Sân khấu kịch hát dân tộc, hình thành trong quá trình lao động của nhân dân và phát triển song hành với lịch sử của dân tộc, là một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ lịch sử hình thành và những đặc trưng thể loại, kịch hát dân tộc rất gần gũi với đời sống, được coi trọng, yêu mến và trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam.
Việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo trực tiếp thể hiện tại đường lối văn hóa văn nghệ, các chỉ thị nghị quyết của Đảng cùng với những chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc trong đó có nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Trong bối cảnh giao lưu hội nhập hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, diện mạo sân khấu dân tộc đã có những khía cạnh đáng phải quan tâm. Một số tác phẩm đã có biểu hiện chạy theo thị hiếu của một số ít khán giả, làm mất đi những giá trị quý giá của cha ông ta từ ngàn xưa để lại, tạo ra cho bộ mặt sân khấu dân tộc những sản phẩm lai căng, chèo không ra chèo, tuồng không ra tuồng… và thiếu tính thuyết phục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có từ rất nhiều phía, và một trong những nguyên nhân quan trọng là chất lượng đào tạo nghệ thuật diễn xuất chưa được quan tâm nhiều. Việc đào tạo nghệ thuật biểu diễn kịch hát truyền thống, kịch hát dân tộc hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trên tất cả mọi lĩnh vực, từ tuyển sinh đến đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.
Hiện nay trên cả nước có 58 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật với danh mục chương trình đào tạo 66 ngành, 152 chuyên ngành. Tại hầu hết các cơ sở đào tạo này đều có ít nhất một hoặc nhiều chuyên ngành đào tạo nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc, truyền thống. Những chuyên ngành đó là: diễn viên tuồng, chèo, rối (trong đó có rối nước, rối cạn) cải lương, dân ca (Nam Bộ, Nghệ Tĩnh, Huế, quan họ Bắc Ninh, dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc và các vùng miền Nam Bộ…) và nhạc công sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Tại các cơ sở này, phần lớn quy mô đào tạo dành cho nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc hiện còn rất nhỏ; phương pháp giảng dạy chủ yếu còn thô sơ; chương trình giảng dạy phần lớn đã lạc hậu, và còn tồn tại rất nhiều bất cập; cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng, điều kiện phục vụ cho việc dạy và học nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc, truyền thống luôn ở trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, lực lượng các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia giảng dạy ngày một ít đi do tuổi tác và do những chế độ, chính sách về giảng viên chưa thật hợp lý. Các giảng viên trẻ tuy có bằng cấp nhưng nhiều người chưa đủ kinh nghiệm, thiếu thực tế, năng lực chuyên môn còn non lại bị chi phối bởi một số quan điểm tùy tiện trong việc cải tiến nghệ thuật diễn xuất (đặc biệt là múa và hát), điều đó dẫn đến chất lượng đào tạo ngày càng thấp, sản phẩm bị lai căng tùy tiện, nguồn nhân lực sau đào tạo không đủ năng lực phục vụ trong các đơn vị nghệ thuật truyền thống, dân tộc từ trung ương đến các địa phương.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc có nhiều khó khăn về chỉ tiêu biên chế, khiến học sinh sau khi tốt nghiệp có ít cơ hội để thực tập nghề.
Những lý do trên đã khiến thế hệ trẻ thờ ơ với nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc. Chỉ tiêu hàng năm cho các chuyên ngành diễn viên tuồng, chèo, rối, cải lương, kịch hát dân ca, nhạc công kịch hát dân tộc tại các trường văn hóa nghệ thuật không nhiều, nhưng lượng thí sinh đến dự thi cũng rất ít. Việc tổ chức đào tạo gặp nhiều khó khăn khi lực lượng giảng viên thiếu, cơ sở đào tạo chưa được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đào tạo…
Thực trạng đó đòi hỏi cần tìm ra những bất cập trong tổ chức đào tạo, từ đó đề xuất những giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật kịch hát dân tộc tại các trường văn hóa nghệ thuật.
Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay, tiến tới đáp ứng phù hợp và ngang tầm với xu thế quốc tế nhằm cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật những nghệ sĩ giỏi là mục đích cao cả trong đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay.
Để đạt mục đích đó, theo tôi, các địa phương và cơ sở đào tạo cần chú ý tăng cường những biện pháp cụ thể sau:
Xác định rõ những đặc trưng của nghệ thuật kịch hát dân tộc và đặc thù của công tác đào tạo nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc để tìm ra những phương pháp đào tạo phù hợp và đảm bảo chất lượng cao.
Đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc, cần phát triển quy mô đào tạo đi đôi với việc đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo. Xây dựng chiến lược phát triển riêng phù hợp với đặc điểm của từng trường và nhu cầu, đặc trưng văn hóa của từng vùng miền trên cả nước. Đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Lãnh đạo của các trường cần có ít nhất là một người có trình độ hiểu biết giỏi về nghệ thuật truyền thống dân tộc để quản lý công tác đào tạo chuyên ngành này.
Sắp xếp lại chương trình đào tạo chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc cho hợp lý, tăng giờ thực hành diễn xuất có sự hướng dẫn của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đưa nghệ thuật truyền thống dân ca của địa phương vào chương trình đào tạo của trường vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân địa phương, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của vùng miền.
Đổi mới phương pháp đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc nhằm đạt hiệu quả cao trong giảng dạy và học tập. Thực tế cho thấy trong một chương trình đào tạo đã cố định, nhưng mỗi giảng viên đều có phương pháp giảng dạy riêng. Chúng ta tôn trọng điều đó, nhưng cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả giảng dạy. Để có một học trò giỏi không thể thiếu người thày giỏi, nhất là đối với nghệ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc.
Đổi mới mối quan hệ giữa nhà trường và cơ sở sử dụng nhân lực, hình thành cơ chế gắn bó trách nhiệm giữa đào tạo và sử dụng diễn viên kịch hát dân tộc (giữa cơ sở đào tạo và các nhà hát). Chỉ tiêu đào tạo cho các chuyên ngành hàng năm của nhà trường phải được xây dựng từ nhu cầu của xã hội, của các nhà hát. Có như vậy đầu ra của chúng ta mới được đảm bảo và tuân thủ đúng lời dạy của các bậc tiền nhân: phải tăng tinh và giảm thô.
Đổi mới chế độ chính sách giảng viên kịch hát dân tộc đồng thời với sự đổi mới công tác kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập. Xây dựng văn bản chuẩn đầu ra, công khai chất lượng đầu ra cũng như lực lượng và trình độ giảng viên; chấm dứt tình trạng không quản lý được chất lượng đào tạo, đào tạo kém chất lượng, gây lãng phí tiền của nhà nước và kém hiệu quả với các đơn vị sử dụng nguồn lực sau đào tạo.
Từ thực tế kết quả đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật trong những năm qua, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: bên cạnh những thành công trong đào tạo nghệ thuật truyền thống dân tộc, những nghệ sĩ giỏi sau khi được đào tạo đã cống hiến cho xã hội nhiều tác phẩm và vai diễn hay, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc, vẫn còn tồn tại việc đào tạo không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội và nhu cầu của các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến các địa phương. Điều đó đã làm lãng phí nguồn lực của xã hội, dẫn đến sự giảm sút uy tín của nhà trường: đào tạo chất lượng kém sẽ mất dần số lượng người đến đăng ký dự thi tuyển, mất dần tín nhiệm và thương hiệu của nhà trường. Những tiêu cực trong đào tạo và chất lượng thấp thi đầu vào, thi tốt nghiệp ảnh hưởng lớn đến tương lai của sinh viên.
Đối với đào tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân tộc nói riêng cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, khi mà các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là internet, đang ồ ạt chuyển tải văn hóa thế giới đến với Việt Nam thì việc đào tạo nghệ thuật truyền thống dân tộc chuẩn mực và có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa của văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính vì những ý nghĩa cao quý đó, việc đào tạo nghệ thuật truyền thống cần tới sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, các thế hệ giảng viên, học sinh sinh viên và sự quan tâm của toàn xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Đào Mạnh Hùng
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng