Văn hóa truyền thống và hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế


 

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sự phát triển của từng dân tộc và cá nhân không thể tách rời truyền thống và càng không thể không có sự tiếp thu những thành tựu hiện đại. Văn hóa tinh thần cũng vậy, sự phát triển của nó không thể đoạn tuyệt với quá khứ mà không có sự cách tân sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Điều đó không có nghĩa là những gì nhân danh truyền thống, nhân danh cái mới, cái hiện đại đều nghiễm nhiên tồn tại và phát triển.

Nhân loại đã bước vào thời kỳ hiện đại và đang bước sang thời kỳ hậu hiện đại. Sự tiến bộ đó là cả một sự đào thải liên tục, trong đó có sự đào thải những yếu tố bảo thủ, lạc hậu, và cả việc phải tỉnh táo sáng suốt loại bỏ những cái giả tạo, nhân danh dưới những nhãn hiệu rất hiện đại, dưới những lời hoa mỹ rất hợp thời. Nói như thế cũng để thấy rằng, cái mới cái tiến bộ được đẻ ra, được cưu mang trong đớn đau và khổ ải. Nhất là trong thời đại ngày nay, với sự du nhập của văn hóa Đông, Tây, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang lại bao nhiêu thuận tiện cho con người về mặt tiện nghi thì đồng thời cũng kéo theo bao nhiêu sự tha hóa xuống cấp về mặt nhân tính. Bên cạnh sự mọc lên những khu chế xuất, những khu công nghệ cao, những nhà hàng sang trọng hiện đại thì đồng thời, nạn tham nhũng, tội phạm tràn lan. Bên cạnh những khu nhà mới, những phương tiện giao thông hiện đại thì đồng thời là sự báo động về sự ô nhiễm môi sinh, môi trường bị phá hủy,… Sự va đập, sự xáo trộn ấy không ai phải chịu đựng thay ngoài con người. Với hoàn cảnh của dân tộc ta, vừa trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, giờ đây trong xu thế hội nhập đang đứng trước thử thách mới mà phẩm giá, nhân cách con người không thể thay bằng tiện nghi, bằng phương tiện sử dụng, mà phải bằng chính lương tri, bằng mặt bằng văn hóa với trình độ dân trí cao và lành mạnh. Để có được điều này, không thể có một mô hình văn hóa nào có thể áp đặt, lại càng không thể vội vàng gạt bỏ quá khứ hay vồ vập với hiện đại chỉ vì mặc cảm bị thua thiệt. Như vậy, sự hội nhập với thế giới, một vấn đề đặt ra quả là khó khăn và phức tạp. Như K.Marx đã chỉ rõ: “Trong trường hợp này, sự mâu thuẫn xảy ra không phải là ở bên trong phạm vi dân tộc đó, mà xảy ra giữa ý thức dân tộc ấy với thực tiễn của các dân tộc khác, nghĩa là giữa ý thức dân tộc và ý thức thế giới”(1). Sự giao lưu rộng rãi về văn hóa và thông tin hiện nay thuận lợi cho việc tìm tòi và sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa tinh thần mà trước đây trong chiến tranh ta chưa có điều kiện tiếp xúc, học hỏi. Mặt khác, với những biến động của nhân loại vào những năm cuối TK XX, không đơn giản chỉ coi là sự khủng hoảng của một phe, một học thuyết mà là một sự khủng hoảng, là bi kịch của nhân loại trên đường tìm kiếm cái chân, cái thiện, cái mỹ. Những biến động trên trong lúc ta vừa thoát ra khỏi chiến tranh, đang tha thiết một cuộc sống hòa bình, một cuộc sống lành mạnh đã gây ra không ít cản trở. Trước lối sống, những tính toán quay ngoắt lại với truyền thống bao đời của dân tộc, những người có lương tri không thể không lên tiếng. Kinh nghiệm thực tiễn đều nhắc nhở chúng ta rằng, tiếp xúc với cái mới, cái hiện đại không thể không có sự cẩn thận, nhất là cái mới, cái hiện đại chưa được thể nghiệm, chưa hẳn là cái có giá trị, và không thể nói là không nguy hiểm. Nếu chỉ chạy theo cái hiện đại, bỏ ra ngoài tính chất cách mạng của nó, đoạn tuyệt với truyền thống không thể không dẫn đến nguy cơ làm đảo lộn trật tự hiện hành. Những biểu hiện tha hóa, nguy cơ xuống cấp về nhân tính có nơi có lúc đang diễn ra một cách ngang nhiên trong cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề nhức nhối trong đời sống văn hóa tinh thần của con người thời hiện đại. Đó chính là những tiếng nói đánh thức lương tri con người: chả lẽ con người không còn tin ở hạnh phúc, ở sự hài hòa; con người không còn những khát vọng hướng về những điều tốt đẹp, chỉ có sự thực dụng đến trơ trẽn, chỉ có cái ác hoành hành? Con người sẽ ra sao nếu thay đức tin, hạnh phúc con người vào sự hài hòa của thế giới bằng sự bế tắc khủng hoảng? Thay thế những giá trị truyền thống của dân tộc và nhân loại bằng những nhãn hiệu hiện đại và hậu hiện đại? Đó là những vấn đề đặt ra không chỉ ở TK XIX, TK XX, mà còn là vấn đề nóng bỏng của ngày hôm nay.

Văn hóa tinh thần là con kênh nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, các dân tộc, các khu vực khác nhau trên thế giới, những con người từ những ngôn ngữ khác nhau, những hoàn cảnh lịch sử khác nhau trong sự hòa nhập hướng tới những mục tiêu cao đẹp của con người trong mái nhà chung của nhân loại. Hơn lúc nào hết, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây, sự tỉnh táo và thận trọng tiếp thụ có chọn lọc, sáng tạo, khôn ngoan hơn trong linh vực văn hóa tinh thần đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dân tộc ta trong cơ hội giao lưu và hội nhập hôm nay.

Trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sự sáng tạo dẫu có giàu trí tưởng tượng, bay bổng đến đâu cũng phải hướng về con người, bắt nguồn từ chính cuộc đời, là sự thăng hoa từ chính những mối quan hệ của đời sống, làm thỏa mãn lợi ích, nhu cầu thưởng thức, đánh giá cái đẹp ở bình diện tâm hồn con người. Văn hóa, nghệ thuật đáp ứng những nhu cầu trên, trong cơ chế của xã hội ta đang đổi mới lại càng dễ hiểu. Có cầu thì mới có cung, đó là quy luật của nền kinh tế thị trường. Trong văn hóa nghệ thuật cũng thế. Mỗi tác phẩm sống được là vì nó đã đáp ứng một nhu cầu nào đó về lợi ích, về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Mà cũng vì thế trong lĩnh vực này, sự phân biệt hàng thứ thật và thứ giả, hàng thương mại là rất rõ ràng. Vấn đề là ở chỗ, từ nhu cầu phát triển văn hóa, người sáng tạo những giá trị vật chất và tinh thần ý thức như thế nào để có những tác phẩm đáp ứng được nhiều mặt trong đời sống của xã hội ta hiện nay. Điều này không nhằm vào ai khác mà đòi hỏi sống còn ở người sản xuất, người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Khi một sản phẩm sáng tạo ra không những phải đảm bảo chất lượng về mặt nội dung mà còn phải đáp ứng thị hiếu của công chúng (thì mới có khách hàng – người tiêu dùng, người đọc, người xem, người cổ vũ…), và lại còn phải tính đến việc tiêu thụ nó (nếu không sẽ bị thua lỗ vì đồng vốn xuất bản tác giả phải tự bỏ ra). Giải được bài toán trên trong thực tế không đơn giản một tý nào. Mà thực chất đặt người sản xuất, người sáng tạo văn hóa, nghệ thuật vào một sự lựa chọn: dễ dãi chiều theo nhu cầu, thị hiếu của công chúng hay hướng tới những mục tiêu cao đẹp trong cuộc sống mà nhà sản xuất, nhà nghệ sĩ đeo đuổi. Đấy là thách thức đối với người hoạt động, người sáng tạo văn hóa nghệ thuật xét trên phương diện nhân cách, tài năng của người sáng tạo. Ai cũng biết rằng, hướng con người tới những điều tốt đẹp, lành mạnh bao giờ cũng khó khăn hơn là việc nuông chiều theo những sở thích, những thói quen tầm thường, thiển cận. Vì thế người ta hay nói đến cái tâm, cái tầm của nhà sản xuất, nhà nghệ sĩ và trách nhiệm của người đồng hành là người làm công tác phê bình và công luận. Người có tài, có tâm nhất định sẽ sáng tạo ra tác phẩm hay và bổ ích. Người phê bình và công chúng có hiểu biết, có trách nhiệm không thể không tỏ thái độ với những sản phẩm kém chất lượng, tâm đắc và chia sẻ với tác giả và công chúng về những tác phẩm hay, nghiêm túc và lành mạnh. Khao khát mong mỏi để có những tác phẩm hay, những tài năng lớn, biết kích thích tài năng sáng tạo mới mong có cái hay, cái đẹp được nhân lên, làm lành mạnh đời sống tinh thần của xã hội.

Với sự phức tạp và đa dạng trong việc thưởng thức, đánh giá văn hóa nghệ thuật của công chúng, trong thực tế đời sống văn hóa rất đa dạng, phong phú và phức tạp hiện nay, người sáng tạo văn hóa, nghệ thuật chân chính sống được với nghề nghiệp của mình quả là khắc nghiệt. Trong một số lĩnh vực nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh,… nhiều người phải từ giã nghề nghiệp hoặc sống nhờ gia đình. Nhiều người, nhiều năm gắn bó, tâm huyết với nghề muốn có những tác phẩm hay, sản phẩm tốt đến với công chúng đã phải băn khoăn. Tất nhiên đây là vấn đề tất yếu nảy sinh trong cơ chế mới. Nhưng ở góc độ tính ưu việt của chế độ ta, từ thực tế hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay, đời sống, hoạt động của người làm văn hóa, nghệ thuật cần phải được các cấp chính quyền quan tâm.

Một điều cần trao đổi ở đây là thị hiếu của công chúng. Nhu cầu của công chúng, sự thưởng thức, đánh giá một tác phẩm, một công trình nghệ thuật diễn ra một cách hoàn toàn độc lập và tự nguyện, dựa vào vốn sống, vốn văn hóa, lợi ích và sở thích của người tiêu dùng, thưởng thức. Quyền đòi hỏi được thưởng thức, hưởng thụ, sự khen chê, đồng tình hay phản đối về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm là quyền của công chúng. Cũng vì thế sự phức tạp trong việc bình xét, đánh giá sản phẩm, tác phẩm văn nghệ, sự phức tạp trên thị trường tiêu thụ (sản phẩm vật chất và tinh thần) hiện nay là điều phải có. Vấn đề ở đây là, trong điều kiện xã hội ta, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa còn thấp, cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa chưa thể tự thân phát triển được. Không như các nước đã phát triển ở phương Tây và một số nước trong khối ASEAN, ở đó nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng: hải cảng, sân bay, đường giao thông,… đầu tư ban đầu vào các xí nghiệp kinh tế, hỗ trợ cho kinh tế phát triển. Nhưng ở đó, chính quyền không làm ra được văn hóa. Văn hóa tự thân nó phát triển khi đã có một công chúng hiện đại. Từ điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, xây dựng và phát triển văn hóa cần phải có sự hỗ trợ của nhiều nguồn của nhà nước và các tổ chức văn hóa quốc tế. Nhưng mọi sự nỗ lực, thúc đẩy từ bên ngoài chỉ khi nào đi vào ý thức mỗi người dân mới mong giải được bài toán về thực trạng văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng.

Một điểm không thể coi nhẹ là việc giới thiệu, thông tin các giá trị văn hóa tinh thần của các nền văn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới và truyền thống văn hóa dân tộc. Phải làm cho mỗi người nhận ra được rằng, đời sống văn hóa tinh thần của ta hiện nay còn thấp, còn lạc hậu trước so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, với nhu cầu về văn hóa, tinh thần của con người hiện nay trên thế giới.

Mấy năm gần đây cùng với các phương tiện thông tin vươn tới phủ sóng đến tận thôn bản, vùng sâu vùng xa, trên màn ảnh truyền hình của trung ương và địa phương xuất hiện chương trình giới thiệu văn hóa, khoa học kỹ thuật, thế giới đó đây, Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài,… có những bộ phim với diễn viên đẹp, đời sống tiện nghi, nội dung lành mạnh, hướng thiện. Những người làm công tác văn hóa, hoạt động văn học sử dụng các phương tiện thông tin, nhanh nhạy kịp thời phơi bày cái xấu, cái ác, cái dung tục trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ, trong ứng xử giữa người với người ở mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Những sự thật đến đau lòng vì nhân tính đang bị bào mòn còn tồn tại (có nơi, có lúc rất ngang nhiên) trong đời sống được những người làm văn hóa phanh phui, mổ xẻ đưa ra trước ánh sáng của công luận. Từ đó kích thích sự tìm kiếm những giá trị tinh thần của cộng đồng, của nhân loại, chống lại sự tha hóa đang có nguy cơ thường trực trước sự biến đổi của xã hội ta thời mở cửa.

Hiện tượng một cuốn sách, một bộ phim, một hiện tượng không lành mạnh,… được người đọc, người xem, công chúng quan tâm, bàn bạc, tranh luận; hiện tượng văn hóa tinh thần thu hút sự quan tâm của mọi người, đi vào đời sống tinh thần từng gia đình, từng cá nhân là một hiện tượng lành mạnh, là biểu hiện công chúng đang trên đường hiện đại hóa.

Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta hiện nay, sự phong phú và giàu có trong hành trang văn hóa tinh thần của con người Việt Nam thời mở cửa sẽ thúc đẩy tiến trình hòa nhập giữa cộng đồng và nhân loại diễn ra một cách lành mạnh như định hướng xây dựng và phát triển văn hóa Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(2).

_______________

1. C. Mác, Ph. Ănghen, V. Lênin, Về văn hc ngh thut, Nxb Sự tht, Hà Nội, 1977, tr.48.

2. Tìm hiểu ni dung các văn kin Đại hi XI ca Đảng, định hướng ln v phát trin văn hóa, xã hi, báo Nhân dân đin t, thứ ba, 5-4-2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Nguyễn Văn Kha

4/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *