Văn hóa đọc là một khái niệm phức tạp, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Xét trên bình diện phát triển văn minh nhân loại, văn hóa đọc gắn liền với sự xuất hiện và phát triển của chữ viết. Xét trên bình diện cá nhân, văn hóa đọc biểu hiện trình độ phát triển tinh thần của con người cụ thể trong điều kiện xã hội nhất định.
Trong lịch sử nhân loại phương tiện truyền thông tin là công cụ chuyển tải các giá trị văn hóa tới cộng đồng và ngày càng hoàn thiện hơn. Cùng với sự xuất hiện và phát triển của các phương tiện truyền tin kỹ thuật cao là sự ra đời các kỹ năng tương ứng trong đời sống, tạo thành một lớp văn hóa mới thay thế lớp văn hóa cũ.
Tiếng nói là phương tiện truyền tin sớm nhất trong lịch sử loài người. Đây là phương tiện truyền tin trực tiếp, sống động, nhưng khả năng lưu truyền trong không gian và thời gian rất hạn chế. Tương ứng với phương tiện này là văn hóa truyền miệng, tồn tại một thời gian khá dài trong lịch sử nhân loại.
Chữ viết – kỹ thuật ghi lại tiếng nói con người xuất hiện là một bước tiến mới của kỹ thuật truyền tin. Nhờ nó, con người có thể ghi lại thông tin, tri thức, các giá trị văn hóa để truyền đi một cách rộng rãi trong không gian và truyền lại cho các thế hệ sau một cách đầy đủ và chính xác. Tương ứng với nó là sự chiếm ưu thế của văn hóa viết – văn hóa đọc trong xã hội.
Những phát minh ra sóng điện từ ứng dụng điện tử vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX làm xuất hiện và phát triển các phương tiện nghe nhìn như: radio, vô tuyến truyền hình,… Nửa cuối thế kỷ XX, các phương tiện nghe nhìn chiếm ưu thế trong việc chuyển tải thông tin, tri thức và các giá trị văn hóa dẫn tới hiện tượng văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế so với văn hóa đọc.
Giữa thế kỷ XX, máy tính điện tử ra đời cùng với sự phát triển của kỹ thuật số (công nghệ cơ số nhị phân) cho phép con người có thể đồng thời ghi lại, lưu trữ, truyền đi trong thời gian và không gian các dạng thông tin sống như chữ viết, hình ảnh, âm thanh,… Với sự hỗ trợ của mạng lưới viễn thông, máy tính điện tử trở thành phương tiện truyền và tiếp nhận thông tin chủ yếu trong xã hội hiện đại – xã hội thông tin. Tương ứng với nó là sự hình thành, phát triển và chiếm ưu thế của văn hóa computer và xa hơn là văn hóa ảo.
Như vậy, cho đến nay văn hóa computer hay văn hóa ảo là dạng đặc biệt trong diễn trình phát triển xã hội gắn với sự tiến bộ của các phương tiện truyền tin. Có thể thấy rõ điểm khác biệt của lớp văn hóa này so với các lớp văn hóa đã từng chiếm lĩnh ưu thế trước kia. Nếu như văn hóa viết và cùng với nó là văn hóa đọc là sự thay thế phương thức chuyển tải thông tin bằng lời nói thì tương tự như vậy, văn hóa nghe nhìn thay thế văn hóa đọc. Nhưng văn hóa computer không phải là sự thay thế cho văn hóa nghe – nhìn, mà là kết quả sự phát triển bậc cao hơn của văn hóa đọc trên cơ sở tổng hợp tất cả các phương thức truyền tin trước đó: lời nói, viết, đọc, nghe nhìn, với sự hỗ trợ của công nghệ số. Nói cách khác văn hóa computer chính là văn hóa đọc phát triển ở trình độ cao hơn.
Sự phát triển của kỹ thuật số và viễn thông cho phép số hóa, truyền đi các dạng tài liệu khác nhau, hình ảnh, âm thanh sinh động trong cuộc sống con người. Các dữ liệu số được tổ hợp, sắp xếp lại theo một cấu trúc nhất định để có thể truy cập được, tiếp cận được thông qua màn hình máy tính, đồng thời cả những dữ liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh (hypertexts). Con người có thể đọc tài liệu khoa học, xem phim,… đồng thời có thể đối thoại và trực tiếp trao đổi thông tin qua mạng máy tính. Các phương tiện truyền tải thông tin trong lịch sử loài người từ trước tới nay được tích hợp lại trong một phương tiện duy nhất. Khả năng tiếp cận và lĩnh hội thông tin của con người được mở rộng tới vô cùng. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thời gian trở nên dài hơn và không gian được rút ngắn lại.
Sự thay đổi của các lớp văn hóa chịu tác động trực tiếp của các phương tiện truyền tin – chủ yếu chuyển tải các giá trị văn hóa, đồng thời bị chi phối bởi sự biến đổi, phát triển của chính các giá trị văn hóa. Những biến đổi đó ảnh hưởng lớn tới các kỹ năng thu thập, lĩnh hội, sáng tạo ra các giá trị văn hóa của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng người trong từng giai đoạn cụ thể.
Văn hóa đọc xem xét ở cấp độ cá nhân bao hàm khía cạnh định hướng của chủ thể tới đối tượng đọc (nhu cầu đọc), khả năng, trình độ lĩnh hội, thông tin (kỹ năng đọc), cả ở phản ứng với đối tượng đọc (ứng xử văn hóa). Theo quan điểm này, văn hóa đọc của mỗi cá nhân là sự biểu hiện rõ nét xu hướng tinh thần và năng lực nhận thức của chính họ trong mối tương quan với các điều kiện văn hóa của xã hội đương thời.
Trong xã hội thông tin, với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, thông tin được cập nhật thường xuyên và con người có thể tiếp cận thông tin rất dễ dàng. Ngày nay người ta rất khó kiểm soát lượng thông tin được xuất bản hàng ngày, lại càng khó kiểm soát hơn các thông tin số hóa được truyền đi trên mạng Internet. Nếu không có kỹ năng định hướng, lựa chọn thông tin cần thiết, con người sẽ bị ngập chìm trong biển tri thức và các giá trị văn hóa mênh mông của nhân loại. Nhu cầu đọc tin lành mạnh, hài hòa chính là hoa tiêu dẫn dắt con người tiếp cận các giá trị văn hóa nhân loại thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
Kỹ năng đọc và tiếp nhận thông tin, tri thức trong các tài liệu truyền thống cũng có những nét khác biệt so với thông tin số hóa. Trong tài liệu truyền thống, thông tin, tri thức và các giá trị văn hóa được ghi lại trên một dạng vật chất hiện hữu có thể cảm nhận và bảo quản được. Nội dung văn bản được trình bày theo trật tự tuyến tính, làm hạn chế khả năng liên kết văn bản và hoàn toàn không có khả năng liên kết âm thanh, hình ảnh. Trong tài liệu điện tử, thông tin được số hóa và lưu trữ dưới dạng ảo, hoặc những dạng vật chất đặc biệt, cho phép truy cập trực tuyến hoặc ngoại tuyến thông qua máy tính điện tử ở bất kỳ đâu và bất cứ thời gian nào. Muốn tiếp cận, sử dụng có hiệu quả tài liệu điện tử cần có kỹ năng sử dụng máy tính điện tử và các phần mềm hỗ trợ. Đặc biệt, khả năng lĩnh hội, cảm thụ thông tin một cách sâu sắc được tăng lên nhiều lần nhờ sự hỗ trợ của âm thanh và hình ảnh sống động liên kết với văn bản. Tuy nhiên, do khả năng trao đổi thông tin tự do trên mạng ngày càng được mở rộng, thông tin hiện nay rất đa dạng, đa chiều, với chất lượng ở mức độ khác nhau. Để nâng cao khả năng lĩnh hội thông tin phù hợp, người sử dụng phải có trình độ hiểu biết nhất định và có bản lĩnh trong sử dụng thông tin. Trình độ học vấn, phông văn hóa trở thành sức đề kháng cho mỗi người khi tham gia đọc và trao đổi thông tin trên mạng.
Trong quá trình tiếp nhận thông tin, hành vi của mỗi cá nhân cũng bộc lộ rõ và gây ảnh hưởng rộng hơn trong xã hội so với quá trình đọc các tài liệu truyền thống. Hành vi làm rách sách, bôi bẩn lên các cuốn sách đã đọc phản ánh trình độ học vấn, phông văn hóa của cá nhân, nhưng không gây tác hại rộng và mạnh bằng việc đánh sập cả một websites của hackers, hay sự sao chép vô nguyên tắc dẫn đến vi phạm bản quyền một cách khá phổ biến,…
Như vậy có thể khẳng định rằng văn hóa đọc vẫn tồn tại và phát triển ở mức độ cao hơn trong xã hội thông tin, đòi hỏi mỗi cá nhân phải thay đổi hành vi, thói quen theo hướng tích cực hơn, năng động hơn. Văn hóa đọc không chỉ bó hẹp trong việc xem xét đọc sách ở thể loại nào, chủ đề nào, mà còn là kỹ năng định hướng, tìm kiếm và truy cập thông tin một cách chính xác, đầy đủ, nhanh chóng trong môi trường điện tử; kỹ năng liên kết các dạng văn bản để giải mã, lĩnh hội sâu sắc thông tin, tri thức và các giá trị văn hóa của nhân loại; phong cách ứng xử có văn hóa với thông tin, tài liệu. Những kỹ năng đó cần phải được hình thành ngay từ lứa tuổi cắp sách tới trường, duy trì và phát triển ở mức độ ngày càng cao hơn ở những lứa tuổi tiếp theo. Đó là yêu cầu khách quan của thời đại, của thực tiễn đất nước trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực cuộc sống.
Cách đây không lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt
Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009
Tác giả : Trần Thị Minh Nguyệt
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai