Biển và đại dương được ví như tấm lá phổi của con người, là cội nguồn của sự sống trên trái đất. Không có biển và đại dương, cuộc sống như được biết hôm nay có thể không tồn tại… Thiếu biển và đại dương, các đại lục sẽ trở thành các sa mạc khô cằn, môi trường sống của loài người trên trái đất sẽ khắc nghiệt hơn. Hơn thế nữa, ngoài vai trò là lá phổi của con người, biển và đại dương còn nuôi sống con người và làm giàu cho đất nước bởi nguồn kinh tế có giá trị nằm sâu trong lòng nó. Biển là nơi rất giàu có và đa dạng về tài nguyên, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Không những thế, biển còn là nơi dễ dàng phát triển về du lịch và phát triển ngành chăn nuôi thủy hải sản. Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó. Tuy nhiên, biển Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng ô nhiễm đến báo động. Chất lượng môi trường biển nước ta ngày càng đi xuống.
1. Thực trạng ô nhiễm biển ở Việt Nam
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã làm được một số việc. Về mặt kinh tế, các khu kinh tế ven biển được thành lập, các đô thị ven biển được đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng, các ngành như hàng hải, khai thác hải sản ngày càng hiện đại hóa, ngành khai thác dầu khí tiếp tục có những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo được giữ vững, nhiều trang thiết bị quốc phòng mới, hiện đại đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới… Tuy nhiên, về mặt môi trường biển lại đang bị ô nhiễm nặng do phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, Văn kiện Đại hội XII nhận định: “Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập… Việc giữ gìn giá trị, phát huy bản sắc văn hóa biển chưa được quan tâm đúng mức” (1).
Ảnh minh họa
Trên thực tế những năm gần đây, trong cả nước có rất nhiều vùng biển đem lại tiềm năng kinh tế du lịch và hải sản đã có những dấu hiệu ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật biển. Cụ thể, ở Việt Nam đã có 70 loài hải sản được đưa vào danh sách đỏ để bảo vệ, 85 loài ở tình trạng nguy cấp. Đặc biệt là hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện năm 2002, 2003 ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi trồng thủy hải sản. Từ tháng 12-2006 đến cuối tháng 4-2007, có khoảng 21.600 – 51.800 tấn dầu trôi nổi gây ô nhiễm biển Việt Nam, trong đó chỉ có 20 tỉnh, thành ven biển đã vớt và xử lý 1.721 tấn, số còn lại khuyếch tán, lan rộng, gây hậu quả cho thực vật và sinh vật biển. Điển hình là hoạt động xả thải trái phép, trên quy mô lớn của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, gây ra thảm họa môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng vào tháng 4-2016 làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh khu vực miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế (2). Trước đó là những sai phạm của Công ty TNHH Vedan Việt Nam xả nước thải “chui” ra sông Thị Vải gây ô nhiễm 80 – 90% cho dòng sông Thị Vải, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (năm 2008); Công ty Dệt nhuộm Pangrim Neotex Hàn Quốc ở tỉnh Phú Thọ một ngày đêm xả ra sông Hồng 2.000 – 2.200m3 nước thải chưa xử lý với nồng độ chất rắn lơ lửng vượt 16,5 lần, ô nhiễm chất hữu cơ như COD vượt 10,5 lần, nồng độ crôm VI vượt gần 7 lần, độ màu vượt gần 25 lần (năm 2010) (3). Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, tức phát triển biển gắn liền với bảo vệ môi trường biển.
2. Vấn đề phát triển biển gắn với bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 36/NQ – TW
Nghị quyết 36/NQ-TW thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc quyết tâm xây dựng và phát triển bền vững các vùng kinh tế biển trọng tâm. Cụ thể như sau:
Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nguyên tắc toàn diện, trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Điều đó có nghĩa là phát triển kinh tế biển phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó chú ý tới cân bằng sinh thái và lợi ích của các nhóm tham gia.
Tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng quyền con người trong phát triển kinh tế biển. Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tăng cường vai trò của các chủ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam (4).
Thực hiện tốt những nội dung trên trong những năm tới, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế biển đến 2030, tầm nhìn 2045 là:
Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển.
Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục…
Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.
Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển (5).
Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
_______________
1, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.5.
2. Thông cáo báo chí về nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, baochinhphu.vn
3. 10 vụ ô nhiễm môi trường lớn nhất Việt Nam được công bố chi tiết, bizlive.vn.
4. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, cem.gov.vn, tr.9.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng