Cùng với quá trình thiên di từ đất liền ra các đảo, cư dân Vân Đồn đã tích hợp hệ thống tín ngưỡng đa dạng, các vị thần phụng thờ có liên quan hoặc mang hơi hướng biển. Bài viết nghiên cứu các vị thần biển ở Vân Đồn để thấy được đời sống tâm linh và mối quan hệ mật thiết với biển. Đây là nét độc đáo trong tín ngưỡng cư dân nơi đây.
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Khái quát văn hóa dân gian Vân Đồn
Tên gọi Vân Đồn có nguồn gốc từ tên núi Vân (núi có mây phủ), làng Vân và nằm trong vị trí chiến lược quan trọng của vùng biển đông bắc tổ quốc, nên nơi đây cũng sớm có Đồn Vân. Do đó, vùng đất này đã được nhân dân gọi gộp núi Vân và Đồn Vân thành Vân Đồn.
Tên gọi Vân Đồn xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào thời Lý (1010 – 1225), khi đó, nhà nước phong kiến Đại Việt đã có ý chí mạnh mẽ về vùng biển Đông Bắc và nhận rõ tiềm năng phát triển của vùng biển đảo này. Ngay từ xa xưa, để khẳng định chủ quyền, bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại, vua Lý Anh Tông đã cho thành lập trang Vân Đồn để mở mang buôn bán với các nước và hạn chế sự nhòm ngó của khách thương khi vào sâu trong đất liền. Thương cảng Vân Đồn ra đời, giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta từ TK XI đến TK XVII đồng thời cũng thực hiện sứ mệnh chính trị cao cả đó.
Cư dân Vân Đồn giữ vai trò trung chuyển trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Ngoài những cư dân lấn biển do áp lực dân số ở đồng bằng, còn có không ít những người dân được đưa ra sinh sống ở khu vực này với mục đích trấn giữ biên ải của tổ quốc. Vì vậy, một đặc điểm trong lịch sử tụ cư của cư dân nơi đây là có sự tích hợp giữa truyền thống văn hóa khai thác biển với yếu tố lịch sử chống giặc ngoại xâm trên biển.
Cư dân Vân Đồn có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, trong đó có thể thấy các giá trị văn hóa huyện đảo Vân Đồn mang đậm tính chất biển đảo, yếu tố này được hình thành và phát triển một cách liên tục và trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc – văn hóa biển. Đồng thời, do môi trường biển ở đây khiến cho người dân bao đời đã tích lũy được những tri thức dân gian về biển, thể hiện qua thơ ca, tín ngưỡng và lễ hội. Điều này đã được những người dân ở đây ngàn đời trải nghiệm, đúc kết và còn tiếp tục làm giàu có, phong phú thêm cho đến nay.
Yếu tố biển trong văn hóa dân gian ở Vân Đồn được thể hiện sinh động trong nhiều mặt của đời sống văn hóa và tinh thần của cư dân nơi đây: văn học dân gian có: hát chèo đường, thơ ca, hò vè, thần tích, thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian đều rất phong phú và đa dạng. Yếu tố biển trong nghệ thuật dân gian: Cụm di tích Quan Lạn (đình, chùa, nghè), Vân Hải linh từ, đền Cặp Tiên, di tích thương cảng Vân Đồn. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến kiến trúc và điêu khắc dân gian được thể hiện đặc sắc như ở đình Quan Lạn, hình ảnh con vó bụng (con bề bề) cũng được khắc họa trên cột kèo chính trong các gia đình, thể hiện cuộc sống của cư dân gắn liền với biển cả nơi đây. Ngoài ra, còn có tri thức dân gian trong khai thác biển: những tri thức kinh nghiệm sông nước, thời tiết, mùa vụ tôm cá, kinh nghiệm để phòng tránh rủi ro,… và tri thức dân gian trong chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ biển: các bài thuốc, việc sinh nở, nuôi nấng trẻ con.. Bên cạnh đó, yếu tố biển còn được thể hiện trong nghề truyền thống của địa phương: nghề làm nước mắm; đóng, sửa tàu (bè) trên đảo Vân Đồn, Minh Châu và Quan Lạn. Có thể nhận thấy, yếu tố biển xuất hiện trên khắp các mặt trong đời sống và văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, nói cách khác là biển có vai trò đặc biệt và ảnh hưởng lớn trong đời sống và mưu sinh của cư dân Vân Đồn.
Các vị thần biển ở Vân Đồn
Do điều kiện sống, lao động của ngư dân trong môi trường biển cả mênh mông đầy những hiểm nguy nên tôn giáo tín ngưỡng tạo cho họ niềm tin trước sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên. Trong tín ngưỡng dân gian, phổ biến nhất là việc thờ cúng các vị tiền hiền, những người có công trong việc tìm đất định cư, khai phá đất đai, mở mang nghề nghiệp. Bên cạnh đó là việc thờ các nhân vật lịch sử, như vùng biển Vân Đồn thờ vua Lý Anh Tông, Trần Khánh Dư,… Nhưng đáng chú ý nhất là việc phụng thờ các vị thần liên quan đến biển, trong đó có Tứ vị Thánh nương là hình thức tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân ven biển.
Tục thờ Tứ vị Thánh nương
Tứ vị Thánh nương, như tên gọi, là để chỉ 4 vị thánh nữ, có nguồn gốc từ Trung Quốc và được thờ ở nhiều nơi của nước ta, nhiều nhất là ở vùng Thanh Hóa và Nghệ An.
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh nương đã được nhiều sách sử ghi lại. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi: Đền thần cửa Cờn (Nghệ An) với truyền thuyết là Thái hậu họ Dương cùng 3 công chúa nhà Tống đã chết đuối ở biển khi trên đường chạy giặc Nguyên, xác trôi giạt vào cửa Cờn với nhan sắc vẫn như lúc còn sống, nhân dân thấy lạ nên lập đền thờ và thấy linh ứng. Năm Hưng Long thứ 12 (1304), vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành đã được Thần báo mộng “Thiếp là cung phi nhà Tống, vì giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt đến đây, Thượng đế sắc phong làm thần biển đã từ lâu, nay xin giúp công thánh thượng để giết giặc”; Năm Hồng Đức thứ nhất, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành cũng được thần phù giúp. Về sau, nhà vua cho dựng thêm nhiều đền miếu và thăng phẩm để thờ thần (1).
Tứ vị Thánh nương – một dạng Mẫu thần của biển khơi được nhân dân tôn thờ ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh từ miền Trung trở ra miền Bắc. Mỗi nơi thờ đều có những truyền thuyết khác nhau nhưng vẫn chung một cốt chuyện là: Các thần đều xuất thân là Thái hậu, công chúa nhà Nam Tống, bị chết trên biển trên đường chạy giặc Nguyên Mông vào TK XIII, xác trôi dạt vào bờ biển của nước ta, được nhân dân vớt lên mai táng, dựng đền cúng tế và có linh ứng phù hộ cho người đi biển.
Với ý nghĩa như vậy, tục thờ Tứ vị Thánh nương được cư dân Vân Đồn thờ phụng với tư cách là vị thần bảo vệ cho ngư dân đi biển ở đây. Đình Quan Lạn (Vân Đồn) là một trong các ngôi đình lớn của Quảng Ninh, nhất là nó lại hiện hữu trên quần đảo Vân Hải, thuộc vịnh Bái Tử Long, hiện còn lưu giữ được những tư liệu quý là trên 20 sắc phong của các vua nhà Nguyễn phong thần cho các vị thần là thành hoàng hay được tôn thờ tại địa phương, trong đó có các sắc phong của các triều vua Nguyễn phong Thượng đẳng thần cho Tứ vị Thánh nương.
Hiện nay, sắc phong thần Tứ vị Thánh nương được lưu giữ trong đình Quan Lạn nhưng theo các nhà nghiên cứu, Tứ vị Thánh nương hẳn có đền thờ riêng mà nay không còn nữa. Hàng năm, vào dịp lễ hội Vân Đồn (18 – 6 âm lịch), dân làng làm lễ tế trong đình, đều cầu khấn các thần, trong đó có Tứ vị Thánh nương phù hộ cho đất nước thái bình, nhà nhà, người người bình an, mạnh khoẻ, đi biển gặp nhiều may mắn.
Dương Không Lộ
Ngoài việc thờ Tứ vị Thánh nương, trong đình Quan Lạn còn thờ Dương Không Lộ – ông tổ của nghề đúc đồng ở nước ta, nhưng ở Quan Lạn lại có ý nghĩa là vị thần của nghề chài lưới. Sắc phong Thiệu Trị 1846 phong thần cho Không Lộ Giác Hải, gia tặng Thành xung Tuệ Trùng Tĩnh.
Dương Không Lộ (1016-1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, pháp hiệu là Không Lộ, quê ở Hải Thanh, Giao Thủy, mộ đạo Phật. Ông về tu tại chùa Hà Trạch. Không Lộ là một Thiền sư triều nhà Lý, được phong làm Quốc sư, đã từng tu ở các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. Dương Không Lộ cũng được coi là vị tổ nghề đúc đồng. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường (2).
Ở nước ta, Dương Không Lộ là một môtip độc đáo trong nền văn hóa của cư dân nông nghiệp ở đồng vằng Bắc Bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Không Lộ vốn là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hóa để trở thành một ông Không Lộ – có yếu tố của một anh hùng văn hóa. Từ sự tích của thiền sư Dương Không Lộ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hóa, tín ngưỡng thần thoại hóa, lịch sử hóa, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hóa Phật giáo để một nhân vật “vốn có lẽ không có thật” trở thành một thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 của dòng thiền Vô Ngôn Thông với tiểu sử, hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị thánh.
Đối với cư dân Quan Lạn, Dương Không Lộ là vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển. Chính vì vậy, trong lễ hội và các ngày sóc vọng của làng, Dương Không Lộ được người dân thành kính lễ bái với ước mong ra khơi được bình yên và tôm cá đủ đầy (3).
Thờ bà Hang
Tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thủy, vốn là đặc trưng thiết yếu nhất của văn hóa nông nghiệp để duy trì và phát triển sự sống, để mùa màng tốt tươi. Nếu cư dân nông nghiệp đề cao tín ngưỡng phồn thực với ý nghĩa sinh sôi nảy nở thì ngư dân Quan Lạn lại đề cao nó với yếu tố “dưỡng”, che chở, bảo vệ trước đại dương bao la nhiều nguy hiểm. Tín ngưỡng phồn thực đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất ở tục cúng trước khi nhổ neo của ngư dân Quan Lạn, đặc biệt là ngư dân cư xóm lẻ Hải Yến. Truyền thuyết kể lại rằng, từ xa xưa, việc giao lưu buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra rất thuận tiện. Lúc bấy giờ, có một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình buôn thuốc, đã theo thuyền buôn đi lại nhiều lần giữa hai vùng đất này. Trong một lần giao thương, không may bà bị bọn cướp biển bắt, bị hiếp rồi vứt xác xuống biển. Xác bà trôi dạt vào một hang đá của xã đảo Quan Lạn. Bà báo mộng cho ngư dân biết, dân xã đảo ở đây đã lập mộ và thờ bà trong miếu, gọi là miếu bà Hang. Ngư dân tin rằng, oan hồn của bà vẫn phù hộ các chàng trai đi biển. Do đó, vào đầu năm trước khi ra biển hay mỗi lần nhổ neo, ngư dân ở một số xóm lẻ thường tập trung về miếu bà Hang cúng lễ. Theo lời báo mộng của bà, “ta chết nghiệp nào thì thờ ta nghiệp ấy” cho nên ngoài vàng hương, hoa trái, lễ cúng còn mang cả hai dạng biểu hiện của hình thái tín ngưỡng này: thờ hành vi giao phối (bằng hình ảnh tượng trưng hoặc do người cúng diễn tả) và thờ sinh thực khí của đàn ông mong tìm được sự che chở, may mắn thuận buồm xuôi gió khi ra khơi, đặc biệt bảo vệ ngư dân trước thế lực côn đồ nơi biển cả. Song đến nay, do tính văn minh ngày càng nâng cao nên trong lễ cúng của ngư dân đã bỏ các động tác giao phối.
Thờ thần Cao Sơn
Theo truyền thuyết, Cao Sơn là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân theo cha lên núi. Thần Cao Sơn giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh đậu mùa cho nhân dân, lúc sinh thời có hiệu là Tế giang cư sĩ. Nhân dân Quan Lạn thờ Cao Sơn trong miếu ở xóm Thái Hòa, gọi là Cao Sơn thần miếu. Đối với ngư dân Quan Lạn, Cao Sơn là một vị thần rất linh ứng, “ Thần tối cao chi thượng, ngồi cao trông xa, cứu bệnh cứu hỏa… cứu dân độ thế, trừ tà ác quỷ, trừ tại côn đồ” (4).
Một điều đặc trưng ở Quan Lạn trong việc thờ sơn thần là có sự hòa quyện giữa thiên thần và nhân thần. Tại miếu, bên cạnh Cao Sơn còn thờ ông tổ dòng họ Đỗ Tấn Thân, đã nhập vào làm một phù hộ cho con cháu “làm ăn xa vắng, đi xa về gần…”. Với địa hình đất đảo Quan Lạn được che chắn bởi 8 dãy núi (phía trước 5 dãy, phía sau 3 dãy), hơn nữa nơi đây lại có một ngư trường kín gió được bao bọc bởi các dãy núi để làm ăn sinh sống thuận lợi, do đó ngư dân Quan Lạn rất tôn thờ thần Cao Sơn. Theo phong tục, các lễ ra binh đầu năm, lễ cầu bình thường được ngư dân đến lễ tại miếu Cao Sơn, xin đài âm dương, thần cho đi thì được ngày, thần không cho đi là không được…(5). Có thể thấy, việc thờ phụng các vị thần biển ở nơi đây là điều dễ hiểu, song trong hệ thống các vị thần ấy có sự tích hợp những nhân thần, thiên thần gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, sự hòa hợp giữa các yếu tố biển trời, núi nước… Tất cả đã tạo nên một đời sống tâm linh vô cùng phong phú, mà mục đích cuối cùng cũng là cầu mong những chuyến ra khơi bội thu và bình an, cầu mong một cuộc sống tốt đẹp.
Kết luận
Có thể nói rằng, cư dân Vân Đồn có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, trong đó có thể thấy các giá trị văn hóa huyện đảo Vân Đồn mang đậm tính chất biển đảo, yếu tố này được hình thành và phát triển một cách liên tục và trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc – văn hóa biển. Đồng thời, do môi trường biển ở đây khiến cho người dân bao đời đã tích lũy được những tri thức dân gian về biển, thơ ca, tín ngưỡng và lễ hội và điều này đã được những người dân ở đây ngàn đời trải nghiệm, đúc kết và còn tiếp tục làm giàu có, phong phú thêm cho đến nay. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa trên huyện đảo Vân Đồn đã tạo ra một diện mạo văn hóa riêng của mình, nhưng cũng nằm trong dòng chảy chung của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Diện mạo riêng ấy được định hình bởi những yếu tố địa lý đặc thù của môi trường địa – văn hóa. Chính vì vậy, văn hóa biển với yếu tố hải đảo và biển tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.
_______________
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1998, tr.189.
2. Dương Văn Vượng (dịch), Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Phòng Địa chí – Thư viện tỉnh Nam Định chỉnh lý, chế bản, tr. 146.
3. Lê Thị Thu Hà, Thánh Không Lộ trong đời sống văn hóa của cư dân duyên hải Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2012.
4. Nguyễn Thanh Vỹ, Mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), Tập san Văn hóa thông tin, Quảng Ninh, 1995.
5. Nguyễn Thị Phương Thảo, Lễ hội Quan Lạn, nét văn hóa độc đáo của ngư dân biển đảo Vân Đồn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 300, tháng 6 – 2009.
Tác giả: Thành Thu Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%