Thơ bang giao là một khái niệm có nội hàm khá mở, gồm tất cả những sáng tác bằng thơ có liên quan đến vấn đề đối ngoại của cha ông ta thời trung đại. Chủ thể sáng tác kiểu thơ này là các sứ thần, vị chính quan được nhà vua chọn mặt gửi vàng cử sang xứ người, gánh vác trọng trách dân tộc, đất nước giao phó. Phạm Sư Mạnh là một trong những tác gia tiêu biểu giai đoạn văn học TK X – XIV. Với tư cách một sứ thần, các sáng tác của ông hầu hết gắn với công việc đối ngoại. Khi tiếp đãi, tiễn đưa sứ giả Trung Hoa hay trên dặm dài đi từ trời Nam sang đất Bắc, rồi những tháng ngày trải nghiệm trên đất khách, ông đều làm thơ. Qua việc khảo sát 13 thi phẩm của Phạm Sư Mạnh thuộc mảng thơ bang giao, có thể thấy được “tình thơ cao siêu hào phóng của một danh gia cuối đời Trần” (1).
1. Văn hóa bang giao qua thơ Phạm Sư Mạnh
Thơ bang giao của người Việt ảnh hưởng khá sâu sắc bởi những đặc điểm lịch sử, xã hội mỗi giai thời, mục đích sáng tác hướng tới chức năng chính trị. Nội dung và hình thức tác phẩm văn chương Phạm Sư Mạnh không ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, là một người có tâm hồn phóng khoáng, thích phiêu du, lại có bản lĩnh, cộng với tài năng thi ca, sáng tác của Phạm Sư Mạnh vẫn có đóng góp riêng.
Thơ Phạm Sư Mạnh bộc lộ tâm hồn tinh tế, rộng mở của một sứ giả, đồng thời là thi nhân Đại Việt trước thiên nhiên và cảnh sắc Trung Hoa. Theo hành trình, cảnh sắc đất nước Trung Hoa đã khơi nguồn thi hứng để nhà thơ viết nên những thi phẩm đẹp như: Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân, Quá Tiêu Tương, Ô Giang Hạng Vũ miếu.
Độc giả dễ nhận ra đặc điểm không gian thiên nhiên trong thơ đi sứ của Phạm Sư Mạnh mang tầm vóc vũ trụ, được tri nhận như khách thể thẩm mỹ. Nó có vẻ đẹp hùng vĩ vốn có tự ngàn đời nay vẫn thế. Đó là hình ảnh của sông Hoàng Hà, núi ở Bành Thành, sông Tiêu Tương ở vùng Hồ Nam. Nhưng thiên nhiên không phải hình ảnh ước lệ để tác giả gửi gắm hùng tâm tráng chí mà là địa danh cụ thể, gắn với mỗi vùng đất nhà thơ có dịp đi qua trên chặng đường sứ trình. Người đọc cũng sẽ nhận ra tính ký sự trong thơ kết hợp sự quan sát tinh tế và tình yêu tạo vật thiết tha của thi nhân.
Dõi theo ba sáng tác trên đường đi sứ của Phạm Sư Mạnh, ta thấy nhan đề của chúng đều là tên một địa danh cụ thể: lầu Hoàng Hạc, sông Tiêu Tương, bến Ô Giang. Những cảnh thú này luôn được nhìn trong thế chủ động của lữ khách: khi là “quá” (qua), khi là “đăng” (lên)… Thiên nhiên và con người không tách biệt, không tĩnh lặng. Dù thi pháp thơ ca xưa thường lấy tứ thơ từ các tâm thế quen thuộc như con người “quá”, “đăng” hay “vọng”, song việc nhà thơ đặt tên các sáng tác gắn với vùng đất cụ thể đã gia tăng tính xác thực, tình cảm của tác giả đối với phong cảnh xứ người.
Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân (Lên Hoàng Hạc lâu viết vội vần thơ đưa sứ bắc thị giảng Dư Gia Tân) là bài thơ tiêu biểu trong thơ về thiên nhiên cảnh sắc của Phạm Sư Mạnh. Có thể coi, Phạm Sư Mạnh là sứ thần Đại Việt đầu tiên có thơ về Hoàng Hạc lâu.
Lầu Hoàng Hạc là danh thắng nổi tiếng của Trung Hoa. Sức hấp dẫn của Hoàng Hạc lâu khiến các tao nhân mặc khách luôn vướng vít tơ tình. Không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh vật, mà người đời còn muốn lưu danh núp bóng mình nương theo sự diễm lệ của mỹ cảnh. Tương truyền, thi tiên Lý Bạch tới Hoàng Hạc lâu cũng định thử bút, nhưng khi đọc thơ Thôi Hiệu đề trên vách rồi, ông đã ngửa mặt, cất lời than, nhắn lại hậu thế rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng lầu.
(Trước mắt thấy cảnh không tả được,
Vì Thôi Hiệu đã nói hết trong bài thơ đề trên lầu).
Thiên hạ cứ ngỡ, sau giai tác của Thôi Hiệu, sau những lời than của Lý Bạch sẽ không ai còn mạo muội đề thơ Hoàng Hạc lâu nữa. Nhưng không, vẫn có bao lớp người chiêm ngưỡng công trình đó mà chẳng thể phụ tình. Phạm Sư Mạnh là một kẻ hậu sinh đến từ phương trời xa xôi nhưng ông đã có thơ về danh thắng đó của người xứ Bắc. Phạm Sư Mạnh viết về đề tài cũ mà thơ ông đem lại một lầu Hoàng Hạc mang sắc thái mới:
Hoàng Lâu khởi xuất bán thiên lý,
Bằng cao nhất vọng tam thiên lý.
(Hoàng Lâu nổi lên lưng chừng trời
Lên cao trông suốt ba ngàn dặm).
(Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân)
Nhà thơ phác ra cái thế phong thủy của công trình kiến trúc có một không hai, tọa lạc ở vị trí trung tâm Bành Thành, có được sức mạnh của “tiền hô hậu ủng”, của trời đất, sông nước cộng hưởng, hòa ca vũ điệu hào hùng. Hoàng Hạc lâu nổi bật giữa đất trời như thế, dẫu nó không bề thế mà vẫn hiện ra sừng sững trên một không gian hùng vĩ của vũ trụ. Bức tranh không chú ý miêu tả lầu Hoàng Hạc mà phác ra thế đắc địa của công trình nổi bật giữa thiên nhiên. Tình điệu khẳng khái, ý chí hào hùng, thi phẩm của Phạm Sư Mạnh dường như vượt thoát khuôn sáo ngâm vịnh trong thơ xưa viết về Hoàng Hạc lâu. Phải chăng, đấy là nét riêng của thắng cảnh này qua ngòi bút Phạm Sư Mạnh.
Qua sông Tiêu Tương, Phạm Sư Mạnh ngỡ ngàng trước vẻ đẹp:
Tương thủy bắc liên Thanh Thảo hồ,
Niên niên phong diệp ánh cô bồ.
(Sông Tương phía bắc liền với hồ Thanh Thảo,
Hàng năm lá phong soi xuống cỏ cô, cỏ bồ).
(Quá Tiêu Tương)
Hai câu thơ ngắn gọn, hàm súc với vài nét chấm phá quen thuộc của hội họa phương Đông, Phạm Sư Mạnh đã vẽ lên bức tranh của vùng Tiêu Tương bát ngát, mênh mông, thơ mộng. Theo mạch thơ liên hoàn, không gian cứ thế mở rộng đến vô cùng. Bên cạnh đó, sắc cỏ cô, cỏ bồ, lá phong soi gương làm duyên, khiến dòng Tương yểu điệu như nàng thiếu nữ. Hình ảnh thơ còn tạo nên một dòng trong, một chiều sâu không gian sông nước.
Rõ ràng, giá trị thơ thiên nhiên sứ trình của Phạm Sư Mạnh không thuộc về số lượng nhiều hay ít, mà chính bởi nét mới trong cách cảm thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ ông gần gũi bắt nguồn từ chính thực tại khách quan. Nó khác với bức tranh quý phái, ước lệ, có bố cục chặt chẽ vốn thường thấy trong thơ Đường luật. Hiện thực mà lãng mạn, lãng mạn mà không xa rời hiện thực, đó chính là thế giới thiên nhiên trong thơ đi sứ của tiên sinh họ Phạm. Nhận xét về những bài thơ này, Phan Huy Chú khẳng định: “Lời thơ đều có phong thái nhàn nhã, thực có thể hơn hẳn người Nguyên” (2).
Tẩu bút tức là viết nhanh ngay sau khi thi nhân ngẫu hứng hay nhận được một thử thách, một yêu cầu, nguyện vọng nào đó của một đối tượng. Về phương diện ngoại giao, kiểu thơ tẩu bút là một thử thách lớn đối với sứ thần. Chẳng thế mà thuở xưa, cha ông ta đại diện cho đất nước để đối mặt với người phương bắc thường là các học giả trác việt.
Thơ tẩu bút của Phạm Sư Mạnh biểu hiện tài năng, cốt cách và ứng xử văn hóa của sứ thần Đại Việt trên đất Trung Hoa. Sứ thần gánh trọng trách quân vương ủy thác là công việc vẻ vang, tự hào nhưng đầy thử thách, khó khăn. Đó là đường sá xa xôi, thiên nhiên khắc nghiệt, là thời gian đằng đẵng. Nhiều sứ thần vĩnh viễn nằm lại trên đường đi, đất khách. Tuy nhiên, cam go nhất là cuộc đấu trí với triều đình phong kiến phương Bắc. Sơ hở một chút thôi, tính mạng sứ thần có thể bị đe dọa, tổ quốc cũng có thể lâm nguy.
Phạm Sư Mạnh giương cờ đi sứ nhà Nguyên trong thực cảnh đã chấm dứt can qua, đất nước yên bình, quan hệ hai nước bớt căng thẳng. Tuy vậy, sau ba lần đại bại, không có gì đảm bảo rằng thiên triều sẽ không nuôi dã tâm tái chiếm nước Nam ta. Rất có thể, vì cơn cớ đó mà triều đình nhà Nguyên trút giận lên các chính khách Đại Việt. Không hề sợ hãi, bằng tài năng văn chương, đảm khí, trí tuệ, Phạm Sư Mạnh đã khẳng định được bản lĩnh cốt cách của cá nhân. Trước thiên nhiên hùng vĩ, ông không bị choáng ngợp, trước những danh tích về các nhân vật cự phách Trung Hoa, ông không thấy mình nhỏ bé. Trước các vị đại quan thượng quốc, Phạm Sư Mạnh hiên ngang khẳng định vị trí, nhân cách, tư thế đại diện quốc gia dân tộc. Trong bài Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân, toát ra vẻ đẹp từ tâm thế tự tin, kiêu hãnh, bản lĩnh đĩnh đạc pha chút cao ngạo của một du khách đặc biệt, một chân dung khả kính Phạm Sư Mạnh. Ông dõng dạc giới thiệu quê hương xứ sở phương nam bằng đại từ nhân xưng: “Ngã gia viễn tại Giao Nam đầu” (Nhà ta ở tận cõi Giao Nam xa xôi). Ông nhằm tuyên bố cho người phương bắc hãy nhận thức rõ: đấy là nhà ta, là cõi trời Nam của người Việt ta, người Việt ta là chủ nhân. Nó hoàn toàn riêng biệt, chẳng liên quan gì đến cương vực Bắc quốc. Ở ba dòng thơ tiếp theo, họ Phạm nhân danh một nhà bang giao thay mặt quân vương, dân tộc mình, nhưng cũng là người yêu cái đẹp, ông trân trọng giá trị văn hóa Trung Hoa: “Thủ trì ngọc tiết đăng Hoàng lâu/ Ma sa thạch khắc Pha công tự/ Như kim bất phụ bình sinh du” (Hôm nay cầm ngọc tiết lên Hoàng lâu/ Sờ vào nét chữ Pha công khắc trên đá/ Chuyến đi chơi này không phụ chí bình sinh).
Viết về lịch sử, văn hóa Trung Hoa, thơ Phạm Sư Mạnh bộc lộ tâm hồn giàu cảm thông, một tư duy sắc bén, độc lập. Điểm gặp gỡ ở những bài thơ vịnh sử của Phạm Sư Mạnh là: ông tỏ thái độ ứng xử bình đẳng với người xưa. Dù cõi thiên cổ kia có lưu danh những gian hùng hay anh hùng, người trung hay kẻ bội tín, Phạm tiên sinh đều trải lòng đồng cảm. Đồng thời, tác giả chứng tỏ cái nhìn biện chứng, một tâm thế vững vàng trước thời cuộc thịnh suy, trước những còn mất muôn đời.
Đi qua miếu Hạng Vũ, Phạm Sư Mạnh bày tỏ tấc lòng cảm khái người anh hùng cái thế một thời, rồi một ngày mất cả thiên hạ, bước lâm cùng phải tự sát. Trong Ô Giang Hạng Vũ miếu, Phạm Sư Mạnh vừa bộc lộ rõ cách nghĩ của ông về nỗi hờn kim cổ, những tranh biện không dứt về công nghiệp tiền nhân, lại vừa lồng ghép việc tái hiện chân dung Hạng Vũ. Người thuở xưa: một anh hùng thành/ bại; một người tàn ngược tận diệt đối phương; đáng tiếc lắm thay, khi trời và người cũng xót xa than khóc? Ngược dòng tư duy, cảm nhận đã thành rãnh mòn của thiên hạ, Phạm Sư Mạnh dường như không ngợi ca, không chỉ trích. Ông nhìn người, nhìn việc trong mặt bằng nhân thế, trong cõi hỗn mang, vô thường.
Cho tới nay, chùm thơ đi sứ của Phạm Sư Mạnh chỉ còn lại ba bài. Với số lượng ít ỏi nhưng chúng là một di sản lưu lại cho hậu thế. Quá khứ và hôm nay được nối lại, con cháu hiểu thêm để khắc sâu, giữ gìn, phát huy truyền thống. Nhờ những vần thơ, người đời hiểu rõ hơn chân dung một tác giả lớn trong giai đoạn văn học TK X – XIV. Tập trung hai đề tài cơ bản: đề vịnh thiên nhiên, cảnh sắc, vịnh lịch sử – văn hóa, Phạm Sư Mạnh đã thể hiện tài năng và một tâm hồn rộng mở. Qua Phạm Sư Mạnh, ứng xử trong văn hóa bang giao người Việt chứng tỏ văn hiến, hiền tài, tự tôn dân tộc.
2. Thơ thù tạc, tặng, tiễn sứ giả của Phạm Sư Mạnh và ứng xử bang giao
Trường hợp Phạm Sư Mạnh ứng tác những vần thơ khi tiếp sứ và tiễn sứ minh chứng khá rõ đặc điểm thơ ca bang giao. Ứng đáp nhanh, linh hoạt trước những tình huống, câu hỏi hiểm hóc của đối phương đã khó, nhưng xuất khẩu thành thơ, hơn thế, lại là thơ bang giao để đời thì không dễ. Vậy mà, cha ông ta thuở ấy vừa hoàn thành xuất sắc sứ mệnh quân vương lại vừa làm rạng rỡ văn hiến nước nhà.
Thơ thù tạc, tặng, tiễn sứ giả Trung Hoa của Phạm Sư Mạnh thực hiện chức năng (bang giao) nhưng cũng là văn học nghệ thuật. Tính chất chức năng văn học xuất phát từ mục đích ngoại giao. Đó là những vần thơ vừa thể hiện tinh thần cương quyết, khẳng định độc lập chủ quyền, vừa nhún nhường mềm mỏng để bày tỏ tình giao hảo. Dường như, phương châm, đối sách của cha ông ta với người Trung Hoa theo dạng thức cương nhu cũng đã thấm vào tinh thần thơ bang giao.
Tính chất ngoại giao thể hiện ngay từ thi đề, nêu rõ hành động thù tạc hay tặng, tiễn và đối tượng hướng tới ai. Ví như bài Họa đại Minh sứ “đề Nhị Hà dịch”, hành động giao tế là họa lại thơ; đối tượng họa lại là sứ giả nhà Minh. Có thể điểm qua chùm thơ thù tiếp, tặng sứ, tiễn sứ giả của Phạm Sư Mạnh, hiện còn 10 bài, đều chỉ liên quan đến duy nhất một vị sứ có tên Dư Qúy. Đó là các sáng tác sau: Họa đại Minh sứ Dư Qúy (4 bài), Họa đại Minh sứ “Đề Nhị Hà dịch” (3 bài), Tái họa đại Minh quốc sứ Dư Qúy (2 bài), Tống đại Minh quốc sứ Dư Qúy (1 bài). Tuy diễn tả những sắc thái phong phú nhưng xuyên thấm cả 10 bài thơ là một tinh thần bang giao, một ý thức bang giao sâu sắc từ phía chủ thể diễn ngôn. Ở đó, nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà thơ, người bạn hữu Phạm Sư Mạnh vừa thể hiện rõ con người trí tuệ, vừa bộc lộ tâm hồn giàu xúc cảm. Ông vừa là một mệnh quan, vừa là chính bản thân mình. Phía bên này, thi điệu sáng lên niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước thiết tha của một người con đất Việt. Phía bên kia, thể hiện giao tình cao đẹp, sự khôn khéo mềm mỏng của chủ nhân trước đại khách Thiên triều. Ngợi ca Trung Hoa trong thơ thù tiếp, tặng, tiễn sứ cũng chính là phong cách văn hóa bang giao mẫu mực mà Phạm tiên sinh đã xác lập.
Tự hào về quê hương, đất nước, nhà thơ ca tụng thiên nhiên, cảnh vật, khẳng định truyền thống văn hóa, những con người hiền tài:
Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã,
Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long.
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nồn.
Túy mặc lâm ly đề dịch bích,
Thanh triều nhân vật thịnh tam ung.
(Sông Nhị như ngọc, sáng mát thấm đồng ruộng,
Tản Viên khi tạnh, sắc núi chiếu đến Thăng Long.
Thành cổ Văn Lang, núi non trùng điệp,
Đền Ông Trọng thâm nghiêm, mây đậm nhạt.
Mực say còn lai láng đề trên vách nhà trạm,
Nhân vật thời thịnh, vui vẻ thuận hòa).
(Họa thơ “Đề trạm Nhị Hà”)
Sông Nhị (Hồng Hà), núi Tản Viên là biểu tượng tổ quốc ngàn đời trong tâm thức Việt. Non sông gấm vóc ấy vừa tươi đẹp, vừa đem đến sự sống cho người dân xứ Nam cấy trồng lúa nước. Sông đem nước cho đồng ruộng phì nhiêu. Núi Tản Viên ánh chiếu, tôn vinh vẻ rạng rỡ của thành phố trung tâm rồng bay thiêng liêng. Nền văn hiến của một dân tộc còn hiện hữu ở những công trình có bề dày lịch sử, ở những con người viết nên lịch sử dân tộc. Phạm Sư Mạnh không quên hướng về cội nguồn đất Tổ Văn Lang thuở bình minh dựng nước. Kẻ hậu sinh cũng nghiêng mình trước đền thờ anh linh tiền nhân Lý Ông Trọng oai danh. Những di tích ấy không chỉ mang một lịch sử đẹp mà còn được thiên nhiên núi non, mây trời tô sắc. Thành Văn Lang được cái thế núi non, tạo không gian hùng vĩ. Đền thờ tiền nhân có mây trời “đậm nhạt”, vừa làm nên chiều cao, vừa phảng phất cõi hương khói linh thiêng. Quả thực nơi đây là chốn địa linh, nhân kiệt.
Niềm tự hào về đất nước khiến thần thái con người luôn hứng khởi. Phạm Sư Mạnh chuyện trò cùng sứ giả, ông tán dương bạn cũng như giãi bày cảm xúc bản thân đang dâng trào. Sứ thần Minh quốc mẫn cán phụng sự quân vương một đời rong ruổi hay chính ông cũng như người ấy? Lữ khách phương xa luôn đau đáu tình quê hay chính lòng ông luôn in dấu hình bóng quê nhà. Những ý tình như thế hòa kết trong lời thơ, hồn thơ. Độc giả có thể cảm nhận những niềm rung cảm đó cùng thi nhân:
Trì khu vạn lý phát mao bạch,
Sĩ hoạn đa niên dã hứng nồng.
(Vạn dặm ruổi rong đầu trắng bạch,
Làm quan đã lâu năm mà hứng quê vẫn đậm).
(Họa đại Minh sứ “Đề Nhị Hà dịch”)
Thi nhân sử dụng biện pháp đối để khắc họa cái ý tứ sâu xa muốn giãi bày: một vế nhấn mạnh sắc thái bên ngoài của con người (mái tóc bạc); một vế diễn tả nội tâm con người (tấm lòng). Thời gian có thể làm tàn phai, làm thay đổi hình hài bên ngoài của mỗi người nhưng lại nhân lên những thủy chung ân tình son sắt.
Thơ thù tạc, tặng, tiễn sứ giả của Phạm Sư Mạnh biểu hiện nét ứng xử văn hóa bang giao khôn khéo, lịch lãm và giao hảo. Bang giao vừa phải làm đẹp lòng đối phương mà tư thế của mình vẫn không bị nhỏ bé. Ông trầm trồ trước thiên nhiên cảnh vật. Đó là những dòng sông, những ngọn núi, những thú cảnh muôn màu. Đó là một núi Dữu Lĩnh vừa hùng vĩ mà vẫn lãng mạn thi vị. Bởi nó khoe dáng vẻ của chính nó, bởi hình ảnh tuyết trắng như hoa mai bao phủ, bởi âm thanh ngựa hý vang trời: “Mã hàm Dữu Lĩnh mai hoa tuyết” (Ngựa hý trên núi Dữu Lĩnh, tuyết trắng tựa hoa mai) – Tống đại Minh quốc sứ Dư Qúy. Đó là dòng Ngô giang ca nhịp sống nhân sinh. Không gian trên kia là thế giới của những sinh loài: “Thuyền quá Ngô giang nhạn ảnh vân” (Thuyền qua sông Ngô, bóng nhạn bay như mây) – Tống đại Minh quốc sứ Dư Qúy. Để đẹp lòng sứ giả, Phạm Sư Mạnh còn đánh thức cả miền ký ức của mình để nhớ lại bức tranh vùng Vũ Xương (Hồ Bắc) mà ông đã có dịp du ngoạn thời đi sứ Trung Hoa. Tuyệt cảnh đó không được miêu tả mà chỉ được nhắc tới, nhưng tưởng như ngày nào thi nhân đang thưởng lãm, trầm trồ: “Anh Vũ châu tiền Đại Biệt đầu, Sơn hà kỳ tuyệt ký tằng du” (Trước núi Anh Vũ, đầu núi Đại Biệt/ Núi sông tuyệt đẹp, nhớ đã đến dạo chơi) – Họa đại Minh sứ Dư Qúy.
Phạm Sư Mạnh cũng ca ngợi lịch sử, văn hóa, hiền tài của người phương Bắc. Phạm Sư Mạnh nhắc tới những nhân vật kiệt xuất: Hạng Vũ, Gia Cát Lượng…, ngợi ca vị khách giả đang đối diện với mình, tán dương phong thái sứ giả: “Tân triều sứ giả lạc ung dung” (Sứ giả triều mới vui vẻ, ung dung) – Họa đại Minh sứ “Đề Nhị Hà dịch”. Chủ nhà còn ngợi khen tài nhả ngọc phun châu của khách. Đó là ông phẩm bình thơ của Dư Gia Tân. Tác giả khen cách dùng câu, nhả chữ, thư pháp tài hoa, ý tứ, tình điệu thơ sâu sắc: “Hỷ độc công thi hữu giai ý/ Mãn khâm hòa ý lạc ung dung/ Dao cầm la đới thi thi hảo/ Thiết hoạch ngân câu tự tự nồng” (Đọc thơ ông mừng có tứ hay/ Hòa khí đầy trong lòng, niềm vui phơi phới/ Câu thơ đẹp tựa đàn ngọc, dải lụa/ Nét chữ đanh như thép, bạc – Họa đại Minh sứ “Đề Nhị Hà dịch”).
Thơ thù tạc, tặng, tiễn của Phạm Sư Mạnh nói riêng và kiểu thơ này trong giai đoạn TK X – XIV nói chung là mảng sáng tác độc đáo trong thơ ca Việt Nam thời trung đại. Giai đoạn đầu, dạng thức thơ thù tạc, tặng, tiễn dường như là dòng chủ lưu. Những giai đoạn sau, nó dường như thưa thớt, nhường chỗ cho thơ đi sứ. Thơ đi sứ giữ vai trò chủ đạo với một đội ngũ tác giả hùng hậu. Bởi thế, mười bài thơ thù tạc, tặng, tiễn sứ giả của Phạm Sư Mạnh là một gia tài vô cùng quý giá. Đặc biệt, càng đáng trân trọng hơn trong tình hình tư liệu văn học Lý Trần “chỉ còn lại một phầm trăm, phần nghìn” (lời Lý Tử Tấn) qua cuộc binh lửa, qua chiến dịch hủy diệt văn hóa Đại Việt của người Minh vào TK XV.
(Còn nữa)
_______________
1, 2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.426, 428.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ NHÀN – TRẦN THỊ THE
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ