Vai trò của Nhà hát Chèo Việt Nam với nghệ thuật chèo dân tộc


Nhà hát Chèo Việt Nam là đơn vị nghệ thuật chèo đầu tiên do Nhà nước ta thành lập và quản lý. Đoàn Chèo Trung ương trước kia, Nhà hát Chèo Việt Nam ngày nay đã và đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong bộ môn chèo của sân khấu dân tộc. Bảy mươi năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã giữ vững và thực hiện tốt vai trò trung tâm quan trọng của mình với nghệ thuật chèo của dân tộc.

1. Nhà hát Chèo Việt Nam giữ vai trò trung tâm bảo tồn khai thác nghệ thuật chèo cổ với các vở diễn tiêu biểu nhất của chèo cổ đã được chỉnh lý nâng cao thành những tác phẩm kinh điển và truyền lại cho các nhà hát chèo, đoàn chèo ở các địa phương. Bên cạnh các vở diễn chèo cổ là gần 200 làn điệu chèo cổ cùng các trích đoạn hay đã được ghi âm, ghi hình lưu trữ trong kho tư liệu. Không chỉ được bảo tồn bằng các vở diễn và kho tư liệu, vốn cổ, vốn nghề tổ, mà còn được bảo tồn trong các nghệ nhân, nghệ sĩ của Nhà hát qua nhiều thế hệ và từ họ, truyền tới các nghệ sĩ chèo trong cả nước.

2. Nhà hát Chèo Việt Nam giữ vai trò trung tâm nghiên cứu khoa học về nghệ thuật chèo. Các nhà nghiên cứu chèo như: GS Trần Bảng, NGND Hoàng Kiều, GS Hà Văn Cầu, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã từng là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu như: Phạm Duy Khuê, Trần Đình Ngôn, Hà Thị Hoa, Trần Minh Phượng đã cộng tác thực hiện các công trình nghiên cứu do Nhà hát Chèo Việt Nam chủ trì. Các công trình nghiên cứu từ Nhà hát Chèo Việt Nam đã góp phần quan trọng nhất trong việc xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật chèo. Hầu hết các công trình đã được xuất bản thành sách.

Cảnh trong vở Bắc lệ đền thiêng – Nhà hát Chèo Việt Nam

3. Nhà hát Chèo Việt Nam là một trung tâm thử nghiệm nghệ thuật chèo hiện đại. Từ những năm 60 TK XX, Nhà hát đã lần lượt thử nghiệm nghệ thuật trong các vở chèo đề tài hiện đại như: Máu chúng ta đã chảy, Tình rừng, Chuyện tình năm 80, Sông Trà Khúc Gần đây, Nhà hát Chèo đã thử nghiệm thành công vở chèo xây dựng hình tượng Bác Hồ (Những vần thơ thép) và vở diễn về đại tướng Võ Nguyên Giáp (Mệnh lệnh thần kỳ). Năm 2019, Nhà hát dựng vở Rồng Phượng cũng có yếu tố thử nghiệm nguyên tắc ước lệ trong chèo đề tài hiện đại. Tuy thành công có mức độ khác nhau nhưng các vở thử nghiệm đã giúp cho Nhà hát và các nhà nghiên cứu đúc kết được nhiều vấn đề quan trọng trong việc định hướng phát triển của chèo mới. 

4. Nhà hát Chèo Việt Nam là một trung tâm đào tạo nghệ sĩ chèo cho các đơn vị chèo chuyên nghiệp bên cạnh Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ bậc thày của Nhà hát Chèo Việt Nam đã chuyển sang làm giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội hoặc làm giảng viên thỉnh giảng cho trường, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên chèo hơn nửa thế kỷ qua. Đồng thời, Nhà hát Chèo Việt Nam đã từng mở lớp đào tạo tại Nhà hát hoặc liên kết với Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cùng đào tạo để học sinh vừa có nghề, vừa có bằng tốt nghiệp chính quy. Chất lượng đào tạo của Nhà hát qua các thời kỳ đều được đánh giá cao. Nhiều thế hệ nghệ sĩ thành tài, nổi danh, đạt danh hiệu NSND, NSƯT đã “ra trò” từ các lớp đào tạo của Nhà hát Chèo Việt Nam. Các NSND trẻ tuổi hiện nay như: Minh Thu, Thúy Ngần, Thanh Ngoan đều được đào tạo tại Nhà hát, chưa kể đến hàng chục các NSƯT khác ở Nhà hát và các đơn vị nghệ thuật chèo ở các địa phương.

5. Nhà hát Chèo Việt Nam còn giữ vai trò đặc biệt trong việc định hướng phát triển chèo với các chuẩn mực nghệ thuật để các đơn vị nghệ thuật chèo truyền thống hầu hết đều được “nhân bản” từ các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Cảnh trong vở Rồng – Phượng

Nhà hát Chèo Việt Nam

Bảy mươi năm qua, Nhà hát đã có nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và vẫn còn những quan điểm về kế thừa và phát triển nghệ thuật chèo chưa hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên từ 1995, hệ thống lý luận cơ bản về chèo do GS Trần Bảng nghiên cứu, xác lập và chỉ đạo nhiều năm đã trở thành các quan điểm mang tính chính thống mà lãnh đạo Nhà hát đến nay vẫn tán đồng và quyết tâm thực hiện, với phương châm phát triển chèo trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc cơ bản của chèo truyền thống.

Trải qua những bước thăng trầm, có khi mạnh, khi yếu, nhưng nhìn bao quát các nghệ sĩ ngành Chèo đều có thể thống nhất thừa nhận và đánh giá cao sự cống hiến to lớn của Nhà hát Chèo Việt Nam cho nền sân khấu dân tộc trong vai trò đặc biệt quan trọng đối với sân khấu chèo cả nước.

Hy vọng rằng, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Nhà hát Chèo Việt Nam hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng đã đề ra và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chèo của quần chúng nhân dân .

TS TRẦN ĐÌNH NGÔN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *