Truyền thống biểu hiện những giá trị cốt lõi của tư tưởng, tình cảm, ứng xử, giá trị của con người, dân tộc Việt Nam. Hiện đại biểu hiện những giá trị sáng tạo, sự tiến bộ đồng thời với truyền thống. Trong phát triển văn hóa quân nhân, truyền thống là nền tảng, cầu nối trung gian, định hướng hình thành phẩm chất, nhân cách; hiện đại bổ sung các giá trị mới, khuyến khích sự sáng tạo, là đích vươn tới của quân nhân. Vai trò truyền thống và hiện đại rất quan trọng, thường xuyên tác động, quyết định trong phát triển văn hóa quân nhân. Phát huy vai trò của hai mặt này là vấn đề then chốt nhằm phát triển văn hóa quân nhân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn hiện nay.
1. Vai trò của truyền thống trong phát triển văn hóa quân nhân
Nghiên cứu về truyền thống đã có nhiều nhà khoa học đưa ra các quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung đều thống nhất nhận định truyền thống là tài sản quý được tích lũy lâu dài của một cộng đồng người nhất định và được trao truyền qua các thế hệ; là tiêu chí để đánh giá, nhận biết sự khác biệt giữa người với người, giữa các quốc gia dân tộc với nhau, đặc biệt trong văn hóa, truyền thống tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc, nó tác động ngược trở lại cộng đồng đó, trở thành một tâm lý xã hội, một nhân cách tập thể; là một tấm thẻ căn cước của mỗi con người khi tham gia hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam, truyền thống văn hóa dân tộc được hình thành từ thực tiễn dựng, giữ nước của tổ tiên ta, từ những điều kiện địa lý tự nhiên, phương thức sinh hoạt, phẩm chất con người, có vai trò nền tảng đối với dân tộc. Mặt khác, văn hóa quân sự Việt Nam là một phần cấu thành văn hóa dân tộc Việt Nam, được hình thành trong quá trình đấu tranh vũ trang bảo vệ đất nước của dân tộc. Bởi vậy, truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam chứa đựng hệ thống các giá trị, chuẩn mực và phẩm chất con người Việt Nam. Vai trò của truyền thống rất quan trọng và có tính quyết định trong phát triển văn hóa quân nhân, được thể hiện ở các nội dung sau:
Truyền thống là nền tảng trong phát triển văn hóa quân nhân. Quân nhân tiếp xúc với truyền thống từ rất sớm khi chưa trở thành con người xã hội. Tại các miền quê khác nhau, những giá trị đúc kết từ tư tưởng, tình cảm, ý chí, tri thức, lối sống, phong tục tập quán… của dân tộc được trao truyền cho quân nhân thông qua các hình thức khác nhau mà đầu tiên là hình thức truyền khẩu bằng lời ru, quá trình lớn lên là quá trình quân nhân hấp thụ, kế thừa các giá trị văn hóa của miền quê ấy, trước hết là truyền thống gia đình. Bước vào quân đội, các giá trị văn hóa đó luôn được sự quan tâm vun đắp của cấp ủy đảng, đơn vị, giúp quân nhân củng cố, làm dày thêm bằng truyền thống cách mạng của dân tộc, quân đội. Bởi vậy, truyền thống là nền tảng tạo nên cốt cách, tâm hồn, khí phách quân nhân được thể hiện trong tâm thức, hành xử và sự tự tin khẳng định giá trị quân nhân giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội và thực hiện nhiệm vụ được giao. Phát triển văn hóa quân nhân nhằm nuôi dưỡng, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự Việt Nam, làm cho quân nhân không ngừng hoàn thiện năng lực bản chất người của mình.
Truyền thống là cầu nối trung gian trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống không chỉ là cầu nối giữa các thế hệ con người Việt Nam, giữa các thế hệ quân nhân mà còn là cầu nối cho quân nhân tiếp tục bước tới tương lai từ quá khứ và hiện tại. Nhờ sự kết nối này, các giá trị văn hóa được trao truyền liên tục, không đứt đoạn mà xuyên suốt các thế hệ quân nhân: “Nó được kết tinh từ trong lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc, chứa đựng trong đó những nội dung cốt lõi sức mạnh văn hóa tinh thần Việt Nam, là cầu nối để gắn kết mỗi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạnh nguồn trí tuệ, tư tưởng, tình cảm và ý chí Việt Nam” (1). Như vậy, truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự không những góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần, liên kết cộng đồng mà còn gắn kết cá nhân với nhau; là chiếc cầu nối vững chắc trong phát triển văn hóa quân nhân từ quá khứ tới tương lai.
Truyền thống định hướng phát triển văn hóa quân nhân. Vai trò định hướng biểu hiện ở sự tác động ngược lại cộng đồng khi các giá trị văn hóa tạo nên truyền thống, các giá trị này thấm sâu vào các lĩnh vực chính trị, đạo đức, pháp luật, khoa học, nghệ thuật, kinh tế hình thành chuẩn mực, khuôn mẫu như một sợi dây vô hình buộc con người, cộng đồng tuân thủ một cách vô điều kiện: “Nó là những giá trị tương đối ổn định (tri thức, kinh nghiệm, đạo lý) được cố định bằng các chuẩn mực, khuôn mẫu, phong tục, tập quán, luật tục và cả luật pháp – cái định hướng quy định phương thức ứng xử của các cá nhân và cộng đồng” (2). Trong phát triển văn hóa quân nhân, vai trò định hướng này càng rõ trên các phương diện nhận thức, tình cảm, ý chí, tri thức, hành xử và khẳng định giá trị quân nhân, đặc biệt, quân nhân muốn khẳng định giá trị của mình thì càng phải thực hiện nghiêm các chuẩn mực, quy định, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội trước xã hội. Mọi sự lệch chuẩn sẽ ảnh hưởng xấu tới biểu tượng quân nhân cách mạng đã được rèn đúc, tôi luyện từ truyền thống đánh giặc của dân tộc, quân đội.
2. Vai trò của hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân
Có rất nhiều quan điểm của các nhà khoa học về hiện đại, song đều thống nhất khi cho rằng hiện đại là những cái tiến bộ, cái mới nhất trong giai đoạn lịch sử xác định, thường được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật, khoa học, thiết bị, công trình kiến trúc và được hiểu với nghĩa có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay. Hiện đại trong đời sống là những yếu tố mới nảy sinh từ những điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội mới. Khi nói đến khái niệm hiện đại phải đặt nó trong mối quan hệ với truyền thống, gắn với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và gắn với những cái mới nhất. Hiện đại có tính chất thời đại, ngang tầm thời đại; hiện đại thường được gắn với tính tiên tiến. Vai trò của nó trong phát triển văn hóa quân nhân thể hiện ở các nội dung sau:
Hiện đại luôn bổ sung các giá trị mới trong phát triển văn hóa quân nhân. Là những giá trị tiên tiến, mới nhất trong quá trình phát triển của loài người, hiện đại không ngừng làm tươi mới các giá trị truyền thống, một nền văn hóa không có hiện đại thì trở nên lạc hậu, nghèo nàn, thiếu sức sống. Vai trò của hiện đại làm cho văn hóa luôn mang nhịp thở của thời đại, bất kỳ một nền văn hóa nào đều cần hiện đại để tăng độ phong phú, truyền thống của mình. Phát triển văn hóa quân nhân cũng vậy, hiện đại bổ sung những giá trị mới cho quân nhân hoàn thiện về nhân phẩm, khí chất trên cơ sở truyền thống văn hóa vốn có. Mặt khác, trước sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống hiện nay, cộng với ngày càng nhiều các giá trị văn hóa do sự tiếp biến, giao lưu văn hóa đem lại, không thể không tiếp thu các giá trị văn hóa hiện đại phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc để đạt mục đích vừa làm giàu văn hóa dân tộc, vừa tăng vốn văn hóa của chính mình.
Hiện đại là đích vươn tới trong phát triển văn hóa quân nhân. Xu hướng của con người luôn tiến tới hiện đại hóa cuộc sống trên mọi mặt, hiện đại là một tiêu chí đặt ra, là yêu cầu tất yếu để phát triển. Do vậy, nó là đích phấn đấu cho nhân loại nói chung, cho quân nhân nói riêng. Văn hóa quân nhân được hun đúc, hình thành từ truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của quân đội, hiện đại làm văn hóa quân nhân luôn có các giá trị mới của thời đại, nó chỉ được hoàn thiện khi hội tụ đầy đủ lượng truyền thống, lượng hiện đại tạo ra chất truyền thống, hiện đại bên trong. Phát triển văn hóa quân nhân là xây dựng, bồi đắp cho quân nhân có tâm thức lành mạnh, năng lực thành thạo, kỹ năng, đạo đức, nhân cách, lối sống phù hợp với sự phát triển cá nhân và cộng đồng, với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ nên đích hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân là đảm bảo nền tảng truyền thống văn hóa luôn tiên tiến, tươi mới, giúp quân nhân theo kịp nhịp thời đại, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn xây dựng đơn vị, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hiện đại khuyến khích sự sáng tạo trong phát triển văn hóa quân nhân. Sáng tạo là một yêu cầu không thể thiếu của hiện đại, nhờ có sự sáng tạo mà con người ngày càng phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất. Muốn có được các giá trị hiện đại đòi hỏi phải nỗ lực sáng tạo, khi đã đạt được kết quả đặt ra, con người lại tiếp tục hướng tới mục đích cao hơn, đây cũng là chu trình của sự phát triển, hiện đại có vai trò định hướng, khuyến khích con người sáng tạo. Trong phát triển văn hóa quân nhân, sự khuyến khích của hiện đại thể hiện ở việc không ngừng phấn đấu vươn lên, làm cho văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự trở nên phong phú, giàu có, mang tính thời đại, qua đó, bản thân quân nhân ngày càng trưởng thành về đức, trí, thể, mỹ.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò của truyền thống và vai trò của hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân
Hiện nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường cùng với sự không ngừng tiếp biến rất nhiều các giá trị văn hóa gây nên sự hỗn dung về văn hóa ở nước ta, sự va đập đó đã phá vỡ nhiều chuẩn mực, xáo trộn không ít đến truyền thống văn hóa dân tộc và có ảnh hưởng không nhỏ trong phát triển văn hóa quân nhân, khắc phục vấn đề này, cần phát huy vai trò của truyền thống và vai trò của hiện đại với những giải pháp chủ yếu sau:
Truyền thống hóa các giá trị văn hóa hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân.
Thực chất của giải pháp này là phát huy truyền thống Việt hóa của dân tộc. Trong lịch sử, nhờ Việt hóa các giá trị văn hóa do bị cưỡng bức về văn hóa của các thế lực đô hộ, xâm lược và thông qua giao lưu, tiếp biến mà dân tộc tồn tại không bị đồng hóa, ngược lại, tự xây dựng một nền văn hóa đặc sắc, thuần Việt. Phát triển văn hóa quân nhân tập trung làm cho quân nhân phát huy khả năng này để giải quyết tốt các mâu thuẫn như: giữa kế thừa và tiếp thu; cải tạo giá trị còn phù hợp, lọc bỏ giá trị không phù hợp và lựa chọn, bổ sung các giá trị phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhanh chóng định danh hệ giá trị mới, chuẩn mực mới, góp phần làm cho quân nhân tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các giá trị văn hóa quân sự, truyền thống cách mạng của quân đội, đặc biệt, phát huy những phẩm chất, nhân cách cao đẹp, tiêu biểu của con người Việt Nam. Tuy nhiên, cần tránh truyền thống hóa một cách thái quá dẫn tới kỳ thị, bài xích hiện đại, không dung hợp các giá trị văn hóa mới.
Hiện đại hóa các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển văn hóa quân nhân.
Thực chất của hiện đại hóa là làm cho các giá trị văn hóa truyền thống có tính hiện đại, tính tiên tiến của thời đại; bổ sung các giá trị tiến bộ trong quá trình phát triển của văn hóa dân tộc cho quân nhân. Thực hiện giải pháp này góp phần hiện thực chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển con người toàn diện của Đảng, kịp thời bổ sung các giá trị mới mang hơi thở của thời đại, làm dày thêm vốn văn hóa của quân nhân, để quân nhân không bị bỡ ngỡ khi lựa chọn các giá trị văn hóa hiện nay, đồng thời tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo, hoàn thiện hệ giá trị mới, chuẩn mực mới của con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đấu tranh chống lại các yếu tố phản văn hóa hoặc quá đề cao các giá trị văn hóa hiện đại, lãng quên, chối bỏ các giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.
Kết hợp thường xuyên truyền thống hóa và hiện đại hóa trong phát triển văn hóa quân nhân.
Thực chất là giải quyết hài hòa hai xu hướng truyền thống hóa và hiện đại hóa đang nổi cộm hiện nay. Phát triển văn hóa quân nhân cần dựa trên cơ sở truyền thống mới phát triển một cách vững chắc, lấy truyền thống làm điểm tựa để tiếp thu những giá trị hiện đại một cách chọn lọc và chuyển hóa thành giá trị của truyền thống, làm tăng bề dày truyền thống trong quân nhân. Đồng thời, kết hợp thường xuyên hiện đại hóa truyền thống bằng việc bổ sung các giá trị mới, làm cho văn hóa quân nhân mang tính tiên tiến. Khi tiến hành giải pháp cần chú trọng kết hợp hài hòa giữa hai xu hướng, nếu như quá thiên lệch về một mặt sẽ dẫn tới sự mất cân đối hoặc phát triển không đều cũng giống như khi giải quyết không thỏa đáng mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển văn hóa quân sự: “Chỉ nhấn mạnh, tuyệt đối hóa yếu tố hiện đại sẽ làm cho sự phát triển văn hóa quân sự trở nên không bền vững, mất gốc, thiếu sức sống từ chiều sâu truyền thống. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa yếu tố truyền thống sẽ dẫn đến hình thành một thứ văn hóa thủ cựu, trì trệ, chậm đổi mới, phủ nhận tính năng động và sáng tạo trong lĩnh vực quân sự” (3). Do đó, để phát triển văn hóa quân nhân có đủ đầy truyền thống – hiện đại cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Phát huy vai trò của truyền thống, vai trò của hiện đại là vấn đề then chốt trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này một mặt sẽ lưu giữ, kế thừa và chuyển giao những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, một mặt tiếp thu, lựa chọn, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiến bộ cho quân nhân nhằm thực hiện tốt chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đồng thời đạt được mục tiêu kép làm giàu truyền thống văn hóa dân tộc với làm dày vốn văn hóa của chính quân nhân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và yêu cầu của thực tiễn phát triển.
_______________
1. Dương Xuân Đống, Văn hóa quân sự Việt Nam văn hóa giữ nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.981.
2. Hoàng Quốc Bảo, Phạm Thị Nhung, Giáo trình lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2016, tr.39.
3. Văn Đức Thanh, Văn hóa quân sự Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.57.
Tác giả: Đỗ Tiến Dũng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng