Văn hóa và văn hóa thẩm mỹ ở nước ta hiện nay


 

Vị trí của văn hóa trong xã hội

Xuất hiện trong ngôn ngữ của loài người từ rất sớm, tuy nhiên do những điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội, khái niệm văn hóa bao hàm những nội dung và ý nghĩa khác nhau. Ở phương Đông thì văn có nghĩa là vẻ đẹp, hóa có nghĩa là thay đổi, biến hóa, giáo hóa, gộp lại văn hóa hiểu theo nghĩa gốc là làm cho trở nên đẹp. Ở phương Tây văn hóa có nghĩa là sự gieo trồng, chăm sóc, vun xới cây trồng, rồi người ta cũng thấy sự chăm sóc là rất cần thiết cho quá trình trưởng thành của một con người. Về sau, văn hóa mang theo nghĩa rộng hơn là giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất cho con người.

Nhìn vào lịch sử phát triển của xã hội loài người, chúng ta có thể thấy các quá trình biến đổi tự nhiên dẫn đến con người phải chinh phục và khám phá, tìm hiểu tự nhiên để phục vụ nhu cầu tồn tại của mình. Trong quá trình đó, yếu tố lao động là cơ sở để con người tồn tại và chính lao động mới đem đến sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của con người, rồi hình thành văn hóa.

Xã hội loài người đang phát triển đa dạng, mỗi quốc gia, dân tộc đều xuất phát từ những điều kiện hiện có là truyền thống văn hóa, tiềm lực kinh tế và tiềm lực con người. Mỗi quốc gia muốn phát triển bền vững đều phải củng cố vững chắc ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Cả ba lĩnh vực đó có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nếu chính trị bất ổn thì kinh tế chậm phát triển và ngược lại kinh tế chậm phát triển thì chính trị sẽ không duy trì được sự ổn định của mình. Mặc cho kinh tế hay chính trị có những bước thăng trầm theo những quy luật riêng nhưng chỉ có văn hóa mới có sức mạnh khôi phục hoặc làm cho kinh tế và chính trị phát triển một cách bền vững. Khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão, nhưng bên cạnh đó là ô nhiễm môi trường, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày càng mở rộng, mâu thuẫn xã hội càng khơi sâu, kinh tế tăng trưởng, thu nhập đầu người càng cao thì ở nhiều nơi đời sống văn hóa càng thấp, đạo đức có nguy cơ suy đồi; dân chủ càng mở rộng mà quyền tự do của con người ở nhiều nước lại có nguy cơ thu hẹp. Với hiện trạng như vậy, nhu cầu bức thiết là phải làm sao cho văn hóa tác động trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, với mọi lứa tuổi để tạo ra môi trường xã hội có văn hóa.

Trong sự phát triển đa dạng của xã hội hiện đại, văn hóa được xem là yếu tố phản ánh đầy đủ nhất hiện trạng xã hội. Tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế do UNESCO tổ chức tại Mexico năm 1982, văn hóa được định nghĩa như sau: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt, tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng”.

Lịch sử xã hội loài người đã để lại những dấu vết và những thành tựu do bàn tay và khối óc con người tạo ra. Con người sáng tạo ra lịch để tính thời gian, sau mỗi khoảng thời gian nhất định hoặc xảy ra những biến cố lịch sử, con người lại tổng kết toàn bộ các giá trị đó, dựa vào phạm vi, nhịp độ, số lượng công trình, tác phẩm cùng với lượng thời gian mà đánh giá và so sánh với thành tựu của thời kỳ trước đó. Mỗi một thời kỳ lại có những nhà tư tưởng, những danh nhân bằng trí tuệ, hành động của mình đem đến cho nhân loại những giá trị về vật chất và tinh thần

Xuất phát từ những biến động của xã hội loài người trong thập niên 80 của TK XX, UNESCO đã đưa ra định nghĩa nhằm khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia chỉ tìm mọi cách phát triển kinh tế mà bỏ qua những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Do con người hoạt động trên các môi trường khác nhau mà tạo thành các chỉnh thể, các nền văn hóa khác nhau. Môi trường tự nhiên là cái có sẵn, là thân thể vô cơ của con người, và con người là thân thể hữu cơ của tự nhiên, là sản phẩm trực tiếp của tự nhiên, cho nên tự nhiên không nằm ngoài lịch sử nhận thức của con người, con người chinh phục tự nhiên, sống hài hòa với tự nhiên – đó là cái tự nhiên thứ hai, văn hóa – với những sắc thái khác nhau do con người sáng tạo ra. Sắc thái văn hóa vùng, miền, khu vực, văn hóa Đông – Tây đều phản ánh những dấu hiệu sự sáng tạo của con người (nhân hóa) thông qua hàng loạt các biểu tượng, những công cụ từ thô sơ đến hiện đại.

Ở Việt Nam, văn hóa được phát triển cùng với chiều dài của lịch sử. So với các nước phát triển, Việt Nam là một nước chậm phát triển về kinh tế. Đó là một thực tế. Nhưng không ai không khẳng định Việt Nam là một nước văn hiến, với một nền tảng văn hóa bản địa vững chắc, tạo thành một truyền thống mở, một sức mạnh tiếp biến những yếu tố văn hóa ngoại sinh, cho dù động cơ của những kẻ mang đến muốn đồng hóa, cưỡng bức bằng chiến tranh, bằng xâm lược. Nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú nhờ sức mạnh nội tại, cũng như nhờ tiếp nhận văn hóa bên ngoài. Ít có một dân tộc mới lập nước chưa lâu, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc chịu ách thống trị của một dân tộc có nền văn minh rạng rỡ, lại không những không bị đồng hóa, mà còn mở đầu cho một thời kỳ tự chủ phục hưng. Chính sách của nhà Hán tiếp đó 400 năm nhằm tiêu diệt văn hóa dân tộc, đốt sách, đập bia, san bằng các di tích văn hóa, không ngăn cản được triều Lê, với đỉnh cao là Lê Thánh Tông, xây dựng nhà nước hoàn chỉnh. Gần đây, trải qua gần 100 năm Pháp thuộc, 30 năm chiến tranh với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam vẫn giữ được tấm hộ chiếu của mình. Lịch sử đã nhào nặn, thử thách con người Việt Nam, mỗi lần nguy kịch, mỗi lúc gian nan, lại là lúc làm giàu thêm cho văn hóa bản địa.

Sức mạnh tự cường của bề dày văn hóa dân tộc là động lực cứu dân tộc trong những lúc bị xâm lược, ngàn cân treo sợi tóc; cũng là sức mạnh hấp thụ có sàng lọc một cách nhuần nhuyễn những yếu tố bên ngoài để phát triển, làm giàu cho bản thân. Văn hóa dân tộc là sợi dây xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại đến tương lai của dân tộc. Không có sự thay thế, chỉ có sự kế thừa, chuyển đổi, thích nghi và phát triển. Không có sự vứt bỏ để bắt chước kệch cỡm cái của người khác; chỉ có sự tham khảo, tiếp thụ cái gì của nhân loại cần cho dân tộc, hợp với dân tộc. Với người dân, văn hóa là một tổng thể hợp nhất. Đến với họ, qua sự chọn lọc, đâu còn sự phân biệt cái gì của ta, cái gì lấy của người. Tất cả cái từ ta hay từ khác ta trở thành cái của ta. Còn đối với người nghiên cứu, ta mới hiểu được rành rọt qua sự phân tích và mới biết được sức mạnh của người Việt Nam không sợ mở, còn tiếp thụ có chọn lọc, không đánh mất mình mà còn làm cho mình thêm giàu có. Dấu ấn Việt Nam được thể hiện rõ nét trên các yếu tố văn hóa ngoại sinh, vật chất cũng như tinh thần.

Di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua bao thăng trầm cũng như biến cố, cùng với những hình thái kinh tế xã hội, với sự phát triển của văn hóa Đông – Tây. Những di sản văn hóa ấy định vị rằng văn hóa Việt Nam đã có từ lâu đời. Trong TK XIX dấu mốc quan trọng của văn hóa Việt Nam là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đánh dấu sự thay đổi trong hệ tư tưởng, tiếp đó là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2-9-1945), xã hội Việt Nam có chế độ mới về kinh tế – chính trị và văn hóa xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, ngay từ năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra đề cương cách mạng văn hóa. Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, vừa đấu tranh để bảo vệ chính quyền, vừa xây dựng và cải tạo xã hội mới. Trong thời khắc cam go đó Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Ba thứ giặc được sắp xếp theo cấp độ quan trọng lúc bấy giờ, giặc dốt đó là dân ta không biết chữ, không biết chữ thì sẽ không nắm bất được khoa học kỹ thuật, không hiểu được lý luận cách mạng, khó cải tạo chính bản thân mình, bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Như vậy, Người xếp giặc dốt là thứ giặc mà dân ta phải chống lại đầu tiên, đồng nghĩa với nó chính là dân ta phải có văn hóa, có tri thức. Người đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Sáng tạo theo xu hướng tiến bộ là biểu hiện tích cực của văn hóa, trong đó có nghệ thuật, có cái đẹp để phục vụ mỹ quan của người cảm nhận. Như vậy, văn hóa nghệ thuật biểu lộ trình độ sáng tạo và trình độ cảm nhận của con người.

Văn hóa và văn hóa thẩm mỹ

Trong định nghĩa trên, văn hóa được khái quát thành những yếu tố cơ bản sau:

Yếu tố vật chất: toàn bộ những hoạt động sản xuất ra của cải để đáp ứng nhu cầu của con người như: ăn, mặc, ở… thông qua công cụ quan trọng của con người là ngôn ngữ và năng lực tư duy.

Yếu tố tinh thần: đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật…, là hoạt động đáp ứng nhu cầu tinh thần.

Hai yếu tố đó cho thấy sự bao trùm của văn hóa đối với xã hội loài người.

Khi xem xét trên bình diện rộng, văn hóa bao gồm đạo đức, pháp luật, văn học, nghệ thuật, pháp luật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán…; các bộ môn nghệ thuật và một số hoạt động phục vụ nhu cầu tinh thần của con người (phim ảnh, ca nhạc, tuồng chèo, kịch nói, hội họa…). Trong xã hội hiện nay còn có: văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa hành chính (văn hóa công sở), văn hóa khu dân cư, văn hóa thôn bản (tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới), văn hóa gia đình… Văn hóa bao hàm trong nó các chức năng: giáo dục, kích thích sáng tạo văn hóa, liên kết xã hội, giải trí, dự báo và thẩm mỹ, có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Thẩm mỹ là một chức năng rất quan trọng của văn hóa, nhưng cũng là chức năng hay bị bỏ quên, bị coi nhẹ trong hoạt động của con người. Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hưởng thụ, hướng tới cái đẹp. Con người nhào nặn hiện thực theo quy luật của cái đẹp và xét cho cùng, văn hóa là sự sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp.

Văn hóa thẩm mỹ là một khái niệm mới xuất hiện vào thập kỷ 60 TK XX. Sự xuất hiện khái niệm văn hóa thẩm mỹ gắn liền với nhu cầu nghiên cứu bản thân các hoạt động thẩm mỹ. Tính đa diện, đa dạng, đa cấp độ của các lĩnh vực hoạt động thẩm mỹ, sự xâm nhập của chúng vào trong mọi lĩnh vực hoạt động đòi hỏi phải nghiên cứu văn hóa thẩm mỹ như một thành tố hữu cơ, quan trọng, đặc thù của một nền văn hóa. Đồng thời, bản thân sự gia tăng của yếu tố thẩm mỹ trong mọi hoạt động của con người, nghĩa là gia tăng yêu cầu đưa cái đẹp vào cuộc sống, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc xem xét văn hóa thẩm mỹ cả về mặt đặc trưng cũng như mặt tương tác của nó đối với những lĩnh vực xã hội khác. Từ những năm 60 TK XX đến nay, các nhà triết học, văn hóa học với những hướng tiếp cận khác nhau đã xác định được khái niệm văn hóa thẩm mỹ với nội dung rộng hẹp khác nhau. Văn hóa thẩm mỹ khi thì được coi là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần từ góc độ thẩm mỹ mà loài người tích lũy được, khi thì được coi là bản thân phương thức đặc thù – chiếm hữu cái đẹp của hoạt động người…

Ngày nay xu hướng chung là mở rộng nội hàm của khái niệm văn hóa thẩm mỹ dựa trên cơ sở quan niệm của C.Mác về sự đối tượng hóa những sức mạnh bản chất của con người trong các hoạt động và kết quả hoạt động theo quy luật cái đẹp của họ. Từ đó, văn hóa thẩm mỹ được nhìn nhận như là mức độ thể hiện và thực hiện cao và độc đáo các sức mạnh bản chất của con người trong mọi hoạt động xã hội, đồng thời là bản thân phương thức hoạt động đó. Ngày nay xu hướng chung là mở rộng nội hàm của khái niệm văn hóa thẩm mỹ. Việc mở rộng nội hàm của khái niệm văn hóa thẩm mỹ được dựa trên cơ sở quan niệm của C.Mác về sự đối tượng hóa những sức mạnh bản chất của con người trong các hoạt động và kết quả hoạt động theo quy luật cái đẹp của họ. Từ đó, văn hóa thẩm mỹ được nhìn nhận như là mức độ thể hiện và thực hiện cao và độc đáo các sức mạnh bản chất của con người trong mọi hoạt động xã hội.

Văn hóa thẩm mỹ của người Việt Nam

Ở Việt Nam việc xây dựng văn hóa thẩm mỹ được bắt đầu từ sớm. Ở chặng đường đầu TK XXI, mô hình thẩm mỹ là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa được sản sinh ra từ nền nông nghiệp, với văn hóa của sự nghiệp công nghiệp hóa, các giá trị thẩm mỹ của truyền thống với các giá trị thẩm mỹ hiện đại, các thành quả thẩm mỹ của dân tộc và loài người.

Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một giá trị, mà mục tiêu vươn tới đó là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi vì nó không chỉ là sự phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay mà còn là một khát vọng ngàn đời của dân tộc, của nhân dân. Cho nên, nói đến sự nghiệp đổi mới đất nước là nói đến một tập hợp những giá trị tổng quát có liên quan chặt chẽ với nhau. Xây dựng và phát triển nền văn hóa thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII phục vụ công cuộc đổi mới: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới…”. Trong đời sống nghệ thuật trước đây và cả hiện nay vẫn tồn tại khuynh hướng minh họa và truyền đạt một cách sơ lược cái hình thức bên ngoài của cuộc sống hiện thực, dường như có sự thiếu hụt những cảm xúc chân thành và thiên hướng dấu ấn cá tính trong sáng của đội ngũ sáng tác. Trong hoạt động nghệ thuật luôn có hai khuynh hướng tích cực và tiêu cực bởi sự tác động hai mặt của nền kinh tế thị trường. Một trong những hiện thực thẩm mỹ mang tính tích cực là khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp đổi mới, của mọi yếu tố hợp thành mối quan hệ thẩm mỹ và quan hệ nghệ thuật. Đó là sự thay đổi từ đối tượng đến chủ thể, từ sự tác động của hình tượng nghệ thuật đến hiệu quả của sự tác động ấy trong các quan hệ phong phú và phức tạp của quan hệ thẩm mỹ.

Để hình thành thị hiếu thưởng thức cũng như thị hiếu sáng tạo mới, hướng trung tâm của nghệ thuật ở nước ta hiện nay là xây dựng các hình tượng phong phú và cao đẹp về con người Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính ở quá trình này có sự gặp gỡ giữa các tài năng sáng tạo và công chúng nghệ thuật. Và cũng chính ở đây, vấn đề xây và chống trong thị hiếu nghệ thuật được đặt như một yêu cầu khách quan đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống tinh thần của công chúng. Hình tượng về con người Việt Nam với tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh là định hướng cơ bản của quá trình sáng tạo, hưởng thụ và đánh giá hiện nay. Bởi vì, định hướng cho quá trình sáng tạo, thưởng thức và đánh giá nghệ thuật sẽ xây dựng nên những tình cảm thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ mới cho nhân dân. Ngược lại, đến lượt nó, thông qua tình cảm thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ này mà các quan hệ thẩm mỹ mới được phát hiện, các nhân tố mới của con người Việt Nam được tái tạo và đi vào cuộc sống hiện thực của nghệ thuật. Ở nước ta, sự thành bại của sự nghiệp giải phóng cá nhân trong tiến trình đổi mới tùy thuộc vào việc văn hóa thẩm mỹ tự giải phóng và phát triển các tiềm năng sáng tạo của mình. Văn hóa thẩm mỹ đề cao trách nhiệm của mình trước sự nghiệp đổi mới sẽ đảm bảo vững chắc cho việc xây dựng và phát triển các nhân cách mới và cũng là quá trình tự đổi mới mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : La Đức Đại

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *