1. Một số khái niệm
Khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là một cụm thuật ngữ cho các tổ chức, công nghệ đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và internet của các dịch vụ (IoS) được giáo sư Klaus Schwab đưa ra trong diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 với chủ đề Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Davos-Kloster, Thụy Sĩ ngày 20-01-2016 (1).
Trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, sự xuất hiện của robot do con người sáng tạo mang lại nhiều ứng dụng cho xã hội, tạo ra những biến đổi trong cuộc sống, giúp con người ghi nhớ, phân tích và tính toán. Với khả năng làm việc bền bỉ và tạo ra năng suất lao động cao, robot là công cụ tối ưu thay thế sức lao động của con người.
Đối với công nghệ sinh học, những thành tựu trong bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo… được ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho quy trình sản xuất tiết kiệm chi phí; lĩnh vực y học với thành tựu trí tuệ nhân tạo đã ghi nhớ và lưu giữ hồ sơ bệnh án; lĩnh vực vật lý với thành tựu về máy in 3D, vật liệu mới, robot tự lái, công nghệ nano…
Vì vậy, trước sự phát triển của máy móc, các ứng dụng thông minh, yêu cầu đặt ra đối với sinh viên công nghệ thông tin là phải tích cực học hỏi, cầu tiến, tích cực đổi mới tư duy sáng tạo để dễ dàng làm chủ máy móc và phát huy vai trò của bản thân. Bởi những công việc mang tính phổ thông, lặp đi lặp lại không còn phù hợp trong cuộc CMCN 4.0 nữa do hiệu quả làm việc của máy móc sẽ mang lại năng suất cao hơn.
2. Cơ hội và thách thức để sinh viên phát huy vai trò của mình trong CMCN 4.0
Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang trong mô hình giáo dục 4.0, mối liên kết giữa nhà trường – nhà quản lý – môi trường làm việc đã tạo điều kiện cho sinh viên phát huy vai trò của mình để đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Hoạt động học của sinh viên trong giáo dục 4.0 giúp cho sinh viên chủ động, tích cực tiếp cận, chiếm lĩnh tri thức mọi lúc, mọi nơi, không chỉ giới hạn ở thời gian lên lớp. CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho sinh viên không chỉ được đào tạo bài bản kiến thức chuyên ngành, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học mà còn giúp họ thỏa sức đổi mới để sáng tạo. CMCN 4.0 trong giáo dục giúp các trường đại học đẩy mạnh mối liên kết giữa đào tạo và thị trường lao động, giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên. Phát huy vai trò của sinh viên đòi hỏi họ phải xác định mục đích của việc học, kế hoạch làm việc theo tổ, nhóm, lớp sẽ phát huy năng lực sở trường của cá nhân sinh viên. Giáo viên đóng vai trò là cố vấn học tập sẽ hỗ trợ sinh viên phát huy năng lực tự tổ chức của cả cá nhân lẫn tập thể. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu phong phú mà sinh viên tự tìm kiếm được thông qua Moocs, tạp chí, facebook, báo, sách điện tử, blogs… sẽ hỗ trợ hiệu quả để sinh viên giao lưu, thảo luận, tranh luận các vấn đề học tập, từ đó mở rộng kiến thức và phát huy năng lực bản thân trong CMCN 4.0.
Vì vậy, sinh viên học công nghệ thông tin với các chuyên ngành như bảo mật, lập trình, quản trị mạng… là rất cần thiết để vận dụng kiến thức, thể hiện kỹ năng và bản lĩnh trong CMCN 4.0. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đòi hỏi sinh viên phải học để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang tận dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, do đó, trong các trường đại học cũng cần đẩy mạnh mô hình giáo dục toàn diện, đào tạo những sinh viên đa năng để sau khi ra trường sẵn sàng khởi nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, tạo mối liên kết trong phát triển kinh tế của địa phương.
Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt công việc thay thế sức lao động của con người và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Do vậy, để phát huy vai trò của sinh viên trong giáo dục 4.0, sinh viên cần trang bị ý thức tự học, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo. Các cơ sở đào tạo bậc cao tiến hành cách thức tổ chức để chuyển tải nội dung chương trình đào tạo đến người học, phương thức và phương pháp đào tạo cần thay đổi. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Đây là một thách thức đối với sinh viên ngành công nghệ thông tin.
3. Thực trạng phát huy vai trò của sinh viên trong cuộc cách mạng giáo dục 4.0
Tối 18-3-2017, nhóm sinh viên Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã giành giải Nhất cuộc thi Start-up Student Ideas lần thứ nhất với dự án Smart Water. Để kiểm tra chất lượng nước thì thực tế các nhà máy nước hiện nay đang tốn nhân lực trong việc ghi chỉ số tiêu thụ nước, thu tiền của từng hộ gia đình. Xuất phát từ lý do trên, nhóm sinh viên Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã thiết kế ra thiết bị kết nối với nhau và hiển thị thông số lên một website. Qua truy cập website, nhà máy có thể kiểm soát được tình hình bán nước, chất lượng nước và nhận phản hồi từ hộ gia đình. Người tiêu dùng dễ dàng truy cập website để nắm bắt thông tin về lượng nước nhà máy cung cấp đạt tiêu chuẩn thế nào, thanh toán online về lượng nước đã tiêu dùng. Do vậy, thiết bị này thể hiện tính minh bạch trong mua bán nước và tiết kiệm chi phí đáng kể cho nhà máy. Cuộc thi M.I.S Project có chủ đề “HTTT quản lý trong thời kỳ CMCN 4.0”. Khoa Hệ thống thông tin kinh tế đã tổ chức cho sinh viên tham dự hội thi, giúp sinh viên khai thác được nhiều vấn đề, đề tài thú vị, là cơ hội cho sinh viên có cái nhìn tổng quan hơn về CMCN 4.0 và nắm bắt xu hướng phát triển của nền công nghệ Việt Nam trong tương lai. Ngày 11-7-2018, tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển ĐTDĐ Samsung Việt Nam, 06 sinh viên của khoa Công nghệ thông tin và khoa Công nghệ điện tử truyền thông, trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông đã vinh dự nhận học bổng tài năng Samsung năm 2018.
Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông đã ứng dụng một số thành tựu trong CMCN 4.0 như: cải tiến chất lượng làm việc và thực hành thông qua nghe nhìn, từ đó giúp sinh viên phát huy vai trò của mình thông qua quá trình học; nâng cao năng lực học cá nhân khi sinh viên có thể theo kịp tiến độ và học tăng cường phù hợp với nhu cầu của họ… Sinh viên trong thời đại giáo dục 4.0 luôn có tinh thần tiên phong, xung kích, tự khẳng định mình khi họ tìm hiểu nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để làm chủ cuộc sống. Họ đến thư viện điện tử hoặc sách trực tuyến để đọc sách, trên cơ sở đó tiếp thu kiến thức mới, đặc biệt là các sách ngoại ngữ. Họ tự khẳng định mình qua học tập trực tuyến, trao đổi trên mạng xã hội youtube, google, facebook… Nếu như trước đây, sinh viên mất chi phí để học tập những chương trình độc quyền, giờ đây, sinh viên Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông dễ dàng tiếp cận, tích lũy cái mới, cái hay và có nhiều cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu. Khi đánh giá vai trò của khoa học công nghệ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm qua, khoa học, công nghệ đã có đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội trên tất cả các lĩnh vực” (2). Và những năm tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định: “phát triển khoa học công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh” (3). Do vậy, phát huy vai trò của sinh viên khi bước vào giáo dục 4.0, bên cạnh kiến thức được nhà trường cung cấp, sinh viên có cả một kho tài nguyên khổng lồ trên mạng internet, họ sẽ chuyển từ học tập sang nghiên cứu và sinh viên được chủ động phát huy vai trò của mình.
Tuy nhiên, hiện nay sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông chưa chủ động, tích cực trong việc tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi tri thức. Sinh viên hiện nay còn yếu về kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm. Mặt khác, qua các hoạt động như ngoại khóa, hội thi, cuộc thi thì sự vận dụng và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, công nghệ… của sinh viên còn hạn chế. Một số sinh viên không chú trọng nhiệm vụ học tập, làm việc thiếu hiệu quả do sa đà vào mạng xã hội, giải trí nên chưa khẳng định được bản thân mình. Việc tham gia các chương trình ngoại khóa sôi nổi, các câu lạc bộ, các lớp học, các câu lạc bộ chỉ diễn ra ở một số sinh viên. Trong khi đó các hình thức này là nơi sinh viên rèn luyện kỹ năng để khẳng định mình. Bên cạnh đó, để tự khẳng định mình, một số sinh viên chưa chủ động sáng tạo về công nghệ thông tin, áp dụng vào quá trình học tập, thụ động tiếp nhận tri thức, do vậy, chưa phát huy được vai trò trong học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ. Trong giáo dục 4.0, sinh viên ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường, sự cạnh tranh trong công việc của họ diễn ra gay gắt, vì vậy, để phát huy vai trò, sinh viên cần có phương pháp vừa học vừa làm, nếu giữ tư duy học một lần rồi áp dụng mãi, sinh viên sẽ gặp khó khăn và thất bại trong công việc.
4. Một số giải pháp
Nhà trường cần có giải pháp để cải thiện chỉ số giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực thông qua việc nâng cao kỹ năng làm việc cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là kỹ năng làm việc và kỹ năng tiếng Anh để có thể tận dụng được cơ hội do CMCN 4.0. Thực hiện kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thực tế và cơ sở đào tạo, từ đó coi quá trình đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của các bên chứ không phải của riêng các trường. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và sinh viên trường về phát triển khoa học công nghệ và nắm bắt ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp đương đại. Trong xã hội thông tin, sinh viên phát huy vai trò của mình bằng cách điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực.
Đào tạo sinh viên chuẩn đầu ra ở Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông phải đủ kiến thức cùng các năng lực (thực hành nghề nghiệp, thực hiện kiểm tra đánh giá, thích ứng và đương đầu với thách thức nghề nghiệp). Mục đích để tránh tình trạng học lệch, chỉ học lý thuyết mà không chịu rèn luyện kỹ năng cũng như thái độ làm việc. Mặt khác, đào tạo phải gắn với doanh nghiệp và lôi cuốn sinh viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Giáo dục 4.0 đòi hỏi sinh viên cần tích cực giải quyết vấn đề, có tư duy độc lập và thích nghi nhanh chóng để phát huy vai trò của mình, thay vì cách học thuộc, nhớ máy móc. Các hình thức học tập đa dạng như tương tác, học bằng dự án, E-learning. Để phát huy vai trò của mình, sinh viên cần hiểu chính mình, hiểu ngành nghề mà sinh viên lựa chọn. Sinh viên hiểu được CMCN 4.0 để từ đó rèn luyện kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Sinh viên phải phát huy vai trò của mình bằng thái độ nghiêm túc, chăm chỉ, phát huy sở trường, thế mạnh của bản thân để khai thác thế mạnh của cuộc CMCN 4.0. Sinh viên quản lý tốt thời gian của mình, có khả năng làm việc nhóm, nắm vững công nghệ thông tin, trau dồi và tự học ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục. Để phát huy vai trò của mình, sinh viên cần kiên trì theo đuổi mục tiêu học tập. Do vậy, sinh viên cần nỗ lực, lao động miệt mài và phấn đấu, trong cách mạng 4.0 nếu sinh viên không tự thân vận động và khởi nghiệp, họ sẽ khó khăn khi làm việc, khó khăn khi bắt đầu một cuộc sống mới của bản thân.
CMCN 4.0 có tác động toàn cầu, vì vậy trong hoạt động học tập, sinh viên cần tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ phục vụ cho cuộc sống. Mặt khác, sinh viên cần chủ động tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để giải quyết các vấn đề cụ thể trong chuyên ngành được đào tạo ở trường đại học.
CMCN 4.0 được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích rất lớn, ảnh hưởng của cách mạng 4.0 trong giáo dục có tác dụng tích cực đối với sinh viên các ngành Sư phạm tại Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông trong tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức… Đây được xem là một cơ hội cho sinh viên phát huy vai trò của mình. Do vậy, thay vì thụ động đợi chờ kiến thức từ thầy cô, sinh viên cần tự học không ngừng, sáng tạo không ngừng để đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.
_______________
1. news.zing.vn.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.118, 119-120.
4. Nguyễn Cúc, Tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực I, 2017.
5. Phan Quang Trung, Giáo dục đại học phải làm gì trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, giaoduc.net.vn, 22-7-2017.
6. Phan Văn Trường, Ngành giáo dục “đón đầu” cuộc Cách mạng 4.0 ra sao, baoquocte.vn, 14-4-2017.
Tác giả: Trần Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng