Văn hóa dân tộc trong trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm


Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có chỉnh thể của một kết cấu trữ tình trọn vẹn, sâu lắng, khai thác bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian, đã khắc họa diện mạo văn hóa Việt Nam từ nguồn gốc đến cách thức tổ chức đời sống, xã hội, đặc biệt những đặc trưng về phong tục tập quán. Từ đó, tác phẩm làm nổi bật lên những giá trị, phẩm chất, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam.

Đất nước là một chương tiêu biểu trong Trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Một phần của chương này đã được trích giới thiệu trong chương trình dạy Ngữ văn cho học sinh lớp 12, cũng là trích đoạn được bạn đọc ở nhiều thế hệ biết đến và quen gọi là Bài thơ Đất nước. Một bài thơ có chỉnh thể của một kết cấu trữ tình trọn vẹn, sâu lắng – một cuộc tâm tình của anh với em về đất nước mình – Đất nước của nhân dân, vừa bình dị lại vừa thiêng liêng.

Với một giọng điệu tâm tình quen thuộc của văn học dân gian – kết cấu diễn ngôn được lựa chọn để kể câu chuyện về đất nước, nói như nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu, Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn dắt bạn đọc “đến hiện đại từ truyền thống” để hiểu về đất nước Việt Nam mình từ chiều rộng của không gian văn hóa đến chiều sâu và bề dày của truyền thống lịch sử văn hóa, văn hiến dân tộc. Nếu văn học là sự phản ánh đời sống bằng hình tượng thì trên phương diện phản ánh đời sống văn hóa bằng các hình tượng nghệ thuật, tác giả của Đất nước đã sử dụng cả một trường văn hóa với những chất liệu dân gian, dân tộc thông qua một loạt những diễn ngôn và biểu tượng văn hóa.

Danh lam thắng cảnh là một phần của di sản văn hóa, làm nên niềm tự hào Việt Nam, bởi vậy, khắc họa khuôn mặt văn hóa dân tộc không thể không nói đến đặc điểm và vai trò của yếu tố văn hóa này. Trong Đất nước, bằng phép liệt kê có chọn lọc, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã điểm tên những địa danh văn hóa tiêu biểu của nước ta ở cả ba miền: Bắc – Trung – Nam. Mỗi địa danh được nhắc đến trong Đất nước là một địa chỉ văn hóa. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái là hai thắng cảnh ở miền Bắc Việt Nam. Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn gắn liền với huyền thoại bồng con chờ chồng hóa đá của nàng Tô Thị. Hòn Trống Mái nằm trong quần thể di tích núi Trường Lệ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, theo tương truyền được hình hành từ sự hóa thân của hai vợ chồng. Hai thắng cảnh nổi tiếng này được tạo tác không chỉ bằng sự tài tình của tạo hóa mà còn được dệt thành từ câu chuyện tình yêu, chuyện nghĩa tình chồng vợ thủy chung, son sắt đã hóa tượng đài đá bất tử, thách thức mọi khắc nghiệt của thời gian. Còn đó vết chân ngựa Thánh Gióng để lại “trăm ao đầm” quanh chân núi Sóc Sơn (Hà Nội); là trùng điệp núi non hùng vĩ của quần thể di tích Đền Hùng với “chín mươi chín con voi” bao quanh núi Hy Cương (Phú Thọ) làm nên di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Đền Hùng; là thắng cảnh Hạ Long với những “con cóc, con gà quê hương” mang vẻ đẹp giản dị mà độc đáo. Còn ở miền Trung là Quảng Ngãi với địa danh “Núi Bút, non Nghiên”, một thắng cảnh đẹp mà theo tương truyền gắn với tích anh học trò nghèo hiếu học được cậu ông trời (con cóc) lấy trộm bút và nghiên của trời làm phương tiện đi thi. Dấu tích của những ao hồ và núi đồi do bút rơi và nghiên mực vỡ vung tung tóe khắp nơi bên cạnh núi Kim Nhan ngày nay còn lại ở Quảng Ngãi là minh chứng cho những điềm lành mà Trời đã ban cho vùng đất Quảng Ngãi, để núi Bút, non Nghiên trở thành một biểu tượng về truyền thống hiếu học. Dòng Cửu Long hiền hòa tươi đẹp được tạo thành từ “những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”, bên cạnh các tên đất, tên làng là tên người như: Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm đều là một phần của văn hóa Nam Bộ. Với Nguyễn Khoa Điềm, trải dài trên mảnh đất văn hiến hình chữ S đâu đâu cũng ghi dấu tích “dáng hình, lối sống, ao ước ông cha” – là cái hồn của đất, của sông, của núi làm nên những huyền thoại đẹp, thổi hồn cho những ruộng đồng, gò bãi, làm tăng thêm sức hấp dẫn, giá trị của những địa danh, di tích như Vịnh Hạ Long, Hòn Trống Mái, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… Đây là một phần của gương mặt văn hóa dân tộc, là một nét riêng của danh lam thắng cảnh Việt Nam được lý giải trong Đất nước. “Không gian mênh mông” của văn hóa nói như Nguyễn Khoa Điềm là không gian “dân mình đoàn tụ” đã hiện hữu không chỉ bằng tên đất, tên sông – cái có thực mà còn bằng cả một niềm tâm tưởng vô cùng vô tận của những hoài vọng sâu lắng từ một miền huyền thoại, truyền thuyết mà ở đó dân mình đã xây đắp, bảo vệ, gìn giữ và “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, “làm nên Đất nước muôn đời”.

Khi nói đến đời sống và tổ chức cộng đồng người Việt truyền thống không thể tách rời đặc điểm sản xuất nông nghiệp. Do đặc điểm riêng về khí hậu và thổ nhưỡng nên về cơ bản, nước ta xét về mặt sản xuất và tổ chức sản xuất trước đây là một nước thuần nông, lực lượng lao động chủ yếu là nông dân với việc nhà nông của những người nông dân một nắng hai sương giãi dầu mưa nắng, liền tay hết “đắp đập be bờ” ngăn nước, trị thủy để gieo trồng; có được hạt lúa, củ khoai phải trải qua “xay, giã, dần, sàng”…

Những nề nếp, thói quen, tục lệ như một phần tất yếu của nếp sống là phong tục, tập quán, một trong những nét đặc trưng để nhận diện phương thức tổ chức đời sống, lối sống dân gian Việt Nam. Đây là nét văn hóa truyền thống bình dị, thân quen đã được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ, là một phần không thể thiếu trong tâm thức và thực hành văn hóa của nhân dân từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Có thể nói, Đất nước Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng hiện thực tâm thức văn hóa dân gian ấy rất thành công để lý giải nguồn gốc, quá trình lớn lên của dân tộc bằng nề nếp, thói quen, tục lệ – một trong những đặc sắc văn hóa người Việt. Những thực hành thường nhật như ăn trầu, búi tóc, đặt tên con trẻ, thờ cúng tổ tiên… được khơi gợi bằng “miếng trầu bây giờ bà ăn”, “tóc mẹ thì bới sau đầu”, “cái kèo cái cột thành tên”, “ngày giỗ tổ”… để rồi từ đó mở ra bao liên tưởng về cả một kho tri thức dân gian.

Trầu cau là truyện cổ trong kho tàng truyện cổ dân gian người Việt chứa đựng nghĩa nhân sinh đẹp đẽ đằng sau sự hòa quyện của trầu, cau, vôi, đó là tình anh em thắm thiết, tình vợ chồng keo sơn, tình cảm gia đình nồng ấm muôn đời được dân ta trân trọng, giữ gìn. Nhắc đến “miếng trầu bây giờ bà ăn” là gợi nhắc đến những cổ tích (Trầu cau, Tấm Cám), những ca dao mà ở đó trầu cau đã trở thành tín vật của tình yêu, hôn nhân, là “đầu câu chuyện”, là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời mà hồn cốt và tinh thần của nó còn được thực hành trong đời sống người Việt cho đến nay. Với ý tưởng và nhận thức riêng về vai trò của phong tục đối với lịch sử dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm đã viết “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Miếng trầu, tục ăn trầu đã trở thành tín hiệu văn hóa khởi đầu cho sự ra đời của dân tộc Việt Nam, đó là sự ra đời trước tiên để hình thành diện mạo dân tộc, gắn bó với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ buổi “trồng tre đánh giặc”. Nói về “tóc mẹ thì bới sau đầu” là nhắc đến tục búi tóc sau đầu – một thói quen đồng thời là một biểu hiện của quan niệm thẩm mỹ gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt truyền thống. Đặt tên cho con cũng là một phong tục xưa khá phổ biến của người Việt Nam xuất phát từ niềm tin những điều lành, điều cấm, do đó “cái kèo, cái cột” – thứ vật quen thuộc, có vai trò quan trọng trong kết cấu ngôi nhà Việt truyền thống đã được dùng để đặt tên cho người cũng là hợp lôgic với tư duy và khát vọng của người Việt: Bình yên và vững chãi, thế là đủ cho ao ước của cha mẹ về cuộc đời con trẻ, tâm lý của người Việt ta là thế, cứ đơn giản, gần gũi, nôm ma mà an lành.

Trong lòng mỗi người dân Việt, dù đi đâu, ở đâu thì ý thức về cội nguồn dòng tộc, tổ tiên sẽ luôn ngự trị. Người Việt luôn tự hào mình có nguồn gốc Lạc Hồng, cha là Rồng, mẹ là Tiên. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là một trong những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc Việt, là huyền thoại quý mà cho đến nay, dân ta vẫn luôn tự hào, thờ phụng đã được nhà thơ gợi nhắc qua câu chuyện “Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, “Chim về, Rồng ở”. Cũng với nguồn gốc tông tộc ấy mà Rồng và chim Lạc là hai linh vật được tôn sùng, bái vọng trong văn hóa Việt Nam. Bái vọng và thờ cúng tổ tiên, thờ cúng ông bà, cha mẹ đã khuất là xuất phát từ cái đạo lý “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn” hay hướng về cội nguồn với một tấm lòng thành kính lễ, “cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ” là truyền thống đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Nếu như trích đoạn này có kết cấu của một mạch trữ tình suy tưởng để chiêm nghiệm về đất nước thì từ đầu cho đến kết thúc, đích của nó đã đạt đến bằng việc trả lời thành công các câu hỏi: đất nước có từ bao giờ, đất nước là gì và ai đã làm ra đất nước? Với Nguyễn Khoa Điềm, khởi đầu của đất nước là truyền thống văn hóa với những phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, đất nước do đó cũng là những gì gần gũi, bình dị thân thương mà thiêng liêng nhất như tuổi thơ, như tình bạn, tình yêu, gia đình, làng xóm… và nhân dân chứ không ai khác là người đã làm ra đất nước. Tư tưởng “Đất nước này là đất nước của dân” được khẳng định trong Đất nước là kết quả của những đúc kết sau nhiều suy tư, truy nguyên sâu sắc, cũng là một điều dường như đã được xác lập thống nhất, là tư tưởng xuyên suốt trong cả đoạn thơ này. Rõ ràng, nhân dân là chủ nhân của phong tục, tập quán, lối sống, là người thực hành, bảo tồn và phát huy nhưng giá trị văn hóa tốt đẹp của chính mình; không ai khác, chính nhân dân cũng lại là người hóa thân mình vào hồn sông núi để vẽ nên dáng hình đất nước. Đúng như Nguyễn Khoa Điềm viết: “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”, vai trò lịch sử và vai trò văn hóa của nhân dân đã được lý giải như thế trong Đất nước. Sẽ thật là thiếu nếu chúng ta nói về bản sắc văn hóa Việt Nam mà quên nhắc đến tính cách, tâm hồn con người Việt Nam. Những đặc tính: giản dị, cần cù, kiên trì trong cuộc sống, trong lao động; dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, trước sau nghĩa tình chung thủy; biết quý trọng sức lao động… và đặc biệt có một tình yêu nước nồng nàn nhưng giản dị là những tính cách nổi bật của con người Việt Nam. Những nét đẹp tâm hồn và tính cách ấy của dân tộc ta đều đã được truyền tải một cách tự nhiên trong Đất nước trong từng hình ảnh, câu từ:

“Em ơi em/ Hãy nhìn rất xa/ Vào bốn nghìn năm Đất nước/ Năm tháng nào cũng người người lớp lớp/ Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/ Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở thành anh hùng… Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại’’.

Dù đặt trong bối cảnh nào của cuộc sống, trong lao động hay trong chiến đấu thì những phẩm cách sáng ngời của tinh thần và tâm hồn Việt Nam vẫn luôn hiện hữu và trở thành mạch nguồn sức mạnh, thành bản lĩnh dân tộc.

Đất nước Việt Nam – bốn chữ thiêng liêng ấy vốn là đề tài lớn của nghệ thuật, là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác văn học. Nguyễn Khoa Điềm từ một góc nhìn văn hóa khai thác ở bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian là chất liệu nghệ thuật đã thực sự thành công khi viết về đất nước. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đem đến diện mạo Việt Nam từ nhiều chiều, từ nguồn gốc đến cách thức tổ chức đời sống, xã hội và đặc biệt, những đặc trưng về phong tục tập quán, từ đó nổi bật lên giá trị, phẩm chất, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam. Có thể nói, ở Đất nước có cả một kho tri thức văn hóa dân gian. Nói như Phạm Hoài Nam, sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm có “Sức liên tưởng mạnh” và khả năng “dẫn người đọc đi từ quá khứ đến tương lai, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ sách vở đến đời sống”. Ở góc nhìn văn hóa, trong sự cảm thụ trích đoạn này, người viết cho rằng Đất nước đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm sâu sắc, thú vị về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ đó càng yêu thương, gắn bó và tự hào. Đó cũng chính là những giá trị về mặt nhận thức văn hóa, thẩm mỹ văn hóa và giáo dục văn hóa của Đất nước.

Trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, trong xu hướng hội nhập văn hóa hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cốt lõi của dân tộc ngày càng là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Văn chương đã và đang góp sức rất nhiều trong sự nghiệp văn hóa của dân tộc, nhiều nhà văn, nhà thơ không chỉ là người nghệ sĩ chân chính, trên con đường sáng tạo nghệ thuật, với những tác phẩm của mình, họ còn góp mặt với vai trò như một nhà văn hóa, đó là: Nguyễn Khoa Điềm với Đất nước trong Trường ca Mặt đường Khát vọng cũng đã làm được điều có ý nghĩa như thế.

_______________

1. Trần Đình Sử, Trên đường biên của lý luận văn học, Nxb Phụ nữ, 2007.

2. Trần Đình Sử, Giá trị văn hóa của văn học Việt Nam, trandinhsu.wordpress.com.

3. Đỗ Lai Thúy, Quan hệ văn hóa và văn học từ cái nhìn hệ thống, tiasang.com.vn.

Tác giả: Nguyễn Thị Dung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *