ Nôm Dao; biết được trình tự các nghi lễ, lễ vật trong các nghi lễ; hiểu về tổ tiên, dòng tộc, phong tục tập quán, lịch sử phát triển của dân tộc, mỗi gia đình, làng bản, dòng họ.

     Thứ hai, họ là người lưu giữ các loại sách cổ của dân tộc Dao. Sách cổ người Dao rất phong phú đa dạng, tuy nhiên, hiện nay sách không còn nhiều. Sách cúng thuộc loại sách thiêng, là đạo cụ trong thực hành các nghi lễ và chỉ sử dụng khi thực hiện các nghi lễ, vào các ngày tết, rằm hay công việc quan trọng của gia đình, dòng họ.

     Thứ ba, khi thực hiện các nghi lễ, để có thể giao tiếp với tổ tiên và thế giới thần linh, họ phải sử dụng trang phục và các đạo cụ thực hành nghi lễ. Đây là những yếu tố văn hóa vật chất độc đáo. Đồng thời, do yêu cầu về mặt tâm linh, việc bố trí bàn thờ tổ tiên, các vật dụng trong ban thờ, các loại ẩm thực sử dụng trong các nghi lễ, lễ, tết ở khu tái định cư vẫn còn chú trọng yếu tố truyền thống, đòi hỏi theo phong tục tập quán của dân tộc cũng góp phần bảo lưu văn hóa của tộc người.

     Thứ tư, họ là kho tàng tri thức văn hóa dân gian của dân tộc Dao. Họ là những người am hiểu phong tục tập quán của dân tộc, nên có tầm hiểu biết sâu sắc nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú như các nghi lễ cúng, cưới hỏi, đám tang, ma chay, nguồn gốc lịch sử tộc người, văn hóa văn nghệ dân gian… Bên cạnh đó, trong nghi lễ, các bài cúng còn chứa đựng giá trị văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng như các câu chuyện chuyện kể, câu đố, thành ngữ, ca dao, các bài ca về tình yêu, về cuộc sống gia đình, làng bản, về quan hệ giữa người với thần linh, người với người, người với thiên nhiên trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển; chứa đựng lời răn dạy, giáo dục con người hướng thiện, phát triển toàn diện hơn.

     Tạo môi trường thực hành các giá trị văn hóa

     Mặc dù, hiện nay, niềm tin và các hình thức tín ngưỡng người Dao đỏ ở khu tái định cư có biến đổi, nhưng họ vẫn quan niệm rằng chỉ có thày cúng biết thực hành các nghi lễ, giao tiếp được với tổ tiên, thần linh. Bởi vậy, khi còn họ thì người Dao đỏ còn quan tâm đến văn hóa của tộc người, các nghi lễ cúng của người Dao còn được thực hành và lưu giữ. Thực hành các nghi lễ, phong tục tập quán của người Dao là dịp cộng đồng được ôn lại lịch sử, văn hóa truyền thống, được sống lại cùng với các giá trị văn hóa của dân tộc; giúp cho các thế hệ trẻ hiểu được văn hóa truyền thống, nắm được tuần tự, lễ vật, cách thức thực hành, các loại hình của nghi lễ.

     3. Phát huy vai trò chủ thể trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống người Dao đỏ ở khu tái định cư

     Để góp phần vào sự phát triển bền vững đối với người Dao ở khu tái định cư, cần quan tâm đến vị trí, vai trò của chủ thể, đặc biệt là các nghệ nhân trong cộng đồng.

     Trước hết, cần có các chính sách hỗ trợ các nghệ nhân trong việc thích ứng với môi trường văn hóa mới, giúp cho họ vừa ổn định cuộc sống vừa phát huy được vai trò trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, có dự án, chương trình cụ thể về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, tổ chức các lớp học, các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống, kể về các câu chuyện của người Dao, học các loại hình văn hóa dân gian người Dao dưới sự hướng dẫn và thực hành của các nghệ nhân dân gian.

     Đối với cộng đồng người Dao đỏ, cần nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, có các hình thức sinh hoạt phong phú hấp dẫn với cộng đồng.

     Đối với thày cúng người Dao đỏ, cần có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo thành một mạng lưới xã hội cùng đóng góp chung vào bảo tồn, phát huy văn hóa của tộc người. Ngoài gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về việc hành nghề trong khuôn khổ pháp luật, còn cùng nhau tham gia bảo tồn, quảng bá, truyền dạy các giá trị văn hóa truyên thống cho các thế hệ trẻ.

     Ý thức của cộng đồng là yếu tố quyết định tới sự trường tồn văn hóa của một dân tộc. Người Dao đỏ cần vừa thích ứng văn hóa mới, môi trường mới nhưng cần ý thức được cội nguồn dân tộc, tích cực học tập nâng cao trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hóa của tộc người trong hội nhập và phát triển sau khi ổn định cuộc sống ở khu tái định cư.

____________

     Tài liệu tham khảo

     1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006.

     2. Bùi Văn Đạo, Vai trò của các nhóm xã hội đặc thù già làng, phụ nữ và tri thức các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên, Kỷ yếu hội thảo phát triển kinh tế, xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên: Những vấn đề cốt yếu giải pháp, Buôn Mê Thuột, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, 2014, tr.199-217.

     3. Phạm Văn Dương, Thầy cúng trong văn hóa tín ngưỡng người Dao Họ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2014.

     4. Nguyễn Ngọc Thanh, Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ và người uy tín ở một số tộc người tại tỉnh Sơn La trong đời sống hiện nay, Tạp chí Dân tộc học, số 6- 2009, tr.3-11.

 

Tác giả: Triệu Thị Nhất

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *