Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của nước ta trong thời gian tới là: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (1). Điều đó cho thấy công tác bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế là việc làm hết sức quan trọng.
Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần được tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Do đó, văn hóa đã trở thành yếu tố nguồn cội, nền tảng quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn, giúp nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà ranh giới giữa các quốc gia bị lu mờ, không gian kinh tế được thu hẹp thì giao lưu văn hóa trở thành một hiện tượng tất yếu, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng tốt hơn những thành tựu văn hóa chung của nhân loại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng internet đã mở ra cơ hội để người dân ở các quốc gia có thể hiểu và tiếp cận với những nền văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, đời sống văn hóa vật chất, tinh thần khác nhau. Từ đó có thể chia sẻ, hợp tác, mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước, làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Bên cạnh những cơ hội cũng tồn tại không ít những thách thức trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước tiên đó là sự lo ngại về khả năng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa ngoại lai có sức thâm nhập mạnh, có thể đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự không dễ gì đạt được. Chính vì vậy, các quốc gia ngày càng chú ý nhiều đến chủ đề văn hóa, như đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh. Một số học giả cho rằng, những luồng văn hóa ngày nay bị mất cân bằng, nó đang di chuyển mạnh theo hướng từ những nước phát triển sang và gây áp lực đối với những nước nghèo. Bởi văn hóa không phải là hiện tượng cố định, bất biến mà luôn vận động, thâm nhập và chịu sự tác động từ những nền văn hóa khác. Nó cũng có tính chất lịch sử cụ thể. Theo tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn: “Lịch sử phát triển suốt mấy nghìn năm qua đã cho thấy, văn hóa Việt Nam cũng giống như nhiều nền văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới, là một nền văn hóa mở cửa, đầy tinh thần tổng hợp, nhân đạo và bao dung…” (2). Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, vừa phải đương đầu với những yếu tố phản cảm, tiêu cực của nó. Như vậy, bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống có nguy cơ bị xói mòn trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai.
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã, đang và sẽ còn tác động đến sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Thực tế đã xảy ra những mâu thuẫn, có khi dẫn đến xung đột giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Sự đối lập giữa các nền văn hóa dễ tạo ra những căng thẳng về lối sống, tác động không tốt tới giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, những tiêu cực do mạng internet mang lại đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích con người suy tính, lựa chọn, so sánh để tìm kiếm lối sống ích kỷ, thiếu suy nghĩ. Một bộ phận thanh thiếu niên đã có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu có sự lợi dụng từ các thế lực thù địch. Việc chủ động tiếp thu văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm thiết thực, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Ở nước ta, cuộc đấu tranh giữ gìn, khẳng định giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc được thể hiện dưới những nội dung và hình thức hoàn toàn mới mẻ, đa dạng. Từ sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), nền văn hóa Việt Nam không ngừng khởi sắc với nguồn lực văn hóa ngày càng phát triển; các giá trị truyền thống của dân tộc được quan tâm, lưu giữ và phát huy; quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè năm châu quốc tế.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (11-2006), ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế được xác định là 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, xác định ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả nước. Tính đến nay, Việt Nam đã ký hàng trăm hiệp ước cả song phương, đa phương về văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Văn học, nghệ thuật có bước phát triển mang sắc màu mới, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng, kháng chiến, công cuộc đổi mới đất nước được phát huy, truyền tải sâu rộng vào những ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, có chất lượng tốt. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng.
Đồng thời, Nhà nước ta đã tận dụng sự bùng nổ của các nguồn thông tin đại chúng để đưa ra các chính sách, chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đó là tổ chức ngày Việt Nam ở các nước, tổ chức festival ở những địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh như: festival hoa Đà Lạt, pháo hoa ở Đà Nẵng, chương trình Duyên dáng Việt Nam tại châu Âu…
Cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn là vấn đề cấp thiết của toàn xã hội. Bởi lẽ, theo tổng kết đánh giá tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII thì: “Đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng…(3). Nguyên nhân của những hạn chế này là do nhiều cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đúng tầm quan trọng và chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải.
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược văn hóa đối ngoại và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về phát triển văn hóa. Đó là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…” (4). Trong thời kỳ đổi mới cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa luôn được coi là nền tảng tinh thần của xã hội; là động lực và mục tiêu cho sự phát triển chung của đất nước. Nền tảng tinh thần xã hội bị lung lay, mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội không được giải quyết thấu đáo thì đó không phải là sự phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, văn hóa phát triển sẽ tạo động lực trở lại cho kinh tế ngày càng đi lên. Những nguyên lý này cần được quán triệt và phổ biến rộng rãi trong xã hội; bởi lẽ chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân.
Thứ hai, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. “Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – cộng đồng – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” (5). Chúng ta hội nhập quốc tế để vận động và phát triển chứ không phải hội nhập để lệ thuộc và hòa tan; do đó, trong quá trình ấy, không thể vì sự tăng trưởng kinh tế mà đánh mất những giá trị cao đẹp của dân tộc. Giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là việc bảo tồn những truyền thống ngàn đời nay của cha ông để lại mà còn là sự hun đúc tạo nên một sức mạnh nội sinh của đất nước; giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách và tận dụng được những thời cơ, thuận lợi mà hội nhập quốc tế mang lại.
Thứ ba, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa nhằm hướng tới mục tiêu vừa quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, vừa làm phong phú văn hóa nước nhà trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Ngoại giao văn hóa góp phần giới thiệu đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, quảng bá cho bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam kiên cường, bền bỉ, anh dũng trong đấu tranh, cần cù, chịu khó, giàu lòng yêu thương trong cuộc sống hàng ngày… Đồng thời, đây cũng là phương thức hữu hiệu để chúng ta tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới để làm cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Tuy nhiên, ranh giới giữa giao lưu và giao thoa văn hóa rất mỏng. Giao thoa là sự xâm nhập, hòa trộn hoặc chuyển hóa giữa các nền văn hóa với nhau. Trong khi đó, thông qua con đường hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách thức nhằm đổi màu văn hóa nước ta. Thông qua hệ thống internet, mạng xã hội, chúng tuyên truyền, xâm nhập các loại văn hóa độc hại, lối sống cơ hội, thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm vào đời sống nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên… Hiện thực đó đã và đang gặm nhấm những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, trong quá trình giao lưu văn hóa chúng ta cần chú trọng nguyên tắc vừa hợp tác, vừa đấu tranh: hợp tác, tiếp thu, học hỏi ở những nền văn hóa lành mạnh, tiến bộ, bài trừ, phủ định những sản phẩm độc hại, những hành vi phản văn hóa; tỉnh táo trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù lợi dụng ngoại giao văn hóa để thực hiện các mưu đồ chính trị.
Nhìn chung, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển hợp quy luật trong xu thế toàn cầu hóa. Các quốc gia, các dân tộc đang tiếp tục đẩy mạnh giao lưu để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm những thách thức, đặc biệt là thách thức đối với công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước sự tác động mang tính hai mặt của hội nhập quốc tế. Đành rằng, những giá trị văn hóa ấy trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã thể hiện sức sống trường kỳ, mãnh liệt; âm mưu xâm lăng, đồng hóa của những quốc gia lớn đã thất bại trước một nền văn hóa được tôi luyện và có sức đề kháng cao… Điều này cho chúng ta tin tuởng vào chặng đường phát triển sắp tới; song cũng không được lơ là, mất cảnh giác để những luồng văn hóa độc hại có cơ hội lan tỏa, làm giảm dần sức đề kháng ấy và cản trở công cuộc xây dựng nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã và đang dày công xây dựng.
____________
1, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.127, 125, 126.
2. Nguyễn Trọng Chuẩn, Di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trước những biến động của thời đại, Tạp chí Cộng sản, tháng 2-2001.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tr.56.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018
Tác giả : ĐINH NGUYỄN AN
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai