Vấn đề tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tại Quảng Ninh


Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đang là vấn đề được xã hội quan tâm, coi trọng. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại có những phát triển mạnh mẽ, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường càng phải chịu những tác động, cả tích cực và tiêu cực. Quảng Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh hiện nay cần tập trung thực hiện một số giải pháp thích hợp.

     Khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại có những phát triển mạnh mẽ, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường đã chịu những tác động to lớn,. Nhiều quốc gia, dân tộc tiếp nhận sự tác động ấy thiếu tính dự báo, vượt trước một cách không khoa học, nên đã để lại những hậu quả khó có thể khắc phục trong một thời gian ngắn. Đối với Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ninh cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự tác động ấy.

     Về mặt địa lý, Quảng Ninh, vừa có biển đảo lại có biên giới đất liền, vừa có đồng bằng, vừa có rừng, núi. Đặc biệt, có nhiều khu du lịch, mỏ than, cửa khẩu sang Trung Quốc. Đây là tỉnh có phát triển kinh tế khá đa dạng và kèm theo là tình hình chính trị, văn hóa, xã hội phức tạp. Tội phạm hoạt động tinh vi, manh động. Một trong những loại tội phạm có tính đặc trưng nổi bật nhất là lâm tặc, thổ phỉ khai thác trộm than, làm cho công tác tổ chức, quản lý thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh vô cùng khó khăn.

     Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế bất cập. Việc giải quyết mối quan hệ giữa hai mặt tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường có giai đoạn chưa thật sự hài hòa. Có tình trạng, thực hiện tăng trưởng kinh tế đôi lúc chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ môi trường chưa thấm sâu vào chương trình, kế hoạch thực hiện tăng trưởng kinh tế. Vì thế, thành tựu thiếu tính đồng bộ, vững chắc, gây tổn thất đến phát triển bền vững chung của tỉnh.

     Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh hiện nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

     Một là, giải pháp về cơ chế, chính sách

     Động lực trong quá trình phát triển và đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường chính là sự đổi mới trong cơ chế, chính sách. Vì thế, để giải quyết hài hòa ảnh hưởng từ phát triển kinh tế đến môi trường trong thời gian tới, Quảng Ninh cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tác động, nhằm khuyến khích, phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường.

     Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật về môi trường nhằm nâng cao tính hợp pháp, hợp lý và tính khả thi của các quy phạm pháp luật về môi trường. Xây dựng chính sách gắn kết trách nhiệm bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung vào các văn bản hướng dẫn luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực thi hành các Luật môi trường, đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên nước và các luật khác. Chú ý các chính sách, văn bản pháp quy có liên quan quản lý về mặt sản xuất với các điều kiện bắt buộc trong xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường.

     Có các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài và phát huy nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả trong và ngoài nước, tham gia quản lý, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

     Tổ chức lại hệ thống quản lý ngành công – nông nghiệp và dịch vụ sao cho chức năng quản lý và chức năng thực hiện được tách biệt, được phân công rõ ràng cho các cấp, các ngành. Tăng cường cơ chế, chính sách đầu tư hơn nữa cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường một cách khoa học. Xây dựng hệ thống kiểm soát môi trường, có quy chế nghiêm ngặt trong giám sát các hoạt động và thực hiện đánh giá tác động môi trường. Nghiên cứu xây dựng các chính sách và cơ chế đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo ra bộ mặt đô thị mới hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, đảm bảo khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái, tạo tiền đề cho phát triển bền vững của tỉnh.

     Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đảm bảo thực thi các chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững nền kinh tế. Do đó, trong quản lý nhà nước, theo thẩm quyền, UBND tỉnh cần ban hành và cụ thể hóa các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường theo tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt tới và triển khai thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, cần thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách trên cơ sở quy hoạch tổng thể, gắn việc xây dựng phát triển kinh tế của địa phương với bảo vệ môi trường. Các kế hoạch đưa ra phải công khai để mọi tầng lớp xã hội được biết và các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành các quy định, luật định về bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm khắc, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân; công khai thông tin các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong bảo vệ môi trường để tạo áp lực dư luận.

     Hai là, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường

     Các công cụ kỹ thuật được coi là những công cụ hành động quan trọng của các tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường. Thông qua việc thực hiện các công cụ kỹ thuật, các cơ quan chức năng có thể có những thông tin đầy đủ, chính xác về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, đồng thời có những biện pháp, giải pháp phù hợp để xử lý, hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường. Các công cụ kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần phải đặc biệt chú ý, triệt để tận dụng các công nghệ, máy móc hiện đại. Đặc biệt, trong đánh giá môi trường, kiểm toán môi trường, quan trắc môi trường, xử lý chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải.

     Để tiến tới một nền sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ về sản xuất sạch nhằm phòng ngừa ô nhiễm trong các hoạt động sản xuất như tiết kiệm nguồn nhiên liệu, nguyên liệu và hạn chế phát sinh chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Tăng cường việc đầu tư các giải pháp kỹ thuật như đổi mới công nghệ để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường, dự báo diễn biến môi trường. Có những đầu tư thích hợp cho công tác nghiên cứu khoa học phục vụ môi trường, trọng dụng và có chế độ đãi ngộ tương xứng các nhân tài và các nhà khoa học. Thực hiện đi tắt, đón đầu về công nghệ, tổ chức xây dựng nền kinh tế dựa trên trình độ phát triển của khoa học công nghệ, thân thiện với môi trường – đó là kinh tế xanh (kinh tế ít các-bon) và kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở hệ thống công nghệ xanh, công nghệ tái tạo để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gọi là cuộc cách mạng số (4.0). Cuộc cách mạng này thông qua các công nghệ như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Các công nghệ thông minh sẽ tích hợp vào mọi khía cạnh của xã hội, xóa bỏ các ranh giới công nghệ thông thường, thúc đẩy sự phát triển của thời đại. Những phát triển này hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội cho các quốc gia, các vùng miền phát triển, thúc đẩy nền kinh tế mở, linh hoạt, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, xã hội và mang lại lợi thế cho những quốc gia, vùng miền tận dụng tốt các công nghệ mới nhất.

     Để Quảng Ninh trở thành tỉnh năng động, bền vững, linh hoạt, hấp dẫn và sáng tạo hơn, chắc chắn đó phải là một kết nối mới dựa trên khái niệm thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố thông minh không hề đơn giản, cần huy động nhiều nguồn lực, do đó, tỉnh Quảng Ninh cần phải có những lộ trình, bước đi một cách cẩn trọng, tận dụng những lợi thế tốt nhất đồng thời phải có những chính sách hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đối với hạ tầng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), hạ tầng băng rộng, đảm bảo sự phát triển một cách vững chắc trong tương lai gần.

     Ba là, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

     Làm tốt việc lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, ngành học, xây dựng và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, hòa cùng với thiên nhiên. Tăng cường giáo dục đạo đức sinh thái cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong tỉnh, tập trung vào các đối tượng như cán bộ, doanh nhân… Xây dựng văn hóa mới tiên tiến, lành mạnh với thói quen bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong tỉnh về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển bền vững cũng như mối quan hệ hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đặc biệt tới bốn nhóm đối tượng: (1) những người tham mưu, hoạch định chính sách; (2) các chuyên gia phụ trách các công việc liên quan tới việc điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, soạn thảo các kế hoạch, phương án phát triển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; (3) các doanh nghiệp, doanh nhân, những nhà sản xuất có hoạt động kinh doanh, sản xuất; (4) giới trẻ, lực lượng thanh, thiếu niên – người chủ tương lai của đất nước, người giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nối những công việc, chủ trương phát triển bền vững trong tương lai.

     Trong thực tiễn, để tạo lập, duy trì lợi thế cạnh tranh và đạt được mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp có thể bỏ qua trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường khi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Những hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, phần lớn do những hoạt động kinh doanh thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của doanh nghiệp với việc bảo vệ môi trường hiện nay.

     Từ thực tiễn đó, đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh cần phải có các cơ chế, chính sách phù hợp, gắn bó và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Làm cho các doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với bảo vệ môi trường là trách nhiệm với sự tồn tại của chính doanh nghiệp. Sự tồn tại của doanh nghiệp không thể tách rời môi trường tự nhiên vì môi trường cung cấp những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ các điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Qua đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo hoạt động của mình không gây ra những tác hại đối với môi trường sinh thái, thông qua việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện các dự án bảo vệ môi trường như: trồng rừng hoàn nguyên, sử dụng nhiên liệu tái tạo, xử lý bụi trên các tuyến vận tải than… là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho việc bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh hiện nay.

     Hiểu biết về môi trường và bảo vệ môi trường sẽ góp phần làm cho mọi người có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường. Do đó cần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Huy động sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp dân cư, của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, có các cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ chuyên trách làm công tác bảo vệ môi trường; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho đội ngũ chuyên trách về môi trường làm việc. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ chuyên trách trong đánh giá, xử lý các vấn đề trong bảo vệ môi trường. Phát huy và bảo đảm cho nhân dân có khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao vai trò trách nhiệm nhân dân trong việc đóng góp vào quá trình ra quyết định về các dự án đầu tư phát triển lớn, lâu dài của đất nước, thực hiện bằng được tiêu chí nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững.

 

Tác giả: Phạm Thị Lệ Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *