Văn bản tuồng hán nôm với việc phục hồi tuồng cổ hiện nay


       Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống hình thành từ rất sớm ở nước ta. Có giả thuyết căn cứ vào sự kiện Lý Nguyên Cát cho rằng tuồng có xuất xứ từ Trung Quốc và xuất hiện ở Việt Nam từ TK XIII, nhưng cũng có ý kiến khẳng định tuồng được hình thành trên cơ sở xã hội và văn hóa Việt Nam, trong quá trình phát triển chịu sự tác động của sân khấu Trung Quốc. Đến thời Nguyễn, nghệ thuật tuồng phát triển cao với các tổ chức diễn tuồng trong cung đình, có các rạp hát quy mô lớn, như: Thanh Bình thự, Duyệt Thị đường, Viên Tĩnh Quang, Minh Khiêm đường. Đặc biệt, trong thời kỳ này, phong trào soạn tuồng phổ biến và rộng khắp, có nhiều tác giả nổi tiếng như: Tự Đức, Đào Tấn, Nguyễn Văn Diêu, Nguyễn Gia Ngoạn, Nguyễn Đình Chiêm, Nguyễn Hiển Dĩnh, Bùi Hữu Nghĩa. Số kịch bản lên tới hàng trăm vở, như: Sơn Hậu, Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy, Hộ sanh đàn, Trầm Hương các, Diễn Võ đình…

Kịch bản tuồng ở thời kỳ đầu đều viết bằng chữ Hán, Nôm vì lúc đó chưa có chữ quốc ngữ, hơn nữa ngôn ngữ văn tự chính thống lúc đó là chữ Hán và Nôm. Khi chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi, chữ Hán, Nôm mới trở thành một thứ cổ tự không được dùng nhiều nữa. Hiện nay chúng ta còn tìm thấy hàng trăm kịch bản tuồng được viết bằng chữ Hán, Nôm, như: Sơn hậu, Gia Ngẫu, Quần phương tập khánh, Đào Phi Phụng, Tam quốc, Trần trá hôn được viết theo một nguyên tắc nhất định, nghĩa là những câu văn vần và thơ (hát nam, hát khách) thì viết bằng chữ Hán, còn bộ phận văn xuôi trong kịch bản (nói lối, hường, kẻ….) thì viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Song, hầu hết những vở tuồng này đều khuyết danh hoặc đề tên người sao chép (có thể là sao chép nhiều lần, hay chép lại qua truyền khẩu). Hơn nữa, hiện nay phần đông tác gia và giới nghiên cứu tuồng ít có dịp đọc nguyên bản kịch bản tuồng cổ bằng chữ Hán, Nôm, mà chỉ đọc bằng tiếng Việt thông qua công tác phiên âm, biên dịch, chú giải. Những văn bản tuồng Hán Nôm hiện còn có nhiều dị bản, gây không ít khó khăn trong vấn đề khai thác tuồng cổ.

Vậy chúng ta dựa vào kịch bản Hán Nôm nào để phục hồi tuồng cổ? Nếu chỉ dựa vào một văn bản Hán Nôm mà phục hồi thì thiết nghĩ còn nhiều sơ suất, chưa kể đến hiện tượng văn bản tuồng Hán Nôm hiện đang lưu trữ tại Viện Sân khấu – Điện ảnh, Nhà hát Tuồng TƯ, Viện nghiên cứu Hán Nôm (bao gồm những văn bản tuồng Hán Nôm sao chụp từ các thư viện của Anh, Hà Lan, Pháp), Huế, Đà Nẵng và các kịch bản tuồng cổ nằm rải rác trong các gia đình nghệ nhân…, không mấy kịch bản còn nguyên vẹn, may ra còn sót lại một số văn bản còn đầy đủ, như: Sơn hậu, An trào kiếm, Lưỡng quốc trá hôn… Chưa kể tới những pho tuồng dài tới một trăm hồi, diễn ngót nghét trăm đêm xuất hiện dưới triều Nguyễn, như: Vạn bửu trình tường, Quần phương tập khánh, Tam quốc,... đã lưu ly thất tán, mỗi nơi còn lưu giữ vài hồi, không thể ghép thành một kịch bản tuồng hoàn chỉnh. Niên đại, nét chữ của những kịch bản này cũng không giống nhau, nội dung kịch bản cũng đã có nhiều thay đổi.

Chẳng hạn như kịch bản Sơn hậu, một trong những tác phẩm được các nhà nghiên cứu đánh giá, xếp loại vào tác phẩm tuồng thày. Hiện nay, tại các Viện nghiên cứu và trong các gia đình tư nhân vẫn còn một số văn bản khác nhau viết bằng chữ Hán Nôm: Viện Sân khấu – Điện ảnh lưu trữ ba văn bản khác nhau: ký hiệu HN56 (chỉ còn hồi 3), ký hiệu HN57 (nhan đề Sơn hậu diễn truyện), ký hiệu HN60; Nhà hát Tuồng TƯ lưu giữ một bản chép năm Khải Định thứ 10 (1925, đã dịch và chú giải); Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện có hai văn bản: một bản lập năm Khải Định thứ 2 (1917) và một bản gồm 3 hồi (nhan đề Sơn hậu diễn truyện, sao chụp từ Hoàng gia vương quốc Anh); còn một bản do Trần Hữu Hiền lập năm Khải Định thứ 2 được in trong cuốn Sơn hậu diễn truyện do ông Hoàng Văn Tố phiên âm và chú giải (đã xuất bản)… Những văn bản này đều là văn bản chép tay dưới triều Nguyễn.

Do đó, các đoàn nghệ thuật, các nhà hát, khi phục hồi, khai thác các kịch bản tuồng cổ đưa lên sân khấu dàn dựng phải chú trọng đến khâu chọn lọc văn bản. Lựa chọn văn bản tuồng cổ nào, giữ nguyên trạng một kịch bản hay lựa chọn từ nhiều văn bản tuồng Hán Nôm khác nhau hiện còn, biên tập, chỉnh lý thành một kịch bản hoàn chỉnh nhưng vẫn giữ được hồn, cốt của kịch bản tuồng cổ. Công tác dàn dựng ra sao, diễn viên diễn như thế nào, trình thức múa, hát, ra vai ra sao, tiết tấu của vở diễn như thế nào… quả thật là những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với các đơn vị nghệ thuật tuồng. Theo chúng tôi, để làm được những vấn đề này, trước khi lên kế hoạch phục hồi một vở tuồng truyền thống nào, các đơn vị nghệ thuật tuồng nên sưu tầm các kịch bản tuồng hiện còn về vở diễn ấy (kịch bản Hán Nôm, các văn bản phiên âm, chú giải kịch bản bằng chữ quốc ngữ, băng hình và ghi chép của các nghệ nhân về vai diễn) và thành lập hội đồng thẩm định. Hội đồng bao gồm các ê kíp đã từng thực hiện vở này như: đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tuồng và nhà nghiên cứu Hán Nôm… Sau khi đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia liên ngành, chúng ta mới tiến hành dàn dựng. Nhưng để làm được điều này, rất cần có thời gian và sự đầu tư kinh phí từ những cơ quan nhà nước.

Việc sưu tầm các văn bản tuồng cổ Hán Nôm cũng là một vấn đề quan trọng, nhất là việc tìm đọc, đối chiếu những dị bản của các kịch bản tuồng cổ càng cần thiết hơn.Vì có làm như vậy, chúng ta mới thấy rõ nguyên tác của văn bản tuồng và từ đó xác định được văn bản nào là cổ nhất, bản nào là của tác giả sáng tác, bản nào là kinh bản (tức là bản đã được chỉnh lý ở kinh đô), bản nào là phường bản (tức là bản lưu hành trong dân gian) và tiến tới lần lượt tìm hiểu lai lịch xuất xứ, niên đại, tác giả (hoặc người sao chép) của từng văn bản tuồng cổ, giúp các đơn vị nghệ thuật tuồng có phương án lựa chọn tốt nhất kịch bản mà họ muốn phục hồi.

Hơn nữa, những vở tuồng cổ Hán Nôm hiện nay nếu dàn dựng và biểu diễn mà không được giải nghĩa, sẽ khó tiếp nhận cho cả người diễn lẫn người xem. Vì kịch bản tuồng bằng Hán Nôm nên ít người xem hiểu, trong kịch bản có rất nhiều điển tích, điển cố, dẫn đến tình trạng người xem không tiếp thu được nội dung của vở tuồng cổ đó. Và người diễn nếu như không hiểu hết ý nghĩa của các câu chữ Hán Nôm trong kịch bản tuồng cổ thì cũng khó lột tả hết tâm trạng, tính cách của nhân vật, khó diễn tròn vai, làm giảm chất lượng vở diễn. Cho nên những người làm công tác nghệ thuật cũng cần chú ý, nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Gần đây, với tiêu chí là để cho lớp diễn viên trẻ học vai mẫu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật với khách quốc tế và chuẩn bị cho liên hoan tuồng truyền thống, các đơn vị nghệ thuật tuồng đã bắt tay vào phục hồi các vở tuồng truyền thống, như: Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng các vở Sơn hậu, Son sắt một lòng (trong pho tuồng Đào Phi Phụng) và Lưu Kim Đính; Nhà hát Tuồng Khánh Hòa vừa phục dựng vở Tam hạ nam đường, Sơn hậu, Triệu Đình Long, Ngũ hổ bình tây, Chung Vô Diệm…; Nhà hát Tuồng Đào Tấn với các vở: Sơn hậu, Diễn võ đình, Đào Tam Xuân loạn trào, Tam hạ nam đường,…; Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế vừa phục hồi vở Quần phương tập khánh; Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa phục dựng vở Sơn hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn

Đa phần các đơn vị nghệ thuật này đều dựa “trên cơ sở về mặt văn bản tuồng cổ, dựa vào kiến thức tích lũy được để phục hồi theo hướng phải đảm bảo trình thức, múa, hát của tuồng cổ”(1). Tuy nhiên, có những vở diễn phục hồi chỉ để ghi hình làm tư liệu, có những vở chỉ phục dựng để tham gia liên hoan sân khấu truyền thống, sau đó lại đắp chiếu, có diễn cũng không có người xem, có vở phục hồi nhằm diễn phục vụ quần chúng nhân dân và du khách, nhưng số này rất ít.

Với tình hình như vậy, việc phục hồi tuồng cổ nên tiến hành theo hai hướng:

         Phục vụ khán giả trong nước

Nên so sánh những văn bản Hán Nôm hiện còn, chọn, chỉnh lý và rút ngắn thành một kịch bản hoàn chỉnh diễn trong một đêm, lời hát cũng phải chỉnh sửa, nhưng vẫn phải giữ nguyên cấu trúc, niêm luật của tuồng cổ, tránh hiện tượng chỉnh lý, cải biên kịch bản tuồng cổ một cách tùy tiện.

Phục hồi tuồng cổ phải căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, vùng miền và phải dựa vào tâm lý thưởng thức của khán giả từng nơi đó. Trước tiên, nên chọn những kịch bản có tích lưu truyền trong dân gian, như: Kim Vân Kiều truyện, Hán Sở tranh hùng, và các hồi tuồng trong pho tuồng Tam quốc...

Phục vụ khách du lịch quốc tế

Tuồng cần phải quảng bá sản phẩm của mình, thu hút khách du lịch, khách nước ngoài. Dựng nguyên trạng kịch bản bằng Hán Nôm (có thể một vài vở nổi tiếng như: Sơn hậu, Trầm hương các, Quần phương tập khánh, Tam hạ nam đường,… với mục đích phục vụ du lịch là chính. Tại các khu du lịch nổi tiếng: rạp Hồng Hà, Nhà hát Duyệt Thị Đường, Nha Trang – Khánh Hòa nên có lịch biểu diễn cụ thể và kết hợp với các công ty lữ hành trong nước và nước ngoài để quảng bá. Khi tiến hành phục dựng những vở này cũng phải chọn lựa diễn viên, nếu như diễn viên chưa từng diễn những vai diễn này trong các vở tuồng dựng trước đó thì cần phải qua thời gian đào tạo, rèn luyện của các diễn viên lớp trước.

Khi phục hồi lại vở, nên có chuyên gia Hán Nôm giải thích cho diễn viên những câu chữ, điển cố, điển tích bằng Hán Nôm và có các nghệ nhân, diễn viên kỳ cựu truyền dạy về nghệ thuật biểu diễn…

Phục hồi nhưng vẫn phải giữ được hồn, cốt của tuồng cổ và phải giữ được chính văn.

Công tác phục hồi tuồng cổ rất công phu, tốn kém cho nên cần phải có sự đầu tư của các cơ quan chủ quản nhà nước: đầu tư thời gian, kinh phí… và phải có sự hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia liên ngành.

Việc khai thác các di sản quý báu của ông cha ta cần phải được tiếp tục làm nhiều hơn nữa. Những văn bản tuồng cổ hay cần được phục hồi và phổ biến rộng rãi trong nước, mặt khác cũng phải từng bước giới thiệu với du khách quốc tế, để họ được thưởng thức những tác phẩm hay của sân khấu tuồng. Điều cần thiết hơn nữa là, chúng ta phải đưa những văn bản Hán Nôm tuồng, vở diễn đã phục hồi vào giảng dạy ở khoa sân khấu, bảo tồn bảo tàng, khoa văn hóa của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học khoa học xã hội nhân văn, trường văn hóa nghệ thuật để sinh viên dần làm quen và hiểu những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này. Làm được như vậy thì nghệ thuật tuồng, đặc biệt là tuồng cổ, không bị mai một, mà còn được sống dậy và nhân lên. Đây là cách thức để chấn hưng sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, đồng thời dần khiến nó trở thành một hình thức nghệ thuật được khán giả đương thời ưa thích.

_______________

             1. Hoàng Ngọc Đình, Phục hồi tuồng cổ với cố gắng sáng tạo, Báo Bình Định, 28-5-2010.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Vân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *