Vai trò người phụ nữ trong đời sống gia đình hiện nay


 

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, vị thế của người phụ nữ đang ngày càng được khẳng định, bởi họ không chỉ có vai trò sản sinh ra cho đất nước một thế hệ mới, mà còn có vai trò giáo dục con cái và tổ chức đời sống gia đình. Ngoài ra, họ còn tham gia vào quá trình sản xuất kinh tế để góp phần xây dựng gia đình và phát triển đất nước.

1. Trong vic sáng to ra con người

Thiên chức của người phụ nữ sau khi lập gia đình chính là việc đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ. Như vậy, phụ nữ có vai trò trực tiếp trong việc phát triển con người. Điều này có liên quan đến vai trò của người mẹ. Các nghiên cứu đã cho rằng “giáo dục được một người phụ nữ là giáo dục được một thế hệ”, điều đó chứng minh rằng, học vấn của phụ nữ có tác động tích cực đến việc nuôi dưỡng con cái.

Từ trước tới nay, vai trò sản sinh ra thế hệ mới của người phụ nữ luôn được đánh giá cao. Sau khi lập gia đình, mọi người đều mong đợi sự xuất hiện của thế hệ tiếp theo. Như vậy, sự duy trì nòi giống là một trong những mục đích cơ bản của quan hệ hôn nhân. Đối với người Việt Nam trước đây, người phụ nữ sẽ được tôn trọng hơn nếu sinh con trai. Do vậy, mặc dù đã sinh rất nhiều con, nhưng nếu là con gái thì họ vẫn mong muốn sinh tiếp để có con trai, điều này đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Đến nay tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại và tạo ra những hệ quả tiêu cực. Tình trạng mất cân bằng giới khi sinh đã bắt đầu được báo động. “Tỷ trọng trẻ em trai được sinh ra đã tăng lên một cách bất thường kể từ năm 2003. Hiện tượng này liên quan đến thực tế là các thiết bị siêu âm chất lượng cao đã được đưa vào trên khắp cả nước” (1).

Trong những năm gần đây, vấn đề về sức khỏe sinh sản đã được Đảng và nhà nước quan tâm, chú trọng, từ chính sách đến hoạt động thực tiễn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy sự thay đổi theo chiều hướng tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi trong việc thực hiện các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Trong kế hoạch hóa gia đình, người phụ nữ vẫn giữ vai trò chính đối với chức năng sinh sản. Vấn đề này cần được nghiêm túc nghiên cứu và có giải pháp phù hợp nhằm mang lại thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ giá trị văn hóa cho phụ nữ Việt Nam.

2. Trong vic t chc đi sng gia đình

Người phụ nữ có vai trò to lớn trong việc tổ chức gia đình và có ảnh hưởng rất lớn đối với con cái. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, họ đóng vai trò của người tư vấn, người chịu trách nhiệm bầu không khí tâm lý gia đình. Hoạt động giao tiếp thăm hỏi, giao tiếp giáo dục diễn ra hàng ngày bằng kinh nghiệm của người bà, người mẹ, người vợ chắc chắn không thể thiếu. Đặc biệt, những hoạt động giao tiếp ấy diễn ra trong các gia đình truyền thống Việt Nam càng nhiều thì chúng càng có ý nghĩa sâu sắc. Do vậy, trong một gia đình hòa thuận, ta cảm thấy ấm cúng và thoải mái. Sự hòa thuận ấy bắt nguồn từ tình yêu giữa người chồng và người vợ.

Tuy được đánh giá là có tầm quan trọng, song hoạt động chăm sóc thường bị đồng nhất với lao động không được trả công của phụ nữ trong gia đình. Hơn thế nữa, người ta coi chăm sóc là năng lực bẩm sinh, gắn liền với thiên chức và bản năng sinh học của phụ nữ. Nó được thúc đẩy bởi tình yêu thương, lòng nhân ái và những chuẩn mực xã hội về nghĩa vụ.

Chăm sóc về thể chất và tinh thần luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của các thành viên trong gia đình. Nó còn có nhiệm vụ hình thành nên các năng lực trong sự phát triển con người. Người vợ và người mẹ luôn dành nhiều thời gian và trách nhiệm hơn các đối tượng khác trong việc chăm sóc gia đình. Có thể nói từ trước tới nay, “việc nhà được coi là nhiệm vụ ở nhà của phụ nữ. Người phụ nữ từ nhỏ đã được giáo dục như thế”(2). Phụ nữ Việt Nam coi việc nhà là việc riêng của mình. Muốn làm mẹ đảm đang, vợ hiền, dâu thảo thì phải bảo đảm làm việc nhà tốt bên cạnh công việc xã hội. Suy nghĩ này khiến họ tốn thêm nhiều thời gian, tâm trí, sức khỏe và không có thời gian dành cho việc học hỏi nâng cao chuyên môn, phát triển cá nhân mình.

Đối với trẻ em, chăm sóc là yếu tố quyết định dinh dưỡng ở trẻ. Điều dễ nhận thấy là, những rủi ro về dinh dưỡng sẽ xảy ra nếu thiếu vai trò của người mẹ. Trách nhiệm người vợ khi so sánh với chồng và các đối tượng khác khi chăm sóc con nhỏ, người ốm và người già thể hiện sự phân biệt vai trò đối với phụ nữ. Người phụ nữ phải thực hiện gần 70% các công việc chăm sóc cho các đối tượng trong gia đình.

Đối với công việc nội trợ hằng ngày, người phụ nữ luôn đảm bảo vai trò chính của mình. Công việc nhà, hay công việc nội trợ, mang những tính chất: làm hàng ngày, liên tục, lặp đi lặp lại, số lượng công việc nhiều, không tạo ra thu nhập, làm dựa trên trách nhiệm và năng lực tình cảm, đòi hỏi sự cần mẫn dẻo dai…

Thực hiện việc tổ chức đời sống giúp người phụ nữ tăng cường vai trò của họ trong gia đình. Việc thực hiện chức năng này giúp họ hiểu và thông cảm đối với các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình càng gần gũi và chia sẻ thì càng góp phần tránh các nguy cơ xung đột dẫn đến bạo hành gia đình. Thực tế cho thấy, khi người vợ chưa làm tròn trách nhiệm đối với gia đình thì nguy cơ tan vỡ hạnh phúc rất lớn. Sự đồng cảm trong gia đình nếu không còn nữa sẽ làm gia tăng những mâu thuẫn vốn rất nhỏ.

Sự phân công lao động theo giới tính làm cho xã hội trao trách nhiệm chăm sóc lên vai người phụ nữ, hay ít ra, người phụ nữ là người chịu trách nhiệm chính công việc chăm sóc. Họ có ít thời gian nhàn rỗi hơn nam giới mặc dù trên thực tế, phụ nữ làm những công việc được trả công ngoài gia đình ngày càng nhiều hơn trước. Nghiên cứu của các nhà nữ quyền cho thấy bạo lực chống lại phụ nữ trong gia đình là kết quả của phân công lao động theo giới tính, địa vị thấp kém và sự phụ thuộc kinh tế của người phụ nữ. Nguyên nhân của bạo hành gia đình là do “động lực ẩn dấu đằng sau hành động bạo lực là ham muốn của người đàn ông trong việc kiểm soát toàn bộ đời sống của người phụ nữ là vợ của anh ta” (3). Hậu quả của hiện tượng bạo lực gia đình gắn với người phụ nữ là rất nghiêm trọng (thương tật, ốm đau, thậm chí bị chết) chưa được xã hội nhận thức đầy đủ.

3. Trong vic giáo dc con cái

Việc chăm sóc, giáo dục con cái diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về vật chất mà còn tinh thần. Chính vì thế phụ nữ là người thày đầu tiên của trẻ em trong gia đình. Yêu cầu của bối cảnh xã hội mới trong TK XXI và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là phải có một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, trí tuệ thông minh, đạo đức nhân cách tốt, thể lực khỏe mạnh. Gia đình là nơi đào tạo đầu tiên giúp trẻ đi vào cuộc sống, chuẩn bị tiềm lực cho trẻ đến khi trưởng thành. Gia đình trước hết giúp trẻ em trưởng thành về thể chất, trí tuệ và tình cảm. Trong thực tế, vai trò của người mẹ rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ và làm cho quá trình xã hội hóa của trẻ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho trẻ. Chính hoạt động hàng ngày của người mẹ ở gia đình tác động đến trẻ nhiều hơn và giúp chúng nhận ra sự khác nhau về vai trò giữa mẹ và bố. Ngay cả thiên tài hay vĩ nhân đều cần đến vai trò của người mẹ. Chức năng giáo dục của gia đình có mối liên hệ với việc thỏa mãn các nhu cầu tình cảm, chăm lo sức khỏe đối với mỗi thành viên. Trong gia đình, cha mẹ cần phải thống nhất với nhau trong phương pháp giáo dục con cái.

Giáo dục con cái cũng là gánh nặng trách nhiệm của người phụ nữ vì người mẹ thương con, hiểu con và có điều kiện gần con nhiều hơn. Trong điều kiện giao lưu, hội nhập kinh tế như hiện nay, không thể ngăn chặn tuyệt đối tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai, tệ nạn xã hội đối với thanh thiếu niên. Mặt trái của truyền thông, nhất là internet, ảnh hưởng không nhỏ đến con cái nếu giáo dục gia đình không tốt, vai trò giáo dục, bảo vệ, chăm sóc của bà mẹ không tích cực. Truyền thống gia đình, nếu không có vai trò của người mẹ, sẽ khó có thể được bảo vệ và duy trì. Người nào sinh trưởng trong một gia đình có nhiều truyền thống tốt đẹp sẽ có điều kiện thuận lợi để ổn định cả cuộc sống riêng bản thân và gia đình của mình. Bởi lẽ, ý nghĩa sư phạm của các truyền thống gia đình là ở chỗ chúng gắn bó mọi người lại với nhau, củng cố tình cảm ruột thịt. Truyền thống gia đình tốt đẹp góp phần tạo nên sự tôn trọng lẫn nhau, giúp gia đình trở thành một tập thể hòa thuận và năng động.

Giữa cha và mẹ có những điểm khác biệt trong cách chăm sóc con, bắt nguồn từ đặc điểm giới tính. Trong quá trình dạy con, người mẹ nghiêng về mặt tình cảm, yêu thương thiết tha với sự tiến bộ của con. Bên cạnh đó, do có chức năng sinh đẻ, nuôi con bú, người mẹ thường xuyên có mặt tại nhà để săn sóc con cái. Người mẹ là người vun đắp sự ấm cúng của gia đình, chăm lo từng bữa ăn, áo mặc, sức khỏe, vui chơi, giải trí của con cái và các thành viên khác, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, đặc biệt là thu vén các khoản chi tiêu cho phù hợp với thu nhập gia đình, đảm bảo cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, người mẹ có vai trò rất quan trọng trong giáo dục trẻ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. Người mẹ gần gũi con hàng ngày, dạy con về nếp sống và lối sống đạo đức con người, phát hiện kịp thời những sai lệch, luyện cho con tập nói, tập cầm bát đũa ăn cơm, tập đánh vần… Qua lời hát ru, người mẹ dạy con về đạo đức nhân nghĩa của cha ông ta, truyền thống yêu nước của dân tộc. Với thái độ dịu dàng và tế nhị, người mẹ cảm hóa và thuyết phục con. Trong thời đại ngày nay, người phụ nữ Việt Nam cũng cần phải có những kiến thức văn hóa chung và những tri thức về tâm lý lứa tuổi trẻ em. Sự hòa thuận gia đình và yêu thương từ người mẹ là những chất liệu tốt nhất để hình thành nhân cách vĩ đại. I. A. Pêtrênicôva cho rằng: gia đình là trường học tình cảm đầu tiên và ở đâu ngự trị lòng thành thật, sự trìu mến, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, ở đó sẽ có không khí chân tình. Nhưng những quan hệ như thế không phải tự chúng hình thành mà là kết quả của sự phân công lao động hết sức thông minh của những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, giáo dục con là cả một nghệ thuật và cũng cần phải có một phương pháp khoa học, nhất quán.

4. Trong vic phát trin kinh tế

Ngày nay, chức năng kinh tế trở nên đặc biệt và quan trọng trong thiết chế gia đình. Người phụ nữ ngoài việc làm mẹ, làm vợ, đảm trách các công việc thường nhật, còn có vai trò đóng góp thu nhập cho gia đình. Khi người phụ nữ có thể kiếm thêm thu nhập thì vai trò của họ trong gia đình cũng dần tăng lên, và sẽ tạo sự độc lập kinh tế đối với nam giới. Quá trình này làm tăng tính độc lập và tự tin, tạo cho phụ nữ có nhiều quyền quyết định hơn trong gia đình, tăng sự chia sẻ công việc gia đình. Điều này khẳng định, đối với vai trò tạo ra thu nhập cho gia đình, người phụ nữ cũng không thua kém nam giới. Ngày càng có nhiều người vợ cùng chồng quyết định những công việc quan trọng của gia đình. Người phụ nữ cũng gắn liền với sản xuất kinh tế của gia đình. Báo cáo điều tra gia đình Việt Nam 2008 ghi nhận có đến 53 % số phụ nữ ở thành thị đứng tên trong giấy tờ đăng ký sản xuất kinh doanh (4). ở Việt Nam hiện nay, vai trò trụ cột kinh tế đã không còn là độc quyền của người chồng. Người vợ có xu hướng cùng chồng bàn bạc và đưa ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng của gia đình.

Bên cạnh công việc tạo thu nhập kinh tế cho gia đình, người phụ nữ còn phải cố gắng rất nhiều để vượt qua những áp lực công việc hàng ngày. Do vậy, họ ít có điều kiện để nghỉ ngơi, giải trí và nâng cao trình độ. Ngay công việc đang làm, người phụ nữ phải đầu tư nhiều công sức hơn các đồng nghiệp nam. Việc nhìn nhận chức năng này một cách thỏa đáng giúp người phụ nữ thể hiện rõ vai trò kinh tế của họ. Xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi, đặc biệt từ giai đoạn đổi mới năm 1986, đã tác động đến vai trò giới trong gia đình. Các kết quả nghiên cứu về phân công lao động trong gia đình đã phản ánh vai trò phụ nữ và chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam. Ngày nay, người đàn ông đã tham gia giúp phụ nữ đảm nhận việc nhà. Tuy nhiên, với việc chăm sóc con cái, phụ nữ vẫn đóng vai trò chủ chốt. Phụ nữ vẫn tiếp tục đóng các vai trò lớn trong công việc nội trợ và chăm sóc con cái, nhưng mức độ tham gia của nam giới cũng đang tăng lên.

Người phụ nữ Việt Nam ngày nay vẫn cùng lúc đảm nhiệm hai vai trò. Đối với vai trò người vợ, họ không những phải sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái mà còn phải chăm lo công việc nội trợ gia đình. Đối với vai trò của người lao động, họ phải tham gia hoạt động kinh tế để góp phần nuôi sống gia đình. Thời gian đảm nhiệm công việc gia đình và tham gia lao động hầu như chiếm gần hết thời gian trong ngày của họ. Thời gian dành để nghỉ ngơi, hưởng thụ các giá trị văn hóa và hoạt động bên ngoài xã hội còn rất ít. Như vậy, nếu người phụ nữ phải làm thêm giờ thì quỹ thời gian dành cho họ lại thu hẹp, sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng và việc nâng cao trình độ hiểu biết, mở mang kiến thức sẽ rất hạn chế. “Phụ nữ ít có điều kiện để được học tập, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn bằng nam giới, do gánh nặng kiếm sống và trách nhiệm với gia đình” (5). Do bị ràng buộc vào trách nhiệm đối với gia đình và con cái, họ không có điều kiện và cơ hội tham gia những công việc mà họ ưa thích, có năng suất cao, thu nhập tốt. Sự phân công tự nhiên đó tồn tại từ nhiều đời nay, đã đem lại sự bất bình đẳng nam nữ trong việc tìm kiếm và lựa chọn việc làm, ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội lựa chọn nghề nghiệp xã hội. Phụ nữ thường bị dồn vào những công việc chân tay đơn giản, năng suất thấp, thu nhập ít ỏi và họ phải chấp nhận để có điều kiện, thời gian chăm sóc gia đình và con cái… Quá trình tham gia vào thị trường lao động của họ đang tạo ra sự phân công lao động xã hội cần thiết, và dần thể hiện được vai trò của mình để không còn phụ thuộc vào đàn ông như trước. Quá trình đó đòi hỏi phải có sự chia sẻ công việc nhà của người đàn ông, và xem việc nhà như trách nhiệm và quyền lợi của họ.

_______________

1. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Mất cân bng gii tính khi sinh Vit Nam – Bng chng t tng điu tra dân s và nhà năm 2009, Hà Nội, 2010, tr.29.

2. Mai Huy Bích, Xã hi hc gia đình, Nxb Khoa hc Xã hi, Hà Nội, 2003, tr.181.

3, 4. Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Số liu thng kê gii ca Vit Nam nhng năm đu thế k XXI, Nxb Phụ n, Hà Nội, 2005, tr.226, 27.

5. Lê Thi, Phụ n và bình đng gii trong đi mi Vit Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1998, tr.83.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013

Tác giả : Võ Văn Dũng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *