Văn hóa ứng xử với tin giả về dịch COVID-19


Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp cả trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh sự lây lan nhanh, gây nhiều hậu quả nặng nề do COVID-19 gây ra, còn xuất hiện một loại virus khác không kém nguy hiểm, đó chính là virus tin giả. Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước tính đến nay đã xác minh, làm việc với hơn 800 trường hợp đưa tin sai sự thật. Hậu quả của việc lan nhanh tin giả không chỉ gây hoang mang, hoảng loạn, mất niềm tin trong xã hội mà còn gây nhiều thiệt hại nặng nề cả về người và của, đối với mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và xã hội.

1. Thực trạng tin giả về dịch COVID-19

Mạng xã hội phát triển, có những mặt tích cực như tính cập nhật thông tin cao, mỗi cá nhân đều có thể bộc lộ ý kiến quan điểm trước các vấn đề xã hội, tốc độ chia sẻ, lan truyền thông tin nhanh. Đồng thời, khi mạng xã hội phát triển cũng là môi trường thuận lợi để xuất hiện những tin giả, những bình luận ác ý… gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, tạo tâm lý hoang mang, bức xúc trong cộng đồng, gây chia rẽ giữa chính quyền và người dân, làm mất uy tín của cá nhân khi bị vu khống, bịa đặt. Tin giả (fake news) còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến (1). Về tính chất, có tin hoàn toàn bịa đặt, có tin bịa đặt một phần. Về hình thức, tin giả có thể xuất hiện thông qua cách truyền miệng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tin giả xuất hiện có thể chỉ nhằm mục đích gây chú ý, câu like (sự ưa thích), câu view (lượt xem), mang lại lợi nhuận cho người tung tin nhưng đồng thời, có thể gây hoang mang dư luận, thậm chí tạo nên làn sóng chống đối chính quyền, gây chia rẽ xã hội.

Tin giả COVID-19 lan nhanh như một vết dầu loang ở khắp các quốc gia trên thế giới. Ở Ấn Độ, chủ một trại gà mất trắng 800.000 USD vì tin giả cho rằng dịch COVID-19 có thể lây nhiễm qua thịt trắng của gia cầm. Ông Bhatlekar đã phải tiêu hủy toàn bộ số trứng và gà con mới nở vì không thể bán ra thị trường hay tiếp tục chăn nuôi (2). Tít bài “Thức ăn ở Sydney, Úc nhiễm chủng virus corona mới” kèm theo danh sách một loạt các loại thức ăn và những địa điểm ở thành phố Sydney bị nghi ngờ nhiễm chủng virus corona mới, được hàng trăm người chia sẻ. Ở Việt Nam, tin giả về dịch COVID-19 cũng không hiếm và nảy nở như nấm độc. Có tin đưa “Hà Nội cho máy bay khử trùng toàn thành phố” đã được nhiều người chia sẻ trên các trang cá nhân, các nhóm chat… khiến người dân thủ đô hoang mang. Ngay sau khi xác nhận trường hợp bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19 ở Hà Nội, hàng loạt tin giả gây hoang mang dư luận. Ngay sau đó, người người đổ xô đi mua, tích trữ lương thực, thực phẩm, tranh giành nhau từ cuộn giấy vệ sinh, thùng mỳ, bao gạo. Ngày 7-3-2020, hàng hóa trở nên khan hiếm tại chợ và các siêu thị.

Hàng loạt các tin giả về dịch COVID-19 lan tràn trên mạng xã hội đã khiến chính quyền và các cơ quan chức năng khó khăn trong việc điều hành, xử lý, khiến người đọc mất niềm tin, gây hoang mang dư luận, đảo lộn trật tự xã hội. Không gây chết người ngay lập tức nhưng thứ virus tin giả hằng ngày, hằng giờ len lỏi, làm méo mó suy nghĩ, nhận thức, gây hoang mang và lung lay niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều tin giả làm người dân thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm về tính mạng. Tin giả về các biện pháp phòng và chữa bệnh, có thể khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin làm theo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe: “Ăn hột vịt gà để chống COVID-19”, “Nước muối có thể diệt chủng virus corona mới ?”; “Người đàn ông khỏi viêm phổi corona nhờ uống 25 lít nước 1 ngày”…

C.V.Q trú tại Nghệ An bị công an triệu tập ngày 6-2-2020 vì đưa thông tin sai sự thật

đến virus corona. Ảnh: laodong.vn

Tin giả gây những hệ lụy xấu trong xã hội. Lợi dụng tác hại này, nhiều cá nhân, tổ chức phản động đã tung hàng loạt các tin giả nhằm thổi bùng sự hoang mang trong dư luận, phủ nhận mọi nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng chống dịch, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Từ việc công bố hành trình di chuyển của bệnh nhân số 21, đã có rất nhiều những bình luận ác ý, suy diễn về các cơ quan nhà nước. Khi 16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được chữa khỏi và ra viện, hàng loạt các tin giả cho rằng có việc giấu bệnh và làm tăng sự nghi ngờ về khả năng kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam. Nếu không tỉnh táo tiếp nhận loại tin này sẽ mang lại nghi ngờ, mất niềm tin về các cơ quan chính quyền, chia rẽ sự đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, chia rẽ nội bộ nhân dân. Tin giả còn gây khó khăn, tăng thêm áp lực cho các y bác sĩ, những người đang ngày đêm tận tình cứu chữa bệnh nhân. Chính tin giả khiến các y bác sĩ bị bạn bè, người xung quanh kì thị, xa lánh.

Tin giả giống như một loại virus nguy hiểm, một khi nó khiến người đọc hoang mang và lo sợ thì cũng đồng nghĩa với việc nó làm hệ miễn dịch trong mỗi người giảm sút. Mỗi cá nhân trở nên yếu đuối, ích kỷ, chỉ chăm lo cho cuộc sống cá nhân, gia đình mà thiếu ý thức công dân, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc tôn trọng những quy định của Nhà nước về phòng chống dịch. Virus tin giả lây nhanh hơn virus thật. Bức ảnh khử trùng tại T18, Times City, nơi sinh sống của bác sĩ trực tiếp khám cho bệnh nhân COVID-19 bị bóp méo cùng thông tin sai lệch khiến bao người dân sợ hãi. Nỗi sợ ấy được truyền qua hơn 3000 lượt like, hơn 5000 lượt chia sẻ cùng với hơn 70.000 lượt người theo dõi trang cá nhân (3). Rất nhiều bài viết như thế khiến chỉ sau một đêm, T18 được coi như ổ dịch.

2. Ứng xử với tin giả dịch COVID-19

Đối với cơ quan hành chính nhà nước

Các cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm xử phạt, ngăn chặn các hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Thời gian qua, có rất nhiều cá nhân đưa thông tin sai sự thật về dịch virus corona trên mạng xã hội, đã bị xử phạt. Thậm chí có những nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Cát Phượng, nữ đạo diễn, diễn viên Ngô Thanh Vân cũng bị phạt 10 triệu đồng/ người vì đưa thông tin sai sự thật trên facebook về dịch bệnh. Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM quyết định xử phạt theo điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ.

Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-2018, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tại điều 8, điểm d, Luật An ninh mạng cấm hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác” (4). Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ 14 tháng qua nhưng những vụ việc gần đây của một số cá nhân, tổ chức cho thấy nhiều người vẫn thờ ơ, bất chấp luật pháp.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu như Nghị định 173/2013 chưa phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội thì Nghị định 15/2020 đã phân tích cụ thể, chi tiết từng hành vi. Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên. Nghị định được ban hành ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020 (5).

Nghị định 15/2020 quy định chặt chẽ, cụ thể, với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội. Hy vọng nghị định mới cùng với Luật An ninh mạng sẽ góp phần ngăn ngừa hiệu quả thông tin sai sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và của chính mỗi người dân.

Đối với cơ quan báo chí

Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn của nhân dân… Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp từng ngày, từng giờ trên khắp thế giới, hơn bao giờ hết, những người cầm bút của mỗi tờ báo cần nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh, nghĩa vụ của mình đối với đất nước, đối với độc giả. Người cầm bút cần cập nhật thông tin chính xác, đưa thông tin một cách trung thực, có trách nhiệm, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội một cách tích cực, phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, tạo niềm tin trong nhân dân.

Theo đánh giá mới nhất của Tiểu ban Truyền thông (thuộc Bộ Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19), với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò của mình. Số lượng, thời lượng các bản tin, các bài báo khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng chống dịch đã tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao ý thức cho người dân. Các cơ quan báo chí đã đóng góp không nhỏ trong việc lật tẩy những tin giả đang lan tràn trên mạng xã hội. Từ bức ảnh giả mạo nữ bệnh nhân số 17 nhiễm virus COVID-19 ở Hà Nội đang nguy kịch, báo chí đã vào cuộc kiểm chứng. Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư khẳng định tình hình sức khỏe của bệnh nhân đang có tiến triển tốt. Báo chí kịp thời khẳng định thông tin về sức khỏe nguy kịch của bệnh nhân số 17 là thông tin giả mạo. Ngay sau đó, bức ảnh không còn xuất hiện trên mạng xã hội. Chính nhờ việc tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh chính xác, trung thực của cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn xuất hiện đâu đó những bài báo đăng thông tin sai lệch hoặc giật tít, câu view, gây hiểu lầm, làm hoang mang dư luận. “Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ 5 ngày từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 3 đã có 28.071 bài viết về dịch COVID-19” (6). Điều đáng nói là: tỉ lệ thông tin tiêu cực trên báo điện tử còn cao hơn trên mạng xã hội. Ngay lúc này, đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo cần được coi trọng hơn lúc nào hết. Bên cạnh việc phản bác thông tin sai lệch, cập nhật những thông tin mới nhất, chính xác nhất về tình hình, diễn biến của dịch bệnh thì đồng thời, các cơ quan báo chí cần lan tỏa những việc làm tốt, những tấm gương điển hình trong công tác phòng chống bệnh, để tăng thêm niềm tin cho bạn đọc, cung cấp những thông tin phòng chống dịch hữu ích.

Đối với mỗi cá nhân

Việt Nam là một quốc gia có nhiều người tham gia vào mạng xã hội, ước tính chỉ riêng sử dụng facebook đã có trên 60.000.000 tài khoản ở Việt Nam, đứng thứ 7 trên thế giới. Đối với thông tin trên mạng xã hội, có người thận trọng kiểm tra, đối chiếu nhiều nguồn để kiểm chứng nhưng cũng có không ít người vội vã tin và lan truyền những thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng. Có người muốn nổi tiếng, được nhiều người thích, chia sẻ bài viết. Có người muốn câu view cho trang bán hàng của mình… Hoặc chỉ vì mục đích trêu đùa, hù dọa cho vui. Nhưng chính những hành động đó đã ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại lớn cho xã hội, cho cuộc sống thật. Trước tình hình tin giả đang trôi nổi trên mạng xã hội, người đọc cần tỉnh tảo ứng xử với loại virus này. Khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội, chúng ta đều phải cẩn trọng, tỉnh táo và suy nghĩ thấu đáo. Sự tỉnh táo trong lúc đọc và tiếp nhận thông tin là một thói quen cần được xây dựng khi tham gia vào mạng xã hội.

Tin giả ngày càng tinh vi nên để đối phó với nạn tin giả, người tiếp nhận thông tin cần có kiến thức và trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng để phân biệt tin thật, tin giả. Những thông tin được đăng tải trên báo chí, trang web của cơ quan chức năng có độ tin cậy cao và xác thực, sẽ hạn chế được phần nào tin bịa đặt. Người đọc không nên tin ngay và cần kiểm tra chéo trên nhiều nguồn báo chính thống. Cần biết nguồn tin được cung cấp từ đâu, người chia sẻ tin đó là ai, cần đề phòng nếu đó là một tài khoản không rõ danh tính hoặc trang bán hàng. Đồng thời, độc giả cần xem thông tin có khách quan, đa chiều không hay chỉ một chiều, theo chủ quan người viết. Các thông tin đưa ra có bằng chứng, có được các đơn vị có thẩm quyền thẩm định không. Dễ dàng hơn, chúng ta nên chịu khó sử dụng các công cụ tìm kiếm như bằng Google. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lập tài khoản TikTok chính thức như một phần trong nỗ lực đẩy lùi tin giả về virus corona. Trước tình trạng tin giả hoành hành, Google đã ưu tiên hiển thị thông tin từ WHO lên đầu kết quả tìm kiếm về virus corona. Facebook bổ sung hướng dẫn truy cập trang web của các tổ chức y tế trên New Feeds của người dùng… Đó là nguồn thông tin giúp bạn đoc biết được tình hình diễn biến của dịch COVID-19 một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Người đọc cần có tư duy phản biện, khi tiếp nhận thông tin. Tư duy phản biện hay còn gọi là tư duy phân tích được hiểu như một quá trình tư duy biện chứng, gồm phân tích, đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Khi gặp một thông tin đi trái với dòng chảy thông tin thông thường đang diễn ra thì người đọc cần bình tĩnh đọc kỹ, suy xét cẩn thận. Để có tư duy phản biện trước các tin giả, đòi hỏi mỗi người không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết, rèn luyện bản thân, ý thức sâu sắc trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin. Trước khi chia sẻ thông tin với người khác cần nghĩ đến trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu tin đó là tin giả.

Và chúng ta hãy là người chia sẻ thông tin về dịch COVID-19 có trách nhiệm để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Thay vì chia sẻ những thông tin tiêu cực, chưa được kiểm chứng, tạo ra không gian mạng phức tạp, chúng ta hãy chia sẻ các thông tin hữu ích về cách phòng chống dịch, khuyến khích mọi người hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, không kì thị với người nhiễm bệnh…

Tuy COVID-19 đang là đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt các ngành như du lịch, hàng không vận tải, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ người thất nghiệp ngày càng cao, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân đã đang và chung tay chống dịch như chống giặc. Khoảng chục nghìn người Việt ở các vùng tâm dịch đã và đang được đón về nước. Hàng trăm tiếp viên Vietnam Airlines xin đi làm không nhận lương chức danh trong 2-3 tháng. 280 bác sĩ, y tá đã về hưu tại Hà Nội tình nguyện xin trở lại bệnh viện để chống dịch. 115 cán bộ, sinh viên Y Hà Nội tình nguyện đến sân bay Nội Bài ngăn chặn dịch. Hàng ngàn chiến sĩ cả tháng nay ngủ bạt giữa rừng, nhường chỗ để phục vụ người cách ly.

 Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu mỗi người dân thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng chống, không hoang mang, lo lắng thái quá. Bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Cần theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt những quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế, không lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời, có thái độ lên án, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật. Đằng sau các nút Like (thích), Share (chia sẻ) và Comment (bình luận) là thái độ, trình độ, chính kiến, văn hóa ứng xử với tin giả của mỗi cá nhân. Hơn ai khác, chính chúng ta sẽ là người quyết định số phận của con virus này!

_______________

1. vi.wikipedia.org

2. tuoitre.vn

3. Virus nằm ở phím Enter, phát sóng trên VTV1, ngày 12-3-2020.

4. tulieuvankien.dangcongsan.vn

5. vanban.chinhphu.vn

6. Đối diện, phát sóng trên VTV1, ngày 18-3-2020.

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *