Từ khi quân đội ta ra đời đến nay, trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự đã phát huy tốt tính sáng tạo, lòng nhiệt tình yêu nước, lập nên bao chiến công to lớn trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Hiện nay, lực lượng trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự đã và đang phát huy truyền thống tốt đẹp trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận.
Chiến sĩ Trung đoàn 741 thực hành đánh bộc phá ống. Ảnh Đức Hạnh
Trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự là một bộ phận của trí thức khoa học xã hội nhân văn Việt Nam; là những người lao động trí óc trong quân đội, có trình độ học vấn đại học và tương đương trở lên về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống tốt, có nhiệm vụ nghiên cứu, truyền bá và làm giàu tri thức khoa học xã hội nhân văn trong lĩnh vực quân sự; là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bảo vệ an ninh tư tưởng là tổng thể các hoạt động có tổ chức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, do lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại hệ tư tưởng tư sản và các quan điểm lạc hậu phản khoa học, phản động, nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng. Với tính cách là một trong những lực lượng chuyên trách, trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay.
Những năm qua, đội ngũ trí thức khoa học xã hội và nhân văn quân sự đã nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương để xây dựng cương lĩnh, đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam; tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chống lại các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay, đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự còn một số bất cập như: số lượng chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, cơ cấu còn bất hợp lý. Để phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập và để đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay đặt ra, cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chỉ huy các cấp đối với đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong quân đội ta. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định” (1). Chính vì vậy, để tập trung phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần quán triệt sâu sắc các nội dung cơ bản của nghị quyết, thấm nhuần quan điểm của Đảng, có nhận thức đúng vai trò, vị trí quan trọng của trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự trong tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay nói riêng.
Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự lập trường giai cấp công nhân; mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nắm chắc và dự báo đúng chiều hướng vận động, phát triển của tình hình chính trị, tư tưởng để kịp thời đưa ra các quyết sách đúng đắn, làm cơ sở cho đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự quán triệt và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Kịp thời bổ sung hoàn chỉnh các quy chế lãnh đạo, quản lý các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, công tác tuyên truyền trong xã hội. Quản lý chặt chẽ tài liệu mật của Đảng, Nhà nước, quân đội, xử lý nghiêm những người phát tán tài liệu, làm lộ bí mật nội bộ.
Xây dựng đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao, không dao động, luôn nhạy bén, khôn khéo, giữ đúng nguyên tắc và kiên quyết, kịp thời đấu tranh chống quan điểm thù địch sai trái. Không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho họ trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 94 của các cấp ủy đảng trong quân đội, nhất là Ban Chỉ đạo 94 của Quân ủy Trung ương, trong tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, kịp thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền trước các sự kiện chính trị của đất nước, các vấn đề dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giữ vững thế trận tư tưởng của Đảng trong quân đội; kịp thời phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, thông tin xấu độc.
Thứ hai, chủ động giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự về mọi mặt, nhất là năng lực trong tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, từng cơ quan nghiên cứu khoa học, các học viện, nhà trường, các đơn vị xác định và dự báo về sự phát triển; các cơ quan chức năng giúp Bộ xác định rõ nhu cầu tổng quát, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự cho phù hợp. Công tác quy hoạch đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh nói chung và bảo vệ an ninh tư tưởng nói riêng; gắn với nhu cầu từng lĩnh vực, từng đơn vị và quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp, nhằm bổ sung và tạo nguồn từ thực tiễn công tác. Quy hoạch phải luôn bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển vững chắc, cả đương chức, kế cận và kế tiếp; tránh quan niệm lệch lạc, một chiều; bảo đảm sự hài hòa giữa việc sử dụng cán bộ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với việc phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ trẻ tài năng, thông qua hoạt động thực tiễn, giải quyết các nhiệm vụ.
Lực lượng nòng cốt của đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn trong quân đội là các nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo, các báo cáo viên đang công tác ở các trung tâm, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường và các đơn vị trong toàn quân. Để phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự, phát huy tốt vai trò của họ trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới. Theo đó, các học viện, nhà trường cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương thức quản lý, đánh giá chất lượng học viên… để vừa bảo đảm tốt nhu cầu về số lượng và chất lượng của các cơ quan, đơn vị, vừa bảo đảm đào tạo nhân tài cho quân đội và đất nước; mặt khác, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà khoa học trong các cơ quan, đơn vị, thông qua mở rộng giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia đầu ngành nước ngoài.
Thứ ba, thường xuyên phát huy tính tích cực, sáng tạo, phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự luôn đi đầu trong tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc tham gia bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay, phấn đấu trở thành người trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, mỗi người trí thức phải không ngừng phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở vốn kiến thức đã được tích lũy trong học tập và công tác, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay, mỗi trí thức phải tích cực tự nghiên cứu, học tập, giải quyết tốt những nhiệm vụ của thực tiễn đặt ra. Trong điều kiện đó, đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự phải bằng nhiều phương thức tự học tập nâng cao trình độ của mình, cả về chuyên môn nghiệp vụ, cũng như trình độ tin học, ngoại ngữ.
Cùng với quá trình đó, đội ngũ trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Trong cương vị công tác của mình, người trí thức khoa học xã hội nhân văn quân sự phải rèn luyện nâng cao bản lĩnh khoa học, xây dựng lòng say mê, tâm huyết với khoa học, chủ động đề xuất nghiên cứu, giải quyết những vấn đề mới; nói thẳng, nói thật, bảo vệ chân lý; đồng thời, đề cao đức tính khiêm tốn, chống tư tưởng “chuyên môn đơn thuần”.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.91.
Tác giả: Đào Văn Mạc
Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng