Văn hóa dân tộc với sự phát triển nhân cách thanh niên quân đội

Văn hóa là thước đo trình độ người của mọi thành viên trong xã hội, bởi mục tiêu của nó là con người, vì sự phát triển con người – nhân cách. Chính vì thế, văn hóa có mặt ở mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã xây dựng nên nền văn hóa giàu giá trị. Đặc biệt, giá trị văn hóa dân tộc còn có vai trò to lớn, góp phần định hình nhân cách thanh niên quân đội, một trong những nhân cách điển hình của thanh niên Việt Nam hiện nay.

Nghiên cứu văn hóa từ hướng tiếp cận giá trị là một trong những phương pháp phổ biến của triết học văn hóa. Khi đề cập đến văn hóa, người ta nhấn mạnh đến khía cạnh sáng tạo vật chất, tinh thần của con người hàm chứa cái chân – thiện – mỹ. Còn khi nói đến giá trị văn hóa là nhấn mạnh đến cái ẩn đằng sau, cái có tác dụng thúc đẩy của bản thân các sáng tạo văn hóa của con người trong tiến trình lịch sử.

Khi xét trong quan hệ giữa giá trị văn hóa dân tộc với sự phát triển nhân cách thanh niên quân đội thì cũng tuân theo phương pháp tiếp cận trên, nhưng được cụ thể hóa vào một chủ thể cụ thể. Ở quan hệ này, giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất lớn với nâng cao nhận thức, củng cố thái độ và hành vi ứng xử trong phát triển nhân cách thanh niên quân đội cho tương ứng với mô hình, mục tiêu huấn luyện trong từng giai đoạn cụ thể.

Mỗi nội dung của giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa riêng với phát triển nhân cách thanh niên quân đội. Có nội dung có giá trị lớn về nhận thức, có nội dung lại có giá trị nhiều về thái độ, động cơ, ý chí, hay về hành vi ứng xử. Mặc dù có sự khác nhau đó nhưng chúng thống nhất ở tính có ý nghĩa. Có thể tiếp cận ý nghĩa đó qua các yếu tố thuộc nhân cách là nhận thức, thái độ (động cơ, ý chí, niềm tin) và hành vi ứng xử. Cùng với đó là tiếp cận giá trị văn hóa dân tộc trong quan hệ với phát triển nhân cách thanh niên quân đội qua mức độ, tầm quan trọng của từng nội dung trong văn hóa dân tộc. Tổng hợp lại có thể thấy, thang giá trị văn hóa dân tộc trong quan hệ với từng yếu tố của phát triển nhân cách thanh niên quân đội.

Giá trị từ chủ nghĩa yêu nước

Đối với người Việt Nam nói chung, giá trị từ chủ nghĩa yêu nước ở vị trí cao nhất cho sự phát triển nhân cách con người. Đặc biệt, giá trị này càng đóng vai trò to lớn, là nhân tố quyết định nhất đến diện mạo, tiến trình phát triển nhân cách thanh niên quân đội. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm của bản thân lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ tình cảm tự nhiên của mỗi người đối với quê hương mình, tiến lên thành tư tưởng và hệ thống tư tưởng, làm chủ sự nhận thức đúng sai, tốt xấu, nên chăng, chỉ đạo việc tu dưỡng bản thân và chỉ đạo rất nhiều phương lược xây dựng, bảo vệ nước nhà” (1). Với cách hiểu chủ nghĩa yêu nước như trên thì giá trị của nó trong quan hệ với phát triển nhân cách thanh niên quân đội là rất lớn. Giá trị ấy tạo nên mô hình nhân cách đặc trưng của thanh niên quân đội.

Giá trị từ chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn

Giá trị này tạo nên những đặc tính, đặc trưng cần có, diện mạo nhân cách của thanh niên quân đội, mà tương lai sẽ là đội ngũ cán bộ kế cận của quân đội ta. Chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trong văn hóa dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm, mà đặc sắc của nó là nhân đạo, nhân văn với cả kẻ thù khi họ hạ vũ khí. Đây là nét độc đáo mà nhân cách thanh niên quân đội cần có.

Giá trị từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó được tích tụ trong lịch sử dựng nước và giữ nước, là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta trường tồn trong lịch sử. Đúng như Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, trong quan hệ với phát triển nhân cách thanh niên quân đội nó càng có vai trò, giá trị to lớn. Đại đoàn kết toàn dân tộc có chiều dài lịch sử mấy nghìn năm và được thử thách qua những thăng trầm rất lớn, tiềm ẩn giá trị đối với mỗi con người Việt Nam, mỗi thanh niên quân đội, tạo nên tâm hồn, cốt cách người quân nhân trong quân đội cách mạng. Thanh niên quân đội là lực lượng chiếm đại đa số trong các đơn vị quân đội, do đó giá trị từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng khối đoàn kết cán – binh trong mỗi đơn vị.

Giá trị từ nghệ thuật quân sự Việt Nam

Nghệ thuật quân sự Việt Nam có nét đặc thù và là nội dung cơ bản của giá trị văn hóa dân tộc. So với các dân tộc khác, Việt Nam đã sáng tạo ra nghệ thuật quân sự độc đáo trở thành sắc thái văn hóa dân tộc điển hình. Trong nghệ thuật đó không chỉ là vấn đề quân sự, chiến tranh, mà quan trọng hơn là vấn đề văn hóa. Văn hóa dân tộc trong đó là ở tính nhân đạo, nhân văn, ý nghĩa tiến bộ xã hội sâu sắc. Nó biểu hiện ở tư tưởng chỉ đạo quân sự, đánh giặc bảo vệ tổ quốc, tự vệ chứ không phải đi thôn tính, xâm lược. Nghệ thuật quân sự của dân tộc ta là đánh cho quân xâm lược rút về nước, chứ không phải là đánh tiêu diệt. Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã khái quát đặc trưng đó. Nghệ thuật quân sự Việt Nam với nội dung đánh giặc phải “tiết kiệm” xương máu của nhân dân, binh sĩ mà vẫn giành thắng lợi. Từ đó, ông cha ta đã sáng tạo ra cách đánh “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, “lấy đoản binh chế trường trận”, chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Nghệ thuật quân sự Việt, khi đặt trong quan hệ với phát triển nhân cách thanh niên quân đội, thì càng có giá trị to lớn, sâu sắc. Đối với người sĩ quan, vấn đề giáo dục cho chiến sĩ hiểu giá trị từ nghệ thuật quân sự có ý nghĩa rất lớn trong tạo động lực tinh thần hiện nay. Vì thế, giá trị từ nghệ thuật quân sự Việt Nam trong văn hóa dân tộc là ở việc tạo nên đặc trưng cơ bản trong mô hình nhân cách thanh niên quân đội.

Những giá trị cần chuyển hóa trong nhân cách thanh niên quân đội bao gồm nhiều nhân tố như: trí tuệ, đạo đức, kinh tế, chính trị – xã hội, văn hóa – thẩm mỹ, thể lực… Trong đó, văn hóa dân tộc giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó đáp ứng được tính đặc thù về phẩm chất, năng lực của thanh niên quân đội. Trước những mặt trái của kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đang hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm của thanh niên quân đội. Tình hình đó làm cho một bộ phận lớp trẻ, trong đó có thanh niên quân đội, có xu hướng xa rời, coi nhẹ các giá trị văn hóa dân tộc. Các thế lực thù địch thường tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, giá trị văn hóa dân tộc. Chúng tìm cách lôi kéo thế hệ trẻ quay lưng lại với quá khứ, mơ hồ về hiện tại, thờ ơ với tương lai. Đã có không ít thanh niên và thanh niên quân đội bị tác động tiêu cực. Chính vì thế, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển nhân cách, góp phần to lớn hình thành hệ giá trị thanh niên quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Giá trị văn hóa dân tộc góp phần trang bị tri thức, phát triển tư duy của thanh niên quân đội. Trong yêu cầu xây dựng quân đội hiện nay đòi hỏi đội ngũ sĩ quan phải có trình độ tri thức ngày càng cao. Những tri thức thuộc giá trị văn hóa dân tộc được hình thành trong quá trình giáo dục cùng với các tri thức khác. Khi được hình thành, phát triển, nó lại có tác dụng thúc đẩy thanh niên quân đội tiếp thu các tri thức khác tốt hơn, bởi hệ thống các khái niệm, tri thức có tác dụng bổ sung, làm phong phú nhau. Những tri thức thuộc giá trị văn hóa dân tộc có khả năng khơi dậy tiềm năng sáng tạo của thanh niên quân đội. Bởi theo ý nghĩa sâu sắc và tổng quát, trình độ văn hóa của con người tới đâu thì bản chất, trình độ người biểu hiện đến đó, trước hết là ở trình độ tư duy, khả năng sáng tạo. Đúng như Mác nhận xét: “Con người khác với con cừu chỉ là ở chỗ trong con người, ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng đã được ý thức” (2). Chính vì vậy, tiếp nhận những tri thức giá trị văn hóa dân tộc làm phong phú thêm tri thức của thanh niên quân đội, góp phần phát triển tư duy. Đồng thời, trình độ tri thức giá trị văn hóa dân tộc càng cao càng làm cho nhân cách thanh niên quân đội đạt đến trình độ văn hóa.

Giá trị văn hóa dân tộc góp phần phát triển cảm xúc, tình cảm lành mạnh của thanh niên quân đội. Giá trị văn hóa dân tộc được sản sinh và nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, ý chí quật cường của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Bởi vậy, nó có tác dụng lôi cuốn, cổ vũ, khích lệ lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi thanh niên quân đội. Giá trị văn hóa dân tộc trong nhân cách thanh niên quân đội phát triển tới một trình độ nhất định sẽ quy định việc lựa chọn các quy tắc tư tưởng, chính trị, thế giới quan của mỗi người theo tiêu chuẩn của những chân giá trị, giúp họ vững vàng và kiên quyết trong ý chí, sâu sắc và bền chặt trong tình cảm. Thấm nhuần giá trị văn hóa dân tộc giúp thanh niên quân đội phân biệt đúng – sai, thiện – ác, xấu – đẹp, kiểm soát được hành vi của mình một cách có văn hóa. Ở trình độ cao, giá trị văn hóa dân tộc trở thành phẩm chất, bản lĩnh, lẽ sống, mục tiêu, nhu cầu phấn đấu suốt đời của thanh niên quân đội.

Giá trị văn hóa dân tộc góp phần tạo dựng hành vi theo chuẩn mực văn hóa của thanh niên quân đội. Những giá trị, giá trị văn hóa dân tộc trong nhân cách thanh niên quân đội cần và sẽ biểu hiện thành hành vi trong hoạt động. Hành vi là sự biểu hiện cụ thể, rõ rệt, sinh động nhất trình độ nhân cách của thanh niên quân đội. Với bản chất của quân đội ta là đội quân cách mạng thì mỗi cán bộ, chiến sĩ phải là những nhân cách văn hóa, hành động có văn hóa. Càng tăng nhiều hành vi tích cực và hạn chế hành vi tiêu cực thì văn hóa cá nhân càng tăng lên. Người có văn hóa là người biết đúng, hiểu đúng, hành động đúng, giữa tư tưởng, tình cảm, lời nói và việc làm của mình thống nhất với nhau. Chính vì vậy, sự chuyển hóa giá trị văn hóa dân tộc trong nhận thức, thái độ, hành động của thanh niên quân đội càng sâu sắc sẽ góp phần tạo dựng hành vi theo chuẩn mực văn hóa của thanh niên quân đội ngày càng hoàn thiện. Giá trị văn hóa dân tộc chính là thước đo trình độ của thanh niên quân đội, giúp thanh niên quân đội nhận thức rõ những điều nên và không nên làm. Dưới góc độ văn hóa, có thể thấy rằng các chế độ, nề nếp của môi trường quân sự là một chuẩn mực văn hóa, bởi nó bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học và đạt hiệu quả cao trong công tác. Tuy nhiên, khi thanh niên quân đội chưa thực hiện các chế độ nề nếp đó một cách tự nguyện, tự giác, coi đó là nhu cầu thì nếp sống còn có sự gò bó, cưỡng ép. Chỉ có thấm nhuần các giá trị, giá trị văn hóa dân tộc mới giúp thanh niên quân đội hiểu và thực hiện các chế độ, nề nếp trong môi trường quân sự một cách có văn hóa, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện các nhiệm vụ khác.

Tiếp nhận giá trị văn hóa dân tộc là mục đích của quá trình giáo dục, rèn luyện thanh niên quân đội, bởi con đường hình thành những phẩm chất xã hội trong nhân cách thanh niên quân đội phải thông qua sự tiếp nhận và hiện thực hóa các giá trị xã hội. Với yêu cầu cao về nhân cách, thanh niên quân đội phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để tiếp nhận các giá trị trong quá trình huấn luyện. Khi đó, hàm lượng giá trị văn hóa dân tộc càng tăng lên sẽ càng giúp thanh niên quân đội hình thành nhân cách phù hợp với chuẩn mực của môi trường quân sự.

_____________

1. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167-168.

2. C.Mác – Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.44.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : VŨ VĂN BÁCH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *