Vai trò của văn hóa quân sự trong phát triển văn hóa dân tộc

Văn hóa quân sự là một bộ phận của đời sống văn hóa xã hội. Trong đó, mỗi quân nhân, đồng thời là một công dân, có nhu cầu chính đáng được hòa nhập với đời sống văn hóa của nhiều vòng cộng đồng văn hóa khác nhau. Phát huy vai trò của văn hóa quân sự đối với xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài trong quá trình đổi mới đất nước. Bài viết này minh định vai trò của văn hóa quân sự trong dòng chảy của văn hóa dân tộc trên cơ sở quan điểm phát triển văn hóa mà Đảng ta đã xác định trong Đại hội đại biểu lần thứ XII.


Về vấn đề phát triển văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ tổng quát là: “Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc” (1). Thực chất, đó là một quá trình bao chứa trong nó cả hai mặt cơ bản có mối liên hệ biện chứng không thể tách rời nhau: tiên tiếnbản sắc dân tộc.

Phát triển nền văn hóa tiên tiến là làm cho nền văn hóa nước ta hướng tới những giá trị cao quý, hiện đại, theo kịp mặt bằng văn hóa nhân loại. Điều đó biểu hiện ở trình độ cao của nền văn minh, tiến bộ xã hội cả về đời sống vật chất và tinh thần. Nền văn hóa ấy phải kết tinh được mọi tinh hoa của quá khứ, hòa quyện vào phẩm chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Nền văn hóa tiên tiến phải dựa trên thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – hệ tư tưởng tiến bộ của thời đại, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Đó là nền văn hóa có ý nghĩa hiện thực to lớn bởi nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, nuôi dưỡng và nâng cao tâm hồn của con người Việt Nam, khẳng định giá trị chân – thiện – mỹ đích thực, loại bỏ những cái lỗi thời, thấp hèn, giả dối.

Nền văn hóa tiên tiến đòi hỏi phải xóa bỏ mọi hình thức áp bức tinh thần, bất bình đẳng và bất công trong quan hệ giữa người với người, tạo ra điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng sinh hoạt vật chất, tinh thần, khả năng phát triển toàn diện của các cá nhân. Đó là nền văn hóa mà nhân dân lao động vừa là người có quyền và khả năng sáng tạo ra các giá trị văn hóa, vừa có quyền hưởng thụ chúng. Nền văn hóa đó còn có giáo dục được phổ cập ở trình độ cao, khoa học công nghệ đủ sức giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra, đồng thời tiếp thu được những giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới, tinh hoa của các dân tộc nhằm nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Bản sắc dân tộc trong nền văn hóa thực chất là bộ gen tinh thần, là nhân lõi bản chất của văn hóa mỗi dân tộc. Bản sắc dân tộc của văn hóa tựa như tấm thẻ căn cước để nhận ra dân tộc trong cộng đồng nhân loại, là nhân tố bảo đảm cho dân tộc tự tồn tại, phát triển bằng cách kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống. Chúng ta chỉ có thể xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến khi kết tinh trong đó những giá trị cốt lõi và đặc sắc của dân tộc mang tính bền vững trường tồn trong lịch sử. Nhờ sức mạnh những giá trị đó, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng bao thử thách khắc nghiệt của thiên tai địch họa để tồn tại và phát triển. Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là phải biết giữ gìn bản sắc ấy, chăm lo phát triển sức sống nội sinh để dân tộc không bị đổi màu, hòa tan trước sự du nhập ào ạt của những giá trị văn hóa lai căng. Đó không chỉ là quá trình sáng tạo không ngừng các giá trị tiên tiến theo hướng ngày càng làm dày thêm di sản văn hóa dân tộc, mà còn là quá trình phấn đấu làm cho bản sắc văn hóa dân tộc vươn tới trình độ tiên tiến, thấm hơi thở hiện đại, phát huy mạnh mẽ chân giá trị của nó trong đời sống hiện thực của xã hội.

Xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một mặt phải nắm thực chất của tiên tiếnbản sắc dân tộc. Mặt khác, cần phải nhận thức mối liên hệ mà trong đó, bản sắc dân tộc là cội nguồn, khởi đầu và nền móng giá trị – tinh thần của một dân tộc, cần được làm dày thêm thông qua giao lưu văn hóa để tiếp thu những giá trị tiên tiến của văn hóa nhân loại. Không thể tuyệt đối hóa hoặc coi nhẹ bất cứ mặt nào. Tuy nhiên, mối liên hệ hữu cơ giữa văn hóa tiên tiến và bản sắc dân tộc của văn hóa còn là sự tương tác qua lại mà trong đó, mỗi mặt vận động theo một hệ quy chiếu riêng. Văn hóa tiên tiến vận động theo hệ quy chiếu khám phá, sáng tạo, đổi mới, phát triển. Còn bản sắc dân tộc của văn hóa vận động theo hệ quy chiếu giữ gìn, củng cố, khẳng định nền tảng tinh hoa văn hóa. Song, đây không phải là sự vận động ngược chiều, đối kháng mà là sự chuyển hóa lẫn nhau. Văn hóa tiên tiến đòi hỏi bản sắc dân tộc của văn hóa phải luôn vươn mình lên, lọc bỏ các yếu tố lạc hậu, tự phủ định cái cũ lỗi thời, tự nâng lên tầm hiện đại để bảo tồn và luôn sáng tạo, đổi mới, phát triển. Đến lượt nó, bản sắc dân tộc của văn hóa đòi hỏi mọi sáng tạo, mọi sự tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại phải dựa chắc trên cơ sở truyền thống.

Vai trò của văn hóa quân sự Việt Nam trong phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc được thể hiện ở việc thực hiện một cách đặc thù các chức năng văn hóa của nó.

Thứ nhất, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ mà toàn xã hội phải tham gia, trong đó có quân đội và các tổ chức quân sự trong nền quốc phòng toàn dân. Trước hết, đó là việc thực hiện các chức năng chung của văn hóa nhằm xây dựng con người quân sự và tổ chức quân sự theo những tiêu chí chung của xã hội. Thông qua chức năng giáo dục, văn hóa quân sự định hướng lý tưởng, đạo đức, hành vi của người quân nhân theo những chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh, từ đó gắn đời sống văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với nhiệm vụ chính trị của nền quốc phòng toàn dân. Thông qua chức năng đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn hóa quân sự tập trung làm nổi bật cái đẹp của đời sống quân ngũ, lấy đó làm định hướng để tìm đến cái lành mạnh thay cho những cái không lành mạnh. Ngoài ra, việc thiết lập, không ngừng hoàn thiện các dạng hoạt động và cách ứng xử có văn hóa trong tổ chức quân sự góp phần hoàn thiện văn hóa quân sự theo tiêu chí cái đẹp thống nhất giữa truyền thống với hiện đại.

Thứ hai, văn hóa quân sự còn thông qua chức năng điều chỉnh hành vi nhằm hướng con người quân sự theo những quy phạm xã hội nhất định, giúp họ tự điều chỉnh theo định hướng chung để phát triển lành mạnh. Đồng thời, nó góp phần nhân rộng điển hình văn hóa, tạo ra động cơ, thái độ thi đua tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị trung tâm, góp phần phê phán những biểu hiện lệch lạc, thói hư tật xấu, hành động vô tổ chức, vô kỷ luật.

Thứ ba, vai trò của văn hóa quân sự được thể hiện một cách đặc thù thông qua chức năng bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa quân sự, nhằm gắn kết chặt chẽ giá trị văn hóa quân sự truyền thống với hiện đại, đưa truyền thống vào cuộc sống hiện tại, hướng tới tương lai. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quân sự truyền thống của dân tộc là yêu cầu cơ bản nhằm phát huy vai trò của chúng đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân phù hợp với sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Di sản văn hóa quân sự truyền thống còn là bộ phận hợp thành nền tảng tinh thần trong đời sống văn hóa xã hội, tạo điều kiện để xây dựng, phát triển một cách phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa quân sự truyền thống còn tác động trực tiếp nhằm giáo dục ý thức hướng về nguồn cội, tự lực, tự cường, tự hào, tự tôn dân tộc; tác động đến sự hình thành, phát triển nhân cách con người quân sự, hoàn thiện đời sống cộng đồng. Đó còn là những chứng tích hữu hiệu, đối diện trực tiếp với con người và đời sống hiện tại, tạo nên động lực to lớn thúc đẩy hoạt động thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Vì vậy, để xây dựng văn hóa quân sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần chú ý tới định hướng ý thức bảo tồn di sản văn hóa quân sự.

Thứ tư, sự đóng góp giá trị văn hóa quân sự bộ đội cụ Hồ vào hệ giá trị chung của văn hóa Việt Nam hiện đại đã thể hiện một cách đầy ý nghĩa vai trò của văn hóa quân sự Việt Nam trong xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giá trị văn hóa đó là sự hội kết những nét tinh túy nhất của văn hóa quân sự truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử với bản chất cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh, là sự phát triển đến đỉnh cao của văn hóa quân sự Việt Nam. Hình tượng bộ đội cụ Hồ là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Ngày nay, những người lính cụ Hồ vẫn còn là điển hình tiêu biểu đóng góp vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần hạn chế, chấm dứt các biểu hiện xấu đang ảnh hưởng tới quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như thái độ thờ ơ, lãnh đạm với văn hóa truyền thống, chạy theo xu hướng ngoại lai.

Để phát huy vai trò của văn hóa quân sự trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề hết sức cấp thiết là phải giáo dục cho mọi người lòng trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhằm quán triệt sâu sắc các nội dung cơ bản về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XII. Phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và đưa vào đời sống quân sự các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tạo điều kiện để mọi người sáng tạo văn hóa, xây dựng cảnh quan văn hóa hiện đại nhưng vẫn có ý nghĩa bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

Văn hóa quân sự Việt Nam được coi vừa là một mặt phản ánh của tổ chức và hoạt động quân sự, vừa là một bộ phận của nền văn hóa xã hội. Do đó, nó vừa mang các đặc tính của môi trường văn hóa xã hội, vừa mang những nét đặc trưng riêng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của tính đặc thù hoạt động quân sự. Phát huy vai trò của văn hóa quân sự trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là tất yếu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng, bảo vệ tổ quốc của quân đội ta hiện nay.

_______________

1. Văn phòng Trung ương Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, tr.303.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : PHÙNG DUY HIỂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *