Vườn treo babylon và lăng taj mahal, những huyền thoại tình yêu


Thời cổ – trung đại, ở phương Đông, ngoài việc thể hiện quan điểm nghệ thuật, các công trình kiến trúc hầu như được xây dựng còn để biểu dương sức mạnh của các hoàng đế. Tuy nhiên, vườn treo Babylon của vương quốc Lưỡng Hà và lăng mộ Taj Mahal của Ấn Độ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó. Khi đến với hai công trình kiến trúc này, du khách còn ngẩn ngơ về thiên tình sử đẹp như mơ của các đức vua chuyên chế.

1. Babylon và Taj Mahal – huyền thoại tình yêu

Một kiệt tác tiêu biểu của nền văn minh Lưỡng Hà thời cổ đại mà ai cũng biết đến, đó là vườn treo Babylon. Qua so sánh với các công trình kiến trúc đương thời, vườn treo của xứ Babylon được đánh giá là một công trình kiến trúc tráng lệ, độc nhất vô nhị. Theo các học giả, công trình kiến trúc này được xây dựng từ 3000 năm trước, đặt bên bờ nam sông Euphrates. Địa điểm của vườn treo xác định cách thủ đô Baghdad, Iraq ngày nay 90km về phía Nam (1).

Truyền thuyết Iraq kể lại (2), đức vua Nebuchadrezzar II (605 – 562), có người vợ yêu tên là Amyltis – công nương xứ Medes. Khác với Babylon là vùng đồng bằng, chỉ có những cây lương thực rất thấp, còn cây cao chỉ có chà là và xa xa là sa mạc ngút ngàn; thì xứ Medes là vùng nhiệt đới, quanh năm cây cối xanh tươi. Vì thế, công chúa xứ Medes không chịu nổi cảnh hoang mạc của Babylon, trong nàng luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương. Đôi mắt buồn vời vợi của Amyltis cứ chiều chiều lại xa xăm nhìn về cố quốc. Để vừa lòng người đẹp, đức vua quyết định xây dựng một khu vườn trong đó có trồng nhiều cây cỏ quý hiếm, hoa thơm, quả ngọt của xứ Medes để hoàng hậu đỡ nhớ nhà. Là một hoàng đế trẻ, Nebuchadrezzar II đang tuổi mơ mộng và lãng mạn, chàng quyết định tặng người vợ yêu một khu vườn thật độc đáo. ý tưởng xuất hiện, và thế là hàng trăm kiến trúc sư và thợ giỏi của cả nước, cùng hàng vạn nô lệ được điều động về kinh đô Babylon để xây dựng vườn treo, làm vừa lòng hoàng hậu.

Các tài liệu nghiên cứu cho biết: công trình được bắt đầu vào năm 603 trước CN, trong đó cây được treo trên mái hiên. Những cây cối và cả đất tốt nhất ở vùng nhiệt đới được mang về đây trồng (3). Vào vườn treo như lạc vào một khu rừng thu nhỏ của Medes. Từ xa nhìn lại, lơ lửng giữa trời Babylon là một khu vườn xanh tốt. Có lẽ vì thế mà người đương thời gọi đó là vườn treo, để rồi cái tên gọi này đã đi vào huyền thoại ở xứ Lưỡng Hà mộng mơ. Liệu có cô gái nào không thể không rung động trước món quà vô giá đó. Hoàng hậu Babylon hẳn đã rất hài lòng về khu vườn mà đức vua Nebuchadrezzar II dành tặng.

Đến với Iraq ngày nay, du khách chắc sẽ rất thú vị khi hình dung ra một khung cảnh thật lãng mạn về kinh đô Babylon ngày đó qua những lời du dương và sinh động trong câu chuyện kể của người hướng dẫn viên du lịch. Thời đó… cái ngày xa xưa ấy, nhưng sao cũng thấy gần lắm với cuộc sống hiện đại, những trái tim thổn thức vì yêu. Câu chuyện tình lãng mạn mà đầy chất thơ đã thổi vào kinh thành khô cằn sức sống của tình yêu, để rồi nó bất tử đến ngày hôm nay. Chiều chiều, vị hoàng đế trẻ tuổi Nebuchadrezzar II dắt tay người yêu dấu dạo trên khu vườn độc đáo, quà tặng tình yêu mà chàng dành cho nàng. Công nương xứ Medes cũng vì thế mà vợi đi nỗi nhớ quê hương.

Vườn treo Babylon là bài ca cất lên từ trái tim đang rộn ràng những lời yêu thương nồng cháy, là tặng phẩm của chàng trai trẻ đang yêu và được yêu, còn Taj Mahal không có cùng cung bậc tình cảm như vậy. Viên trân châu của đền đài Ấn Độ ra đời trong sự nuối tiếc, thương nhớ vô bờ của hoàng đế Shâh Jahân với người vợ yêu – bà Muntaz Mahal. Taj Mahal không phải là lâu đài mà là lăng mộ của hoàng hậu vị quân vương này. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu người Nga Skazkin S.D, lúc đầu, lăng có tên là Tat bibica rauza, nghĩa là nơi chôn cất nữ hoàng của trái tim; sau này có tên là Taj Mahal, tiếng Ba Tư nghĩa là Vương miện của Mogol (4).

 

Tác giả Durant W, cho biết: vào TK XVII, nền kiến trúc Hồi giáo ở ấn Độ vào giai đoạn sung sức nhất trong lịch sử phát triển của mình. Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đương thời là tòa lăng Taj Mahal ở Agra, kinh đô của nhà nước Hồi giáo Bắc Ấn. Sự hùng mạnh của đế quốc Đại Mogol TK XVI – XVII khiến cho các triều đình Hồi giáo Ấn Độ lúc đó có thể xây những lăng mộ nguy nga, cung đền lộng lẫy (5). Tập quán của người Ấn Độ đương thời: xây dựng lăng vừa để làm ly cung khi sống vừa để đặt phần mộ khi chết của vua Hồi giáo lúc đó.

Các truyền thuyết Ấn Độ (6) kể rằng: lúc 19 tuổi, Agiuma Bano Begum trở thành vợ hai của hoàng tử Guram (sau này là đức vua Shâh Jahân). Tuy không phải vợ cả nhưng nàng Begum luôn là người vợ được hoàng tử Guram yêu quý nhất. Năm 1627, sau khi lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Shâh Jahân (nghĩa là chúa tể thế giới), thì Agiuma Bano Begum cũng trở thành hoàng hậu của Ấn Độ, tên gọi là Mumtaz Mahal. Thế nhưng, cuộc sống phu thê của hai người đột nhiên bị đứt đoạn. Năm 1631, hoàng hậu Mumtaz Mahal đã qua đời khi sinh đứa con gái thứ hai Gauhara Begum, và cũng là đứa con chung thứ mười bốn của họ. Có tài liệu nói rằng: mùa xuân năm 1636, Mumtaz lâm bệnh qua đời (7). Tuy nhiên, đối chiếu các tài liệu thì niên điểm hoàng hậu qua đời vào năm 1631 là thuyết phục hơn cả, vì công trình được xác định bắt đầu xây dựng là năm 1632. Trước khi từ giã cõi đời, bà yêu cầu hoàng đế Shâh Jahân hứa xây dựng cho mình một lăng mộ xứng đáng với tình yêu và 19 năm chung sống của họ. Cái chết của người vợ yêu quý làm Shah Jahân vô cùng đau khổ, ông không thể khuây khỏa trước mất mát đó. Những cuốn biên niên sử triều đình đương thời chứa nhiều câu chuyện liên quan tới nỗi buồn đau của Shâh Jahan trước cái chết của Mumtaz. Abd al Hamid Lahawri đã ghi chép rằng, trước khi hoàng hậu chết, đức vua có hai mươi sợi râu bạc nhưng sau đó không còn sợi nào không bạc cả (8). Các nhà văn hóa học cho rằng, nỗi buồn đau khắc khoải đó với bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào về cuộc sống đôi lứa chính là cơ sở, là cảm hứng tạo nên Taj Mahal. Ngay sau cái chết của hoàng hậu, Shah Jahan đã bắt tay ngay vào việc xây dựng lăng mộ cho vợ như ngài đã hứa.

Chất liệu, kiến trúc độc đáo đã làm nên sự mỹ lệ của Taj Mahal. Tuy nhiên, chính tình yêu của Shâh Jahân si tình đã làm nên sự toàn mỹ của công trình kiến trúc này, khiến nó trở thành bất tử. Đây là giọt nước mắt tình yêu đẹp nhất của vị hoàng đế Ấn Độ dành cho người yêu dấu, người vợ mà ngài rất mực yêu thương. Nhà thơ Ấn Độ vĩ đại Tago, đã ca ngợi Taj Mahal – niềm tự hào của tình yêu Shâh Jahân – Mumtaz Mahal, và cũng là niềm tự hào của người Ấn Độ:

Ai đã đem sự sống cho người, hỡi đền bằng đá 

Ai tiếp cho người vĩnh hằng nhựa đời 

Để muôn năm sau người được dựng lên trời

Đóa hoa rạng ngời mà đất sinh ra

2. Đôi điều về vườn treo Babylon và lăng Taj Mahal

Babylon từng là thủ đô của vương quốc Lưỡng Hà cổ đại và là trung tâm thương mại sầm uất nhất vùng Tây Á, nơi con đường tơ lụa đi qua. Những phát hiện từ các cuộc khai quật của khảo cổ học đã trợ giúp các nhà nghiên cứu rất nhiều khi tái hiện cung cảnh của Babylon trước đây.

Vườn treo được sử gia Berossus mô tả đến đầu tiên vào năm 270 trước CN. Đến đây vào TK I trước CN, nhà địa lý Hy Lạp Strabo đã xác định: vườn nằm gần sông Euphrates. Những học giả sau này cũng đồng tình với ông khi nghiên cứu về Babylon (9). Bằng chứng là những tòa nhà hình vòm được phát hiện qua khai quật, cách xa đó tới vài trăm mét. Họ nghiên cứu, tìm tòi và cho rằng cửa cung điện và vị trí vườn treo nằm trải dài từ sông tới cung điện. Nhiều bức tường dày 25m được lộ ra qua những lần khai quật của các đoàn khảo cổ học. Đó cũng là cơ sở cho những đoán định rằng, rất có thể đó chính là các bậc để tạo nên những sân thượng. Những bức tường dày 25m này so sánh với các bức tường được ghi lại trong văn bản Hy Lạp xa xưa thì thấy rất giống về cách mô tả.

Vườn treo có thể không thực sự là treo trên cao. Theo nghiên cứu của những nhà văn hóa, sử học, cái tên Babylon bắt nguồn từ việc dịch không chính xác từ Kremastos trong tiếng Hy Lạp hay từ Pesilis trong tiếng La tinh. Theo đó, từ Babylon vốn không chỉ mang nghĩa là treo mà còn là nhô ra ở trên (như là một sân thượng hay một ban công ở phía trên) (10).

Thành quả nghiên cứu của Strabo cho biết: “Vườn treo Babylon gồm những ban công xây hình vòm, cái nọ chồng trên cái kia, và tựa trên các cột hình khối. Nó có những chỗ lõm vào và được đổ đất vào đó để trồng được những cây lớn. Các cột, vòm, và các sân thượng được xây dựng bằng gạch nung và nhựa đường”. Còn Đặng Đức An từng mô tả: vườn treo được xây dựng trên những cột đá to lớn, phía trên có một tháp bốn tầng. Tầng dưới cùng của vườn là một hình vuông, kích thước mỗi chiều 246m, nằm trên một hệ thống cột, mỗi chiều có 25 chiếc. Các tầng trên cứ nhỏ dần đi, tầng hai có 21 cột mỗi chiều, tầng ba có 17 cột mỗi chiều. Tầng trên cách mặt đất tới 77m, đứng trên đó có thể ngắm nhìn bao quát kinh thành Babylon. Trong mỗi tầng tháp, người ta xây những vòm cuốn bằng gạch rất chắc chắn, mặt bằng của tầng tháp được lát bằng những phiến đá to (dài 5m, rộng 1,2m) xếp khít vào nhau. Trên các tấm đá này, phủ một lớp lau sậy trộn nhựa đường. Sau đó, người ta lại lát hai lớp gạch nung ghép liền với nhau bằng bột thạch anh và trên cùng đặt những tấm chì để nước khỏi thấm xuống tầng dưới. Tầng trên cùng được rải một lớp đất màu mỡ để có thể trồng cả những cây loại lớn. Nhiều loại cây thảo mộc quý hiếm, hoa thơm, quả ngọt được đưa từ khắp đất nước và cả từ nước ngoài mang về trồng tại đây (11).

Tìm hiểu về việc tưới nước cho vườn treo, có người cho rằng đó là một hệ thống đài phun nước gồm 2 bánh xe lớn liên kết với nhau bằng dây xích có gắn thùng gỗ, khi bánh xe quay, dây xích và thùng nước cũng chuyển động đưa nước ở một cái bể phía dưới đưa lên cao tưới nước cho cây. Về vấn đề này, Đặng Đức An đồng ý kiến, nhưng trong nghiên cứu của mình, ông có bổ sung: các nhà bác học cổ Babylon đương thời đã sử dụng một hệ thống gầu xếp thành chuỗi quay liên tục, lấy nước từ sông Euplrates đổ vào ba cái giếng, rồi hàng ngày từng đoàn nô lệ xách từng thùng nước mang lên tưới cho cây cỏ trên vườn treo (12).

Tổng thể khu vườn treo Babylon là những tường thành hùng vĩ, cung điện nguy nga tráng lệ, đường sá, cầu cống… phản ánh trình độ thẩm mỹ, óc sáng tạo, đặc biệt kỹ thuật tính toán xây dựng rất cao của những người nông dân Lưỡng Hà cổ đại. Đã có nhiều người nghiên cứu và tái hiện lại khung cảnh của vười treo Babylon xưa kia đã không thể trả lời được câu hỏi: Tại sao ở một vùng đất phần lớn là sa mạc, chỉ có dầu mỏ và ruồi vàng mà kiến trúc sư lại là những người nông dân lại có thể xây dựng được công trình kiến trúc tráng lệ như vậy? Có lẽ sự tuyệt vời của vườn treo Babylon khiến ngay từ thời cổ đại, nó được công nhận là một trong bảy kỳ quan thế giới.

Taj Mahal đẹp như chính huyền thoại tình yêu của nó. Với vẻ đẹp hoàn mỹ, công trình kiến trúc này đã được nhiều người gọi là viên trân châu tình yêu. Vẫn tồn tại một số tranh cãi xung quanh câu hỏi: ai là người thiết kế Taj Mahal? Nhiều nghiên cứu cho rằng, Shah Jahan đã chọn đề án của nhà kiến trúc người Ấn Độ là Islat Han Effendi làm theo mô hình các lăng tẩm của người Juốc. Tuy nhiên, ý kiến khác lại không đồng quan điểm khi khẳng định: công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư chính người Ba Tư Ustad Isa, tham gia trang trí nội thất có họa sĩ người Italia Gieronimo Vereneo và họa sĩ người pháp Augustin De Bordeaux. Một số học giả khác cho rằng, tên của người kiến trúc sư chính của Taj Mahal là Ustad Ahmad Lahauri. Dù ai là tác giả của Taj Mahal thì chúng ta cũng thấy, công trình là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mogol, một phong cách tổng hợp các phong cách kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo. Trên thực tế, đã có rất nhiều thợ chuyên môn giỏi đã được tuyển mộ từ Batda, Ixtambun và các nước Hồi giáo khác đến để xây dựng công trình có một không hai này. Phần mái vòm bằng cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất. Chuyện kể rằng, sau khi hoàn tất, ông ra lệnh chặt hết tay của những người thợ xây để không bao giờ họ còn có thể xây nên một ngôi đền đẹp như thế này nữa. Người Ấn Độ gọi Taj Mahal là viên ngọc trân châu của những đền đài Ấn Độ, là giấc mơ tiên hiện thành đá trắng.

 Sự đầu tư xây dựng viên trân châu tình yêu này là rất lớn. Hoàng đế Shah Jahan lúc này đang điều hành đế quốc Mogol trong giai đoạn phát triển cực thịnh. Khi người vợ yêu dấu của ngài, hoàng hậu Mumtaz, về cõi vĩnh hằng, lập tức các nhà xây dựng nổi tiếng nhất được mời đến để lập đề án xây dựng lăng mộ. Học giả Durant W. cho biết: mật độ quân xây dựng khổng lồ gồm 24 ngàn người được thành lập. Các loại cẩm thạch đủ màu quý nhất được chuyển từ khắp các nơi tới Agra. Năm 1632, công trình Taj Mahal được khởi công xây dựng, hoàn thành năm 1648. Suốt 24 năm, 24 ngàn người thợ làm việc cực nhọc và đã tiêu tốn 40 triệu rupi cùng với hầu như toàn bộ ngân khố của đất nước đã đổ vào đây (13).

Đây là không chỉ đơn thuần là lăng mộ mà còn là một quần thể lăng mộ rất nguy nga, đồ sộ. Các nghiên cứu cho biết: lăng chính được hoàn thành năm 1648, và những năm sau đó các công trình xung quanh cùng vườn cây từng bước hoàn thiện, làm khu lăng mộ sinh động thêm. Khu đất xây dựng Taj Mahal hình chữ nhật, dài 580m, rộng 304m. Qua hai cổng và bức tường thành bao quanh ngăn với bên ngoài là một khu sân vườn có kích thước 293 x 297m, có vườn cây xanh tốt quanh năm, bên cạnh có hào nước và bồn phun nước. Lăng mộ nằm ở cuối khu đất. Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài đáy hình bát giác trên nền rất cao, mỗi cạnh 56,7m, xây bằng cẩm thạch trắng lóng lánh. Hai kiến trúc phụ hai bên được xây bằng sa thạch đỏ nhằm làm tôn thêm vai trò của kiến trúc chính. Sừng sững giữa trời xanh là một vòm bán cầu lớn có đường kính 17,7m, cao 61m bằng cẩm thạch trắng đồ sộ, uy nghi. Độ cao từ đỉnh vòm ngoài đến mặt đất là 75m. Ở 4 góc vòm lớn còn có bốn vòm nhỏ cao tới 40m, phân bố đều bốn phía. Trong lăng, có rất nhiều đường diềm, chạm khắc bằng 12 thứ đá quý, trong đó chủ yếu bằng cẩm thạch, vàng và bạc, trang trí theo phong cách truyền thống Ấn Độ.

         Lăng Taj Mahal có hai tầng sâu dưới làm bằng đá gấm trắng tinh. Tại chính giữa gian phòng rộng, lớn, sáng sủa ở tầng hai của tòa lâu đài là nơi đặt hai chiếc quan tài của vua Shah Mahal và hoàng hậu Muntaz Mahal, được làm bằng cẩm thạch màu hồng nhạt, trang trí bằng các hoa văn cây cỏ và các dòng chữ A Rập trích từ kinh Coran. Theo các nghiên cứu, đây chỉ là quan tài tượng trưng, còn quan tài thật đặt linh cữu vua và hoàng hậu đặt ở phòng giữa tầng dưới.

Bên trong lâu đài, trên tường, cửa sổ, bức rèm quây chung quanh hai ngôi mộ là những chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, khảm 12 thứ đá quý nhiều màu sắc trên nền đá cẩm thạch trắng và chạm thủng trên đá hoa cương những họa tiết hình ảnh học, những mô típ hoa lá và những dòng chữ A Rập. Những chạm khắc trên đá trong lăng Taj Mahal không những thiết kế đẹp, tinh xảo và tao nhã, lại thêm màu sắc tuyệt vời trông như thể những bức rèm thêu, khi có ánh sáng chiếu qua càng làm ngời lên rực rỡ. Lăng mộ Taj Mahal tuy được ốp toàn bằng đá cẩm thạch trắng, là thứ đá cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ nhất của ánh sáng cho nên nó thường thay đổi màu sắc theo những thời khắc khác nhau trong ngày.

Các kiến trúc sư đến Ấn Độ đều đánh giá: đây là một tòa lâu đài đồ sộ mà vẫn thanh tú, nhẹ nhàng, nhờ sự sắp hài hòa của các bộ phận và hoàn hảo trong quan hệ tương tác giữa mỗi bộ phận và toàn thể, lại được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên thích hợp. Có lẽ thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Taj Mahal là biểu tượng của sự toàn mỹ (14). Tới thăm Agra năm 1663, nhà du lịch người Pháp Francois Bernier đã viết những lời dạt dào cảm xúc: Tôi sẽ kết thúc bức thư này với những dòng miêu tả về hai lăng mộ tuyệt vời và chúng chính là sự vượt trội đáng kể nhất của Agra trước Delhi. Một lăng được Jehan guyre xây lên để vinh danh người cha Ekbar; và Chah Jehan đã xây lăng kia để tưởng nhớ vợ mình Tage Mehale, một phụ nữ đẹp và nổi tiếng khác thường, người được chồng yêu thương rất mực tới mức có ghi chép rằng trong suốt cuộc đời và khi bà chết đức vua đã luôn ở bên và hầu như đã muốn theo bà vào trong mộ.

Taj Mahal được được liệt vào danh sách các địa điểm di sản thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là một kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới.

Bài ca tình yêu bất tận mà hai vị hoàng đế dành tặng cho người vợ yêu của mình còn ngân vang mãi, không bao giờ dứt. Những tình cảm yêu thương đâu chỉ nồng cháy nhất thời, không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà cao hơn, đó chính là ân nghĩa vợ chồng. Tình yêu ấy sâu nặng hơn bao giờ hết. Những ngày cuối đời, trong bóng tối của phòng giam lạnh lẽo bởi đứa con trai phản loạn, hoàng đế Shâh Jahân vẫn ngóng mãi không thôi đôi mắt thật buồn của ngài qua khe cửa nhỏ về phía lăng mộ Taj Mahal – nơi mà tình yêu trọn vẹn của ông đã dành cho người vợ, hoàng hậu Muntaz Mahal yêu dấu.

_______________

1. Đỗ Đình Hãng, Những nền văn minh rực rỡ cổ xưa, tập 2, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1993.

2, 11, 12. Đặng Đức An, Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1, Nxb Giáo dục, 2005, tr.38-39.

3. Bongard, Levin G.M (chủ biên), Các nền văn minh cổ đại, Matxcơva, 1989, bản tiếng Nga.

4. Skazkin S.D, Tư liệu gốc về lịch sử thế trung đại, tập 2, Matxcơva, 1961, bản tiếng Nga.

5, 6, 7, 13. Durant W., Lịch sử văn minh Ấn Độ, Lá Bối xb, Sài Gòn, tr.78, 85.

8. Nguyễn Thừa Hỷ, Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1987.

9, 10. Avdiev V.I, Lịch sử phương Đông cổ đại, Matxcơva, 1970, bản tiếng Nga.

            14. Phong Châu, Hoàng Huyền, Nguyễn Quang Vinh, Những kỳ quan trên thế giới, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1996.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012

Tác giả : Bùi Thị Ánh Vân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *