Về cuốn sách “văn hóa người việt vùng tây nam bộ”


 

Đến nay, công trình nghiên cứu về Nam Bộ đã có nhiều, về riêng Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) cũng đã có không ít. Nhưng cuốn Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (1), cuốn thứ hai trong bộ Tủ sách văn hóa học Sài Gòn (2) đã ghi một dấu mốc son đặc biệt.

Đây là công trình chuyên khảo của một tập thể gồm 16 nhà nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học ở Trường Đại học KHXH & NV thuộc ĐHQG TP.HCM do Trần Ngọc Thêm lãnh đạo thực hiện trong bốn năm 2009-2012. Cầm cuốn sách trên tay, người đọc có thể cảm nhận được ngay sự công phu đồ sộ của công trình qua 890 trang sách khổ 16 x 24cm; với một hệ thống công cụ hỗ trợ gồm 51 bảng biểu; trên 200 bức ảnh đẹp, rõ, cập nhật; và một danh mục tài liệu tham khảo lên tới 431 tên gọi.

Công trình chia làm 5 chương: chương I trình bày cơ sở lí luận và thực tiễn của việc nghiên cứu văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ; 3 chương tiếp theo (II-III-IV) đề cập tới các thành tố văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội; và chương cuối (V) trình bày về các tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam Bộ.

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn

Sau khi điểm qua lịch sử nghiên cứu văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ trên 3 phương diện: thời gian, chủ thể, không gian và xác định hệ thống các phương pháp được dùng để nghiên cứu (từ các phương pháp lý thuyết như hệ thống – loại hình, so sánh, đến các phương pháp thực nghiệm như khảo sát thực địa, điều tra định lượng…), việc quan trọng thứ nhất mà tập thể nghiên cứu quan tâm là xác lập bản chất vùng của văn hóa người Việt ở Tây Nam Bộ. Đây là lần đầu tiên, tính độc lập của Tây Nam Bộ như một vùng văn hóa được chứng minh và xác lập một cách chặt chẽ và có sức thuyết phục, thông qua một bộ công cụ và phương pháp nghiên cứu văn hóa vùng đặc thù – vừa coi trọng mặt định tính, vừa chú ý đến mặt định lượng.

Theo đó, căn cứ vào các đặc trưng của hệ tọa độ không gian – chủ thể – thời gian (KCT)”, công trình đã phân chia toàn bộ không gian văn hóa Việt Nam ra làm ba miền văn hóa là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Rồi trong miền văn hóa Nam Bộ, các tác giả phân tiếp ra thành hai vùng văn hóa là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (trong khi phần lớn các nhà nghiên cứu văn hóa trước đây coi cả Nam Bộ là một vùng văn hóa). Theo tôi, muốn xác lập được các đặc trưng văn hóa vùng thì đúng là cần phải căn cứ vào bộ ba KCT một cách khách quan.

Trong nội bộ vùng văn hóa Tây Nam Bộ, các tác giả cũng dựa theo phương pháp phân vùng và những sự khác biệt cụ thể hơn về KCT để phân chia tiếp ra thành 5 tiểu vùng văn hóa là các tiểu vùng phù sa ngọt, giồng duyên hải, ngập hở, ngập kín ngập mặn. Mỗi tiểu vùng đều được miêu tả kỹ lưỡng bằng bản đồ, các số liệu KCT chi tiết và những đặc trưng văn hóa tiêu biểu.

Trên cơ sở các kết quả phân vùng và định vị theo KCT này, các kết quả nghiên cứu văn hóa người Việt ở Tây Nam Bộ thường được chú ý so sánh theo chiều ngang với văn hóa người Việt ở Đông Nam Bộ, Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ; và theo chiều dọc với văn hóa các tộc người Khơme, Hoa, Chăm. Nhờ đó mà các đặc trưng văn hóa nêu ra có được sức thuyết phục khoa học.

2. Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ qua các thành tố

Mỗi nền văn hóa gắn liền với một cộng đồng người – chủ thể văn hóa nhất định. Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ thể luôn có nhu cầu tìm hiểu; do vậy, văn hóa nhận thức là sản phẩm của một tiến trình tự nhiên của chủ thể. Các tác giả đã trình bày các khía cạnh nhận thức của người Việt vùng Tây Nam Bộ trên ba mặt: nhận thức tổng quát, nhận thức về môi trường tự nhiên, và nhận thức về môi trường xã hội.

Về nhận thức tổng quát, nét nổi bật là tư duy âm dương biểu hiện qua hệ thống đơn vị đo lường, qua nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật thanh sắc, nghệ thuật hình khối; qua triết lý về vũ trụ, về quan niệm sống, về tính cách con người… Nhận thức dân gian về tính âm dương đó không chỉ bộc lộ ở sự hiểu biết và vận dụng những quy luật của cặp phạm trù âm dương, mà còn thể hiện ở tư duy số lẻ qua sự yêu thích những bộ ba (trong âm nhạc), bộ năm (trong điêu khắc), bộ bảy, bộ chín (trong cách định danh Thất Sơn, Cửu Long)… Về nhận thức tự nhiên, người Việt ở vùng Tây Nam Bộ đã tích lũy được những tri thức kinh nghiệm nổi bật và mang tính đặc thù rất cao. Nhiều đặc trưng của Tây Nam Bộ như tính sông nước thể hiện rõ trong nhận thức về quy luật con nước, tính hào phóng thể hiện rõ trong cách xác lập những đơn vị đo lường đặc thù (công đất Tây Nam Bộ lớn gấp đôi sào Trung Bộ và gấp ba sào Bắc Bộ; giạ lúa Tây Nam Bộ lớn gấp 40 lần đấu lúa; chục trái cây không phải là 10, mà là 12, 14, 16… trái). Về nhận thức xã hội, các tác giả đã chỉ ra được những nét đặc thù trong nhận thức của người Việt vùng Tây Nam Bộ về lối sống cộng đồng nhìn từ bên trong (giữa người Việt với nhau) và nhìn từ bên ngoài (với các tộc người khác).

Trên bình diện văn hóa tổ chức đời sống tập thể, tập thể tác giả đã chú ý phân tích rõ và nêu bật được những đặc trưng riêng của của người Việt vùng Tây Nam Bộ trên các khía cạnh gia đình – gia tộc, nông thôn, đô thị…

Cái đặc biệt so với người Việt ở Bắc Bộ là do những điều kiện tự nhiên và xã hội đặc thù, người Việt vùng Tây Nam Bộ tổ chức nông thôn theo kiểu thoáng mở, nên quan hệ làng xã lỏng lẻo hơn quan hệ thân tộc, tính hương ước không cao. Trong quan hệ thân tộc thì tính gia tộc không cao, mờ nhạt, trong khi tính gia đình thì rất quan trọng. Gia đình người Việt ở Tây Nam Bộ có tính gắn kết cao, độ dân chủ lớn, khiến cho vai trò của con dâu và con rể, mối tương quan giữa con trưởng và con út, bên nội và bên ngoại ở đây khác hẳn ở Bắc và Trung Bộ. Việc ở rể được gia đình nhà vợ quý trọng, yêu thương như con ruột; hiện tượng lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc được nhiều phụ nữ xem là việc hy sinh tình duyên để trả hiếu cho cha mẹ… Với văn hóa đô thị, Tây Nam Bộ được hình thành nhanh và chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây. Lâu nay nói đến đô thị, ta chỉ nghĩ đến Đông Nam Bộ là một thiếu sót và bất công: đã đành là trong tổng thể thì Tây Nam Bộ có thế mạnh về nông nghiệp và nông thôn, còn Đông Nam Bộ có thế mạnh về công nghiệp và đô thị. Song nhờ nằm trong một vùng có tài nguyên sản vật dồi dào, tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, mà đô thị Tây Nam Bộ từng có lúc có vai trò kinh tế cao và tốc độ phát triển nhanh. Một thời, các đô thị Mỹ Tho, Cần Thơ từng có vị trí ngang bằng hoặc thậm chí vượt trội so với Sài Gòn (nhất là thời kỳ Mỹ Tho đại phố); hiện tượng Châu Thành hóa chỉ có ở Tây Nam Bộ.

Trên lĩnh vực văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, tập thể tác giả đã trình bày và giới thiệu khá đầy đủ các tín ngưỡng dân gian đặc thù của vùng đất này hoặc mang theo từ quê hương như tín ngưỡng thờ ông cọp, trời đất, thành hoàng bổn cảnh, bà Chúa Xứ, thờ cúng tổ tiên; các tôn giáo đặc thù như Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Phật khất sĩ, hiện tượng những ông đạo nói chung và Đạo Dừa nói riêng. Về phong tục tập quán, tập thể tác giả đã giới thiệu kỹ các phong tục hôn nhân, tang ma, lễ tết và các lễ hội đặc thù như lễ hội cầu ngư liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường tự nhiên; lễ hội Nguyễn Trung Trực liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường xã hội; lễ hội kỳ yên (còn gọi là lễ hội cúng đình), lễ hội bà Chúa Xứ, lễ hội Hòa Hảo liên quan đến đời sống cộng đồng.

Văn hóa giao tiếp của người Việt vùng Tây Nam Bộ, theo các tác giả, được đặc trưng bởi năm đặc điểm chính: bộc trực và thẳng thắn, hồn hậu và chất phác, dân chủ và bình đẳng, tính trọng nữ cao, tính mở thoáng đậm nét. Còn nghệ thuật ngôn từ thể hiện qua ngôn ngữ và văn chương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì có năm đặc điểm: tính hiếu cổ, tính biểu cảm mạnh, diễn đạt cụ thể, ưa giản tiện, mức độ dung hợp văn hóa đậm nét. Nghệ thuật thanh sắc được trình bày kỹ lưỡng và có nhiều sáng tạo với các loại hình hát bội, hò, lý và nói thơ, hát sắc bùa và múa bóng rỗi, đờn ca tài tử và cuối cùng là cải lương. Nếu trong lĩnh vực nghệ thuật thanh sắc, vùng văn hóa Tây Nam Bộ đã thể hiện mình là một khu vực cực kỳ sôi động, hoạt động mạnh hơn hẳn vùng Đông Nam Bộ, thì trong lĩnh vực nghệ thuật hình khối, tình hình diễn ra ngược lại: nói đến hội họa hay điêu khắc ở Nam Bộ, người ta thường nghĩ ngay đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hơn là Tây Nam Bộ. Mặc dù vậy, văn hóa Tây Nam Bộ cũng có nền điêu khắc dân gian (chủ yếu tập trung trong các đình chùa miếu) và nghệ thuật tranh kiếng (vẽ trên chất liệu kính) độc đáo.

Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên là một trong những chương xuất sắc. Trong 157 trang với nhiều hình ảnh minh họa, các tác giả đã có cách tiếp cận rất mới, rất riêng, rất đặc thù qua 4 chiều kích của văn hóa ứng xử: với đất và nước, với khí hậu – thời tiết, với động vật, với thực vật.

Văn hóa ứng xử với đất và nước của người Việt vùng Tây Nam Bộ được đi sâu nghiên cứu về cách thức tận dụng đất và ứng phó với nước trong định cư lập nghiệp, tận dụng đất và ứng phó với nước trong sản xuất, tận dụng đất và ứng phó với nước trong sinh hoạt, tận dụng đất và ứng phó với nước cũng như tận dụng nước và ứng phó với đất trong đi lại, tận dụng nước và ứng phó với đất trong sản xuất, tận dụng nước trong buôn bán, tận dụng nước trong cư trú và sinh hoạt. Văn hóa ứng xử với khí hậu, thời tiết của người Việt vùng Tây Nam Bộ được đi sâu nghiên cứu về cách thức chống nắng nóng trong ẩm thực (ăn hủ tiếu, cháo, canh chua); chống nắng nóng trong trang phục (lúc đầu mặc hở, sau mặc kín); chống nắng nóng trong kiến trúc (dùng nhà lá, nhà ngói âm dương, hai gian một chái, có hành lang rộng, nép dưới tàn cây, dùng nhà sàn, nhà trên ghe); và khắc phục thiên tai trong văn hóa (dù thiên tai ít, nhưng người Việt Tây Nam Bộ cũng tích lũy được cách đối phó khôn ngoan với thời tiết, thiên tai). Văn hóa ứng xử với động vật của người Việt vùng Tây Nam Bộ được thể hiện qua văn hóa ứng xử với cọp, văn hóa ứng xử với cá sấu, văn hóa ứng xử với rắn, văn hóa ứng xử với đỉa và muỗi, văn hóa tận dụng nước để khai thác và nuôi thủy sản. Văn hóa ứng xử với thực vật của người Việt vùng Tây Nam Bộ được thể hiện qua văn hóa ứng xử với cỏ dại (dùng các loại phảng cỏ có hình dáng và kích cỡ khác nhau thích hợp với vùng đất, loại cỏ); văn hóa lúa gạo và văn hóa cây trái, hoa kiểng với những miệt vườn xanh mát quanh năm…

Trong văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, người Việt ở vùng Tây Nam Bộ đã thể hiện một văn hóa ứng xử khôn ngoan, thể hiện qua sự hòa nhập văn hóa giữa các tộc người Việt – Khơme – Hoa – Chăm và sự giao lưu tiếp biến với các truyền thống văn hóa Phật giáo, Nho giáo, phương Tây.

Phật giáo Tây Nam Bộ có sinh hoạt tôn giáo thể hiện tính đa dạng, thực tiễn, dân chủ, tạo nên những nhánh Phật giáo gần gũi với điều kiện Nam Bộ, như Phật giáo Nam tông, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn kỳ hương… Nho giáo Tây Nam Bộ có hình thức thể hiện gần gũi với người bình dân, không quan phương, tạo nên sự khác biệt đáng kể so với Nho giáo ở Bắc Bộ hay ở Trung Hoa. Nho giáo ở Nam Bộ có thể xem như một kiểu Việt Nho – ở đây không có chuyện Hán hóa nên cũng không cần phải giải Hán hóa. Quan hệ tam cương ở đây rất khác: “vua không phải vua, thần không phải thần, cha không phải cha, con không phải con” mà cả vua và thần đều vui vẻ, cả cha và con đều thoải mái… Tầng lớp nho sĩ ở Nam Bộ ý thức rõ họ không phải là người của triều đình, quan quyền, quý tộc. Họ chỉ là tầng lớp thầy đồ chuộng sự bình dân hơn là khoa cử vinh hoa. Học hành thì lại chú trọng vào sự tự học. Với phương Tây, thái độ ứng xử của người Việt vùng Tây Nam Bộ là vừa hội nhập vừa đối phó, chuyện nào đi chuyện ấy, mọi sự rạch ròi. Họ chấp nhận ngay văn minh vật chất, từ xe lửa đến chiếu bóng…; nhưng mặt khác, họ kiên quyết đấu tranh chống lại sự xâm lược đến cùng.

3. Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ qua bức tranh tính cách

Từ những kết quả trình bày trong các chương trên và sự khảo sát kỹ lưỡng vùng đất và con người Tây Nam Bộ, tập thể tác giả đã đúc kết được một hệ thống 6 tính cách của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ với những căn cứ lý luận và thực tiễn rõ ràng. Đây là một chương xuất sắc khác của cuốn sách, giúp người đọc nhìn được toàn cảnh đầy đủ và chi tiết những khía cạnh đặc trưng của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ.

Trên bình diện lý luận, công trình phân biệt tính cách con người, tính cách tập thể và tính cách văn hóa. Tính cách văn hóa và tính cách tập thể giống nhau ở chỗ cùng chứa những phẩm chất tinh thần tương đối bền vững thuộc con người, nhưng khác nhau ở chỗ, tính cách tập thể chứa đựng cả cái phi giá trị (ví dụ như tính hiếu chiến, thói lười nhác…); còn tính cách văn hóa thì không chứa cái phi giá trị nhưng chứa đựng cả cái chỉ có liên quan đến con người. Hệ thống tính cách văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ có một đặc trưng chỉ có liên quan đến con người là tính sông nước, cùng 5 tính cách khác vừa thuộc văn hóa vừa thuộc tập thể là trọng nghĩa, bộc trực, bao dung, thiết thực, mở thoáng… với những hệ quả tốt và cả những hạn chế của chúng.

Sông nước tuy là hiện tượng tự nhiên, nhưng tính sông nước là một đặc trưng rất điển hình, một hằng số của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. Nó thể hiện qua lĩnh vực ẩm thực ở việc sau cơm thì thủy sản (chứ không phải là rau như ở người Việt nói chung) là thức ăn chủ lực. Trong cư trú, làng luôn lấy sông, rạch làm mặt tiền, tạo sự khác biệt hẳn so với nông thôn miền Trung và miền Bắc. Tây Nam Bộ còn được nhìn nhận là xứ sở của giao thông đường thủy, với nhiều phương tiện di chuyển thích hợp với điều kiện sông, rạch, và phù hợp với mục đích giao thông… Trong nghề nghiệp, phần lớn các nghề nghiệp của người Tây Nam Bộ gắn với môi trường sông nước. Nghệ thuật Tây Nam Bộ cũng mang đậm dấu ấn sông nước, nhất là nghệ thuật ngôn từ.

Về tính trọng nghĩa, công trình chú trọng nêu bật sự chí cốt, thủy chung; coi nhẹ tiền tài; coi trọng lẽ công bằng, vì nghĩa quên mình trong quan hệ xã hội, trong quan hệ với tự nhiên và một nền văn chương trọng nghĩa với lá cờ đầu là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Về tính bộc trực, công trình nhấn mạnh đến sự thẳng thắn, cách phản ứng tức thời, trực tiếp và có phần quyết liệt. Từ đó, đi đến nhận định: “Tính bộc trực dẫn đến bảy hệ quả, trong đó tính thật thà chất phác, tính dân dã hồn hậu, tính độc lập cá nhân cao, tính rạch ròi… chủ yếu là những hệ quả tốt. Tính thiếu cẩn trọng, cả tin, kém tế nhị; tính nóng nảy cực đoan chủ yếu là những hệ quả xấu. Còn tính trọng sự nhẹ nhàng, thư giãn hơn triết lí sâu xa là một hệ quả trung gian, mặt tốt cũng ngang ngửa như mặt xấu. Ngay những hệ quả được đánh giá là tốt thì trong tốt vẫn có xấu và những hệ quả được đánh giá là xấu thì trong xấu vẫn có tốt” (tr.734).

Tính bao dung thể hiện qua việc dung nạp sự đa dạng về xã hội, dung nạp sự da dạng về văn hóa, dung nạp những tính cách trái ngược nhau và bao dung cả với loài vật, cũng như lòng vị tha, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của người khác. Tính bao dung dẫn đến nhiều hệ quả, nhưng trong đó quan trọng nhất là tính dân chủ bình đẳng và tính xuề xòa.

Tính thiết thực thể hiện trong văn hóa sinh hoạt giản dị, văn hóa tư tưởng rõ ràng, văn hóa tổ chức đời sống cụ thể, phong cách đơn giản hóa trong nghệ thuật. Từ đó cũng kéo theo nhiều hệ quả đa dạng, trong đó có những hệ quả xấu rõ rệt như tâm lý sống tạm bợ, tính thực dụng; còn phần lớn đều là những hệ quả mang tính nước đôi, có cả mặt ưu điểm và mặt hạn chế như tinh thần trọng võ, trọng làm ăn hơn khoa cử; khuynh hướng đơn giản hóa trong nghệ thuật, tính vừa phải.

Tính mở thoáng thể hiện qua việc dễ tiếp nhận cái mới; dễ thay đổi, thích nghi; có thái độ thông thoáng, châm chước. Tính mở thoáng dẫn đến ba hệ quả chính là: năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm; thói bạt mạng, vội vàng hấp tấp, đại khái lơ mơ (kiểu chơi xả láng).

Sáu đặc trưng tính cách văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ cùng các biểu hiện và các hệ quả của chúng tạo thành một hệ thống đặc trưng cầnđủ cho phép khu biệt Tây Nam Bộ như một vùng văn hóa khác biệt hẳn so với Đông Nam Bộ và các vùng miền khác có cùng cái nền chung là văn hóa truyền thống người Việt.

Nhìn chung, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ là một công trình có nhiều ưu điểm. Ưu điểm lớn thứ nhất thể hiện thể hiện ở tính hệ thống cao: mọi góc cạnh, mọi hiện tượng và sự kiện văn hóa ở các chươmg mục đều được gắn kết với nhau trong một tổng thể. Ưu điểm lớn thứ hai là tính lý luận cao: tất cả mọi hiện tượng bắt nguồn từ thực tiễn đều được xem xét ở góc độ lý luận, có cơ sở lý luận đầy đủ để giải thích. Thứ ba, là công trình có tính thực tiễn cao, thể hiện ở sức lý giải thực tiễn.

Chẳng hạn, lâu nay, chỉ căn cứ vào những chỉ báo thuần túy kinh tế – xã hội, Tây Nam Bộ thường bị xếp vào số ba vùng “Tây” đội sổ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) với những đặc điểm bề ngoài như nghèo, thất học, năng lực quản lý kém,… Nhưng công trình này đã cho thấy một cách thuyết phục rằng tình hình không phải như thế. Nói về tài sản, thì tài sản của một gia đình, một vùng miền bao gồm cả tài sản trong nhà lẫn trong thiên nhiên và ngoài xã hội. Không thể coi là nghèo một vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước; có GDP bình quân đầu người đứng thứ ba trong số tám vùng, đang góp phần quan trọng nuôi sống cả nước trên nhiều lĩnh vực. Về học lực thì đúng là có chuyện người Tây Nam Bộ không ham học cao; nhưng cũng không thể từ đó để vội đánh giá học lực và trình độ con người vì kiến thức không chỉ đến từ nhà trường: không thể coi là kém một vùng văn hóa đã sản sinh ra số lượng các kỹ sư Hai lúa nhiều nhất nước, nơi có những con người xuất chúng như Trương Vĩnh Ký trong khoa học xã hội, Trần Đại Nghĩa trong khoa học kỹ thuật và Lương Định Của trong trong khoa học tự nhiên. Còn năng lực quản lý kém thì hiện là căn bệnh chung của cả Việt Nam do truyền thống tiểu nông với tầm nhìn hạn hẹp, nhưng không thể coi là kém một vùng văn hóa đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo có óc sáng tạo, dám nghĩ dám làm, bản lĩnh quyết đoán cao như Lê Văn Duyệt TK XIX; Trần Văn Giàu thời kỳ 1940-1945; Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới; nơi mà từ 1976 đến nay đã cung cấp cho đất nước 3 trong số 6 vị đứng đầu Chính phủ (tr.846-850).

Tuy có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp cho công trình có sự nhất quán chặt chẽ trên bình diện nội dung và đảm bảo được một văn phong khoa học thống nhất, nhưng do là sản phẩm của một tập thể có tới 16 người tham gia nên công trình cũng không tránh khỏi có sự thiếu đều tay mà độc giả có thể cảm nhận được đâu đó trong các chương, mục.

Tuy vậy, với những ưu điểm vượt trội đã nêu, công trình Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ chắc chắn sẽ giúp cho người Tây Nam Bộ tự hiểu mình hơn, giúp cho người các vùng miền hiểu nhau hơn, học hỏi nhau và cùng giúp nhau khắc phục các hạn chế, nhược điểm. Nó có thể giúp cho việc xây dựng chiến lược phát triển và khai thác vùng đất giàu tiềm năng này.

_______________

1. Do Trần Ngọc Thêm chủ biên, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2013.

2. Do Trung tâm Văn hóa học Lý luận và ứng dụng của Trường Đại học KHXH & NV thuộc ĐHQG TP.HCM chủ trương.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Tạ Văn Thành

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *