Văn hóa pháp luật trong xây dựng nhân cách sĩ quan trẻ quân đội

Văn hóa pháp luật (VHPL) là một phẩm chất không thể thiếu trong nhân cách sĩ quan trẻ, có vai trò rất quan trọng đối với việc hoàn thiện phẩm chất, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, duy trì và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật của sĩ quan trẻ đối với quân nhân, đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở trong quân đội. ở chủ thể cá nhân, VHPL là trình độ người của mỗi cá nhân trong lĩnh vực pháp luật, là tổng hòa những tri thức, tình cảm, hành vi và lối sống theo pháp luật theo tiêu chí chân – thiện – mỹ hợp thành nhân cách văn hóa sống và làm việc theo pháp luật.

VHPL xét ở cấp độ cá nhân luôn gắn với những đặc điểm của từng chủ thể pháp luật nhất định. Sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở trong quân đội nhân dân Việt Nam là những sĩ quan có tuổi đời dưới 35 tuổi, có quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá, giữ chức vụ cán bộ cấp phân đội. Họ là chủ thể pháp luật, không chỉ tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật, mà còn thường xuyên sử dụng pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội để quản lý, chăm lo, tiếp nhận, giải quyết các vấn đề của đơn vị và quân nhân thuộc quyền; đồng thời, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, một trong những yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với sĩ quan trẻ là phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, là tấm gương mẫu mực về thực hiện hành vi, thói quen, lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội để cán bộ, chiến sĩ noi theo.

VHPL trực tiếp phòng, chống và khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần hoàn thiện phẩm chất nhân cách, hành vi, lối sống của sĩ quan trẻ theo Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội

VHPL giúp sĩ quan trẻ chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị một cách thường xuyên, tự giác, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, tạo ra khả năng “miễn dịch” cao trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, âm mưu thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch trong quá trình hoàn thiện nhân cách của sĩ quan trẻ. VHPL trực tiếp loại trừ, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế mà sĩ quan trẻ đã mắc phải, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. VHPL giúp sĩ quan trẻ có định hướng tư tưởng và hành động đúng; có lập trường chính trị kiên định, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

VHPL góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, duy trì pháp luật, kỷ luật của sĩ quan trẻ đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở

Sĩ quan trẻ là người trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng pháp luật, kỷ luật đối với toàn bộ hoạt động của đơn vị và quân nhân thuộc quyền ở đơn vị cơ sở. Vì vậy, sĩ quan trẻ tất yếu phải có và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, duy trì và thực thi pháp luật, kỷ luật.

VHPL giúp cho sĩ quan trẻ lựa chọn, xây dựng mục tiêu, nội dung, hình thức biện pháp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, duy trì pháp luật, kỷ luật đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở một cách nề nếp, có kế hoạch, đúng nguyên tắc nhưng cũng rất linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. VHPL góp phần hình thành phẩm chất, kỹ năng, nghệ thuật sử dụng pháp luật của sĩ quan trẻ trong hành pháp và tư pháp; phương pháp khoa học trong xem xét, đánh giá và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống pháp luật, kỷ luật của đơn vị và quân nhân thuộc quyền, bảo đảm khách quan, công tâm, dân chủ, đúng nguyên tắc và linh hoạt theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật và bản chất truyền thống của quân đội. VHPL giúp sĩ quan trẻ tổ chức, quản lý, duy trì pháp luật, kỷ luật đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở thấm đậm tính nhân văn, ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao.

VHPL góp phần nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật của sĩ quan trẻ đối với quân nhân, đơn vị thuộc quyền

Nhờ có VHPL, sĩ quan trẻ luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật một cách khoa học, thấm đậm tính văn hóa đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở. VHPL giúp cho sĩ quan trẻ lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật phù hợp với từng đối tượng quân nhân trong đơn vị; lựa chọn hình thức hợp lý với phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật thấm đậm tính văn hóa, tính thuyết phục làm chuyển biến nhận thức và hành vi tự giác của quân nhân trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị.

Hiện nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, những hạn chế trong công tác quản lý, giáo dục, dẫn đến ý thức, hành vi chấp hành pháp luật của một số sĩ quan trẻ còn có biểu hiện chưa thường xuyên và tự giác; kỹ năng vận dụng pháp luật, kỷ luật vào việc tổ chức, quản lý, duy trì và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật đối với quân nhân, đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở có nội dung còn lúng túng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đã và đang xuyên tạc, phủ nhận những chuẩn mực VHPL của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân, trong đó có sĩ quan trẻ sống buông thả, vô kỷ cương, pháp luật. Sĩ quan trẻ khi bị ảnh hưởng của những tác động tiêu cực này không những làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mà còn làm giảm sức mạnh chiến đấu của quân đội, bởi tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Trước tình hình trên, VHPL ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng hoàn thiện nhân cách, hành vi, lối sống và làm việc của sĩ quan trẻ theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Vì vậy, việc phát triển, nâng cao VHPL là cấp thiết, không chỉ góp phần hoàn thiện nhân cách của sĩ quan trẻ, mà còn là tiền đề để nâng cao trình độ VHPL trong quân đội ta hiện nay. Để phát triển, nâng cao VHPL cho sĩ quan trẻ hiện nay cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật, kỷ luật cho sĩ quan trẻ. Thường xuyên làm tốt việc lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật phù hợp với sĩ quan trẻ, bám sát hoạt động thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ của sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở. Theo đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với sĩ quan trẻ cần tập trung vào kiến thức cơ bản về Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội và quy định của đơn vị. Ngoài ra, cần phải kết hợp lồng ghép các giá trị tích cực về đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán của địa phương nơi đơn vị đóng quân trong nội dung truyên truyền, giáo dục pháp luật cho sĩ quan trẻ. Nội dung giáo dục pháp luật, kỷ luật cho sĩ quan trẻ cần tăng tính thời sự, tính thực tiễn để họ thường xuyên được cập nhật, tiếp nhận những giá trị pháp luật, kỷ luật mới, kịp thời vận dụng vào hoạt động thực tiễn một cách có hiệu quả.

Cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều hình thức giáo dục pháp luật như: tập huấn, bồi dưỡng cho sĩ quan trẻ qua học tập tại chức ở đơn vị; tổ chức các buổi tọa đàm về pháp luật, kỷ luật; thành lập các loại hình câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua thực hiện Ngày pháp luật; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật để lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật… Vận dụng, sáng tạo các phương pháp tuyên truyền, giải thích pháp luật; phương pháp thông tin pháp luật (sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, truyền thanh, tạp chí chuyên ngành pháp luật, các loại hình nghệ thuật như phim, ảnh); phương pháp nói chuyện, trao đổi về pháp luật, kỷ luật.

Hai là, xây dựng và phát huy vai trò của môi trường VHPL tích cực, lành mạnh ở đơn vị cơ sở. Xây dựng và phát huy vai trò tích cực của môi trường VHPL ở các đơn vị cơ sở phải xây dựng đồng bộ và thường xuyên phát huy vai trò tích cực của các yếu tố cấu thành nhằm phát triển, nâng cao VHPL của sĩ quan trẻ. Cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần nắm chắc nội dung, tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hóa, lành mạnh, để thống nhất nhận thức và cụ thể hóa kế hoạch, tổ chức thực hiện xây dựng môi trường VHPL. Theo đó, cần xây dựng đồng bộ các mối quan hệ VHPL ở đơn vị cơ sở. Đó là các mối quan hệ giữa giữa lãnh đạo với chịu sự lãnh đạo; giữa chỉ huy và phục tùng; giữa cấp trên với cấp dưới; giữa cán bộ với chiến sĩ; giữa đồng đội với đồng đội; giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân… Các mối quan hệ VHPL trên phải được xây dựng theo đúng nguyên tắc, quy định của Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Xây dựng hệ thống các thiết chế VHPL ở đơn vị cơ sở phải tiến hành đồng bộ cả hoạt động xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân vững mạnh theo các quy chế, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động và làm việc của từng tổ chức. Xây dựng đồng bộ, duy trì hoạt động của Phòng Hồ Chí Minh (1), tủ sách pháp luật, các phương tiện thông tin, truyền thanh nội bộ trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ở đơn vị cơ sở. Đảng, Nhà nước, quân đội, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần quan tâm, bảo đảm đồng bộ về chất số lượng và chất lượng hơn nữa cho các đơn vị cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị như: nơi ăn, ở, làm việc, sinh hoạt, huấn luyện… theo hướng chính quy, từng bước hiện đại. Thường xuyên bảo đảm tốt hệ thống trang bị, kỹ thuật trong mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những trang thiết bị thiết yếu đối với việc tổ chức, thực hiện lối sống và làm việc theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị.

Ba là, phát huy tính tích cực của sĩ quan trẻ tự giáo dục, rèn luyện, phát triển, nâng cao VHPL. Cũng như văn hóa đạo đức, VHPL không tự nhiên hình thành, mà là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện công phu, khoa học, nghiêm túc của các chủ thể và sự nỗ lực tích cực tự giáo dục, rèn luyện của mỗi sĩ quan trẻ. Vì vậy, mỗi sĩ quan trẻ phải nhận thức, tự giáo dục, rèn luyện, phát triển, nâng cao VHPL cho bản thân mình là một nội dung quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, giữ nghiêm kỷ luật trong quân đội. Mỗi sĩ quan trẻ cần có ý thức, thái độ, động cơ, trách nhiệm đúng đắn đối với việc tự học tập, rèn luyện; tích cực, chủ động, tự giác rèn luyện hành vi, lối sống theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội để phát triển, nâng cao VHPL. Để làm được điều đó, mỗi sĩ quan trẻ phải tự hình thành cho mình nhu cầu ham hiểu biết, tìm hiểu về văn hóa và pháp luật. Từ đó, căn cứ vào nhiệm vụ, chức trách, điểm mạnh, yếu của bản thân để lập kế hoạch tự học tập, rèn luyện, phát triển VHPL cho phù hợp, cụ thể, thiết thực và phải quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

_______________

1. Từ năm 1984, Phòng Hồ Chí Minh được thành lập tại đơn vị cấp đại đội và tương đương. Sau đó để phù hợp với tình hình mới, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã quyết định thành lập Phòng Hồ Chí Minh ở cấp tiểu đoàn và tương đương. Phòng Hồ Chí Minh là nơi tổ chức hoạt động giáo dục chính trị, sinh hoạt văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ. Các hoạt động chủ yếu là: thông tin cổ động, giáo dục truyền thống, sách báo, tin nội bộ, văn nghệ quần chúng và hoạt động xây dựng nếp sống văn minh, vui chơi giải trí lành mạnh.

Tác giả: Lê Xuân Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *