Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, người Thái ở Thanh Hóa có 225.336 người, đứng thứ ba về các địa phương có đông người Thái ở Việt Nam, địa bàn cư trú tập trung ở khu vực miền núi, thuộc các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh. Người Thái ở đây chủ yếu mang những đặc trưng văn hóa chung của dân tộc Thái. Song những điều kiện tự nhiên, lịch sử không hoàn toàn giống với vùng Tây Bắc, trong đó có những điều kiện rất đặc thù, tác động trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, đã tạo nên trong văn hóa truyền thống có cả những điểm tương đồng, khác biệt. Do vậy, người Thái ở Thanh Hóa hình thành một nhóm địa phương, không đồng nhất với người Thái ở Tây Bắc về một số biểu hiện văn hóa, phân thành các nhóm nhỏ có các tên gọi khác nhau với một số đặc điểm văn hóa cũng không giống nhau.
Để tìm ra được một số nét tương đồng cũng như khác biệt về văn hóa giữa người Thái ở Thanh Hóa với Tây Bắc thì vấn đề trước tiên là tìm hiểu về tên gọi các nhóm Thái này. Theo ý kiến của tác giả Cầm Trọng thì “chỉ cần biết thật tường tận ý nghĩa của các tên gọi nhóm địa phương, chúng ta cũng sẽ có những hiểu biết mới” (1).
Người Thái cư trú trên một địa bàn khá rộng từ Tây Bắc đến Thanh Hóa, Nghệ An. Do cư trú ở những vùng miền có đặc điểm riêng biệt về địa lý, lịch sử cùng các mối quan hệ giao lưu văn hóa nên họ hình thành các nhóm địa phương không hoàn toàn đồng nhất về tên gọi. Theo Lê Sĩ Giáo: “Danh xưng hay tên gọi, tên tự gọi của các cư dân là biểu hiện ý thức tự giác tộc người. Danh xưng Thái đã trở thành tộc danh chung, được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh danh xưng này thì người Thái vẫn dùng tên tự gọi là táy hay tày trong phạm vi cộng đồng của họ”(2). Người Thái ở các địa phương cũng cho biết việc dùng tên tự gọi là táy hay tày là do phát âm cao thấp của tiếng Thái ở các địa phương.
Người Thái ở Tây Bắc có sự phân chia thành hai ngành Thái trắng (Tày Khao) và Thái đen (Tày Đăm) rất rõ ràng. Người Thái ở Thanh Hóa không phân định theo hai ngành Thái đen hay Thái trắng, mà chỉ phân thành hai nhóm địa phương có tên tự gọi là Tày Mươi, Tày Dọ.
Nhóm Tày Mươi có số lượng dân cư đông hơn, cư trú tập trung ở vùng Tây Bắc Thanh Hóa, phân bố chủ yếu ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát.
Nhóm Tày Dọ số dân ít hơn, chỉ cư trú ở mường Chiềng Vạn (nay là huyện Thường Xuân), trung tâm là xã Vạn Xuân. Ở Thanh Hóa, người ta quen gọi nhóm này là nhóm Thái Thường Xuân.
Người Thái ở miền núi Thanh Hóa có nguồn gốc từ nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó có một bộ phận có mặt ở đây từ lâu đời, một bộ phận khác là người Thái đen, Thái trắng từ Tây Bắc di chuyển xuống, từ Lào sang, sau này thêm một bộ phận là người Mường, người Kinh hòa nhập vào. Hiện nay, người Thái ở miền núi Thanh Hóa vẫn ít quan tâm đến cội nguồn của họ thuộc Thái đen hay Thái trắng. Họ quen gọi nhau theo tên mường nơi cư trú, ở mường nào thì gọi tên theo mường đó, chẳng hạn, ở mường Khoòng gọi là Tày Khoòng, ở mường Ca Da gọi là Tày Ca Da, ở mường Đeng gọi là Tày Đeng.
Thiếu nữ Thái ở Sơn La. Ảnh Phi Long
Tác giả Cầm Trọng cho biết “tên gọi Tày Dọ rất có thể là hậu duệ của người xưa ở Mường Dọ” (3). Người Tày Dọ ở Thanh Hóa có nhiều đặc điểm tương đồng với người Tày Mường, Hàng Tổng ở Nghệ An.
Về tên gọi Tày Mươi thì người Thái ở Thanh Hóa giải thích là do nhóm Tày Dọ khi di cư vào mường Chiềng Vạn, nay thuộc huyện Thường Xuân, rồi tự nhận là Tày Dọ.
Theo quan niệm của người Thái ở Thường Xuân thì nhóm Tày Mươi bắt nguồn từ người Thái đã có mặt đã lâu ở Thanh Hóa, mà có tên gọi gốc là Tày Đeng. Tên gọi này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước. Tác giả Cầm Trọng viết: “Tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn có địa danh mường Đeng, người ở đó được gọi là Tày Mường Đeng hay gọi tắt là Tày Đeng. Tiếng Thái, đeng là đỏ. Từ đó, nhiều nhà khoa học đã gọi người Thái ở đây, cũng như ở một số nơi cùng ngôn ngữ văn hóa với họ là Thái đỏ. Họ đã nhầm. Một là, ít nhất cho đến năm 1988, người Thái Mường Đeng vẫn tự nhận là Thái đen. Hai là, nhà khoa học cho rằng họ là Thái đỏ vì phụ nữ mặc vải màu đỏ, trong khi Thái đen, Thái trắng cũng có những nghi thức tâm linh buộc phải có trang phục màu đỏ. Ba là, theo Ghi chép về người Thái Đeng ở Lang Chánh (Thanh Hóa, Việt Nam), Romanin Robert chỉ dịch từ đeng là đỏ, nhưng khi xác định thành phần tộc người, ông nói là Thái ở Mường Đeng gọi tắt là Thái đeng, không phải Thái đỏ” (4).
Tác giả Lê Sỹ Giáo có ý kiến: “Tên gọi Tày Đeng là xuất phát từ tên địa phương của người Thái cư trú là mường Đeng (mường Đỏ, liên quan đến vùng đất đỏ của khu vực này); do đó người Thái ở mường Đeng tự xưng là Tày Đeng để phân biệt với người Thái ở các mường khác như Tày Ca Da là chỉ người Thái ở mường Ca Da, Tày Khoòng là chỉ người Thái ở mường Khoòng,…). Vì vậy, tên gọi Tày Đeng ở đây phải được hiểu là người Thái của mường Đeng (mường Đỏ) chứ không phải là người Thái của ngành Thái đỏ tương đương với các ngành Thái trắng, Thái đen (5).
Tác giả Vũ Trường Giang cũng tiếp tục khẳng định: “Người Tày Đeng là người Thái ở mường Đeng (nay thuộc hai xã Yên Thắng, Yên Khương, huyện Lang Chánh). Nghĩa của từ đeng (hay đanh) là đỏ. Do vậy, lâu nay chúng ta gọi nhầm là Thái đỏ, tương tự như cách gọi Thái đen, Thái trắng. Nay xác định nhóm Thái này tự nhận là Tày Đăm (Thái đen)” (6).
Trên đây là một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, còn trong khảo sát thực tế thì người Thái ở Thanh Hóa đã giải thích về tên gọi Tày Đeng như sau:
Những người Thái cao tuổi ở Thanh Hóa đều cho biết là người Tày Mươi ở Thanh Hóa khi di cư sang Lào từ mấy trăm năm trước đều mang tên Tày Đeng. Theo lời kể của người già trong các mường ở Thanh Hóa, hậu duệ của các thế hệ đã di cư từ Thanh Hóa đến sinh sống ở Lào thì tên gọi này được hình thành khi người Thái ở Thanh Hóa sang đất Lào. Ở Lào, người ta đã quen phân biệt Thái trắng, Thái đen. Nhưng nhóm Thái ở Thanh Hóa di cư sang thì không phải Thái trắng, không phải Thái đen nên người Thái ở Thanh Hóa liền tự nhận mình là Tày Đeng, trong số những người Thái ở Thanh Hóa di cư sang Lào có một bộ phận đi từ mường Đeng, một địa danh hiện nay thuộc xã Yên Khương, Yên Nhân, huyện Lang Chánh. Tày Đeng cũng có nghĩa là người mường Đeng. Cách gọi này cũng tương tự như người Thái ở Thanh Hóa thường hay gọi người Thái ở các mường khác của Thanh Hóa, như Tày Ca Da, Tày Khoòng, Tày Chiêng Vạn… Tuy nhiên, mường Đeng chỉ là một mường nhỏ không thể đại diện cho cả người Thái ở Thanh Hóa, trong khi có một bộ phận lớn người Thái từ các mường khác ở Thanh Hóa như mường Khoòng, mường Ca Da, mường Ký, mường Khăng, mường Khiết, mường Chự, mường Mìn… cũng di cư sang sinh sống ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) từ rất sớm. Nhiều người Thái ở Thanh Hóa cho biết, khi hỏi chuyện những người Tày Đeng ở bên Lào, họ nói rằng tổ tiên họ chuyển từ Thanh Hóa sang, đông nhất là từ sự kiện trong dân gian gọi là giặc lông nhím.
Cũng theo lời kể của những người Thái Thanh Hóa thì ở người Lào có một cách nhận diện người Thái ở Thanh Hóa là ai mở đầu làn điệu khặp yếu đu lắm ne thì đó là người Tày Đeng tức là người Thái ở Thanh Hóa bởi vì đó là đặc thù riêng của Thái Thanh Hóa. Ở Nghệ An, những người Thái thuộc nhóm có tên gọi Tày Thanh cũng cho biết, trong các cuộc giao lưu tiếp xúc, khi nghe thấy một người Thái cất lên điệu khặp yếu đu lắm ne thì họ cũng nhận ra ngay đó là người quê hương xứ Thanh.
Từ những khảo sát được phân tích, lý giải ở trên, theo chúng tôi, có thể tên gọi Tày Đeng không phải chỉ bó hẹp để chỉ người Thái ở mường Đeng, mà là tên tự gọi của bộ phận chủ yếu người Thái ở Thanh Hóa. Ở Nghệ An, người ta cũng gọi nhóm Tày Đeng ở Thanh Hóa là Tày Thanh, nhóm kia là Tày Dọ. Riêng ở Lào vẫn còn gọi Tày Đeng.
Tổng hợp các nguồn tư liệu phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng, các tên gọi Tày Thanh ở vùng Nghệ An, tên tự gọi Tày Mươi, Tày Đeng ở Thanh Hóa đều chỉ bộ phận người Thái ở Thanh Hóa mà bộ phận này đã có mặt từ lâu đời. Hiện nay, tên gọi Tày Đeng ít được nhắc đến, còn tên gọi Tày Mươi được dùng phổ biến hơn.
Về tên gọi, cũng còn có ý kiến còn cho rằng do quá trình định cư, mối quan hệ lịch sử lâu đời với cộng đồng các dân tộc nên văn hóa Thái ở Thanh Hóa có nhiều nét đan xen địa phương không hoàn toàn giống Thái Tây Bắc, Nghệ An hay Lào, cho nên, có thể gọi là Thái sông Mã Thanh Hóa.
Như vậy, từ những tương đồng, khác biệt về tên gọi các nhóm Thái ở Thanh Hóa và Tây Bắc, có thể nhận thấy rằng bên cạnh nhóm cư dân Thái có mặt ở đây đã lâu đời, có cả nguồn di cư của người Thái từ Tây Bắc vào, từ Nghệ An ra, từ Lào sang, còn được bổ sung nguồn Thái hóa từ người Mường, người Kinh hòa nhập vào. Vì vậy mà trong quá trình phát triển của lịch sử, do mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các tộc người, văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa có nhiều nét đan xen, hình thành nên nhóm Thái địa phương.
_______________
1, 3, 4. Cầm Trọng, Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.47.
2. Lê Sĩ Giáo, Người Thái xứ Thanh trong bức tranh chung của người Thái Việt Nam, in trong Cộng đồng các tộc người ngữ hệ Thái – Kadai ở Việt Nam, truyền thống, hội nhập và phát triển, Hội nghị Thái học toàn quốc lần thứ VI, Nxb Thế giới, 2012, tr.21 – 29.
5. Lê Sỹ Giáo, Sự phân loại các nhóm Thái ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2000, tr.23 – 30.
6. Vũ Trường Giang, Trở lại vấn đề tên gọi và lịch sử cư trú của người Thái ở miền núi Thanh Hóa, Tạp chí Khoa học xã hội, số 2, 2010, tr.58 – 65.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : MAI THỊ HỒNG HẢI
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai