Người Mường ở Ngọc Lặc cơ bản là cư dân bản địa, có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Đồng bào có truyền thống hòa thuận, thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau tạo nên sức sống cộng đồng cao. Trong văn hóa ứng xử và giao tiếp kết tinh những giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đây là thuần phong mỹ tục, được hun đúc từ nhiều đời nay nhằm cố kết cộng đồng làng xã và duy trì sự ổn định xã hội. Tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống hôm nay; là yếu tố nội lực căn bản cần được phát huy sức mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; là tiền đề để xây dựng nông thôn mới và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.
1. Đặt vấn đề
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Ngọc Lặc là không gian sinh tồn chủ yếu của người Mường, cư trú mật tập ở các mường như: mường Mèn, mường Vịn, mường Ứn, mường Um, mường Vực Lồi, mường Lập, mường Yến, mường Bống, mường Chẹ, mường Ngòn, mường Tạ… Tính đến thời điểm năm 2013, dân số người Mường ở huyện Ngọc Lặc là 24.821 hộ, 98.323 khẩu, chiếm 70,53% dân số của huyện. Các dòng họ lớn của người Mường ở Ngọc Lặc họ Phạm Thúc, Phạm Văn, Bùi, Quách, Trương, Lê, Nguyễn… Người Mường ở Ngọc Lặc gồm có 2 nhóm Mường Trong và Mường Ngoài. Nhóm Mường Trong là nhóm cơ bản, đây là nhóm tích hợp giữa mường bản địa với một bộ phận người Mường từ mường Khô huyện Bá Thước di chuyển đến. Nhóm Mường Trong có đặc điểm riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục so với Mường Ngoài (có nguồn gốc từ Hòa Bình). Song nhìn chung người Mường ở Ngọc Lặc phần lớn có nguồn gốc bản địa, cư trú lâu đời.
Người Mường ở Ngọc Lặc có kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú và đa dạng. Bên cạnh các truyện thơ như Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Nga – Hai Mối, Nàng Ờm – Chàng Bồng Hương… cho thấy người Mường biết quý trọng tình yêu tự nguyện, không ép buộc tình yêu bằng quyền lực và lễ giáo… còn có di sản ca dao, tục ngữ phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của con người với thiên nhiên, ca ngợi tình yêu lứa tôi, quê hương đất nước và tình yêu lao động cũng như kinh nghiệm sản xuất… Đặc biệt phải kể đến thiên sử thi Đẻ đất đẻ nước (1) mà tổ tiên người Mường đã để lại.
Đồng bào Mường ở Ngọc Lặc có truyền thống hòa thuận, thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau tạo nên sức sống cộng đồng cao. Trước hết, trong mỗi làng Mường xưa tính cộng đồng được thể hiện gắn liền với lệ làng, luật tục – những quy ước bất thành văn nhưng chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó tính cộng đồng được biểu hiện trong các mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, láng giềng qua ứng xử ăn – ở hàng ngày. Đó là cùng sống, cùng ăn, cùng chia ngọt sẻ bùi. Thông qua các áng văn học dân gian, các bài xường, đang, mo… cho thấy người Mường rất khéo ăn, khéo nói. Trong ứng xử và giao tiếp hàng ngày cũng vậy, người Mường luôn thể hiện sự khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong mỗi lời chào, lời hỏi thăm, lời mời, lời răn dạy con cái…
2. Đôi nét về văn hóa ứng xử
Ứng xử trong gia đình
Gia đình người Mường đề cao nền nếp, tôn ti, thứ bậc, đặc biệt là các mối quan hệ với dâu, rể. Người Mường có tập quán thường 3 đến 4 thế hệ cùng chung sống với nhau trong một gia đình, dưới một mái nhà; con cháu luôn luôn lễ phép đối với ông bà, cha mẹ. Con cháu đi xa về, hay có khách đến nhà cho gói quà thì sẽ chia phần theo thứ tự cấp bậc từ cao đến thấp, từ trên xuống dưới.
Ngồi ăn cơm, hay trò chuyện sinh hoạt hàng ngày cũng phải ngồi theo thứ tự từ cao đến thấp. Trước đây, con dâu không được ngồi chung mâm với bố chồng, không được ngồi lên giường của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, hiện nay đã cởi mở hơn, con dâu cũng như con đẻ trong nhà.
Con gái thường chăm lo công việc trải chiếu, kê đệm, mắc màn cho cha mẹ ngủ. Mẹ và con gái thường rất thân thiết. Hàng ngày mẹ sẽ truyền dạy cho con gái những bài học, lễ giáo, khuôn phép ứng xử cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc mình.
Tuy nhiên, nếu đi vào những mối quan hệ ứng xử cụ thể sẽ nhận thấy những quy tắc ứng xử khác nhau giữa các mối quan hệ trong gia đình.
Quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu: khi con cháu còn nhỏ, ông bà cha mẹ cũng như tất cả người lớn đều rất chiều chuộng, yêu thương con nhỏ. Trong bữa ăn, có gì ngon nhất đều dành cho trẻ nhỏ, như ăn thịt gà thì luôn phải để dành cho trẻ nguyên hai cái đùi. Bởi vậy trong thành ngữ Mường có câu: Con đẻt túi kha, ô ông rá me énh xịt nạc (con nít đùi gà, ông già miếng thịt nạc). Mặc dù được chiều chuộng nhưng con trẻ thường rất ngoan ngoãn, lễ phép. Khi bé trai lên khoảng 9, 10 tuổi, nếu nhà có khách thì người ta sẽ cho trẻ ngồi mâm với khách, danh nghĩa là để rót rượu hầu khách, nhưng mặt khác là để trẻ học tập phép tắc, lễ thức ứng xử, cách nói năng giao tiếp của người lớn. Khi có đám xá trong làng, nếu người lớn không đi được thì người ta có thể ủy nhiệm cho trẻ 10, 12 tuổi đi thay. Đến đám, trẻ vẫn được gia chủ đón tiếp trân trọng và được ngồi ở vị trí bố mẹ mà trẻ thay mặt. Qua đây cho thấy người Mường có tập quán tôn trọng thế hệ trẻ, tạo cơ hội cho con trẻ được học tập những lễ nghi, phép tắc ứng xử từ sớm. Hay nói cách khác, trong văn hóa ứng xử, người Mường luôn tạo cơ hội cho trẻ em nhập thân văn hóa ứng xử để hội nhập từ tấm bé. Cũng như vậy, khi giao tiếp với người cao tuổi, trẻ em Mường rất lễ phép, thể hiện sự tôn kính đối với bề trên. Đây là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của đồng bào Mường ở Ngọc Lặc nói riêng.
Quan hệ anh em, vợ chồng: đây là các mối quan hệ bình đẳng trong gia đình. Em ún thì lễ phép với anh chị, anh chị thì tôn trọng em ún. Điều này thể hiện rõ trong cách xưng hô, giao tiếp hàng ngày. Anh, chị không gọi em là “thằng nọ”, “con kia” mà gọi là “út, ún, hiếm, eénh…”. Em thì hay gọi anh, chị là “anh nòi, chị hiếm”. Nếu anh, chị, em đã có gia đình thì cách xưng hô lại có sự thay đổi. Chị dâu và anh rể gọi em chồng/em vợ là “cô, chú/cậu, dì” chứ không gọi tên, đặc biệt khi nói chuyện với em chồng/em vợ thì chị dâu/anh rể luôn phải “dạ” chứ không được “ừ”. Khi đã có con thì các gia đình sẽ được gọi theo tên con, ví dụ: bác cò Nam, bác hĩm Vui, chú cò Hòa, cậu cò Anh, o hĩm Lan (2). Quan hệ anh em bình đẳng nhưng vẫn tuân theo tôn ti nhất định, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Mường. Trong quan hệ vợ chồng, người Mường hiếm khi thể hiện tình cảm ở chốn đông người, trái lại họ luôn tỏ ra e lệ, thẹn thùng. Vợ gọi chồng là “bác dâu, pồ dâu, ấu dâu” (bố mi ơi, bố ơi), còn chồng gọi vợ là “mế dâu” (mẹ mi) chứ không xưng hô với nhau là anh, em. Người phụ nữ Mường rất đảm đang, họ có thể gánh vác các công việc đồng áng, nương rẫy nhưng vẫn chu toàn việc nhà, chăm sóc gia đình, chồng con… Có thể nói, mối quan hệ vợ – chồng của người Mường rất bền chặt. Ở mỗi làng của người Mường rất ít hoặc hầu như không có chuyện vợ chồng ly hôn. Đặc biệt ngày xưa, có đôi vợ chồng nào mà nên duyên từ các cuộc xường thì tình yêu của họ được trân trọng đến hết cuộc đời (3).
Ứng xử với họ hàng
Người Mường Ngọc Lặc gọi anh em họ hàng là “ùn eenh nhá nhỏ nhá náy” (anh em nhà nhỏ nhà lớn). Theo nếp nghĩ của người Mường, dù các gia đình ở riêng nhưng vẫn chung một gốc, chung một cội. Trong mọi sự kiện, việc lớn việc nhỏ của gia đình đều phải có sự chứng kiến và lo toan chung của anh em họ hàng. Có thể trước đó anh em xích mích với nhau, nhưng khi có công to việc lớn thì người Mường thường rất đoàn kết, hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc chung. Bởi lẽ, người Mường quan niệm đã là anh em thì là người nhà, việc lớn là việc chung, có ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cả dòng họ.
Quan hệ họ hàng trong cộng đồng người Mường chia theo thứ bậc nghiêm ngặt, gọi là cành trên, cành dưới. Văn hóa Mường cũng đề cao vai trò của “nhá náy” (nhà gốc) và con trai cả, người đứng đầu họ.
Ứng xử với thông gia
Người Mường rất trân trọng mối quan hệ này. Thông gia hay còn gọi là “khe môộng” không phải là anh em mà là một mối quan hệ đặc biệt. Đối với thông gia, không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ đều được hết sức kính trọng. Trong giao tiếp trò chuyện thì “thưa ông, thưa bà, thưa anh, thưa chị…”, đáp lại thì “dạ, vâng…”, vì vậy người Mường có câu: “Nhỏ í là sày, náy í là bôn” (nhỏ cũng là lá dáy, to cũng là lá môn) ý nói bên thông gia rất quan trọng, là mối quan hệ hôn nhân, phải tôn trọng và ứng xử lịch sự. Đón tiếp thông gia là nghi lễ trọng thị. Khi có nhà thông gia đến chơi thì gia đình đó phải gọi anh em, họ hàng đến để đón tiếp, không được một mình tiếp đón, như vậy mới thể hiện sự tôn trọng, kính nể.
Thông gia người Mường còn phải thực hiện rất nhiều thủ tục đám xá, ma chay. Khi đi đám nhà thông gia bao giờ cũng phải có anh em họ hàng đi cùng và luôn phải sắm cỗ theo phong tục. Trong bữa ăn giữa các thông gia luôn đề cao lời chào. Họ có thể ngồi với nhau cả buổi nhưng mâm cỗ vẫn còn đầy, chỉ có lời chào mời là luôn được sử dụng.
Ứng xử với làng xóm
Làng của người Mường mang tính cộng đồng sâu sắc. Hầu như tất cả các gia đình trong làng đều có quan hệ khăng khít, là anh em xa, gần hoặc thông gia. Họ xưng hô với nhau nghiêm chỉnh theo tập quán và giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, cưới xin, ma chay…
Nếu trong làng có đám ma thì phụ nữ trong làng sẽ đến giúp tang chủ lo cơm nước, đàn ông sẽ có trách nhiệm đi đào huyệt, thịt lợn, làm cỗ… Có đám cưới thì cũng tương tự, nhưng thường có rất đông thanh niên đến giúp kê bàn ghế, bày biện bát đũa, bưng bê chè nước… Họ giúp đỡ lẫn nhau vô tư chứ tuyệt đối không quan niệm nợ nần, tính toán hơn thiệt.
Người Mường hay cho, hay giúp, rất ít khi bán. Được miếng ngon, miếng lạ cũng chia cho hàng xóm, vì theo quan niệm của đồng bào “ăn một mình thành phân, chia phần nên em, nên chị”. Trong rất nhiều câu chuyện, thì Trứng lầm tấm là một trong những câu chuyện thể hiện tình làng nghĩa xóm sâu sắc: trứng chim lầm tấm chỉ bằng trứng chim cuốc, thế nhưng cũng chia cho hàng xóm cùng ăn… đề cao tính cộng đồng là thế. Đây là một trong những lý do chính để văn hóa làng của người Mường có sức sống trường tồn và mãnh liệt.
3. Văn hóa giao tiếp xã hội
Người Mường Ngọc Lặc vốn khiêm tốn, lịch sự, lại khéo ăn khéo nói nên giao tiếp xã hội trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá phẩm chất của con người.
Lời chào hỏi
Người Mường không bao giờ chào hỏi nhanh nhảu, cộc lốc, không vồ vập, mà phải từ tốn, lễ độ. Câu chào, lời hỏi bao giờ cũng có đầu có đuôi, mang màu sắc văn vẻ, ý tứ, lịch sự. Ví dụ lời chào hỏi của người trẻ đối với bậc cao niên ở xa đến thăm gia đình: “Dạ, ôông à, lô ngáy táy khàng, xôn con lổi lấm, chăng vến nhá trêênh pơ thăm àn ôông rá, xúm mủ… Chăng hay nhá trêênh cảc cố, cảc ôông, cảc mú, pảc pà, ái ới, xúm mủ hó háng, láng trêênh láng tìn cò cón ăn siêng ở leénh cả chăng ôông à” (Dạ, thưa ông, lâu năm dày tháng, con cháu lỗi lầm, không về nhà trên thăm hỏi các ông, các cố, anh em nhà lớn nhà nhỏ… Không biết nhà trên các cố, các ông, các bà, các bác, anh chị, họ hàng, làng trên, làng dưới có khỏe mạnh cả không ạ). Người già đáp lại: “Ừ, ở leénh cả con ời, nhá pay ở leénh cả vảy” (Ừ, khỏe mạnh cả con ạ, nhà bay khỏe cả chứ).
Lời chào đối với người trong làng thì đơn giản, ngắn gọn hơn. Người Mường hay chào theo kiểu lặp lại công việc người được chào đang làm. Ví dụ: thấy một người hơn tuổi đang hái rau, thì người ta sẽ chào: “Pà cảch xâu à pà á!” (Bác đang hái rau ạ!); Tương tự như thế, lời chào có thể là “ti cần vến à pà à!” (bác đi cấy về ạ!); “ti tru à ùn à!” (đi chăn trâu à em!)…
Đối với thông gia thì lời chào hỏi bao giờ cũng dài, văn vẻ, trọng thị. Đang đi trên đường, nếu gặp thông gia thì người Mường vẫn xuống xe, tắt máy, hỏi thăm đàng hoàng, tử tế, rồi mời thông gia đến chơi nhà.
Điều đặc biệt là người Mường cũng rất hài hước, các mối quan hệ làng xóm của họ luôn được bồi đắp tình cảm bằng những câu chào, lời ghẹo tinh tế. Trọng thị, nhã nhặn, lịch sự mà vẫn chứa đựng nhiều yếu tố hài hước là cách mà cộng đồng người Mường giao tiếp với nhau.
Tiếp khách và thiết đãi khách
Trong mối quan hệ với khách nổi lên hai đặc tính: chân thành, tình nghĩa và khiêm tốn; lễ độ và tôn trọng hết mực.
Người Mường cho rằng mâm cơm chén rượu là cuộc giao lưu tình nghĩa, tế nhị, là cơ hội tốt để tình cảm gắn bó bền chặt hơn. Bởi vậy, thiết đãi khách là việc hệ trọng, cần phải làm sao cho chu toàn, tươm tất. Khi xưa, nhà có khách thông gia thì thường mổ lợn, thậm chí mổ trâu, bò thết đãi. Người Mường có câu “khách đến nhà không gà cũng vịt”, thể hiện sự coi trọng đối với khách.
Có thể thấy, nguyên tắc giao tiếp cơ bản nhất, quan trọng nhất của người Mường là lễ độ, lịch sự, tôn trọng. Nếu khách là thông gia hay khách ở xa, lâu ngày đến thăm, khi gặp nhau thì người ta phải đứng thẳng, chắp hai tay về đằng trước, chào hỏi trịnh trọng, khi chuyện trò trao đổi thì người nói phải “thưa”, người nghe phải “dà, dạ”, không bao giờ chủ – khách tranh cãi khôn dại, hơn kém.
Trong lúc tiếp khách thông gia hoặc trong các đám xá thì lời nói phải có màu sắc văn hoa, khéo léo, thể hiện sự hiểu biết lễ nghi phong tục của người nói chuyện. Lời ăn tiếng nói rất quan trọng nên khi có công việc lớn, có đám xá, người ta phải “chọn mặt gửi vàng” đối với những người được ngồi tiếp khách.
Để lời ăn tiếng nói có tính văn vẻ, thêm phần hoa mỹ người ta thường lấy ngôn từ từ chất liệu văn học dân gian như truyện thơ, truyện kể, xường, đang, ca dao, tục ngữ… Ví dụ một từ đơn giản như anh em (ùn eenh) thì người Mường có thể biến tấu thành các kiểu: cò ùn cò eenh (có anh có em), ùn tổt eenh leénh (em tốt anh lành), ùn trưởc eenh khâu (em trước anh sau), ùn pồ máng mế (anh em con chú con bác), ùn giấu eenh cò – ùn khò eenh nghéo – ùn khèo eenh khôn (em giàu anh có – em khó anh nghèo – em khéo anh khôn)…
Có thể dẫn thêm ví dụ về lời chào của nhà nội khi nhà ngoại làm vía đặt tên cho cháu (vài đặt mỉ): “Dạ, xin thưa cảc ví ôông, ví môống, xôn con ăn rúa poòng vài tổ tiên hó háng nhá môống ý tà măng lô ngáy táy khàng, mơi cón măng hiềm măng hoi. Nay ơn nhớ mố mả tổ tiên nha ôông nhá môống, trới cho phủc, tẩt cho lôộc, nay mời khinh khẻ tẻ xa àn mún băng giôồng băng nói. Ôông mú, pồ mế rá nhá xôn nhá con í tà măng phui cày loóng, măng khoong cày tá. Hôm nay ngáy ní nhá môống măng xương con cò tố tóm nom sòm, peènh trày cùn kha, vến tún vến nhá mấn vài mỉ vài mên cho xôn cho con ăn xiêng ở leénh. Mơi rối tún nhá xôn con ý cón măng tằm măng tím, xua ái kèm ùn, chăng cò cày cho ôống chi, của pá cháo pá, xôn con kình mới cảc ôông cố, môống cố, cảc ví môống từa môống cài, chù tà hó háng, rủ loóng xương xôn xương con ngối dôống pơ dôống thăm, oòng chèn ráo trạt cho phui cửa phui nhá, xôn con rủ loóng càm ơn!” (Dạ, xin thưa các vị ông, vị mộng, con cháu ăn nhờ bóng vía tổ tiên họ hàng nhà mộng cũng đã lâu ngày dày tháng, nhưng còn hiếm còn hoi. Nay nhờ ơn mồ mả tổ tiên nhà ông nhà mộng, trời cho phúc, đất cho lộc, nay mới sinh xẻ, đẻ được mụn măng giống măng nòi. Ông bà, bố mẹ già nhà con cháu cũng thấy vui lòng vui dạ. Hôm nay ngày này, nhà mộng nghe thương còn có đùm nom, bánh trái, lợn gà, về cửa về nhà làm vía mỉ vía mên cho cháu cho con ăn ở khỏe mạnh. Nhưng rồi cửa nhà cháu con còn đắm còn chìm, thua anh kém em, không có cái gì, của bà chào bà, cháu con kính mời các ông cố, bà cố, các mộng ông mộng bà, chú tá họ hàng, rủ lòng thương cháu thương con ngồi xuống bơ thăm, uống chén rượu nhạt cho vui cửa vui nhà, cháu con xin cảm ơn).
Nhiều cuộc chuyện trò đôi bên chủ khách trở thành cuộc đối đáp nghệ thuật, để lại cho con cháu hầu tiếp xung quanh những bài học thú vị. Tuy nhiên, đây là một màn chào hỏi được sử dụng phổ biến trong các cuộc tiếp đãi khách khứa hay đám xá. Ở các đám xá, nếu để người không biết ăn nói tiếp khách thì bị cho là gia chủ bất lịch sự, không trọng khách. Do vậy, những người khéo ăn khéo nói rất được cộng đồng coi trọng, được mời tham gia vào các công việc của làng, của anh em, họ hàng.
Nhìn chung, người Mường ở Ngọc Lặc là cư dân bản địa, có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Những tên đất, tên làng là bằng chứng sinh động về quá trình chinh phục, bảo vệ và phát triển vùng đất này của cộng đồng người Mường. Trong văn hóa ứng xử và giao tiếp biểu thị giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đó là cốt cách, là tinh hoa văn hóa được hun đúc từ nhiều đời nay nhằm cố kết cộng đồng làng xã và duy trì sự ổn định xã hội. Giá trị văn hóa ứng xử nói trên của người Mường là thuần phong mỹ tục, nó vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống hôm nay (4).
_________________
1. Vương Anh (chủ biên), Mo sử thi dân tộc Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
2. Theo tập quán của người Mường cũng như người Kinh ở Thanh Hóa, gọi là hĩm (bác hĩm Vui, hay o hĩm Lan…) để chỉ sinh con gái đầu lòng; gọi là cò (bác cò Nam, chú cò Hòa…) để chỉ sinh con trai đầu lòng. Hay gọi là bố cò, bố hĩm cũng với ý chỉ việc có con trai hay con gái.
3. Theo nghĩa hẹp, xường là lối hát giao duyên của người Mường. Theo nghĩa rộng, xường là làn điệu tiêu biểu, chủ yếu của dân ca Mường, bao gồm cả xường chúc, xường kể, xường sắc bùa, xường giao duyên… thường được hát trong trong những dịp vui như mừng nhà mới, chúc mừng đầu xuân, trong các cuộc hát đối đáp giao duyên.
4. Xin cảm ơn ông Bùi Hồng Nhi, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ngọc Lặc cung cấp tư liệu cho bài viết này.
Tác giả: Mai Văn Tùng – Lê Thị Thanh Thủy
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%