Nguồn tài liệu điện tử có khả năng lưu trữ thông
tin vô hạn, tác động nhanh chóng, trực tiếp và mạnh
mẽ đến người dùng trong mọi điều kiện không gian
và thời gian khác nhau. Vì vậy, vấn đề bản quyền và
chia sẻ nguồn tài liệu điện tử đang trở nên cấp thiết
trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối
với các trường đại học và cao đẳng, vấn đề này
không chỉ là nhu cầu mà còn là xu hướng tất yếu
trong thời đại số hóa công nghệ. Bài viết chỉ ra
những vấn đề liên quan đến bản quyền và chia sẻ
nguồn tài liệu điện tử khi sử dụng và khai thác trong
các cơ quan thông tin – thư viện hiện nay, trong bối
cảnh Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc
tế về Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ (SHTT).
1. Bản quyền
Vấn đề bản quyền trên thế giới
Theo Luật bản quyền Hoa Kỳ, các hành vi được coi là “sử dụng hợp lý” bao gồm: “trích dẫn các phần trong một bài luận hoặc bài phân tích nhằm mục đích minh họa, hoặc phê bình, trích dẫn các đoạn văn ngắn trong công trình nghiên cứu kỹ thuật hoặc khoa học nhằm để minh họa hoặc làm rõ hơn nhận định của tác giả; sử dụng để nhại lại một ít nội dung của tác phẩm đó; tóm tắt một bài phát biểu hoặc một bài báo với những trích dẫn ngắn gọn trong một bản tin; việc sao chép lại một phần tác phẩm của thư viện do một số phần đã bị hư hỏng; giáo viên hoặc học sinh sao chép một phần nhỏ của tác phẩm để minh họa cho bài học; sao chép lại tác phẩm trong các vụ kiện pháp lý hoặc các biên bản báo cáo; sao chép lại ngẫu nhiên và tình cờ trong một cuốn phim thời sự hoặc truyền hình, của một số cơ quan có địa điểm tại nơi sự kiện được ghi lại” (1).
Khoản 2, Điều 9 Công ước Berne cũng ghi: “Luật pháp quốc gia thành viên có quyền cho phép sao in tác phẩm trong một vài trường hợp đặc biệt, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất chính cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả” (2).
Luật bản quyền Anh cho phép người sử dụng sao chép tới 10% nhưng không được quá một chương của một cuốn sách.
Điều 25 Luật SHTT và Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Việt Nam quy định: một trong những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao là “tự sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu” (3).
Để không vi phạm quyền SHTT và quyền tác giả (QTG), các thư viện Việt Nam có thể học tập của thư viện nước ngoài. Đa số các thư viện nước ngoài đã quan tâm thực hiện quyền SHTT, QTG từ lâu và đều có những văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể, tương đối chi tiết.
Vấn đề bản quyền tại Việt Nam trong số hóa tài liệu và xây dựng các bộ sưu tập số
Các thư viện Việt Nam sẽ không vi phạm QTG trong các trường hợp: số hóa tác phẩm nằm ngoài bản quyền – những tác phẩm đã thuộc về miền công cộng, thư viện sẽ không phải xin phép tác giả; được quyền số hóa các tác phẩm không được bảo hộ QTG như tin tức, thời sự thuần túy đưa tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và văn bản dịch chính thức của văn bản đó, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu; các tác phẩm nằm trong thời gian bảo hộ QTG chỉ được sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; các thư viện có thể sử dụng phương thức hợp lý để cung cấp cho người dùng tin dịch vụ đọc tài liệu số hóa trong hệ thống mạng nội bộ của thư viện.
Chính vì vấn đề bản quyền nên khi chia sẻ nguồn tài liệu điện tử từ các thư viện, phải hiểu rõ được những hạn chế của QTG trong môi trường số, có khả năng xác định những vi phạm QTG trong thư viện điện tử, thư viện số, có khả năng xác định những trường hợp nào được sao chép và phổ biến trong thời đại số.
Sử dụng chung cơ sở dữ liệu (CSDL)
Chọn một thư viện làm đầu mối, góp tiền mua CSDL dùng chung: Thư viện đứng ra làm đầu mối chịu trách nhiệm thương thuyết với nhà cung cấp về giá rồi trao đổi bàn bạc với các thư viện để phân bổ kinh phí cần đóng góp cho từng trường. Thực chất đây là hình thức mua quyền truy cập chứ không mua quyền sở hữu và tiết kiệm kinh phí khá hiệu quả. Điển hình là hoạt động của Liên hiệp Thư viện đại học về nguồn tin điện tử. Hoạt động của liên hiệp trong các năm qua đã chứng minh đây là phương thức chia sẻ các nguồn tin điện tử hiệu quả và tối ưu: vừa tiết kiệm kinh phí, vừa có được cơ hội bổ sung, chia sẻ, khai thác thuận tiện nhiều nguồn tin có giá trị hàng tỷ đồng, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, đào tạo và phổ biến tri thức. Liên hiệp Thư viện Việt Nam về nguồn tin khoa học công nghệ do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia khởi xướng và thành lập năm 2004, làm đầu mối hoạt động, hiện có trên 100 thành viên đóng góp kinh phí để phối hợp bổ sung nguồn tin điện tử. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia là cơ quan chủ trì, điều phối, xây dựng chiến lược hoạt động, phát triển của Liên hiệp.
Truy cập những tài liệu và tải miễn phí các tài liệu trên mạng internet đã xử lý hoặc chưa xử lý: Trao đổi tài liệu đã được số hóa theo tỷ lệ 1 đổi 1 (số trang tương đương, giá trị tương đương). Xây dựng mục lục liên hợp trực tuyến giữa các thư viện phục vụ các chuyên ngành đào tạo giống nhau để hợp tác trong công tác bổ sung tài liệu điện tử. Khả năng chia sẻ nguồn tài nguyên điện tử của các thư viện rất khác nhau vì những nguyên nhân chính sau: số lượng và chất lượng tài liệu điện tử của các thư viện không đồng đều; chính sách phát triển tài liệu điện tử có đặc thù riêng theo ngành nghề đào tạo của từng trường; nhận thức của lãnh đạo các trường có sự khác biệt; tâm thế của lãnh đạo một số thư viện và nhân viên chưa thật sự sẵn sàng để thực hiện việc chia sẻ.
Nguyên tắc của chia sẻ là cả hai bên đều có lợi. Chính vì vậy, trong thực tế, những thư viện đại học đã có một số lượng tài liệu điện tử lớn thường thiết lập quan hệ và chia sẻ với những thư viện tương đương có cùng chuyên ngành đào tạo.
2. Vai trò của tài liệu điện tử trong kỷ nguyên số
Ngày nay, nhu cầu của người dùng tin về tài nguyên thông tin rất cao và đa dạng, hình thức sử dụng các nguồn tài nguyên thông tin không chỉ giới hạn trong các ấn phẩm in hoặc đĩa CD/VCD, vì thế công tác tổ chức quản lý thư viện truyền thống cần có những thay đổi, nhằm phục vụ bạn đọc một cách linh hoạt và đa dạng hơn.
Với xu thế hội nhập và phát triển, trong những năm gần đây, các thư viện đại học và cao đẳng đã chuyển từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ thông tin như hiện nay. Xây dựng thư viện điện tử phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn tài nguyên, trong đó, nguồn tài nguyên điện tử là một trong các yếu tố quan trọng để xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý và hoạt động của thư viện từ khâu thu thập, xử lý nghiệp vụ, quản lý tài liệu đến khâu phục vụ người dùng tin.
Số hóa tài liệu là chuyển đổi tài liệu từ dạng truyền thống sang dạng điện tử và lưu trữ trên máy tính nhằm bảo quản, chia sẻ và phục vụ trực tuyến. Việc số hóa tài liệu sẽ giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng nhất. Mặt khác, các tư liệu số tỏ ra ưu thế hơn vì không phụ thuộc và không gian lưu trữ, chất lượng tài liệu phục vụ người dùng tin được nâng cao do việc kết hợp các thông tin, hình ảnh, âm thanh vào nội dung tài liệu. Các tài liệu điện tử có thể được bảo quản lâu dài, ổn định và bền vững.
Số hóa tài liệu sẽ phục vụ có hiệu quả hơn cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng và đại học, đặc biệt là trong đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay, đào tạo theo hình thức trực tuyến của một số trường đại học đang triển khai. Tài liệu điện tử sẽ giúp người dùng tin chủ động trong việc sắp xếp thời gian học tập, họ không cần phải đến thư viện cũng có thể lấy được tài liệu qua hệ thống mạng; thông tin họ cần được cung cấp mọi lúc và mọi nơi. Với điều kiện các nguồn tài nguyên in ấn còn thiếu, nguồn tài liệu điện tử là giải pháp giúp người học có thêm nhiều lựa chọn để phục vụ cho kế hoạch học tập của cá nhân. Các bộ sưu tập số là lựa chọn tối ưu để bảo tồn vốn tài liệu quý hiếm, ngăn chặn các rủi do do thiên tai, khí hậu và tần suất sử dụng.
3. Ý nghĩa và các hình thức chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin điện tử
Hợp tác thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin điện tử có nguồn gốc từ ý tưởng cần phải tìm cách để cung cấp cho người dùng tin khả năng khai thác nguồn tài nguyên thông tin, không phải chỉ từ thư viện cơ sở, mà còn từ nhiều thư viện khác nhau. Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin được xem là phương tiện hợp tác có hiệu quả của các thư viện nhằm tối đa hóa khả năng phục vụ thông tin.
Trong lịch sử phát triển ngành Thư viện, hợp tác thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin được xem là nhân tố quan trọng của phát triển, đây là phương tiện để các thư viện đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi thông tin của bạn đọc khi nguồn tài nguyên thông tin của mỗi thư viện không thể đáp ứng được, đặc biệt là nhu cầu ngày càng đa dạng về thông tin trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay.
Ở góc độ kinh tế, chia sẻ và hợp tác giữa các thư viện sẽ nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng vốn để phát triển tài nguyên thông tin. Hình thức mượn liên thư viện là các thư viện tập hợp trong các consortium (liên kết), đặt ra các quy tắc và cách thức mượn tài liệu giữa các thư viện thành viên. Trong kỷ nguyên số hiện nay, thông tin người dùng tin cần tìm ở hình thức điện tử có thể được gửi qua đường thư điện tử, hoặc cấp quyền truy cập tới các CSDL điện tử của các thư viện lẫn nhau.
Trong những năm cuối của TK XX và những năm đầu của TK XXI, sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông vào thư viện đã đưa việc truy cập thông tin nhanh chóng thông qua việc sử dụng mạng máy tính, bao gồm các chuẩn MARC, các mạng OCLC, RLIN (Research Library and Information Network), WLN (The Western Library Network).
Kết luận
Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin sẽ giúp giải quyết những vấn đề khan hiếm do đổi mới thông tin nhanh chóng gây ra. Theo Aller Ken: Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin là biểu thị một phương thức hoạt động nhờ các chức năng thư viện được nhiều thư viện cùng chia sẻ. Mục đích là tạo ra một mạng tác động tích cực vào người sử dụng thư viện về mặt tiếp cận được nhiều tài liệu hay dịch vụ và nguồn kinh phí về mức độ cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn, tăng dịch vụ ở một mức kinh phí hay có nhiều dịch vụ hơn với mức kinh phí thấp hơn so với hoạt động riêng lẻ.
Vấn đề chia sẻ nguồn tài nguyên điện tử trong hệ thống thư viện đại học và cao đẳng ngày càng trở nên cấp thiết, cần có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các trường để phát triển nguồn tài nguyên thư viện, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo theo hệ thống tín chỉ như hiện nay.
Chú thích:
1, 2, 3. Bùi Loan Thùy, Bùi Thu Hằng, Thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả trong hoạt động thông tin – Thư viện, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 1, 2011, tr.16-23.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Loan Thùy, Bùi Thu Hằng, Biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả trong thư viện điện tử, thư viện số ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 4, 2011.
2. Nguyễn Huy Chương, Chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện và chính sách phát triển, truy cập tài nguyên số tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các thư viện đại học và nghiên cứu, Hà Nội, 2009.
3. Nguyễn Duy Hoan. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và sử dụng tài liệu điện tử tại Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên, Kỷ yếu Hội Thảo khoa học tại Trung tâm học liệu Đại học Huế, 2013.
4. Hứa Văn Thành, Luật tác quyền và vấn đề phát triển – khai thác nguồn tài nguyên số trong thư viện các trường đại học, Kỷ yếu Hội thảo: Quản lý, cung cấp, sử dụng nguồn tài nguyên điện tử các trường đại học trong thời kỳ hội nhập, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, 2013.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh Trường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng