Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiện nay


 

1. Di sản văn hóa

Di sản với tư cách là một thuật ngữ khoa học, đã có quá trình hình thành lâu dài, xuất hiện và được biết đến nhiều nhất trong cách mạng tư sản Pháp 1789. Chính việc tịch thu tài sản của tầng lớp quý tộc, tăng lữ, nhà thờ giáo hội để tập trung lại thành tài sản quốc gia sau cách mạng tư sản đã dần hình thành khái niệm di sản. Để tránh hiện tượng thất thoát và phá hoại, nhà nước Pháp lúc đó đã tiến hành kiểm kê, mô tả, sắp xếp, phân loại để xác định thứ tự ưu tiên nhằm khôi phục và bảo tồn loại tài sản này. Di sản lúc đó được hiểu như ý niệm về một tài sản chung của mọi công dân, chứ không phải của riêng một ai. Đó là ý niệm đã tạo thành ý thức về di sản quốc gia.

Di sản theo nghĩa Hán Việt: di là để lại, còn lại, dịch chuyển, chuyển lại; sản là tài sản, là những gì quý giá, có giá trị. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Di sản là cái của thời trước để lại (1). Như vậy, di sản văn hóa được hiểu như là tài sản, là báu vật của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, gồm các tác phẩm nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, tác phẩm văn học…

UNESCO, trong họp phiên thứ 32 tại Paris từ 29-9 đến 17-10-2003, đã ra Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Công ước ghi nhận: các quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội cùng với các điều kiện khác đã tạo nhiều cơ hội đối thoại mới giữa các cộng đồng, đồng thời cũng làm nảy sinh những mối đe dọa về sự suy thoái biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa phi vật thể.

Tiến triển, vận động, thay đổi theo thời gian, ngày nay khái niệm di sản không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm tài sản từ quá khứ. Không phải bất cứ quá khứ nào cũng được coi là di sản. Di sản là sản phẩm của quá khứ nhưng đó là quá khứ đã được lựa chọn theo nhu cầu của xã hội hiện đại. Di sản là sự lựa chọn từ quá khứ lịch sử, ký ức và báu vật của cộng đồng thể hiện nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của xã hội hiện tại.

Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã xác định “di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(2)

Luật Di sản văn hóa đã thực sự đi vào đời sống, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng giúp tăng cường nhận thức và hành động cho toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phê chuẩn Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO và là thành viên của ủy ban Liên Chính phủ tham gia xây dựng phương hướng hoạt động và các chính sách quốc tế có liên quan đến Công ước này. Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, tiềm ẩn bản sắc văn hóa của cộng đồng xã hội. Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản văn hóa quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cũng là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đồng thời là giao diện quan trọng của văn hóa nhân loại. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào việc giữ gìn và làm phong phú cho kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

2. Phân loại di sản văn hóa

Phân loại sự vật và hiện tượng là một trong những cách nhận thức bản chất của sự vật và hiện tượng tự nhiên, xã hội đa dạng phong phú. Theo quan niệm của UNESCO, di sản văn hóa bao gồm hai loại:

Thứ nhất, di sản văn hóa vật thể là những sản phẩm văn hóa hữu hình, tồn tại dưới dạng vật thể có hình khối, có chiều cao, chiều rộng, trọng lượng, đường nét, màu sắc và kiểu dáng… trong không gian và thời gian xác định. Di sản văn hóa vật thể được tạo tác từ bàn tay khéo léo của con người, để lại dấu ấn lịch sử xã hội rõ rệt; được khách thể hóa và tồn tại như một thực thể ngoài bản thân con người; và luôn chịu sự thách thức bào mòn của quy luật thời gian trong những tác động, chi phối của con người. Di sản văn hóa vật thể luôn đứng trước nguy cơ biến dạng hoặc thay đổi rất nhiều so với nguyên gốc. Hiện nay, vấn đề bảo tồn những di sản văn hóa vật thể lâu đời vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có công nghệ kỹ thuật cao mới có thể phục nguyên lại như cũ.

Thứ hai, di sản văn hóa phi vật thể là dạng thức tồn tại của văn hóa tiềm ẩn trong trí nhớ, ký ức cộng đồng, tập tính, hành vi ứng xử của con người và thông qua các hoạt động sống của con người trong sản xuất, giao tiếp xã hội mà thể hiện ra. Từ đó người ta có thể nhận biết được sự tồn tại của văn hóa.

Đặc trưng rõ nhất của văn hóa phi vật thể là nó luôn chìm khuất trong tâm thức của một cộng đồng xã hội và chỉ bộc lộ ra qua hành vi và hoạt động của con người. Văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong thế giới tinh thần, và được bộc lộ sinh động thông qua các hình thức diễn xướng trong tư cách một hiện tượng văn hóa.

Các hiện tượng văn hóa phi vật thể cũng có thể bị mai một, biến dạng, hoặc mất đi vĩnh viễn bởi thử thách của thời gian, sự khúc xạ và thất tán do ý thức con người. Trong thực tế, người ta thường có xu hướng thêm bớt hoặc lãng quên trong quá trình lưu giữ những giá trị phi vật thể. Cho nên, văn hóa phi vật thể vừa có tính bền vững (trong ký ức của cộng đồng) lại vừa mang tính mong manh, dễ bị tổn thương (phụ thuộc vào cuộc sống của một cá nhân – nghệ nhân với bao may rủi bất ngờ). Hơn nữa, văn hóa phi vật thể còn có nguy cơ biến dạng rất cao bởi tính dị bản của nó do sự can thiệp của các nhóm xã hội qua các thời đại.

Trên cơ sở đồng thuận với quan niệm của UNESCO, Luật Di sản văn hóa cho rằng: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (3).

Như vậy, di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị văn hóa sống trong tâm trí con người, được con người nắm giữ và trình diễn các kỹ năng thực hành biểu hiện giá trị của nó. Di sản văn hóa phi vật thể luôn đồng hành cùng con người, gắn với ký ức của nhân loại theo dòng lịch sử.

3. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật hiện tượng theo dạng thức vốn có của nó. Bảo tồn là giữ lại, không để mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ biện chứng. Đó là hai lĩnh vực thống nhất, tương hỗ, chi phối ảnh hưởng qua lại trong hoạt động giữ gìn tài sản văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa thành công thì mới phát huy được các giá trị văn hóa. Phát huy cũng là một cách bảo tồn di sản văn hóa tốt nhất (lưu giữ giá trị di sản trong ý thức cộng đồng xã hội).

Đối tượng bảo tồn (tức là các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) cần thỏa mãn hai điều kiện:

Một là, nó phải được coi là tinh hoa, là một giá trị đích thực được thừa nhận minh bạch, không có gì phải hồ nghi hay bàn cãi.

Hai là, nó phải hàm chứa khả năng, chí ít là tiềm năng, đứng vững lâu dài với thời gian, là cái giá trị của nhiều thời (tức là có giá trị lâu dài) trước những biến đổi tất yếu về đời sống vật chất và tinh thần của con người, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra cực kỳ sôi động.

Bảo tồn nguyên vẹn (bảo tồn trong dạng tĩnh)

Bảo tồn nguyên vẹn văn hóa vật thể ở dạng tĩnh là vận dụng thành quả khoa học kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại đảm bảo giữ nguyên trạng hiện vật như vốn có về kích thước, vị trí, chất liệu, đường nét, màu sắc, kiểu dáng. Khi cần phục nguyên, cần sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật như: đồ họa kỹ thuật vi tính công nghệ 3D theo không gian ba chiều, chụp ảnh, băng hình video, xác định trọng lượng, thành phần chất liệu của di sản văn hóa vật thể. Sau khi bảo tồn nguyên vẹn, phải so sánh đối chiếu số liệu với nguyên mẫu đã được lưu giữ chi tiết để không làm biến dạng.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể ở dạng tĩnh là điều tra sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc chặt chẽ, giữ chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả bằng băng hình (video), băng tiếng (audio), ảnh… Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng.

Bảo tồn trên cơ sở kế thừa (bảo tồn trong dạng động)

Bảo tồn động, tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa trên cơ sở kế thừa. Các di sản văn hóa vật thể sẽ được bảo tồn trên tinh thần giữ gìn những nét cơ bản của di tích, cố gắng phục chế lại nguyên trạng bằng nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn động là bảo tồn các hiện tượng văn hóa đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Bởi lẽ, cộng đồng không những là môi trường sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể mà còn là nơi tốt nhất để giữ gìn, bảo vệ, làm giàu và phát huy chúng trong đời sống xã hội. Các hiện tượng văn hóa phi vật thể tồn tại trong ký ức cộng đồng, nương náu trong tiếng nói, hình thức diễn xướng, nghi lễ, nghi thức, quy ước dân gian. Văn hóa phi vật thể luôn tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của những con người đặc biệt mà chúng ta thường mệnh danh là những nghệ nhân hay là những báu vật nhân văn sống. Do đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc bảo vệ những báu vật nhân văn sống. Đó là việc xã hội thừa nhận các tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo điều kiện tốt nhất để họ sống lâu, khỏe mạnh, phát huy được khả năng trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cần phải phục hồi các giá trị một cách khách quan, sáng suốt, tin cậy, khoa học chứ không thể chủ quan, tùy tiện. Tất cả những giá trị phải được kiểm chứng qua nhiều phương pháp nghiên cứu có tính chất chuyên môn cao, có giá trị thực chứng thuyết phục thông qua các dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản các dấu tích di sản văn hóa phi vật thể.

Bảo tồn theo quan điểm phục hồi nguyên dạng chính là phương thức lý tưởng nhất. Nếu không thể bảo tồn nguyên dạng thì có thể bảo tồn theo hiện dạng đang có. Bởi theo quy luật của thời gian thì các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng có xu hướng xa dần nguyên gốc. Nếu không thể khôi phục được nguyên gốc thì bảo tồn hiện dạng là điều khả thi nhất. Tuy nhiên hiện dạng phải có mối liên hệ chặt chẽ với nguyên dạng. Theo đó, cần xác định rõ thời điểm bảo tồn để sau này khi có thêm tư liệu tin cậy thì sẽ tiếp tục phục nguyên ở dạng gốc di sản văn hóa.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và giao lưu hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương đường lối và chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Điều 30, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền vănhóa Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam,… tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân (4). Tháng 11-1993, Hội nghị Trung ương IV khóa VII đã dành riêng một nghị quyết về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ trong những năm trước mắt. Trong sáu định hướng về công tác tư tưởng, có một định hướng lớn về phát triển văn hóa với hai nội dung cơ bản là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược phát triển văn hóa hiện nay là Nghị quyết Trung ương V khóa VIII đã nêu rõ: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hành động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người” (5). “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(6).

Trên tinh thần đó, hàng loạt giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đã ra đời. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998, của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/TC-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã dẫn đến việc ra đời Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT ngày 11-7-1998 của Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hệ thống pháp luật có liên quan đến di sản văn hóa truyền thống được cụ thể hóa bằng Luật Di sản văn hóa, bằng Quy chế tổ chức lễ hội. Chính phủ cũng đã tiến hành đầu tư qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các giá trị di sản, nhờ đó, huy động được sự quan tâm của cộng đồng đối với các di sản văn hóa.

Ngày 19-1-1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 25/TTg Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, xác định việc phát triển nền văn hóa nghệ thuật mang bản sắc dân tộc Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân. Nhà nước tạo điều kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị phương tiện cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật mang bản sắc dân tộc. Quyết định cũng chỉ ra cũng chính sách cụ thể như đầu tư cho việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến văn học dân gian, các điệu múa, các làn điện âm nhạc của các dân tộc, giữ gìn các nghề thủ công truyền thống, các loại nhạc dân tộc, xây dựng các tiết mục dân tộc như tuồng, chèo, dân ca, cải lương, múa rối, đồng thời khen thưởng những người có công trong việc sưu tầm và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa 10, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14-6-2001, có hiệu lực từ ngày 1-1-2002 là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, phạm vi điều chỉnh của bộ luật bao gồm cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể, quy định cụ thể việc kiểm kê, sưu tầm vốn văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa bác học và văn hóa dân gian) của người Việt và các tộc người thiểu số; bảo tồn các làng nghề truyền thống, các tri thức về y, nghệ sĩ bậc thày trong các ngành, nghề truyền thống; về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị của các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cùng việc xây dựng các bộ sưu tập và tổ chức các bảo tàng; việc mở hệ thống các cửa hàng mua bán cổ vật, lập các bảo tàng và sưu tập tư nhân; thống nhất việc sử dụng các nguồn thu và trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp ngân sách cho hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; cho phép tổ chức trưng bày cổ vật ở nước ngoài, việc người nước ngoài nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa ở Việt Nam và đặc biệt là việc hợp tác quốc tế để bảo hộ những di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Năm 2011, Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa: “…Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt… Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc… Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa văn nghệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại… Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ chữ viết các dân tộc thiểu số…”(7).

Tóm lại, từ những góc nhìn lý luận và thực tiễn, có thể thấy thành tựu của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vừa qua được thể hiện qua một số mặt sau đây:

Bằng chính sách xếp hạng của Nhà nước, nhiều di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học đã được đặt dưới sự bảo vệ của pháp luật.

Tổng mức vốn đầu tư hàng năm cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích liên tục được tăng lên theo hướng đa dạng hóa các nguồn vốn, đồng thời ưu tiên tập trung đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt và di tích lịch sử cách mạng. Như thế, chương trình mục tiêu quốc gia tu bổ tôn tạo di tích ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn bảo tàng. Nhờ có nguồn ngân sách đầu tư kịp thời của Nhà nước và cộng đồng xã hội mà nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được cứu thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp và tôn tạo di tích đã tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc thù, có sức hút mới làm tăng đáng kể số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm.

Trên thực tế, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong thời gian qua đã có tác dụng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di tích lịch sử – văn hóa, tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực phát triển ngành du lịch, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và giao lưu hội nhập quốc tế.

_______________

1. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.2.

2. Luật di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.26, 28.

4. Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1992, tr.24, 54.

5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.54, 56, 57.

7. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.224, 225.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Nguyễn Toàn Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *