Văn chương đích thực mãi xanh tươi như chính cây đời


Từ ngày 16-4 năm nay, cư dân mạng toàn cầu có thể thụ hưởng trực tiếp tại một địa chỉ internet không chỉ tiểu thuyết Bà Bovary mà quan trọng hơn là cả quá trình nhà văn xây dựng tác phẩm, công trình văn chương và khoa học kiệt suất, được xếp vào nhóm mươi kiệt tác hút hồn nhất xưa nay trên văn đàn nhân loại.

Cha đẻ của Bà Bovary, Gustave Flaubert (1821-1880), sinh ra và lớn lên ở thị trấn Rouen, vùng Thượng Normandie của Cộng hòa Pháp, về sau suốt đời sống ở Croisset, không xa đấy. Ông không vợ không con, cho nên người thừa kế là cháu gái Caroline Franklin Groult. Bà cháu sớm linh cảm được cái duyên và sự trẻ mãi không già của bộ bản thảo tác phẩm, chăm chú giữ gìn nó còn hơn một báu vật trong trên ba thập kỷ. Năm 1914, bà chuyển giao cho tòa thị chính Rouen toàn bộ bản thảo Bà Bovary, gồm bản chép tay cuối cùng và nhiều dàn ý, sườn cốt truyện, đặc biệt là hàng chục bản nháp với vô số chỗ gạch xóa, sửa chữa, viết lại. Tòa thị chính bảo quản cẩn thận 4.456 trang giấy ấy cho đến tận bây giờ. Từ năm 2001, khoa văn Đại học tổng hợp Ruen đề xuất với Thư viện thị trấn dự án phối hợp mở một trang web dành cho Bà Bovary, đáp ứng nhu cầu khám phá và tìm hiểu về văn hào Flaubert và cuốn sách để đời của giới nghiên cứu phê bình và độc giả khắp thế giới. Đương nhiên trang web ấy trước tiên là dành cho bạn đọc Pháp, nhất là học sinh sinh viên và giới học đường vốn say mê và tìm đọc cuốn sách đó đến độ các học giả văn học luôn thấy bất ngờ. Xin lưu ý, Bà Bovary được tái bản và chuyển ngữ liên tục, thường xuyên thuộc số những cuốn sách Pháp được đọc nhiều nhất trên thế giới. Năm 2005, ở Pháp, nó tiêu thụ được suýt soát một triệu bản, trong đó giới trẻ học đường mua hai phần ba. Chính quyền Rouen hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của các học giả tâm huyết với văn học nói chung và với một hiện tượng văn chương càng ngày càng nức lòng nói riêng. Tòa thị chính Rouen đã trân trọng trao lại cho ban chủ trì thực hiện dự án tất cả hồ sơ nhận từ tay bà Caroline. Việc đưa lên trang web bộ hồ sơ có một không hai không hề đơn giản.

Đã hơn trăm năm trôi qua từ khi những con chữ của Flaubert đành nằm yên trên giấy. Chuyện phai mờ, ẩm mốc và do đó khó nhận mặt nhiều chữ là hiển nhiên. Vì vậy, chỉ có đọc rõ và chép lại chúng lên màn hình vi tính mới giúp người khác theo rõi được. Việc phục dựng từng trang như được sao từ bản gốc quả là đáng sợ. Một người dù tài giỏi đến đâu dành cả đời cho việc ấy cũng không làm nổi. Sau nỗ lực không mệt mỏi của các giáo sư văn chương khu vực Thượng Normandie, công việc tiến triển xem chừng còn chậm hơn rùa. Thực tế, một người thành thạo nghiệp vụ văn bản điện tử phải bỏ ra tối đa mười giờ, tối thiểu ba giờ để giải mã xong một trang của Flaubert, cây bút khó tính nhất xưa nay trong chuyện chọn từ. Từ giữa năm 2006, Ban dự án Trang Web Bà Bovary, giờ có thêm Trung tâm Flaubert, tung lên liên mạng toàn cầu lời kêu gọi sự góp sức không công của những người hâm mộ bà Bovary và sùng bái Flaubert. Rất nhiều người hưởng ứng, và qua tuyển chọn của các chuyên gia, 130 chủ nhân sành sỏi của công nghệ tin học được mời tham gia công việc. Họ đến từ 15 quốc gia khắp năm châu, từ Achentina, Anh, Nhật Bản đến Thụy Sĩ, Thái Lan, Ghana hay Hoa Kỳ. Độ tuổi từ 16 cho tới 76. Nghành nghề đa dạng, nào các bà nội trợ, các cô trợ giúp xã hội, nào các lái xe, nghệ sĩ và thậm chí các nhà thăm dò dầu mỏ. Hỗ trợ đắc lực cho họ là gần 400 học sinh trung học dưới sự chăm lo và dẫn dắt của các thầy cô giáo, chủ yếu của khối các nước nói tiếng Pháp.

Ngoài một số vị đã nghỉ hưu hay có thu nhập ổn định, đa phần phải tận dụng thời gian tạm nghỉ và phải làm ngoài giờ. Ban tổ chức hoạch định tỉ mỉ và khoa học một kế hoạch làm việc chung, kèm theo những kế hoạch cho từng phần việc hay từng công đoạn. Sự phối hợp giữa các bộ phận và giữa các thành viên của từng bộ phận phải ăn ý, thường xuyên và nhịp nhàng. Những cuộc gặp gỡ và trao đổi tại thực địa không nhiều lắm. Nhưng qua bộ đàm và qua mạng là liên tục và dồn dập. Những sợi dây vô hình ấy hiện nay đang biến thành những mối giao lưu văn chương, văn hóa và nhân loại độc đáo trên khắp hành tinh, khởi phát là bà Bovary. Chúng tăng trưởng mạnh, vượt ra ngoài những người chung sức chung lòng cho địa chỉ mạng Bà Bovary, một kỳ tích chưa từng có của mối ràng buộc giữa tác giả và công chúng, giữa văn chương và cuộc đời. Hai năm rưỡi của “cuộc phiêu lưu nhân văn” kỳ lạ ! Tại Bảo tàng mỹ thuật Rouen, ngày 15-4 vừa rồi, Tòa Thị chính Rouen, Trường Đại học và Thư viện thị trấn, Trung tâm Flaubert đồng tổ chức lễ khai trương xúc động Trang web mong đợi. Trang web được chào đón như một sự kiện văn hóa và xã hội mà âm hưởng muôn điệu là không cùng. Nhiều bộ từ điển trên đó được tra cứu thuận tiện và lý thú. Ví dụ nghĩa của không ít từ dùng trong tiểu thuyết Bà Bovary là cực kỳ đa dạng, không trùng lắp, mà luôn biến hóa tùy theo văn cảnh và tâm trạng nhân vật. Độc giả băn khoăn có thể tìm nghĩa ở đoạn mình đang đọc trong tự điển này. Trang web cũng có những bản đồ, chẳng hạn bản đồ ghi lại hành trình sống và hành trình yêu của Emma Bovary. Vào trang web Bà Bovary, nhiều độc giả không kìm được hiếu kỳ, cứ vô tình lần theo bước chân của người đàn bà bất hạnh, với bao cảm xúc trái chiều khó tả dấy lên và trào dâng mãnh liệt. Độc giả muôn phương không băn khoăn gì nữa, Bà Bovary đã là một người thật sống giữa mọi người.

Công chúng hôm nay chắc hẳn sẽ trải nghiệm sự tò mò bí hiểm của Maxime Gorki, khi văn hào Nga xô viết giơ lên ánh mặt trời xem trong trang sách ông đang đọc có gì nhiệm mầu mà khiến mình xúc động đến thế. Đấy là những trang trong Một trái tim thuần hậu, một truyện ngắn hoàn mỹ của Flaubert. Những chuyện về lao động nhà văn si mê và nhọc nhằn của ông được kiểm chứng qua các trang bản thảo, như chính ông mời đọc. Thông thường, ông viết trên một mặt giấy. Mặt sau để phòng sẽ sửa chữa. Thực tế diễn ra đúng vậy, ông gạch xóa, thêm bớt và viết lại rất nhiều. Viết xong một đoạn, ông đọc to lên, kiên trì phát hiện những chỗ “thùng rỗng kêu to” và loại bỏ chúng. Có đoạn ông viết đi viết lại tới hơn 50 lần. Mỗi câu văn của ông phải vang lên tự nhiên và ý nhị như những lời nói thường nhật thâm thúy nhất và hay nhất. Mỗi ngày hoàn thành được mấy dòng, ông mất hẳn năm năm, từ 1851 đến 1856, để hoàn chỉnh Bà Bovary. Từ chuyện một vụ án có thật, ông đã làm nên một tác phẩm văn chương thứ thiệt, bởi vì ông đã đưa hết mình, tức đưa trọn vẹn tình yêu văn chương, tình yêu con người đắm đuối vào đấy. Việc thai nghén tiểu thuyết Bà Bovary thực ra khá ly kỳ. Ý tưởng về nó không nằm trong trăn trở từ trước của Flaubert. Nó đến bất chợt từ một thất bại thật khó tin, chua chát và bẽ bàng. Năm 1849, trong ba ngày liền, ông đọc cho các bạn thân và nhà phê bình nhiệt tâm với mình bản thảo Sự cám dỗ của Thánh Antoine mà ông vừa hoàn thiện. Ngược hẳn với đinh ninh của ông, các bạn cho rằng cuốn sách không đạt, không thể đưa in. Họ khuyên ông chọn một đề tài “sát đất”, chẳng hạn chuyện có thật, một phụ nữ ngoại tình, bị xiết nợ, vừa tự sát, mà báo chí đang ầm ỹ. Ông nghe lời họ, đi tìm hiểu thực địa. Rồi ngẫm nghĩ, không phải để viết một chuyện vụ án thật lâm ly mùi mẫn, mà để hiến cho bạn đọc một áng văn tuyệt đẹp. Nếu ông dễ dãi, bằng lòng với việc “sản xuất” cho nhanh để thu bộn tiền một tiểu thuyết hình sự, chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau vĩnh viễn không có nổi một văn nhân kỳ tài đáng được sùng kính như một vị thánh và một tác phẩm hút hồn kỳ lạ, có lẽ không kém những vần thơ hay nhất của Alexandre Pouchkine, Mặt trời của thi ca Nga và nhân loại.

Giữ nguyên trong tiểu thuyết tương lai chuyện thật và người thật ngoài đời, ông vỡ lẽ rằng thử thách ghê gớm nhất đối với ông là việc thể hiện đời sống nội tâm của các nhân vật. Ngày hôm nay, không chỉ giới chuyên môn sửng sốt về phát kiến có tính quyết định đối với sự phát triển của văn chương nhân loại, được tiến hành đồng thời vào những năm 1880 bởi Flaubert và Tolstoi, văn hào Nga, và có lẽ bởi cả Ibsen, nhà viết kịch vĩ đại Thụy Điển, rằng điều cốt tử của chủ nghĩa hiện thực là sự thật tâm hồn diễn tiến hợp lý trên nền tảng của sự thật xã hội. Sự thật tâm hồn vì là của người khác nên đâu có dễ nắm bắt và diễn tả. Cố nhiên, nhà văn phải hóa thân vào nhân vật, càng sâu càng hay. Nhằm vẽ lên chính xác thế giới nội tâm của các nhân vật, nhất là của bà Bovary, Flaubert phải tưởng tượng ghê gớm, và dù muốn dù không, ông dần dà cho sống dậy trong chúng những kỷ niệm và tình cảm riêng tư cùng những phản ứng với thời cuộc của ông, đặc biệt là quan hệ yêu đương và những bất đồng của ông với Louis Colet, nữ thi sĩ cùng thời. Tất nhiên, ông phải chọn lọc những chi tiết tương ứng nhất với tâm trạng nhân vật trong từng tình huống cụ thể. Bên cạnh việc khắc họa chính xác phong tục tập quán và không khí thời đại của các khu vực là bối cảnh truyện, chuyện hóa thân vào nhân vật khiến ông triền miên lao tâm khổ tứ. Hiếm tác giả quên mình đi và sống cuộc đời nhân vật trọn vẹn đến độ, khi viết chuyện bà Bovary uống thuốc độc tự tử, ông cảm thấy vị thạch tín trong miệng mình. Nhà văn hóa thân hoàn toàn và đến cực điểm vào nhân vật, ấy là bí quyết sức sống vĩnh cửu của tiểu thuyết Bà Bovary. Nó tạo ra cái phổ biến từ một trường hợp cá biệt, biến một chuyện tầm thường thành một nỗi đau đời thánh thiện, soi sáng lên qua một vụ án đáng buồn linh hồn của cõi đời: khát vọng nhân văn muôn thuở. Cuộc hóa thân vào nhân vật phi thường đó, từ lâu không những các nhà nghiên cứu, mà cả đông đảo bạn đọc hâm mộ kiệt tác của Flaubert vẫn muốn tìm hiểu để đôi khi chỉ cho thỏa tò mò hay áy náy. Giờ đây, họ có thể lần giở từng trang bản thảo Bà Bovary trên mạng là đã được thỏa mãn khá nhiều. Hôm nay, các con chữ của văn hào tự dưng có hồn, run rẩy trước mắt và trong lòng người đọc. Niềm hạnh phúc mới lạ, kỳ ảo và thần diệu này không phải áng văn lớn nào cũng đem tới được cho độc giả.

Flaubert bị giằng xé rất lâu giữa việc tạm ngưng suy nghĩ rồi viết Bà Bovary và quyết tâm viết thật hay và nhất định hoàn thành nhanh một tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Ông lao động căng thẳng và cật lực như một người tù khổ sai, với bộn bề những nghi hoặc, ghê ngại và chán nản. Song ông làm sao bỏ cuộc nổi. Cứ lao vào như một con thiêu thân, ông lại phải nhất định đạt tới cái đẹp hầu như tuyệt đối, cái đẹp biểu lộ qua sự chân thực của hoàn cảnh, tính điển hình của nhân vật, chất thời sự cao của chuyển động đạo lý và tư tưởng, hệ thống ngôn ngữ đặc sắc và phù hợp với thế giới nhân vật và chủ đề. Tại trang mạng Bà Bovary, những ai quan tâm đến những chuyện như vừa đề cập có thể thỏa thích khám phá và chiêm nghiệm. Gần 5.000 trang bản thảo trên đó còn mở ra một sự khâm phục đáng giật mình: Flaubert không bao giờ nhượng bộ những ước lệ hoa hòe hoa sói và thời thượng, không chiều theo thị hiếu hời hợt và nông cạn của số đông. Ông nỗ lực hết mình cho văn đúng là văn, điều hầu chẳng ai yêu cầu mà chính người viết buộc mình phải thực hiện, vì y hiểu đó là mệnh lệnh của đời sống. Tình yêu cuộc đời của người cầm bút, bộc lộ qua tình yêu văn chương, phải đi tới tận cùng như vậy. Tấm gương hết lòng cho câu chữ của văn hào Pháp cho thấy văn học phải cao sang và vì thế nó luôn luôn tươi trẻ. Sự đổi mới quá táo bạo trong nhìn nhận xã hội và con người của ông gây nên một vụ bê bối văn chương bi hài hiếm thấy đã đi vào lịch sử. Vụ bê bối gồm năm điểm chính như sau.

Thứ nhất, Tạp chí Paris đồng ý đăng tải nó, nhưng với điều kiện nó phải được chỉnh sửa và cắt cúp nhiều. Maxime Du Camp, người bạn suốt đời của ông, người đã chê Sự cám dỗ của Thánh Antoine và khuyên ông viết Bà Bovary, thư cho ông rằng cuốn sách có nhiều chi tiết sáo mòn, ai cũng biết, rằng loại bỏ chúng không khó khăn, nhưng nên nhờ một người khác, Flaubert và ông ấy sẽ giám sát việc đó “tại hiện trường”. Quá sửng sốt về nhận xét của bạn, Flaubert không biết trả lời sao, chỉ viết ba từ vào mặt sau bức thư bất hủ: “Thật kinh khủng !”. Sau đó, ông đành nói thật công sức khổng lồ đã bỏ ra cho tác phẩm và thề độc nó đáng được đem đến cho người đọc. Kết quả, Tạp chí nêu trên có lẽ vì nể ông và Maxime Du Camp, bắt đầu đăng Bà Bovary từ giữa năm 1856. Sự lo xa của Tạp chí Paris được thực tế xác nhận: không ít độc giả phản ứng tiêu cực với nó. Để đỡ căng thẳng, Tạp chí cắt bỏ vài đoạn. Nhà văn phải công khai đề nghị bạn đọc rằng những gì đang xuất hiện trên Tạp chí Paris mới là những trích đọan chứ không phải Bà Bovary trọn bộ. Thứ hai, đầu năm sau, 1857, Flaubert bị Tòa án đại hình Paris đem ra xét xử về tội báng bổ giáo lý, đạo và đời, và xâm hại thuần phong mỹ tục. Luật sư bào chữa cho ông đã sắc sảo vạch ra rằng trong thực tế, nạn ngoại tình và quan hệ nam nữ bừa bãi đang có chiều hướng gia tăng, rằng nhiều bà Bovary khác đang đau khổ khắp nơi, họ là nạn nhân chứ không phải thủ phạm, cuốn sách của Flaubert không khuyến khích ăn chơi trác táng mà gióng lên hồi chuông báo động, cấp thiết và kịp thời, về chủ nghĩa thực dụng nguy hiểm. Báo giới phần đông nhiệt liệt ủng hộ vị luật sư và Flaubert được tha bổng. Tuy vậy, ông không vui một thời gian dài.

Thứ ba, quả thật, ông kinh sợ sự dung tục hóa văn chương. Tự đáy lòng, ông chỉ muốn đến với độc giả một cách đứng đắn chứ không bằng chiêu giật gân kiểu vụ án mà ông thắng kiện. Sau vụ đó, Bà Bovary bán chạy như tôm tươi. Xin ghi nhận, thoạt đầu, nghi ngại người ta “biên tập vụ lợi” tiểu thuyết của mình, ông không chịu cho in nó thành sách. Nhà xuất bản Michel Lévy kiên trì lui tới thuyết phục, ông xiêu lòng và Bà Bovary đầy đủ ra đời.

Thứ tư, một lý do nữa khiến ông e dè là việc các nhà văn hiện thực đương thời không nắm bắt được tâm huyết và công sức phi thường của ông, vì dưới mắt họ, tác phẩm của ông là lập dị. Họ không ngần ngại phán xét: Bà Bovary không có cảm xúc, không có tìm cảm và không có cuộc đời.

Thứ năm, ông quan niệm văn chương của mỗi nhà văn phải là duy nhất. Sainte Beuve, nhà phê bình duy nhất tinh đời trước Bà Bovary, khen ngợi cuốn sách, nhưng coi nó ngang hàng với một số kiệt tác của Dumas con và Honoré de Balzac. Flaubert khá phiền lòng về việc so sánh khiên cưỡng của nhà phê bình gạo cội. Ông cương quyết không tán thành việc chuyển thể tiểu thuyết của ông thành kịch hay tác phẩm sân khấu các kiểu. Một năm sau khi Bà Bovary được ấn hành, bùng nổ một nghịch lý văn chương dở khóc dở cười vang vọng mãi tới nay. Đó là chuyện Feydeau cho xuất bản tiểu thuyết Fanny, thực chất là “đạo” toàn bộ Bà Bovary song được rất nhiều nhân vật thời ấy bốc thơm quá cỡ, đánh giá cao hơn kiệt tác của Flaubert nhiều. Giờ đây, dĩ nhiên, cả Feydeau lẫn Fanny đều đã chìm vĩnh viễn vào quên lãng.

Với Flaubert, văn học là sứ mệnh cao hơn mọi sứ mệnh. Nó không cần được thần thánh hóa. Nhưng phàm tục hóa nó cũng không xong. Trang mạng Bà Bovary cung cấp một bằng chứng hùng hồn. Đã có văn sĩ cổ kim đông tây nào được yêu quý đến vậy đâu. Vâng, ông hiểu được rằng độc giả bao giờ cũng thâm trầm hơn nghệ sĩ, chỉ sợ nghệ sĩ không làm nên những tác phẩm thật sâu sắc mà thôi. Khác nào tác giả của Chiến tranh và hòa bình, ông cố gắng hết sức để những trang văn của mình khiến cho người ta “khóc, cười và thêm yêu cuộc sống”. Dường như hi hữu, ông “sủng ái và sùng bái bạn đọc”, nên quyết chí đem đến cho họ sự thật đúng đắn nhất về cuộc sống và con người qua những câu văn mỹ lệ như những câu dân ca truyền tụng ngàn đời. Theo tâm niệm của ông, con người phải đẹp mới là con người đích thực. Phản ánh đúng sự thật, nhưng nhằm tới cái hoàn mỹ, lý tưởng sáng tác của ông là như vậy. Không khó nhận chân điểm chung của ông và các bậc thầy Nga và thế giới, như Pouchkine, Tolstoi, Dostoievski, Tchekhov, Shakspeare, Dickens, Dreiser, Hemingway. Không ngẫu nhiên, dịp trang mạng Bà Bovary ra mắt, một tâm niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều, rằng bà Bovary là tất thảy chúng ta, rằng công cuộc đi tìm hạnh phúc, tức cái đẹp, vẫn là gian nan và bi thảm; khoảng cách giữa ước mơ và thực tế, giữa lý tưởng và hiện thực vẫn là kinh khủng; lòng nhân từ thiếu cảnh giác và quá vô tư vẫn là hiểm họa,… vài bài học tạm lảy ra từ Bà Bovary vẫn thật thời sự và cần thiết cho các thế hệ vào đời. Giới trẻ hôm nay say mê đọc kiệt tác ấy hẳn không phải vì những vụ ngoại tình của “một phụ nữ lãng mạn”, chuyện quá thường tình hôm nay, mà chủ yếu vì những luật đời cần nhận thức để không lúng túng và bị động, những luật về cảm nhận hiện thực và ứng xử đúng đắn trước hiện thực đó của cá nhân và cộng đồng. Một hạnh phúc lớn cho Flaubert, đồng thời một tín hiệu đáng mừng cho văn chương, đó là học sinh sinh viên Pháp không hờ hững mà trân trọng, yêu thương và tôn thờ kiệt tác của ông. Công lao của các bạn trẻ trong ý tưởng về trang mạng Bà Bovary và quá trình xây dựng trang mạng ấy thật đáng trân trọng. Họ cho thấy văn học cổ điển, tức văn học nghiêm túc, không già cũ đi, mà vẫn ngồn ngộn sức sống, vẫn là dòng chính của văn chương nhân loại. Tiểu thuyết Bà Bovary chắc vẫn mới lạ mãi một cách bí ẩn. Trang web Bà Bovary đúng là một chiến công văn học, một thách thức nhân tình thế thái.


(tổng hợp từ nhiều tài liệu nước ngoài)


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Triệu Thanh Đàm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *